Kinh Dịch: Đạo của người Quân Tử

Kinh Dịch

Đạo của người quân tử

Nguyễn Hiến Lê

Hạ\ThượngThiênThủySơnLôiPhongHỏaĐịaTrạch
ThiênKiềnNhuĐại SúcĐại TrángTiểu SúcĐại HữuTháiQuải
ThủyTụngKhảmMôngGiảiHoánVị TếKhổn
SơnĐộnKiểnCấnTiểu QuáTiệmLửKhiêmHàm
LôiVô VọngTruânDiChấnÍchPhệ HạpPhụcTùy
PhongCấuTỉnhCổHằngTốnĐỉnhThăngĐại Quá
HỏaĐồng NhânKý TếPhongGia NhânLiMinh DiCách
ĐịaBỉTỷBácDựQuanTấnKhônTụy
TrạchTiếtTổnQui MuộiTrung PhuKhuểLâmĐoài

I. Quẻ Thuần Càn
– Nội quái, ngọai quái đều là Càn.

乾: 元, 亨, 利, 貞.
Càn: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.



Dịch : Càn (có bốn đức – đặc tính): đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, chính và bền.

Giảng: Văn Vương cho rằng bói được quẻ này thì rất tốt, hanh thông, có lợi và tất giữ vững được cho tới lúc cuối cùng.

Về sau, tác giả Thóan truyện (tương truyền là Khổng tử , nhưng không chắc), cho quẻ này một ý nghĩa về vũ trụ, Càn gồm sáu hào đều là dương cả, có nghĩa rất cương kiện, tượng trưng cho trời.

Trời có đức “ nguyên” vì là nguồn gốc của vạn vật; có đức “hanh” vì làm ra mây, mưa để cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng, có đức “lợi” và “trinh” vì biến hóa, khiến cho vật gì cũng giữ được bẩm tính được nguyên khí cho thái hòa (cực hòa) .

Bậc thánh nhân đứng đầu muôn vật, theo đạo Càn thì thiên hạ bình an vô sự.

Tác giả Văn Ngôn truyện cho quẻ này thêm một ý nghĩa nữa về nhân sinh, đạo đức. Càn tượng trưng cho người quân tử . người quân tử có bốn đức.

Nhân, đức lớn nhất, gốc của lòng người , tức như đức “nguyên” của trời.

Lễ, là hợp với đạo lý, hợp với đạo lý thì hanh thông, cho nên lễ tức như đức “hanh” của trời.

Nghĩa, đức này làm cho mọi người được vui vẻ sung sướng, tức như đức “lợi” của trời.

Trí, là sáng suốt, biết rõ thị phị, có biết thị phi mới làm được mọi việc cho nên nó là đức cốt cán, cũng như đức “trinh” chính và bền – của trời.

Nguyên, hanh, lợi , trinh mà giảng thành nhân, lễ , nghĩa, trí, (bốn đức chính của đạo Nho) thì rõ là chịu ảnh hưởng nặng của Nho gia mà ý nghĩa và công dụng của Dịch đã thay đổi khá nhiều rồi.

Trở lên trên là cách hiểu của tiên Nho, các nhà Nho chính thống. Còn vài cách hiểu “mới mẻ” hơn của một số học giả gần đây, như phùng Hữu Lan, Tào Thăng, Cao Hanh mà ở phần I, Chương IV, chúng tôi đã ghi lại rồi.

Hào từ:

初 九: 潛 龍 勿 用
Sơ cửu: Tiềm long vật dụng.


Dịch : hào 1 dương: Rồng còn ẩn náu, chưa (đem tài ra) dùng được.

Giảng: Người Trung Hoa cho con rồng là thần vật, rất biến hóa, lúc ẩn lúc hiện, mà lại htuộc về lòai dương, cho nên chu Công dùng nó để cho ta dễ thấy ý nghĩa các hào – đều là dương cả – trong quẻ Càn.

Hào 1, ở dưới thấp nhất, cho nên ví nó với con rồng còn nấp ở dưới vực sâu, chưa thể làm mây biến hóa được, còn phải đợi thời. Ý nghĩa rấtrõ, Tiểu tượng truyện không giảng gì thêm. Còn Văn Ngôn truyện thì bàn rộng ra về cách sử sữ của bâc thánh nhân, người quân tử : chưa gặp thời thì nên tu đức, luyện tài, không vì thế tục mà đổi chí, không cầu danh, ở ẩn, không ai biết mình cũng không buồn, không gì lay chuyển được chí của mình

九 二 : 見 龍 在 田 . 利 見 大 人 .
Cửu nhị: Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân.


Dịch: Hào 2, dương: rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi.

Giảng: hào 2 là dương, ở giữa nội quái là đắc trung, như vậy là gặp thời, tài đức giúp ích cho đời được: lại thêm hào ứng với nó là hào 5, cũng là dương, cũng đắc trung (vì ở giữa ngọai quái); cho nên hào 2 có thế ví với con rồng đã rời vực mà hiện lên cánh đồng; mà cũng như người có tài đức gặp thời, nên kiến đại nhân).

Văn ngôn: khuyên người có tài đức gặp thời này nên giữ đức tín, đức thận trọng trong ngôn, hành, tránh tà bậy, giữ lòng thành, giúp đời mà không khoe công, như vậy là giữ được đức trung chính của hào 2.

九 三: 君 子 終 日 乾 乾, 夕 惕 若. 厲, 无 咎.
Cửu tam: Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược. Lệ, vô cữu.



Dịch: hào 3, dương: Người quân tử mỗi ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng như lo sợ. Nguy hiểm, nhưng không tôi lỗi.

Giảng: Hào 3 là dương lại ở vị ngôi dương, như vậy là rất cương, mà không đắc trung. Hơn nữa, nó ở trên cùng nội quái mà chưa tiến lên ngọai quái, nghĩa lào ở một chỗ chông chênh, rất khó xử, hco nên bảo là gnuy hiểm (lệ). Nhưng nó vẫn là quân tử, có đức tự cường không ngừng, rất thận trọng, lúc nào cũng như lo sợ, cho nên tuy gặp thời nguy mà cũng không đến nỗi tội lỗi.

Văn ngôn bàn thêm: người quân tử giữ trung tín để tiến đức; sửa lời nói (lập ngôn) vững lòng thành để lập sự nghiệp . . .nhờ vậy mà thấu được đạo lý, giữ được điều nghĩa làm được sự nghiệp tới cùng, ở địa vị cao mà không kiêu, địa vị thấp mà không lo (coi tòan văn ở phần I, Chương II . .. )Lời khuyên đó cũng tựa như lời khuyên ở hào 2

九 四: 或 躍, 在 淵, 无 咎.
Cửu tứ: Hoặc dược, tại uyên, vô cữu.



Dịch: Hào 4, dương: như con rồng có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực (biết tùy thời như thế thì) không lầm lỗi.

(Có người dịch là như con rồng có khi bay nhảy trên vực sâu, không lầm lỗi).

