Sao Cự Môn – Phần 3

Cự Môn tương phối Lục Cát – Lục Sát

Như đã phân tích ở các phần trước về tính lý của Cự môn. Đành rằng là có các cách cục khác nhau, nhưng sâu hơn chút nữa, thì ta có thể thấy rằng các cách của Cự môn đều chịu ảnh hưởng rất nhiều của các tá diệu. Cho nên, xem xét việc Cự môn tương phối với các tá diệu cũng là một kỹ thuật cơ bản để luận đoán các cách cục của Cự Môn.

Cũng theo nguyên tắc thông thường của tử vi, các cách cục của Cự Môn tập trung tính chất ở hai đặc điểm chính : sự Miếu Hãm của chính tinh và Hội hợp của tá tinh – hóa diệu.

Việc miếu hãm thì chắc không phải bàn nữa, bởi nó đã thể hiện trong cách cục của Cự Môn rồi. Còn sự hội hợp của tá tinh, hóa diệu thì cũng theo một nguyên tắc chung là “phùng cát dã cát, phùng hung dã hung”.

Gặp được sao tốt thì là tốt, mà gặp được sao hung thì là hung. Có thể phân tích các trường hợp cụ thể như sau:

Hóa diệu: Hóa diệu là Lộc-Quyền-Khoa-Kỵ, Cự môn rất cần Lộc Quyền Khoa hội hợp để thành cách. Nhưng lại rất ngại Hóa Kỵ che ám (trừ một vài trường hợp đặc biệt được gọi là Phản vi kỳ cách).

Chẳng thế mà các câu phú đều tập trung vào việc xem xét sự hội hợp của Hóa diệu với Cự Môn, điển hình như “Cự môn Thìn Tuất vi hãm địa, Tân nhân hóa cát lộc tranh vanh” – tức là Cự Môn ở Thìn-Tuất vốn là đất hãm sẽ không tốt, nhưng người tuổi Tân thì gặp được Cát Hóa, tài lộc sẽ rất khá.

Như đã dẫn, ngay như cách Thạch Trung Ẩn Ngọc, khi Cự phối với các tá diệu, hóa diệu thì :

Gặp Quyền (hoặc) Lộc là Thượng cách

Gặp Lộc tồn là Thứ cách.

Không có Lộc tồn, chẳng có Hóa cát là tầm thường.

Các sao, các hóa đặc biệt thích hợp với Cự môn là Hóa Lộc, Hóa Quyền, Lộc Tồn. Cổ thư viết : “Nhược đắc lộc tồn đồng độ, tắc phúc hậu lộc trọng, đãn tính tình kiệm phác nhi cẩn thận, chủ phú. Như hóa quyền, hóa lộc, tắc phách lực cực đại, thiện sang nghiệp, chủ quý” nghĩa là : Nếu được Lộc tồn đồng độ, thì phúc dày lộc trọng, nhưng tính tình thì cần kiệm cẩn thận, chủ về giầu sang. Còn như Hóa Quyền, Hóa Lộc, thì tính quyết đoán rất lớn, dễ gây dựng thành cơ nghiệp.

Đặc biệt là cách Cự Môn Tý Ngọ rất cần Quyền, Lộc. Chẳng thế mà Ngọc Thiềm tiên sinh đã nói “Cự môn Tý Ngọ nhị cung phùng, cục trung đắc ngộ dĩ vi vinh, tam hợp hóa cát khoa quyền lộc, quan cao cực phẩm y tử bào.” Nghĩa là Gặp Cự môn ở hai cung Tý-Ngọ, được cục này là vinh hiển, nếu lại được Hóa Cát trong tam hợp hội về, thì có thể làm quan rất cao, mặc áo tía trong triều đình.

Cự Môn với Lục Cát (Tả Hữu Xương Khúc Khôi Việt) :

Với lục cát tinh, đương nhiên là nhóm của những sao phò trợ rất đắc lực để hỗ trợ thành cách. Nhưng trong đó, Cự môn đặc biệt thích hợp với Tả Hữu hơn. Cự được tả hữu hội hợp, dễ làm nên cơ nghiệp. Tả hữu trợ giúp cho Cự môn đắc dụng nhất là khi phối hợp được với Lộc tồn, người tuổi Quý được cách này sẽ phần nhiều là quý hiển.

Còn đối với Khôi Việt, ngoài ý nghĩa của Quý Nhân ra, thì Khôi Việt không có sự phụ giúp nào đặc biệt cho Cự Môn cả. Bởi lẽ, Cự môn dù sao cũng có tính tài khí mạnh, mà Khôi Việt thì chủ quý nhiều hơn, nên tác dụng không rõ rệt lắm. Khôi Việt trợ giúp đắc lực nhất cho Cự Môn khi Cự đóng ở cung Mão-Dậu. Trong trường hợp này thì vì có Thiên Cơ đi cung với Cự, nên rất thích hợp với Khôi Việt, chủ về Quý, dễ thành đạt trong quan trường.

Đối với Văn Xương, Văn Khúc, thì gần như là không hợp với Cự, bởi lẽ Cự vốn là hung tinh, chủ về thị phi, không hợp với văn tinh. Nếu lại gia thêm Hóa Kỵ nữa thì càng không hợp. Duy chỉ có một trường hợp Cự Môn cư Thìn, nếu gặp Xương Khúc, Hóa Quyền hoặc Hóa Lộc thì lại là Kỳ cách! Phản hung vi cát.

Cách này vốn dĩ nếu xét theo cách bình thường thì không có gì tốt đẹp cả. Cổ nhân đã nói “Thìn Tuất ứng hiềm hãm Cự Môn” – Hai cung Thìn-Tuất ngại nhất là gặp Cự Môn hãm! Tại vị trí này Cự Môn là đất hãm, đối cung là Thiên đồng cũng Hãm. Xét Tam phương hội hợp thì có 2 trường hợp : Cự môn cư Thìn thì sẽ có Thái Dương hãm hội chiếu, Cự Môn cư Tuất thì sẽ có Thái Dương miếu hội chiếu. Mấu chốt vấn đề chính ở chỗ này.