Giảng: Hào 4 là dương ở vị (ngôi) âm, như vậy là bất chính và bất trung; nó lại cũng như hào 3 ở địa vị chông chênh, mới rời nội quái tiến lên ngọai quái, tiến hcưa chắcđã tốt mà thóai thì dở dang. Cho nên phải thận trọng xem xét thời cơ, nên tiến thì tiến (như con rồng bay nhảy) nếu không thì chờ thời (con rồng nằm trong vực), cho nên Chu Công dùng chữ “hoặc”: không nhất định.

Tuy bất chính, bất trung như nó có chất cương kiện (hào dương trong quẻ Càn) nên cũng như hào 3 là bậc quân tử , biết giữ tư cách, biết tùy thời, và rốt cuộc không có lỗi.

Hào này chỉ khác hào 3 ở chỗ nó có thể tiến được, còn hào 3 chưa thể tiến được.

Văn ngôn không giảng gì khác, chỉ khuyên người quân tử tiến đức tu nghiệp, chuẩn bị cho kịp thời để có lúc ra giúp đời.

九 五 : 飛 龍 在 天 , 利 見 大 人.
Cửu ngũ: Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân.



Dịch: Hào 5, dương: Rồng bay trên trời, ra mắt kẻ đại nhân thì lợi.

Giảng : Hào 5 là dương ở vị (ngôi) dương cao nhất trong quẻ lại đắc trung (ở giữa ngọai quái), như vậy là có đủ những điều tốt,vừa cao quí vừa chính trung. Nó lại được hào 2 ở dưới ứng với nó, mà hào 2 cũng cương kiện, đắc trung như nó. Nó là hào tốt nhất trong quẻ , cho nên ví nó với con rồng bay trên trời, và ngôi của nó là ngôi chí tôn (ngôi vua).

Chữ đại nhân (người có tài đức) trỏ cả hào 5 lẫn hào 2: hai đại nhân ở hai hào đó nên gặp nhau, hợp lực với nhau thì có lợi.

Văn ngôn giảng thêm rất rõ và hay về bốn chữ lợi kiến đại nhân: “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô; mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật đều trông vào (…) Mọi vật đều theo loài của nó” (Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; thủy lưu thấp, hỏa tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ (…) các tùy kỳ loại dã).

上 九 . 亢 龍 有 悔.
Thượng cửu: Kháng long hữu hối.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Rồng lên cao quá, có hối hận.

Giảng: hào dương này ở trên cao của quẻ , cương kiện đến cùng rồi, như con rồng bay lên cao quá, không xuống được nữa, nếu vẫn còn hành động thì sẽ có điều đáng tiếc, vì lẻ thịnh quá thì tất suy, đầy thì không được lâu, (doanh bất khả cửu).

Văn ngôn : giảng thêm: Hào 5 địa vị rất quí (vì ở trên cao hơn hết) nhưng không có ngôi, cao mà không có dân (vì hào 5 là vua mới có dân), các người hiền ở dưới mình mà không giúp đỡ mình (vì hào 3 tuy ứng với hào 6 nhưng lại ở nội quái, mà giữa hào 3 và hào 6 có hào 5 là vua làm chủ hào 3 rồi) cho nên hào 6 mà họat động thì tất có điều phải ăn năn. (Lời giảng trong Văn ngôn, tác giả Hệ Từ truyển dẫn lại trong thiên thương, Chương VIII, Tiết 9).

Tóm lại thời của hào này là thời không nên họat động gì cả, sớm rút lui đi thì còn giữ được tư cách người quân tử.

用 九 . 見 群 龍 無 首 . 吉 .
Dụng cửu: Kiến quần long vô thủ. Cát.


Dịch: (nghĩa từng chữ) Dùng hào dương: thấy bầy rồng không có đầu, tốt.

Chú thích: chu Hi giảng: Gặp quẻ Càn này mà sáu hào (dương) đều biến (ra âm) cả, tức là cương mà biến ra nhu, thì tốt. Thánh nhân dùng cái tượng bầy rồng (sáu hào dương) mà không đầu (tức là nhu) để diễn ý đó.

J. Legge, R. Wilhem đều hiểu theo Chu Hi mà không giảng gì thêm. Duy Phan Bội Châu đưa thêm ý kiến riêng, đại ý bảo “Dụng cửu” không phải là một hào. “quần long vô thủ” là sáu hào dương đều biến cả. Con rồng họat động khác thường là cốt ở cái đầu. Sáu hào dương đã biến (ra âm) hết thì không còn hình tích họat động nữa, cho nên gọi là rồng không đầu.

Nhưng cụ cũng nhận rằng đó chỉ là mặt chữ mà giải thích nghĩa đen thôi, chứ cái “ý thâm diệu của thánh nhân thì sâu xa huyền bí quá” Nghĩa là lời kinh tối nghĩa quá, cụ không hiểu nổi.

– Cao Hanh hiểu khác, bảo “bầy rồng không đầu, nghĩa là bầy rồng đã bay lên trời, đầu bị mây che, nên chỉ thấy mình và đuôi. Đó là cái tượng rồng cưỡi mây lên trời, tốt”.

Cách giảng đó dễ hiểu, nhưng hai chữ “dụng cửu” có nghĩa gì đây, phải là một “hào” mới không, thì ông không cho biết. Cứ theo cách ông giảng “dụng lục” của quẻ Khôn – coi quẻ sau – cho “dụng lục” là một hào, thì chắc ông cũng cho “dụng cửu” của quẻ Càn là một hào. Nếu vậy thì “hào” này ra sao? Có phải là cả sáu hào của quẻ đều từ dương biến ra âm, như Chu Hi giảng không ?

– Tào Thăng giải nghĩa khác nữa: “Cửu “ là hào dương biến; “dụng” là lợi dụng, “vô thủ” là không có đầu mối. Đạo Càn (quần long) vận hành, biến hóa kỳ diệu, vạn vật nhờ đó mà thành công, nhưng cái lý do nó không thể thấy được (vô thủ), hễ dùng nó hợp thời thì tốt.

Vậy cơ hồ Tào không cho “dụng cửu” là một hào, mà chỉ có nghĩa là cách dùng quẻ Càn.

– Chu Tuấn Thanh trong “Lục thập tứ quái kinh giải” – Cổ tịch xuất bản xã – đưa ra một cách giải nữa cho “Dụng cửu” là tóm lại nghĩacủa sáu hào thuần dương, Thuần dương là cái đức của trời, là gốc của vạn vật không có gì ở trước nó được, ở trước nó thì xấu, theo sau nó thì tốt. Đó là ý nghĩa của hai chữ “vô thủ” Nghĩa này theo tôi, khó chấp nhận được.

– Nghiêm Linh Phong trong “Chu Dịch tân luận” – Chính trung thư cục –dẫn nhiều thuyết nữa.

Thuyết của Vương An Thgạch, Đo Khiết, cho câu: “dụng cửu: Kiến quần long vô thủ, cát “không phải là một tiết riêng mà chỉ là tiếp theo tiết Thượng cửu”

Thuyết của Ngô Nhân Kiệt, bảo các bản Dịch thời cổ, cho đến đời Phi Trực nhà Hán không có hai chữ “Dụng cửu”, đời sau thêm vào v.v. . .

Tóm lại câu “dụng cửu . .” này, tới nay vẫn còn là một bí mật, không ai hiểu rõ nghĩa, tòan là đóan phỏng. Nếu coi nó là một hào thứ bảy tức trường hợp cả 6 quẻ Càn biến một lần ra âm hết, thì trường hợp đó cả ức triệu lần chưa chắc đã xảy ra một (1), các sách bói, đóan số không khi nào dùng nó cả. Về triết lý, thì ý nghĩa của nó chẳng có gì đặc biệt, cũng chỉ là biết cương mà cũng biết nhu, hợp thời mới tốt.

*

PHỤ LỤC



Dưới đây chúng tôi trích dẫn vài cách giải h 1 qủe Càn của một số học giả gần đây, để độc giả so sánh.

– Chu Tuấn Thanh (sách đã dẫn)

“rồng có 81 cái vảy ! đủ chín lần chín, cho nên dùng nó để tượng trưng hào dương. Rồng tới tiết xuân phân thì lên trời, tiết thu phân thì nấp dưới vực. Hào dương ở vị trí 1, tức là tháng giêng theo lịch nhà chu, tháng tí. Khí dương lúc đó mới động ở suối vàng (hòang tuyền) chưa manh nhà, còn tiềm phục, như người có thánh đức ở giữa đám người ngu . . .cho nên chưa dùng được, tài đức chưa thi thố được.”

– Tào Thăng (sách đã dẫn).

“người thời cổ thấy con rồng khéo biến hóa, cho nó là thần kỳ, dùng nó để đại biểu năng lực. Nếu lấy chữ “long” (rồng) làm chữ “năng” (lực) mà giảng thì con rồng ở dưới vực không dùng được, vì năng lực nó còn tiềm phục, chưa hiện, chưa sinh tác dụng được (. . .)

Dùng cái phép của hào mà giảng thì hào 1 ở dưới hào 2, hào 2 chưa động thì hào 1 không thể động trước. Hào 1 biến động quẻ Càn này thành quẻ Cấu (trên là Thiên, dưới là Phong) thì cũng chỉ là mới g8ạp “ở âm” (?)mà thôi, cho nên bảo là rồng còn ẩn náu, chứa dùng được (Cấu có nghĩa là gặp).

– Cao hanh (sách đã dân) Tôi chỉ trích câu cuối:

“con rồng còn ẩn ở dưới vực mà không hệin, có cái “tượng” tĩnh mà không động. Bói được quẻ này thì không nên thi hành.

Chúng tôi không biêt các học giả Trung Hoa gần đây còn những cách giảng nào mới mẻ hơn không, chứ ba cách trên không kỹ gì hơn cách của người xưa, mà cũng chẳng phát huy thêm được gì

 

2. Quẻ Thuần Khôn
Nội quái, ngoại quái đều là Khôn.


坤 : 元, 亨, 利, 牝 馬 之 貞 . 君 子 有 攸 往 . 先 迷 後 得. 主 利 . 西 南 得 朋 . 東 北 喪 朋 . 安 貞 吉 .
Khôn: Nguyên, hanh , lợi, tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng, tiền mê hậu đắc, chủ lợi. Tây nam đắc bằng, đông bắc táng bằng. An trinh, cát.



Dịch: Khôn có đức đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, đức chính và bền của con ngựa cái. Người quân tử có việc làm mà thủ xướng thì lầm, để người khác thủ xướng mà mình theo sau thì được. chỉ cốt lợi ích cho vạn vật. đi về phía tây nam thì được bạn, về phía đông bắc thì mất bạn. An lòng giữ đức bên vững, tốt.

Giảng : Quẻ Càn gồm 6 hào dương, quẻ Khôn gồm 6 hào âm. Càn “tượng” (1) trời thì không “tượng” đất. Càn cương kiện thì Khôn nhu thuận. Càn tạo ra vạn vật ở vô hình, thuộc phần khí; nhưng phải nhờ Khôn vạn vật mới hữu hình, mới sinh trưởng, cho nên công của Không cũng lớn như công của Càn; chỉ khác Khôn phải ở sau Can, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn; cho nên các đức nguyên, hanh, lợi, Khôn có đủ như Càn; chỉ riêng về đức trinh (chính và bền) thì Khôn hơi khác: tuy chính và bền nhưng phải thuận. Văn Vương dùng con ngựa cái để “tượng” Không: ngựa là giống mạnh mà ngựa cái có tính thuận theo ngựa đực.

Cũng vì Khôn có đức thuận, cho nên khởi xướng phải là Càn, Khôn chỉ tiếp tục công việc của Càn. Người quân tử nếu ở vào địa vị khôn, phải tùy thuộc người trên thì làm việc cũng đừng nên khởi xướng để khỏi lầm lẫn, chờ người ta khởi xướng rồi mới theo thì được việc, như vậy là có đức dày như đất, chở được muôn vật, lớn cũng không kém đức của trời (Càn): “Quân tử dĩ tự cường bất tức” là bài học rút ra từ quẻ Càn.

Chu công còn khuyên đi về phía Tây Nam vì trên Hậu thiên bát quái Khôn ở phía Tây nam (có học giả hiểu là phía Tây và phía Nam) thì được bạn (hoặc được tiền bạc, vì chữ “bằng” cò thể hiểu là bằng hữu, cũng có thể hiểu là bằng bối: bối là vỏ sò ngao xưa dùng làm tiền, 1 bằng là 2 hoặc 10 bối) nếu đi về phía Đông bắc thuộc dương thì mất bạn (hoặc tiền bạc).

Được quẻ này, nến theo những lời khuyên đó mà an lòng, giữ đức bền vững thì tốt.

Câu “Quân tử hữu du vãng, tiên mê hậu đắc” có người hiểu là: “Người quân tử có đi đâu thì trước lầm sau đúng”, mà không giảng tại sao lại như vậy. Hiểu như chúng tôi ở trên thì có lý hơn, làm rõ cái đạo “thuận tòng thì tốt” của Khôn. Chữ “du” ở trong kinh Dịch thường dùng như chữ “sở

Tác giả Văn Ngôn không giảng gì thêm chỉ tóm tắt lại: Đạo Khôn là thuận theo trời mà tiến hành không ngừng.

Hào từ:
1) 初 六: 履 霜, 堅 冰 至
Sơ lục: Lý sương, kiên băng chí.