Đối với Cự Môn cư Tuất, Vương Đình Chi viết : “Cự môn tại Tuất cung, Hóa quyền hoặc Hóa lộc giả, nãi kỳ cách, nhân vi Thái dương tại Ngọ cung, thị Nhật lệ trung thiên, hội chiếu Cự môn, tắc âm ám chi khí tiêu tẫn hĩ.” – Khi Cự môn đóng ở Tuất gặp Hóa Quyền, Hóa Lộc thì là Kỳ cách, nguyên do Thái dương đóng ở Ngọ, nhập miếu là “Nhật lệ trung thiên” sẽ làm tiêu tan cái ám khí của Cự.

Đối với Cự Môn tại Thìn cung, Vương viết : “Tại Thìn cung, hữu nhất cá trọng yếu cách cục: cự môn dữ Văn xương đồng độ, Tân niên sinh nhân chủ phú quý vô luân. (phường bản chích ngôn cự môn tại thần tuất, “Tân sinh nhân mệnh ngộ phản vi kỳ” , thiểu liễu Văn xương đồng độ giá cá điều kiện) tại Tuất cung kiến cát Hóa diệc vi kỳ cách.” – Tại cung Thìn có một cách cục trọng yếu của Cự Môn, đó là Cự Môn Văn Xương đồng độ, người tuổi Tân chủ phú quý không kể hết (phường bản* chỉ nói Cự Môn tại Thìn Tuất “Người tuổi Tân mà mệnh gặp được thì lại lại là kỳ cách”, mà thiếu mất điều kiện Văn xương đồng độ). Tại cung Tuất mà gặp Hóa Cát cũng là kỳ cách.

Như vậy, tổng kết lại sẽ có các trường hợp gọi là “kỳ cách” như sau :

Cự Môn cư Thìn, có Văn xương đồng độ, người tuổi Tân thì đắc cách

Cự môn cư Tuất, có Quyền Lộc hội hợp, người tuổi Tân hợp cách.

Chú ý rằng, điều kiện để có được kỳ cách phải rất chặt chẽ, không được sơ hở, ngoài những điều kiện kể trên, thì bản cung phải sáng sủa, tránh xa Tuần triệt, sát tinh, tam phương tứ chính cần phải có văn tinh, quý tinh trợ thủ thì mới thành cách xác đáng được.

Ngoài ra, như trên đã viết rõ, Cự môn cũng rất cần Lộc tồn để hóa giải mà thành cách, Đẩu số toàn thư viết “Phùng lộc tồn tắc giải kì ách” – Gặp Lộc tồn thì có thể hóa giải tai ách cho Cự môn. Nhưng đặc biệt chú ý, trường hợp Cự môn cư Mão, người tuổi Giáp thì sẽ bị Kình Dương đồng cung, lại là hung cách. (phần phân tích lục sát xem ở phần sau).

Cự môn phối với Lục Sát (Không Kiếp Kình Đà Hỏa Linh).

Ngay từ đầu đã nói rằng Cự Môn là Hung tinh, chủ thị phi-ám muội “minh tranh ám đấu”. Bởi vậy, khi phối với Hung-Sát tinh thì đương nhiên là KHÍ CÁCH, tức là sẽ bị phá cách nặng mà cổ nhân phê rằng “Hủ mộc nan điêu” – như khúc gỗ đã mục nát, không thể đẽo gọt được thành cái gì cả. Kể cả khi Cự miếu vượng mà hội hung sát tinh thì cũng sẽ bị phá cách, không còn tốt đẹp nữa. Nhưng tùy theo mỗi nhóm Hung-Sát tinh mà sẽ có nhưng tác dụng khác nhau đến Cự Môn. Ta hãy thử tìm xem xưa nay người ta luận như thế nào về Cự gặp Hung-Sát tinh.

Đối với Không Kiếp : Địa Không-Địa Kiếp là một cặp sao Sát tinh đáng ngại nhất củatử vi, thậm chí có người còn cho rằng “đóng đâu chết đó”. Vậy khi kết hợp với Cự Môn, thì đương nhiên sẽ làm tăng tính Hung của Cự Môn. Về cơ chế, thì lúc ấy cái “tính hung” của Cự sẽ phối với “tính hung” của Không Kiếp mà tác họa. Tính Hung của Cự Môn là Thị Phi, Ám Muội.. mà tính Hung của Không Kiếp là “giáng thương nhân, hình pháp, thất tài, cô đơn chi họa” tức là giáng họa về thương tích, hình pháp, mất tiền, cô đơn. Cả hai “tính hung” này mà phối hợp với nhau thì khó lòng tránh được tại họa, ít nhiều thì cũng phải gặp phiền toái.

Đẩu số toàn thư có viết : “Thử tinh hóa ám bất nghi phùng, canh hội sát tinh dũ tứ hung, thần xỉ hữu thương kiêm tính mãnh, nhược nhiên nhập miếu khả hòa bình.” – Nghĩa là, Cự môn hóa Ám tinh chẳng nên gặp làm gì, nếu lại hội sát tinh thì càng hung, môi răng dễ bị thương tích lại thêm cái tính mạnh bạo, làm việc gì cũng “nóng giận mất khôn” mà để lại hậu quả, nếu như Cự mà nhập miếu, thì may ra có thể được hòa bình.

Như vậy, Cự gặp Không kiếp thì nên chú ý, ngoài việc mang thương tích vào môi-răng, nhưng quan trọng hơn cả là cái tính Thị Phi-Ám Muội của Cự bị kích động lên, cho nên thường tai họa sinh ra do hành xử nóng giận, vội vã, không kiềm chế được bản thân mình.

Đối với Kình Đà : Kình – Đà là hai sát tinh cũng rất nặng nề của tử vi, tác dụng của nó tuy có khác nhau, nhưng cổ nhân nhóm với Hỏa Linh và quy nó về Tứ Hung. Đối với Cự Môn, thì tác dụng của Kình – Đà có phần nặng nề hơn Không Kiếp. Trong cổ thư có viết về Cự-Kình-Đà một câu “Cự môn Tứ sát – hãm nhi hung” – tức là Cự Môn gặp tứ sát thì không những bị vây hãm, mà còn Hung. Khi Cự gặp Dương-Đà-Hỏa-Linh thì coi như bị phá cách nặng, không những không thể phát huy được (hãm), mà còn đem tai họa đến (hung).

Trần đoàn lão tổ có nhận xét rằng “Tham Hao đồng hành, nhân hảo đồ phối. Ngộ đế tọa tắc chế kì cường. Phùng lộc tồn tắc giải kì ách, trị dương đà nam đạo nữ xướng” – Nghĩa là, Cự môn mà gặp Tham-Hao đồng hành, thì như gặp người bạn tốt, gặp tử vi thì có thể chế được tính cường ngạnh, gặp Lộc tồn có thể giải được ách, gặp Dương-Đà thì trai dễ trộm cắp, mà nữ dễ làm kỹ nữ.

(có nhiều thắc mắc trong câu này của Trần Đoàn lão tổ là Tại sao Cự lại có thể gặp được Tham hoặc tử vi, về mặt an sao thì không thể, và cho rằng câu này là man ngôn. Nhưng về mặt phối hợp với nhau để luận đoán, thì trên lá số không hẳn chỉ có một sự phối hợp khi an sao, mà còn nhiều sự phối hợp khác nữa, vấn đề này cần suy ngẫm thêm).

Bình luận về Cự-Dương-Đà, Ngọc Thiềm tiên sinh phê rằng : “Cự môn dương đà vu thân mệnh tật ách luy hoàng khốn nhược đạo nhi xướng” – Nghĩa là, Cự môn Dương-Đà mà đóng vào Thân-Mệnh hoặc Tật Ách thì gày còm, vàng vọt, ốm yếu, dễ sinh trộm cắp hoặc kỹ nữ.

“Cự môn thủ mệnh kiến Dương Đà, nam nữ tà dâm” – Người Cự môn thủ mênh, nếu trong tam phương tứ chính mà hội Kình Đà, thì thường mang lòng tà dâm.

Với Kình Dương, phê rằng “Cự Hỏa Kình dương, chung thân ải tử” – tức là Cự mà gặp Hỏa linh, Kình dương, thì cuối đời cái chết không được bình thường (ải tử – là thắt cổ tự tử, nhưng dịch cho thoáng nghĩa thì nói như trên).

Với Đà la, Phú nói rằng “Cự môn Đà la đồng cư Thân Mệnh hoặc Tật Ách cung, chủ bần khốn, thể nhược tàn tật, tổ nghiệp phiêu đãng, bôn ba lao lục” – Cự môn Đà la cùng đóng ở Thân, Mệnh hoặc Tật ách cung, thì chủ về nghèo khốn, thân thể yếu đuối, tàn tật, bỏ tổ nghiệp mà trôi nổi, bôn ba vất vả.

Ngoài ra, trong Toàn thư còn thêm một câu về hình tướng “Cự Môn, Đà La tất sinh dị chí” – Tức là Mệnh thân mà có Cự Môn, Đà La thì ắt là sẽ có nhưng nốt ruồi khác lạ (câu này bản phường chỉ nói rằng : Đà la tất sinh dị chí, mà không có Cự môn – cần chiêm nghiệm)

Đối với Hỏa – Linh : Hỏa Linh là hai Hung tinh cùng hàng với Không Kiếp Kình Đà. Phối với Cự Môn, thì cũng giống như những hung sát tinh trên, làm cho hung tính của Cự tăng lên mà tác họa. Tính của Hỏa Linh đặc trưng là yểu chiết, cho nên trong tử vicòn gọi là Đoản thọ sát tinh. Chính vì vậy, mà khi gặp Hung tinh Cự Môn thì trong các cách cục đều phảng phất ý nghĩa này.

Như câu “Cự Hỏa Kình dương chung thân ải tử”, hoặc “Cự môn Hỏa Linh phùng ác hạn, tử vu ngoại đạo” – Cự môn mà gặp Hỏa Linh, nếu vào hạn ác thì có thể chết ngoài đường.

Đối với cách này, thì rất cần phải có Lộc tồn để hóa giải (như trên đã dẫn), và khi nhập hạn thì rất cần tử vi để áp chế thì có thể hóa giải được cái sự hung hiểm của trường hợp này. Ngọc Thiềm tiên sinh phê rằng “Cự môn Hỏa Linh, vô Lộc tồn tử vi áp chế, quyết phối thiên lý, tao hung” – Nghĩa là, Cự-Hỏa-Linh mà không có Lộc-Tử hóa giải, áp chế thì phải quyết là sẽ lấy chồng lấy vợ rất xa (thiên lý), mà sẽ gặp hung họa. Nhưng như bài trước đã viện dẫn, khi Cự môn cư Mão, người tuổi Giáp sẽ gặp Kình dương đồng cung, sẽ là hung cách chứ không hy vọng hóa giải được.

Và cuối cùng, có lẽ cũng căn cứ theo tính chất của Hỏa-Linh, thì xưa còn nhận xét rằng “Cự môn thủ mệnh, tam hợp sát thấu, tất tao hỏa ách” – Cự môn nhập mệnh, nếu trong tam hợp có Hỏa Linh hội về, ắt sẽ gặp hỏa ách.

(câu này vẫn còn đang trong vòng nghi ngờ và tranh cãi, cho rằng nó được suy diễn ra từ tính chất của Hỏa tinh. Bởi lẽ Cự Môn thuộc Thủy, gặp Hỏa không có lẽ nào lại kích động hỏa tính của Hỏa tinh được – cần chiêm nghiệm thêm).

Cự Môn sở dĩ thành ám vì khả năng cản ngăn che khuất của nó. Vậy thì tính chất căn bản của Cự Môn là một vật gây chướng ngại. Đã gây chướng ngại tại sao nó đứng với Thái Dương ở cung Dần lại thành tốt? Trong vũ trụ duy chỉ có vầng Thái Dương không vật gì có thể che khuất bởi vậy Thái Dương đắc địa không sợ Cự Môn.