Giảng: Đây là hào âm đầu tiên trong quẻ. Âm thì lạnh, nên Chu Công ví với sương lạnh mới kết lại thì thành sương, rồi lần lần, lạnh hơn, nước sẽ đông lại thành băng. Hao này có hàm cái ý phải thận trọng từ bước đầu. Tiểu tượng truyện không giảng thêm, còn Văn ngôn truyện thì khuyên ta:

“Nhà nào tích lũy điều lành thì tất có thừa phúc (để đến đời sau); nhà nào tích lũy điều chẳng lành thì tất có thừa tai vạ (để đến đời sau). Như việc bề tôi giết vua, con giết cha, nguyên do không ở trong một buổi sớm chiều; tất dần dà có từ lâu rồi, mà người ta không biết lo toan từ sớm vậy” (tích thiện chí gia tất hữu dư khách, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương: Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triều nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ. Do biện chi bất tảo biện dã).”

Chúng ta để ý: hào 1 quẻ Càn, Dịch chỉ khuyên cứ ở ẩn, tu đức luyện tài chờ thời; còn hào 1 quẻ Khôn này. Dịch răn phải đề phòng từ đầu, nếu không sẽ gặp họa; như vậy Dịch tin ở Dương hơn đạo Âm, trọng Dương hơn Âm .

2) 六 二: 直 方 大, 不 習 无 不 利
Lục nhị: trực phương đại, bất tập vô bất lợi.

Dịch: Hào 2, âm (Đức của mình) thẳng, vuông, lớn thì chẳng phải học tập mà cũng không có gì là không lợi.

Giảng: Hào này rất tốt: thể là âm, vị cũng là âm ( hào chẳn), thế là đắc chính, cho nên bảo là có đức thẳng (trực) nó lại đắc trung, (ở giữa nội quái) cho nên bảo là vuông vức (phương) (1) nó lại ở trong quẻ Khôn, có qui mô lớn, nên chẳng cần học tập khó khăn mà hành động nào cũng hợp đạo lý.

Văn ngôn giảng thêm: người quân tử muốn như hào 2 này mà ngay thẳng ở trong lòng thì phải có đức kinh; vuống ở ngòai (khi tiếp vật) thì phải có đức nghĩa. Có hai đức kính, nghĩa đó thì sẽ không cô lập (?). Nguyên văn: “bất cô”, Chu Hi giảng là to lớn, tức có ý cho rằng: Kính thì “trực”, nghĩa thì “phương”. Có đủ kính và phương thì là “đại”. Chúng tôi hiểu theo câu: Đức bất cô, tất hữu lân” (người có đức thì không lẻ loi, tất có bạn cũng trọng đạo đức như mình (bạn đây là hào 5, ứng với 2) không biết có đúng không.

3) 六 三: 含 章 可 貞, 或 從 王 事, 无 成 有 終
Lục tam: hàm chương khả trinh, hoặc tòng vương sự, vô thành hữu chung.

Dịch: Hào 3, âm: Ngậm chứa (đừng để lộ ra) đức tốt mà giữ vững được, có khi theo người trên mà làm việc nước, đừng chiếm lấy sự thành công thì sau cùng sẽ có kết quả.

Giảng: Hào 3 là âm mà ở vào địa vị dương (lẻ), như vậy là không chính, nhưng nó vốn có đức nhu thuận của quẻ Khôn, thêm được tính cương kiện của vị dương, thì lại là tốt (đây là lẽ biến hóa của Dịch).

Nóđứng trên cùng nội quái, tức có thể có chức phận, cho nên bảo là có lúc theo bề trên làm việc nước. Nhưng nó nên nhũn, nhu thuận (đức của Khôn) chỉ làm trọn nghĩa vụ mà đừng chiếm lấy sự thành công thì sau cùng sẽ có kết quả.

Văn ngôn bàn thêm: Ngậm chứa đức tốt, theo người trên làm việc mà không dám chiếm lấy sự thành công, đó là đạo của Đất, của vợ, của bề tôi (địa đạo, thê đạo, thần đạo). Đó là cách cư xử của người dưới đối với người trên.

4) 六 四: 括 囊, 无 咎, 无 譽.
Lục cửu: quát nang, vô cữu, vô dự.

Dịch: Hào 4 âm: như cái túi thắt miệng lại, (kín đáo giữ gìn) thì khỏi tội lỗi mà cũng không danh dự.

Giảng: hào 4 là âm ở địa vị âm trong một quẻ tòan âm, mà không đắc trung như hào 2, ví như người quá nhu thuận, vô tài, không có chút cương cường nào. Đã vậy, mà ở sát hào 5, tức là có địa vị một đại thần, tài thấp mà địa vị cao, nên phải thận trọng thì mới khỏi tội lỗi, an thân, mặc dầu không có danh dự gì.

Hào 4 quẻ Càn cũng ở địa vị như hào này, nhưng là dương, có tài năng, nên còn có thể bay nhảy, tiến được (hoặc dược), khác nhau ở chỗ đó.

Văn ngôn cho hào này có cáitượng “âm cự tuyệt dương” (vì không có chút dương nào cả từ bản thể tới vị), như vậy là âm dương cách tuyệt nhau, trời đất không giao nhau (thiên địa bế), lúc đó hiền nhân nên ở ẩn (hiền nhân ẩn), rất thận trọng thì không bị tai họa.

5) 六 五: 黄 裳, 元 吉.
Lục ngũ: hoàng thường, nguyên cát.

Dịch : hào 5, âm: như cái xiêm màu vàng, lớn, tốt (rất tốt).

Giảng Hào 5 là hào chí tôn trong quẻ , đắc trung. Tuy nó không đắc chính vì là âm mà ở vị dương; nhưng ở trong quẻ Khôn,như vậy lại tốt vì có chút cương, không thuần âm, thuần nhu, như hào 4, tức là có tài, nhưng vẫn là Khiêm nhu (vì là âm). Âm còn hàm ý văn vẻ nữa, trái với dương cương kiện là võ. Cho nên Chu Công cho là hào này rất tốt, và “tượng” bằng cái xiêm màu vàng. Vàng là màu của đất, của trung ương (hàm ý không thái quá, không bất cập) của vàng, đồng, nên người Trung Hoa thời xưa rất quí, chỉ vua chúa mới được dùng màu vàng trong y phục. xiêm là một bộ phận y phục ở phía dưới, đẹp đẽ, hàm cái nghĩa khiêm hạ, không tự tôn.

Văn ngôn bàn thêm: người quân tử có đức trung (màu vàng) ở trong mà thông suốt đạo lý, ở ngôi cao mà vẫn khiêm, tự coi mình ở thể dưới (như cái xiêm); như vậy là chất tốt đẹp ở bên trong mà phát ra bề ngòai, làm nên sự nghiệp lớn, tốt đẹp như vậy là cùng cực.

Như vậy Dịch tuy coi âm (Khôn) không quí bằng dương (Càn), nhưng có lúc coi trọng đức khiêm nhu, mà Dịch cho là đức của người văn minh. Tinh thần đó là tinh thần hiếu hòa, trọng văn hơn võ. Hào 5 quẻ Càn, Chu Công cho là đại quí (long phi tại thiên) nhưng chỉ bảo: “Lợi kiến đại nhân”; còn hào 5 quẻ không thì khen là”nguyên cát” hào tốt nhất trong Kinh Dịch, là có nghĩa vậy.