Cự Môn đứng bên cạnh Thái Dương biến thành một vật gây phản chiếu cho Thái Dương, đồng thời Thái Dương đã chuyển Cự Môn từ ám thành minh. Ảnh hưởng cản ngăn che khuất của Cự Môn gây khó khăn nhiều nhất là quan hệ giao tế.

Đẩu số toàn thư viết: “Tính chất Cự Môn ngoài mặt thì thế mà trong lòng thì khác, đối với người thân ít hợp, giao du với người mới thì trước yêu sau ghét”. Mấy chữ “Cô độc chi số, khắc bạc chi thần” là nói về giao tế.

Cự Môn là sao của thị phi vậy thì Cự Môn “thị” hay “phi”? Vốn là ám điệu như mầu đen chìm dưới đáy biển khó mà biết được thị hay phi.

Trong lối sắp xếp bốn sao Hóa cổ nhân đã đặt để sao Cự Môn không bao giờ đứng cùng Hóa Khoa, nó chỉ đứng bên Hóa Lộc, Hóa Quyền, và Hóa Kị thôi. Cự đi cùng Hóa Kị lực lượng chướng ngại tăng cao hẳn, bởi vậy Mệnh mà gặp Cự Kị dễ rơi vào khẩu thiệt thị phi, tình cảm khôn khó, hoặc cò bót kiện tụng, ngoài ra còn dễ lên bàn giải phẫu.

Cự Môn đứng cùng Hóa Lộc thì lời ăn tiếng nói hoạt bát, tranh biện hay, khả dĩ nói ra tiền vào nghề thầy kiện, vào ngành truyền thông hợp cách. Nhưng bản tính thì không thực, nói cười thân mật mà thiếu tình cảm chân thành.

Cự Môn đứng với Hóa Quyền sách bảo rằng đó là hung mà ra triệu chứng tốt (hung vi cát triệu). Nhờ chướng ngại tạo ra phấn đấu mà nên công nên nghiệp, do chướng ngại mà thành công. Tỉ dụ xã hội biến động bị đẩy vào bước đường cùng, từ cùng sinh biến mà hóa thông. Càng vượt nhiều khó khăn càng thành công lớn. Những người làm chính trị, những người có số hoạnh phát thường thấy Mệnh Cự Môn Hóa Quyền. Cự Môn không cần Hóa Khoa, nhưng gặp Hóa Khoa Cự Môn sẽ tan biến đi tính chất thị phi cố hữu của Cự Môn.

Cự Môn đứng một mình ở các cung Tí, Ngọ, Thìn, Tuất và Tỵ Hợi. Cự Môn đứng cùng Thiên Cơ ở Mão và Dậu. Đứng cùng Thiên Đồng ở Mùi, Sửu. Đứng cùng Thái Dương ở Dần Thân.

Trước nói về Cự Môn Thiên Cơ. Thiên Cơ vốn đã động, Cự Môn lại đa biến. Hai sao này thủ Mệnh cuộc đời biến động nhiều và có tài soay sở, tuy nhiên chỉ thành công nếu như giữ được sự an định, nếu cứ mặc sức biến động thì càng lún sâu vào những khó khăn. Cự Cơ trên nguyên tắc là cách làm giàu với điều kiện phải có Hóa Quyền, Hóa Lộc hoặc Song Hao (Đại Tiểu Hao), đã Lộc thì không nên Hao.

Cự Môn Thái Dương ở Dần tốt hơn ở Thân. Vì Dần cung TháiDương quang huy cònmạnh trong khi ở Thân Thái Dương đã về chiều sức không đủ. Câu phú “Cự Nhật Dần Thân quan phong hầu bá” không hẳn là vậy.

Cự Môn Thiên Đồng gây phiền nhất cả trên tình cảm lẫn danh phận. Cự Đồng thủ Mệnh số trai khó lập công danh cơ nghiệp, số gái lận đận duyên tình.

Nói về Cự Môn đóng hai cung Tí và Ngọ mà ta thường gọi bằng cách “Thạch trung ẩn ngọc” (ngọc còn ẩn trong đá). Cự Môn Tí Ngọ nếu được Khoa Quyền Lộc thủ chiếu là hợp cách ẩn ngọc, tuy không quyền uy lớn nhưng ắt giàu sang. Cự Môn ở Tí tốt hơn Ngọ. Vì lẽ đóng ở Tí mới được Thái Dương Thìn đắc địa, đóng Ngọ thì Thái Dương ở Tuất đã mất nhiều quang huy. Cự Môn Tí hay Ngọ thì Hóa Lộc tạo nhiều sức mạnh hơn Lộc Tồn.

Các sao của tử vi Khoa bao giờ cũng mang hai bộ mặt cát và hung. Cự Môn Hóa Kị bị coi làm hung thần, nhưng lúc biể hiện cũng vẫn có hai mặt tốt xấu. Hãy đọc câu phú sau: “Cự Môn Thìn cung Hóa Kị, Tân nhân Mệnh ngộ phản vi kỳ” (nghĩa là Cự Môn thủ Mệnh tại cung Thìn có Hóa Kị, người tuổi Tân lại biến ra kỳ cách)

Cự Môn Hóa Kị đi cặp rất xấu, nhưng ở trường hợp này lại chuyển thành tốt. Vì nó được cả bốn Hóa, Hóa Quyền đứng bên Thái Dương chiếu lên, Hóa Khoa đứng Tuất với Văn Khúc chiếu qua, và Hóa Lộc đứng cùng Cự Môn thành ra kỳ cách “Tứ Hóa toàn phùng”

Cách này thường gây sôi nổi thị phi nhưng cuối cùng lập thành sự nghiệp to lớn. Cự Môn Hóa Kị ở cách này là con người đi ngược thời thương không a dua mà đặt định một lề lối riêng biệt tiến bộ. Nó đi vào mọi lãnh vực chính trị, quân sự, văn học, âm nhạc đến hội họa, y học….