6) 六 上: 龍 戰 于 野, 其 血 玄 黄.
Lục thượng: Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng.

Dịch: Hào trên cùng âm : Như rồng đánh nhau ở đồng nội, đổ máu đen máu vàng.

Giảng: hào này âm lên tới điểm cực thịnh. Âm dương tuy bổ túc nhau, nhưng bản thể vẫn là ngược nhau, đối địch nhau. Khi âm cực thịnh, dương cũng vậy ( hào 6 quẻ Càn) thì hai bên tất tranh nhau, và cả hai đều bị hại. Đạo đến đó là cùng rồi. cũng vẫn cái nghĩa thịnh cực thì suy như hào 6 quẻ Càn.

Văn ngôn: không giảng gì khác, chỉ cho biết rằng “huyền hoàng”: là sắc của trời đất, âm dương .

Cao Hanh ngờ rằng hai chữ đó [玄 黄] thời xưa dùng như hai chữ [ ] (vì đọc như nhau) và có nghĩa là chảy ròng ròng. Không rõ thuyết nào đúng, nhưng đại ý vẫn là tai hại cả cho hai bên.

7) 用 六: 利 永 貞.
Dụng lục: Lợi vĩnh trinh.
Dịch: (nghĩa từng chữ) dùng hào âm: phải (nên) lâu dài, chính và bền.

Giảng: Hai chữ “dụng lục” ở đây cũng như hai chữ “dụng cửu” ở quẻ Càn rất tối nghĩa, và câu 7 này mỗi nhà giảng một khác. Dưới đây tôi chỉ đưa ra ba thuyết:
• Thuyết của tiên nho: sáu hào âm biến ra sáu hào dương, tức Thuần khôn biến thành Thuần Càn, như một người nhu nhược biến ra một người cương cường, cho nên bảo là: phải (nên) lâu dài, chính và bền.
• Thuyết của Cao Hanh: hỏi về việc cát hay hung lâu dài, mà được “hào” này thì lợi.
• Thuyết của Tào Thăng: Khôn thuận theo Càn cho nên gọi là lợi; Không động thì mở ra, tĩnh thì đóng lại. Cho nên bảo chính và bền, ý muốn nói: đạo Khôn đơn giản mà tác tác thành vạn vật.

Chú ý: chỉ hai quẻ Càn và Khôn là có Văn ngôn truyện, Dụng Cửu và dụng Lục; từ quẻ sau trở đi không còn những tiết đó nữa.

3. QUẺ THỦY LÔI TRUÂN

Ngọai quái (ở trên) là Khảm, nội quái (ở dưới) là Chấn. Khảm là thủy (mà cũng là vân: mây), chấn là lội (sấm) cho nên quẻ này gọi là Thủy lôi (hoặc Vân Lôi), có nghĩa là Truân



Theo Tự quái truyện thì sở dĩ sau hai quẻ Càn, Khôn tới quẻ Truân là vì có trời đất rồi vạn vật tất sinh sôi nảy nở đầy khắp, mà lúc sinh sôi đó là lúc khó khăn. Chữ Truân [屯] có cả hai nghĩa đó: đầy và khó khăn

屯 : 元, 亨, 利, 貞, 勿 用 有 攸 往, 利 建 侯 .
Truân: Nguyên, hanh, lợi , trinh, vật dụng hữu du vãng, lợi kiến hầu.

Dịch: Gặp lúc gian truân, có thể hanh thông lắm (nguyên hanh), nếu giữa vững điều chính (trái với tà) và đừng tiến vội, mà tìm bậc hiền thần giúp mình (kiến hầu là đề cử một người giỏi lên tước hầu).

Giảng: Thóan truyện và Đại tượng truyện giảng đại ý như sau:

Tượng quẻ này là sấm (Chấn) ở dưới mà trên mưa (Khảm), tức có nghĩa động ở trong chốn hiểm, (Khảm là nước có nghĩa là hiểm trở) (1) cho nên có nghĩa là truân.

Lại thêm: nội quái có một hào dương (cương) hai hào âm (nhu); ngọai quái cũng thế; như vậy là cương như, dương âm bắt đầu giao nhau để sinh vạn vật màl úc đầu bao giờ cũng gian nan: truân.

Trong lúc gian nan mà hành động thì có thể tốt, nhưng phải kiên nhẫn giữ điều chính; đừng vội hành động mà trước hết nên tìm người tài giỏi giúp mình. Người tài đứng ra cáng đáng lúc đầu (người mình cất nhắc lên tước hầu) đó là hào 1 dương . Dương thì cương, có tài; hào 1 lại là hào chủ yếu torng nội quái (chấn) có nghĩa họat động. buổi đầu gian nan thì được người đó, tỉ như lập được một đòan thể có nhiều người có tài kinh luân, thì mọi việc sẽ làm được tốt. Đó là ý nghĩa quẻ Truân.

初 九: 磐 桓, 利 居 貞, 利 建 侯 .
Sơ cửu: Bàn hoàn, lợi cư trinh, lợi kiến hầu.

Dịch: Hào 1, dương : còn dùng dằng, giữ được điều chính thì lợi, được đặt lên tước hầu (nghĩa là được giao cho việc giúp đời lúc gian truân) thì lợi.

Giảng: Như trên tôi đã nói, hào này là dương, tượng người có tài, lại đắc chính vì dương ở dương vị, cho nên giữ được điều chính và có lợi; sau cùng nó là dương mà lại dưới hai hào âm trong nội quái, có cái tượng khiêm hạ, được lòng dân. Vậy là người quân tử mới đầu tuy còn do dự, sau sẽ đượcgiao cho trọng trách giúp đời.

六 二: 屯 如 邅 如, 乘 馬 班 如, 匪 寇 婚 媾 . 女 子 貞 不 字, 十 年 乃 字 .
Lục nhị: Truân như, chuyên như, thừa mã ban như. Phỉ khấu hôn cấu, nữ tử trinh bất tự, thập niên nãi tự.

Dịch : hào 2, âm : Khốn đốn khó khăn như người cưỡi ngựa còn dùng dằng lẫn quẩn (Nhưng hào 1 kia) không phải là kẻ cướp, chỉ là muốn cầu hôn với mình thôi. Mình cứ giữ vững chí, đừng chịu, mười năm nữa sẽ kết hôn (với hào 5).

Giảng: Hào 2, âm, vừa đắc trung lẫn đắc chính, lại ứng với hào 5 cũng đắc trung đắc chính ở trên, như vậy là tốt. Chỉ hiềm cách xa hào 5 mà lại ở sát ngay trên hào 1, dương , bị 1 níu kéo, cho nên còn ở trong cảnh truân chuyên (khó khăn). Nhưng đừng ngại, hào 1 có tư cách quân tử , không phải là kẻ xấu muốn hảm hại mình, chỉ muốn cưới mình thôi (1 là dương, 2 là âm). Đừng nhận lời, cứ giữ vững chí, mươi năm nữa sẽ kết hôn với hào 5.

Chữ tự [ 字 ] ở đây nghĩa là gả chồng. Theo kinh Lễ, con gái tới tuổi gã chồng thì cài trâm và đặt tên tự.

六 三: 即 鹿, 无 虞, 惟 入 于 林 中. 君 子 幾, 不 如 舍, 往 吝 .
Lục tam: Tức lộc, vô ngu, duy nhập vu lâm trung. Quân tử cơ, bất như xả, vãng lận.

Dịch: Hào 3 âm: đuổi hươu mà không có thợ săn giúp sức thì chỉ vô sâu trong rừng thôi (không bắt được). Người quân tử hiểu cơ sự ấy thì bỏ đi còn hơn, cứ tíếp tục tiến nữa thì sẽ hối hận.

Giảng: Hào 3 là âm, ở dương vị, bất chính bất trung; tính chất đã không tốt mà ở vào thời truân; hào 6 ở trên cũng là âm nhu không giúp được gì mình, như vậy mà cứ muốn làm càn, như người ham đuổi hươu mà không được thợ săn giúp (chặn đường con hươu, đuổi nó ra khỏi rừng cho mình bắt) thì mình cứ chạy theo con hươu mà càng vô sâu trong rừng thôi. Bỏ đi là hơn.

六 四: 乘 馬 班 如 . 求 婚 媾, 往 吉, 无 不 利 .
Lục tứ: Thừa mã ban như. Cầu hôn cấu, vãng cát, vô bất lợi.

Dịch: Hào 4, âm: cưỡi ngựa mà dùng dằng. Cầu bạn trăm năm (hay đồng tâm) ở dưới (ở xa) thì không gì là không tốt.

Giảng: Hào này âm nhu, đắc chính là người tốt nhưng tài tầm thường, gặp thời Truân không tự mình tiến thủ được. Tuy ở gần hào 5, muốn cầu thân với 5, nhưng 5 đã ứng với 2 rồi, thế là 4 muốn lên mà không được, như người cưỡi ngựa muốn tiến mà dùng dằng. Chu Công khuyên hào 4 nên cầu hôn với hào 1 ở dưới thì hơn: (vì 1 có tài đức) mà cùng nhau giúp đời, không gì là không lợi.

Chúng ta để ý: cặp 5-2 rất xứng nhau, cả hai đều đắc chính, đắc trung, rất đẹp, cặp 4-1 không đẹp bằng: 4 bất trung, kém 2; cho nên phải kết hợp với 1 ở dưới, 1 tuy ở dưới mà đắc chính, như vậy là xứng đôi. Đó là luật: “dĩ loại tụ”, họp với nhau thì phải xứng nhau, đồng tâm, đồng đạo.

九 五: 屯 其 膏; 小 貞 吉, 大 貞 凶 .
Cửu ngũ: Truân kì cao; tiểu trinh cát, đại trinh hung

Dịch: Hào 5, dương: Ân trạch không ban bố được (nguyên văn: dầu mỡ (cao) không trơn (truân), chỉnh đốn việc nhỏ thì tốt, việc lớn thì xấu.

Giảng: Hào cửu ngũ này vừa chính vừa trung, ở địa vị chí tôn, đáng lẽ tốt; nhưng vì ở trong thời gian truân (quẻ Truân) lại ở giữa ngọai quái là Khảm, hiểm, nên chỉ tốt vừa thôi. Hào 2 tuy ứng với nó nhưng âm nhu , không giúp được nhiều; lại thêm hào 1 ở dưới, có tài đức, được lòng dân, uy quyền gần như lấn 5, mà ân trạch của 5 không ban bố khắp nơi được. Cho nên 5 phải lần lần chỉnh đốn các việc nhỏ đã, đừng vội làm việc lớn mà hỏng.
Nghĩa là tuy có tài đức, có địa vị, nhưng cũng phải đợi có thế có thời nữa.

上六: 乘 馬 班 如, 泣 血 漣 如 .
Thượng lục: Thừa mã ban như, khấp huyết liên như.

Dịch: Hào trên cùng âm. Cưỡi ngựa mà dùng dằng, khóc tới máu mắt chảy đầm đìa.

Giảng: Hào này ở trên cùng, là thời gian truân tới cực điểm. Nếu là hào dương (có tài trí) thì gian truân cùng cực sẽ biến thông; nhưng hào này là hào âm, bất tài, bất trí, nhu nhược, chỉ biết lên lưng ngựa rồi mà vẫn dùng dằng mà khóc đến chảy máu mắt (Hảo tuy ứng với hào 6 nhưng cũng âm nhu, chẳng giúp được gì.)

Đọc xong ba quẻ đầu này chúng ta cũng đã thấy: thể của hào chỉ cò: âm và dương, vị của hào chỉ có 6: từ hào sơ đến hào thượng; nhưng ý nghĩa mỗi hào rất thay đổi, tùy ý nghĩa của trọn quẻ, cho nên hào 1 dương quẻ Càn không giống hào 1 dương quẻ Truân; hào 5 dương quẻ Truân cũng không giống hào 5 dương quẻ Càn; hào 2 âm quẻ Khốn không giống hào đó quẻ Truân, hào 6 âm quẻ Truân cũng không giống hào đó ủe khôn. ý ngĩa của quẻ quyết định ý nghĩa của hào, nói cách khác: quẻ là cái thời chung của các hào, mà hào là mỗi việc, mỗi hoàn cảnh trong thời chung đó.

4. Quẻ SƠN THỦY MÔNG

Trên là Cấn (núi) dưới là Khảm (nước)

Quẻ số 3 là Truân, lúc vạn vật mới sinh. Lúc đó vạn vật còn non yếu, mù mờ, cho nên quẻ 4 này là Mông. Mông có hai nghĩa: non yếu và mù mờ

Thoán từ

蒙: 亨, 匪我 求 童 蒙, 童 蒙 求 我 .

初 筮 告, 再 三 瀆, 瀆 則 不 告 .利 貞 .

Mông: Hanh, Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã.

Sơ phệ cáo, tái tam độc, độc tắc bất cáo. Lợi trinh.

Dịch: trẻ thơ được hanh thông. Không phải ta tìm trẻ thơ mà trẻ thơ tìm ta. Hỏi (bói) một lần thì bảo cho, hỏi hai ba lần thì là nhàm, nhàm thì không bảo. Hợp với đạo chính thì lợi (thành công).

Giảng : Theo nghĩa của quẻ thì cấn là ngưng, Khảm là hiểm. Ở trong (nội quái) thì hiểm, mà ở ngoài (ngoại quái) thì ngưng, không tiến được, tỏ ra ý mù mờ, cho nên gọi là Mông.

Xét theo hình tượng thì ở trên có núi (Cấn), dưới chân núi có nước sâu (khảm), cũng có nghĩa tối tăm (Mông). Cũng có thể giảng là dưới chân núi có suối nước trong, tức như hạng người còn nhỏ (khi thành sông mới là lớn), hạng “đồng mông”, cho nên gọi quẻ này là Mông (mông có nghĩa là non yếu).