Nếu như Cự Môn ở Thìn không Hóa Kị, Hóa Khoa chỉ có Quyền với Lộc thôi thì công danh lại thường do người đề bạt mà nên phú quí thiếu sức ông phá của Hóa Kị nên không thành ra người sáng tạo sự nghiệp.

Sao Cự Môn rất hợp với những người tuổi Tân. Vì tuổi Tân sự an bài tứ hoá theo thứ tự Cự Nhật Khúc Xương, đương nhiên nếu Cự Môn thủ Mệnh mà tuổi Tân thì đã chắc chắn có Lộc Quyền. Ngay cả đến cách Cự Đồng vào Mệnh là xấu nhưng với tuổi Tân cái xấu giảm hẳn đi. Bởi vậy mới có câu phú rằng: “Cự Môn Thìn Tuất hãm địa Tân nhân hóa cát lộc tranh vinh” (Cự Môn ở hai cung Thìn Tuất là đất hãm nhưng nếu tuổi Tân thì lại vinh hiển)

Cự Môn đóng ở Thìn là cung Thiên La (lưới trời) hoặc cung Tuất là cung Địa Võng (lưới đất) kể như hãm. Thế hãm này chỉ phá ra được nếu Cự Môn có Địa Không, Địa Kiếp đi bên hoặc đứng với Kình Dương hay Linh Tinh. Cuộc đời trải qua nhiều bôn ba thăng trầm vượt lên mà thành công. Nhắc lại đã Kình thì thôi Linh, đã có Linh thì đừng nên Kình thêm nữa.

Cự Môn có liên hệ nhiều với Thái Dương. Sách Đẩu Số Toàn Thư viết: “Cự Nhật Dần lập Mệnh Thân tiên khu danh nhi thực lộc, Cự Nhật Thân lập Mệnh Dần trì danh thực lộc” nghĩa là Mệnh lập tại Thân Cự Nhật Dần xung chiếu hoặc Mệnh lập tại Dần Cự Nhật xung chiếu cả hai đều danh vị đi trước Lộc tới sau.

Hai cách trên đều có tiền qua chức vị, chức lớn tiền nhiều, chức nhỏ quyền ít không thể do kinh thương mà làm giàu. Rồi một câu khác: “Cự tại Hợi cung, Nhật Mệnh Tỵ thực lộc trì danh, Cự tại Tỵ Nhật Mệnh Hợi phản vi bất giai” nghĩa là Cự đóng Hợi Thái Dương thủ Mệnh Tỵ có tiền rồi có danh, nếu như Cự đóng Tỵ Thái Dương thủ Mệnh tại Hợi thì xấu khó màng đến danh lộc. Cự Hợi xung chiếu Mệnh khả dĩ kinh thương làm giàu, lớn nhỏ còn tùy các phụ tinh khác.

Còn một cách khác về liên hệ giữa Cự Môn với Thái Dương: “Cự Tuất, Nhật Ngọ Mệnhviên diệc vi kỳ” An Mệnh tại cung Dần, Cự Môn đóng Tuất, Thái Dương từ Ngọ chiếu xuống, không bị Tuần Triệt làm ngăn trở Thái Dương cách này công danh tài lộc dễ dàng.

Cự Môn vào Mệnh thường là người ăn nói, lý luận vững vàng, mà cũng dễ vạ miệng nếu như nó đứng cùng các sao xấu. Văn Khúc cũng có khả năng ăn nói, nhưng Văn Khúc biết lựa chiều nên ra tiền và làm đẹp lòng người. Còn Cự Môn nói để lập luận, phân tích, đả kích mà tạo quyền uy. Nếu có Hóa Quyền thì đạt ý muốn, nếu bị các hung sát phá, kết quả gây thù chuốc oán phiền não.

Tài ăn nói của Văn Khúc mang ý hướng đào hoa, thuyết phục. Tài ăn nói của Cự Môn đầy quyền lực, có khuynh hướng áp đặt. Cự Môn đứng với Thiên Đồng ăn nói thường gàn gàn khó nghe.

Cự Môn tuyệt đối không hợp với Linh Tinh, Hỏa Tinh. Cự Môn ngại thấy Kình Dương Đà La. Có những câu cổ quyết ghi trong Đẩu Số Toàn Thư: “Cự Hỏa Linh Tinh phùng ác hạn tử ư ngoại đạo” (Mệnh Cự Hỏa Linh Tinh hay hạn gặp Cự Hỏa Linh Tinh rất hung nguy)

Cự Môn Dương Đà ư Thân Mệnh, tật bệnh doanh hoàng (Cự Môn gặp Dương Đà ở Thân hay Mệnh bệnh tật triền miên)

Những cách trên nếu như gặp Hóa Khoa, hay bộ tam minh Đào hồng Hỉ có thể hóa giải, thêm cả Hỉ Thần càng tốt. Ngoài ra Cự Môn còn có một cách nữa qua câu quyết: Cự Lương Thân Mệnh, bại luân loạn tục (Cự Môn và Thiên Lương một ở Thân, một ở Mệnh thường có khuynh hướng loạn luân)

Cách này chỉ xuất hiện khi nào Cự Môn đóng Mệnh cung mà Thân lại ở Phúc Đức thôi. Trường hợp Thiên Lương Mệnh thì Cự Môn bắt buộc phải đóng Thê cung, không ăn nhập gì đến câu quyết trên.

Qua kinh nghiệm thì chuyện bại luân loạn tục chỉ xảy ra nếu như Mệnh hay PHúc Đức còn có thêm những sao Đào hoa, Thiên Riêu, Mộc Dục, Không Kiếp.