Đặc biệt quẻ này chỉ chú trọng vào hào 2 và hào 5. Hào 2 là dương cương, đắc trung làm chủ nội quái, đáng là một vị thầy cương nghị, khải mông (tức mở mang cái tối tăm) cho trẻ. Hào đó ứng với hào 5 âm nhu thuận mà cùng đắc trung, là tượng học trò ngoan. Vậy là thầy trò tương đắc, sự học hành tất có kết quả tốt, cho nên quẻ này có đức hanh thông.

Tư cách của thầy cương, của trò nhu, cho nên thầy không phải cầu trò, mà trò phải cầu thầy. Và khi dạy, trò hỏi một lần thì bảo, nếu hỏi 2, 3 lần thì là nhàm, không bảo. Giữ được đạo chính (hoặc bồi dưỡng chính nghĩa) thì lợi thành công. 

Hào từ

1.

初 六: 發 蒙, 利 用 刑 人, 用 說 桎 梏, 以 往 吝.

Sơ lục: phát mông, lợi dụng hình nhân,

Dụng thoát chất cốc, dĩ vãng lận.

Dịch: Hào 1, âm: mở mang cái tối tăm (cho hạng người hôn ám) thì nên dùng hình phạt cốt cho họ thoát khỏi gông cùm, nhưng đừng đi quá mức sẽ hối tiếc.

Giảng: Hào âm này vị ở thấp nhất trong quẻ Mông là tượng kẻ hôn ám nhất, phải dùng hình phạt trừng trị mới cởi cái gông cùm (vĩ vật dục) cho họ được; khi có kết quả rồi thì thôi, đừng quá dùng hình phạt mà sẽ ân hận.

Chữ : “dụng hình nhân”, dịch sát là dùng người coi về hình, tức dùng hình phạt. 

2. 九 二 . 包 蒙 吉 . 納 婦 吉 . 子 克 家 .

Cửu nhị: Bao mông cát, nạp phụ cát, tử khắc gia.

Dịch: Hào, dương: Bao dung kẻ mờ tối, dung nạp hạng người nhu ám như đàn bà, tốt; (ở ngôi dưới mà gánh vác việc trên) như người con cai quản được việc nhà.

Giảng: Hào 2 dương, cương cường, nhưng đắc trung cho nên bảo là có đức bao dung; nó làm chủ nội quái, thống trị cả bốn hào âm, cho nên bảo nó dung nạp được các hào âm, tức hạng người nhu ám như đàn bà, nó ở dưới thấp mà lại là hào quan trọng nhất trong quẻ, nên ví nó như người con cai quản được việc nhà. Tóm lại hào này tốt.

Phan Bội Châu giảng ba chữ “tử khắc gia”cách khác: Cụ cho hào 5 ở địa vị tôn trong quẻ trên (ngoại quái) tức như cha trong nhà, hào 2 ở dưới, tức như con. Cha nhu nhược (vì là âm), con cương cường sáng suốt (vì là dương), cảm hóa được cha mà cha hết hôn ám, như vậy là con chỉnh lý được việc nhà.

Cao Hanh chỉ đứng về phương diện bói, mà không đứng về phương diện đạo lý, không cho Kinh Dịch có ý nghĩa triết lý, xử thế, cho nên hiểu khác hẳn: giảng “nạp phụ” là cưới vợ cho con “tử khắc gia” là con thành gia thất, đó là cái việc tốt của người làm bếp mắt không có đồng tử (bao mông, theo ông là : bào mông, bào là người làm bếp, mông là mắt không có đồng tử). Đại khái cách hiểu của Cao Hanh như vậy, xin đơn cử làm thí dụ. 

3.

六 三: 勿 用 取 女 見 金 夫 .

不 有 躬, 无 攸 利.

Lục tam: Vật dụng thủ nữ kiến kim phu.

Bất hữu cung, vô du lợi.

Dịch : hào 3, âm: đừng dùng hạng con gái thấy ai có vàng bạc là (theo ngay) không biết thân mình nữa; chẳng có lợi gì cả.

Giảng: Hào 3 là âm nhu (ở trong quẻ Mông, là hôn ám) bất trung, bất chính, cho nên ví với người con gái không có nết, bất trinh, ham của. Mà hạng tiểu nhân thấy lợi quên nghĩa cũng vậy (âm còn có nghĩa là tiểu nhân). Phan Bội Châu cho hào này xấu nhất; hạng người nói trong hào không đáng dùng, không đáng giáo hóa nữa. 

4.

六 四 : 困, 蒙, 吝 .

Lục tứ : Khốn, mông, lận.

Dịch: Hào 4, âm: Bị khốn trong vòng hôn ám, hối tiếc.

Giảng: Quẻ Mông chỉ có hào 2 và 6 là dương cương, có thể cởi mở sự hôn ám được, còn hào 4 kia đều là âm hết. Hào 4 này cũng hôn ám như hào 3, nhưng còn tệ hơn hào 3 vì ở xa hào 2 dương (hào 3 còn được ở gần hào 2 dương ), mà chung quanh đều là âm hết (hào 3 và hào 5), như bị nhốt trong vòng hôn ám, tất bị khốn sẽ phải hối tiếc, xấu hổ.

Tiểu tượng truyện giảng: nó phải hối tiếc, xấu hổ vì chỉ một mình nó trong số bốn hào âm là ở xa các hào “thực” tức các hào dương. Hào dương là nét liền, không khuyết ở giữa, nên gọi là “thực” (đặc, đầy) hào âm là vạch đứt, khuyết ở giữa nên gọi là “hư” ; “thực” tượng trưng người có lương tâm “hư” tượng người không có lương tâm. 

5.

六 五: 童 蒙 吉 .

Lục ngũ: Đồng mông cát.

Dịch: Hào 5, âm: Bé con, chưa biết gì (nhưng dễ dạy), tốt.

Giảng: hào 5 này là hào âm tốt nhất như chúng tôi đã nói khi giảng Thóan từ của Văn Vương, vì nó có đức nhu (âm) trung (ở giữa ngọai quái), lại ứngvới hào 2 cương ở dưới, có thể ví nó với đứa trẻ dễ dạy, biết nghe lời thầy (hào 2).

Phan Bội Châu coi hào này như ông vua (vì ở ngôi cao quí nhất trong quẻ) biết tín nhiệm hiền thần (hào 2). 

6.

上 九: 擊 蒙 不 利 為 寇 , 利 禦 寇.

Thượng cửu: Kích mông bất lợi vi khấu, lợi ngự khấu.

Dịch : Hào trên cùng, dương : phép trừ cái ngu tối mà nghiêm khắc quá thì kẻ mình dạy dỗ sẽ phẫn uất, có thể thành giặc, như vậy không có lợi, ngăn ngừa giặc ở ngoài (tức những vật dục quyến rũ kẻ đó) thì có lợi.