Nhớ lại ngày nào trên Khoa Học Huyền Bí viết bài “Ngôi Sao Nào Được Làm Vua?”. Đọc xong với kết luận mập mờ, coi như bài viết vẫn đang còn bỏ ngỏ. Một câu hỏi mãi đến trên 30 năm mới có trả lời. Người viết e rằng, người hỏi đã chết. Nhưng chắc chắn những người đã từng đọc bài viết ấy vẫn vương vấn trong lòng ‘Ngôi sao nào được làm Vua’. Qua các bài viết trước đã chứng minh rằng, TỬ VI và PHÁ QUÂN là 2 ông Vua hôm nay giới thiệu ông Vua thứ 3 là CỰ MÔN và cũng nói ngay đó là vị Vua cuối cùng. Ông Vua nầy hơi khó bàn đến nhưng không thể tránh né vào đâu được.

Đại diện cho nhóm TỬ PHỦ VŨ LIÊM TƯỚNG ta có TỬ VI. Nhà lãnh đạo.

Đại diện cho nhóm SÁT PHÁ THAM ta có PHÁ QUÂN. Vị Quân Vương.

Đại diện cho nhóm CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG và CỰ NHẬT ta có CỰ MÔN. Nếu gọi CỰ MÔN là người cầm đầu sợ e PHÁ QUÂN ngài giận, vì chữ cầm, nắm, bắt… là của Ngài. Nhưng gọi CỰ MÔN là người đứng đầu sợ e THIÊN KHÔI giận vì THIÊN KHÔI chủ đứng đầu, nếu gọi là người đứng trước thì KÌNH DƯƠNG nó gọi là khêu khích (KÌNH chủ trước, xem bài Chống Ai Theo Ai). Bạn thấy đó đi tìm một chính danh cho một ngôi sao cũng rắc rối tơ vò. Chứ không phải tung hô vạn tuế cho CỰ MÔN để tìm kiếm bổng lộc.

Triết tự chữ Môn cho thấy. Môn là bè đảng, phe phái và CỰ là to lớn. CỰ MÔN là người đứng đầu một đảng, phe, phái, nhóm… đến một tổ chức. Vậy thì CỰ MÔN là người lãnh tụ, ngang hàng với nhà Lãnh Đạo TỬ VI, ngang vai với vị Quân Vương PHÁ QUÂN. Không ai phủ nhận điều đó. CỰ MÔN một ngôi sao hay cãi cũng hài lòng với mỹ từ đã chọn.

Vậy chúng ta có tới 3 Vua. Cũng như trong Phật giáo có 3 vị Phật hiện tại, tương lai và quá khứ. Thiên Chúa giáo cũng có 3 Vua, 3 thể Cha, Con và Thánh Thần. Khi ra đời chúng ta cũng có 3 Vua cai trị nhưng trong lúc vội vàng bạn không nhìn thấy đâu. Đây nè! Trong nhà Cha Mẹ ta là Vua và Hoàng Hậu. Đến trường thầy cô là Vua, là Chúa chơi cho ta một con số THIÊN KHÔNG là không thấy cơ hội viết blog tán gẫu, có chăng là ra đường tán gái cũng chẳng mấy ai thương. Đúng quá phải không? Còn vị Vua thứ 3 thì xã hội nào mà chẳng có, tùy chế độ có cách gọi khác nhau. Chúng ta ‘kính nhi viễn chi’. Có điều đáng nói có một số nước lại có Tổng Thống cha truyền con nối, đích thị là Vua rồi, không thể chối cãi. Gọi phức là King đi, cách tân gọi là King đực vợ là King cái, mắc chi hiếp dâm danh từ Tổng Thống vô duyên quá.

Nếu thấy MỆNH, TÀI, QUAN có 3 ngôi sao kể trên đều có khả năng làm Vua. Một ông Vua chắc chắn phải làm là làm cha, làm mẹ làm chủ một gia đình. Trước Tề Gia sau Trị Quốc tiếp chơi luôn Bình Thiên Hạ. Đúng chưa? Nếu đúng tức là đi theo đường lối của Khổng Tử đấy. Nhưng trước hết là Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ. Đáng tiếc cho người viết tu thân 60 năm cuộc đời đến nay vẫn chưa xong. Những vẫn cầu mong cho người đại chí Bình Thiên Hạ để Việt Nam hãnh diện trước 5 châu, hiện giờ có vẻ như là có sao ĐÀ LA ám, nhịp đời không biết kéo dài bao lâu.

Ngoài 3 sao trên. Nhóm CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG bị phê như sau:

“CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG tác lại nhân”. Tác lại nhân. Tức người làm quan lại nhỏ. Quan là quan lớn, lại là quan nhỏ. Tốt là làm quan lớn, xấu là làm quan nhỏ. Đó là quan niệm ngày xưa, cách đây hơn 2500 về trước. Thực tế đó là những nhà khoa học không ưa dính dáng đến chính trị, thừa hưởng cuộc sống an nhàn thích nghiên cứu trong sách vở… Nhưng cũng bộ sao trên thấy CỰ MÔN hội họp lại khác. Đó là những lý do giải thích ta có Lê Lợi vô chính diệu có CỰ MÔN xung với ‘Hội Thề Lũng Nhai’. Lê Uy Mục với CỰ MÔN tại MỆNH. Ông Nguyễn Cao Kỳ có thể kể như Phó Vương, CỰ MÔN tại Quan với đám đàn em Không Quân. Nhất Linh có CỰ MÔN cư TÀI lãnh đạo một nhóm Q.D.Đ

CỰ MÔN: chủ CAN GIÁN, CAN NGĂN, PHẢN ĐỐI, PHẢN, PHẢN BỘI, PHẢN ĐỘNG:

CỰ MÔN chủ phản đối là sao đứng hàng đầu thị phi chi diệu. Nói đến CỰ MÔN là nói đến bất mãn, chê bai, chỉ trích, cự cải. Tùy trường hợp có khi là can gián, can ngăn… tùy thuộc vào hung, cát, quyền tinh được quyền can gián. Ngày xưa các ông vua có đầu óc dân chủ rất coi trọng chức vị nầy, dĩ nhiên ông vua độc tài chức vụ nầy dễ bị dẹp bỏ, nếu có cũng là cho có mà thôi. Từ can gián phản đối đến phản bội đôi khi là một bước rất ngắn. Tuy nhiên chúng ta cần biết phản bội là gì? Phản bội nghĩa đen là xoay lưng lại. Ngày trước nó xoay mặt vào mình nghe nói chuyện, hôm nay xoay lưng bỏ đi theo người khác (vì vậy các bề tôi của Vua thường đi lui vài bước mới dám xoay lưng lại). Từ phản bội theo người khác đến phản động đem quân chống lại không mấy xa. Xem truyện Tàu những chuyện như vậy là thường.

Chỉ cần chạy từ phòng tuyến nầy qua phòng tuyến kia biến thù thành bạn, lấy bạn làm thù. Chơi chán chạy về cũng lấy thù làm bạn lần nữa… vì vậy sao nầy có tính phản trắc rất cao, sớm đầu tối đánh… Như con vợ theo trai chán chê, lủi thủi về lại mái tranh nghèo bên cạnh ông chồng tội vì nghèo. Như người con trai mê đắm bùa mê thuốc lú tỉnh ra: Ta về tắm lại ao ta, dù trong dù đục ao nhà sạch hơn.

CỰ MÔN chủ: CỬA CHÍNH, CỬA TRƯỚC, CỬA LỚN

Trong nhà cửa CỰ MÔN chỉ cửa chính, lớn, trước. TANG MÔN chỉ cửa sau, cửa phụ. CỰ MÔN gặp TANG MÔN là cách LƯỠNG MÔN.

“Ngọ Môn 5 cửa 9 lầu.

Một lầu vàng 8 lầu xanh.

3 cửa thẳng, 2 cửa quanh.

Thân em phận gái giữ chốn kinh thành làm chi?”

Ngày xưa cửa một cánh là hộ, cửa 2 cánh là môn. Là sao CỰ MÔN chủ cửa trước, cửa chính. TANG MÔN chủ cửa sau, cửa hông, cửa phụ. Cửa nầy dùng cho kẻ địa vị thấp và đôi khi được ai đó sử dụng vào mục đích bất chính. Có câu: “Đưa người cửa trước, rước người cửa sau”. Đây là một đề tài hấp dẫn nhưng tạm dừng ở đây.

Từ cái cửa ta đoán ra cái nhà phải không bạn? Với Ngọ môn, Thiên An môn đằng sau đó là cung cấm.Cửa ngỏ đôi khi rất đơn sơ, có khi lại không có, vì có gì đâu để mất. Có dịp nhàn du bạn hãy quan tâm cái cửa của nhà bạn trước, sau đó bạn chú ý đến cửa của thiên hạ, chắc chắn sau cuộc nhàn du ấy bạn sẽ ngạc nhiên vì có 1 số người rất quan trọng hóa cái cửa và đôi khi chúng ta bị uy hiếp vì cái cửa.

Có cách lưỡng Môn chưa chắc đã là hay vì đó là dấu hiệu của bất chính, của chia rẽ. Không có dấu hiệu trên mới thật tuyệt. Tại Huế nhìn cái cổng ta có thể biết quan chức của một người.

Cự môn là bắc đẩu đệ nhị tinh, ngũ hành thuộc âm thổ, lại vừa thuộc âm kim.

Cổ nhân có cố sự thổ tĩnh kim mai, cho nên cự môn hành vi là ám diệu, chủ thị phi khẩu thiệt và minh tranh ám môn.

Nhưng ngoài chủ thị phi khẩu thiệt, cự môn còn chủ tài ăn nói, hùng biện, tối hỉ hóa quyền, là cách cục cao cố năng phú quý, nếu không cũng có địa vị của một người thầy (vi nhân sư biểu).Có thái dương hội chiếu, tắc quang minh lỗi lạc, năng phú năng quý.

Xã hội cổ đại điều kiện hạn chế, người cự môn thủ mệnh phát triển tác nghiệp có hạn, xã hội hiện tại đã thay đổi, tất có thể là công quan, người có tài dẫn chương trình, phát thanh viên, thậm chí có thể làm ngoại giao hoặc luật sư. Nếu kiến liêm trinh, tham lang, long trì, phượng các, thiên tài lại có khả năng theo nghề biểu diễn nghệ thuật.

Đặc tính của cự môn là có tài ăn nói, nhưng trong phương diện giao tế không giống tham lang thiên về dật nhạc và tửu sắc tài khí, cũng không như thiên cơ thiên về khôn khéo sành đời, bởi vì cự môn thực tế, cụ thể hơn.

Tài ăn nói của văn khúc, xảo ngôn, ngọt ngào khéo luồn lọt,có chút ranh mãnh, cự môn đem lời lẽ lấy tín nhiệm với người khác, cho nên nếu thêm hóa quyền, tức là lời lẽ sẵn có quyền uy.Nếu cự môn hóa lộc, tất phù hợp nghề biểu diễn, đặc biệt có thể trở thành MC ưu tú.Kiến văn xương văn khúc, hồng loan thiên hỉ, thiên diêu,hàm trì thêm tốt đẹp.

Nếu cự môn hóa quyền hoặc hóa lộc lại có hóa khoa hội hợp, chủ thanh danh viễn bá, tất là người nổi tiếng trong xã hội, thỉnh thoảng lại công khai phát biểu ngôn luận.

Đặc điểm lớn nhất của cự môn là thích thể hiện bản thân, nhưng nếu như học thiếu tinh xảo, thiếu trọn vẹn, liền tài năng không đủ dùng, sẽ không dễ dàng thuyết phục người khác, vì vậy mà rước lấy hiềm kị, cho nên cự môn tối hỉ hội xương khúc ,hóa khoa văn diệu.Mệnh cung nếu như không kiến văn diệu, phúc đức cung lại có văn tinh tụ tập thì cũng có thể bổ cứu.

Cự môn cư tý ngọ hai cung, gọi là thạch trung ẩn ngọc. Cách cục này tốt bởi vì giảm thiểu ham muốn thể hiện hiểu biết của bản thân, là chứa tài hoa mà không lộ, là mĩ cách. Nếu kiến hóa lộc, hóa quyền, hóa khoa là thượng cách, kiến lộc tồn là thứ cách, chủ nhân có địa vị xã hội cao quý, giàu có.Nhưng người có cách cục này, một khi leo cao lên vị trí người đứng đầu, tất trái lại rước lấy kiềm kị ,thân bại danh liệt, cho nên cách cục này, cần phải chú ý tu dưỡng tài năng và học vẫn, đồng thời kiềm chế ham muốn thể hiện bản thân.

Thái dương và cự môn hội hợp, có thể giải tính ám của cự môn, cho nên người cự nhật thủ mệnh làm việc quang minh lỗi lạc, dễ hiểu.

Tổ hợp tinh hệ thái dương cự môn lại có tính chất “dị tộc”, cho nên một khi tinh hệ này hội hợp cát diệu, liền xem cung vị mà định, có cùng dị tộc kết hôn, hay tính chất được người dị tộc sùng bái (hay sùng bái người dị tộc nhỉ ) .

Cự môn đối với hỏa linh, dương đà, kiếp, hình, kị đều có sở úy. Đại thể như sau : dương đà thì cảm tình sóng gió ba đào; hỏa linh cuộc đời thêm rất nhiều phong ba; không kiếp thất bại trớ trêu, lại theo thuyết pháp của cổ nhân, khả năng tuổi thơ bị cha mẹ bỏ rơi; hình kị tất sinh khẩu thiệt thị phi.Nếu như tứ sát đều chiếu, lại kiến thiên hình, tại tật ách cung là không tốt, tất yểu.

Cự phùng tứ sát cách

“Cự phùng tứ sát cách” tức là Cư Môn lạc hãm thủ cung Thân; tứ sát Hỏa tinh, Linh tinh, Kình dương, Đà la thủ cung Mệnh.

Cổ ca nói:

Cự môn lạc hãm tại thân cung,

Tứ sát thiên vu mệnh lý phùng,

Nhược thị cát tinh vô cứu giải,

Tất tao lưu phối viễn phương trung.

Dịch nghĩa:

Cự Môn lạc hãm ở cung Thân,

Lại gặp hung sát cư Mệnh cung,

Nếu không cát tinh thời giải cứu,

Tất sẽ lưu lạc bốn phương trời.

Cách này, Vương Đình Chi cho rằng có chút nghi vấn. Căn cứ sách “tử vi Đẩu Số toàn thư” nói: “Cự Môn ở thân mệnh mà gặp chúng là kị, đối cung có Hỏa tinh, Linh tinh Bạch Hổ, mà không có Đế tinh, sao Lộc, thì lưu đầy ở chân trời” (Cự môn thân mệnh phùng chi vi kị, đối cung Hỏa Linh Bạch hổ cộng bạn, vô Đế Lộc, lưu phối thiên nhai). Ở đây nói, bất kể Cự Môn thủ cung mệnh hay thủ cung thân, đối cung mà gặp sát, thì mới là mệnh “lưu phối” (tức bị xung vào quân ngũ, một hình thức lưu đầy thời xưa), chứ chẳng phải Cự Môn thủ cung thân, còn tứ sát thủ cung mệnh. Nhưng cung thân rất nhiều lúc là cung Thiên Di, cho nên thuật sỹ thời Minh nói thành Cự Môn và tứ sát chia ra thủ cung thân và cung mệnh.

Có khả năng theo thể lệ của “ca quyết” bảy chữ thành câu, vì vậy nói không được rõ. Cự môn thủ mệnh gặp Kình dương Đà la, cổ nhân cho rằng “nam nữ dâm tà”; khi gặp Hỏa tinh Linh tinh là “chết ở ngoài đường”. Do đó, người xưa đã gộp hai tính chất này lại thành mệnh cung “lưu đày nơi xa”, trừ khi được tử vi và Lộc Tôn áp chế.

Theo kinh nghiệm của Vương Đình Chi hầu như lại chẳng gặp hung hiểm gì, bởi vì trong xã hội cổ đại, không có loại nghề nghiệp vận dụng “điều tiếng thị phi”; còn trong xã hội hiện đại, người theo những nghề này rất nhiều (như Luật sư, nhân viên quảng cáo, nhân viên môi giới, .v.v… ) Tức dù Cự môn thủ mệnh gặp tứ sát, cũng chỉ làm cho cuộc đời của người này tăng thêm chút sóng gió, trắc trở mà thôi.

Còn phạm pháp, đây lại là một đặc điểm khác, nếu Cự môn hóa Kị, thì cuộc đời sẽ vào tù ra khám.

(Dẫn theo trang kilotuvi.blogspot.com/)


Chủ đề: Sao Cự Môn – Phần 3
Biên tập / Tác giả: Hoc.Kabala.vn


Tìm kiếm thêm bài có từ khóa:
Tuyên bố trách nhiệm từ Kabala: 1. Không nên coi những tính toán và nội dung bên trên làm cơ sở duy nhất cho mỗi quyết định. Cuộc đời còn phức tạp hơn nhiều những luận đoán này.
2. Hôm nay là huyền học, ngày mai là vật lí học. Mỗi môn khoa học đều chứa một phần sự thật và đều chứa một phần không chính xác.
3. Một ngày có thể là may, có thể là rủi, kết quả sẽ khác đi phụ thuộc vào việc ta làm gì và hành động như thế nào. Cái rủi dạy cho ta một bài học, cái may khiến ta lười biếng.
4. Sự lựa chọn mạnh hơn cả số phận. Sự lựa chọn chi phối số phận. Quên đi điều đó thật dễ dàng nên chúng ta thường tiếp tục bỏ qua. Đó chính là nguy hiểm và là nguy cơ tiềm ẩn trong các môn mệnh lí.
5. Không nên chờ đợi sự tiên đoán số phận nói với chúng ta điều gì về tương lai, vì tương lai trở thành những trang lịch sử khi chúng ta viết nên chúng. Số phận là sự có thể, lịch sử là cái chúng ta biến sự có thể thành hiện thực.
6. Kabala Huyền học sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)