Giảng: Hào này ở trên cùng quẻ Mông, có nghĩa sự ngu tối tới cùng cực; nó là dương, ở trên cùng, mà bất trung, cho nên tuy có tài mở mang sự ngu tối nhưng quá nghiêm khắc, làm cho kẻ ngu tối phẫn uất, phản kháng, bất tuân giáo hóa, có thể thành giặc, có hại (chữ “khấu có cả hai nghĩa: giặc, có hại), nên tìm cách ngăn ngừa những vật dục quyến rũ nó thì hơn; mà “cả thầy lần trò đều thuận đạo lý (thượng hạ thuận dã, Tiểu tượng truyện).

Quẻ này nói về cách giáo hóa, cần nghiêm (hào 1) nhưng không nên nghiêm khắc quá mà nên ngăn ngừa lỗi của trẻ (hào 6). 

QUẺ THỦY THIÊN NHU

Trên là Khảm (nước), dưới là Càn (trời)

Quẻ trên là Mông, nhỏ thơ; nhỏ thơ thì cần được nuôi bằng thức ăn, cho nên quẻ này là Nhu. Chữ Nhu này [ 需 ] là chữ nhu trong “nhu yếu phẩm”, những thứ cần thiết, tức thức ăn. Tự quái truyện giảng như vậy.

Nhưng Thoán Từ thì lại giải thích khác: Nhu đây còn có nghĩa nữa là chờ đợi, và theo cái tượng của quẻ thì phải hiểu là chờ đợi.

*

Thoán từ

需: 有 孚, 光 亨, 貞, 吉 . 利 涉 大 川 .

Nhu: Hữu phu, quang hanh, trinh, cát. Lợi thiệp đại xuyên.

Dịch: Chờ đợi: có lòng thành thực tin tưởng, sáng sủa, hanh thông, giữ vững điều chính thì tốt. “Dù gặp việc hiểm như qua sông cũng sẽ thành công.

Giảng: Nội quái là Càn, cương kiện, muốn tiến lên nhưng gặp ngoại quái là Khảm (hiểm) chặn ở trên, nên phải chờ đợi.

Hào làm chủ trong quẻ này là hào 5 dương, ở vị chí tôn (ở quẻ này nên hiểu là ngôi của trời – theo Thoán truyện) mà lại trung, chính; cho nên có cái tượng thành thực, tin tưởng, sáng sủa, hanh thông; miễn là chịu chờ đợi thì việc hiểm gì cũng vượt được mà thành công.

Đại tượng truyện giải thích cũng đại khái như vậy: dưới là Càn, trời, trên là Khảm, mây (Khảm còn có nghĩa là mây); có cái tượng mây đã bao kín bầu trời, thế nào cũng mưa; cứ “ăn uống yến lạc” (ẩm thực yến lạc) yên vui di dưỡng thể xác và tâm chí mà đợi lúc mưa đổ. 

Hào từ:

1.

初 九: 需 于 郊, 利 用 恆 , 无 咎 .

Sơ cửu: Nhu vu giao, lợi dụng hằng, vô cữu.

Dịch: Hào 1 là dương, cương kiện, sáng suốt mà ở xa ngoại quái là Khảm, tức xa nước, xa chỗ hiểm (cũng như còn ở ngòai thành, không gần sông nước), đừng nóng nảy xông vào chỗ hiểm nạn, cứ chịu chờ đợi thì không có lỗi. Chu Công khuyên như vậy vì hào dương này không đắc trung mà có ý muốn tiến. 

2.

九 二: 需 于 沙 , 小 有 言 , 終 吉 .

Cửu nhị: Nhu vu sa, tiểu hữu ngôn, chung cát.

Dịch: Hào 2, dương: Đợi ở bãi cát, tuy có khẩu thiệt một chút, nhưng sau sẽ tốt.

Giảng: Hào này đã gần quẻ Khảm hơn, ví như đã tới bãi cát ở gần sông, chưa tới nỗi sụp hiểm; mà hào lại đắc trung, cho nên tuy là dương cương mà biết khôn khéo, ung dung, không nóng nảy như hào 1, cho nên dù có điều tiếng nho nhỏ, rốt cuộc cũng vẫn tốt. 

3.

九 三 : 需 于 泥 . 致 寇 至.

Cửu tam: Nhu vu nê, trí khấu chí.

Dịch: Hào 3, dương : đợi ở chỗ bùn lầy, như tự mình vời giặc đến.

Giảng: Hào này đã ở sát quẻ Khảm, tuy chưa sụp xuống nước, nhưng đã ở chỗ bùn lầy rồi; thể của nó là dương cương, vị của nó cũng là dương, mà lại không đắc trung, có cái “tượng rất táo bạo nóng nảy, làm càn, tức như tự nó vời giặc đến, tự gây tai họa cho nó. Nếu nó biết kính cẩn, thận trọng thì chưa đến nỗi nào, vì tai họa vẫn còn ở ngoài (ở ngoại quái) (theo tiểu tượng truyện). 

4.

六 四 : 需 于 血, 出 自 穴 .

Lục tứ: Nhu vu huyết, xuất tự huyệt.

Dịch: Hào 4, âm: như đã chờ đợi ở chỗ lưu huyết mà rồi ra khỏi được.

Giảng: hào này đã bắt đầu vào quẻ Khảm, tức chỗ hiểm (như vào chỗ giết hại), nhưng nhờ nó là âm, nhu thuận lại đắc chính (ở vị âm) , nên tránh được họa. 

5.

九 五 : 需 于 酒 食, 貞 吉 .

Cửu ngũ: Nhu vu tửu thực, trinh cát.

Dịch: Hào 5, dương: Chờ đợi ở chỗ ăn uống no say (chỗ yên vui), bền giữ đức trung chính thì tốt.

Giảng: Hào 5, địa vị tôn quí, mà là dương cương trung chính, cho nên tốt, nhưng muốn hạnh phúc được bền thì phải giữ đức trung chính.

6.

上 六:. 入 于 穴 , 有 不 速 之 客 三 人 來 , 敬 之 , 終 吉 .

Thượng lục: Nhập vu huyệt, hữu bất tốc chi khách tam nhân lai, kính chi, chung cát.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Vào chỗ cực hiểm rồi, nhưng có ba người khách thủng thẳng tới, biết kính trọng họ thì sau đựơc tốt lành.

Giảng: Hào này ở trên cùng ngọai quái là Khảm, cho nên bảo là chỗ cực hiểm. Nó có hào 3 ở dưới ứng với nó, hào 3 là dương , kéo theo cả hào 1 và 2 cũng là dương, cho nên nói là có 3 người khách sẽ tới; họ không tới ngay được vì họ ở xa hào 6, cho nên nói là họ thủng thẳng sẽ tới.

Hào 6 âm, có đức Khiêm, nhu thuận, biết trong và nghe theo ba vị khách đó, cho nên cuối cùng sẽ được họ cứu ra khỏi chỗ hiểm mà được tốt lành.

Tiểu tượng truyện: bàn thêm: Tuy hào 6 không xứng vị (bất đáng vị), nhưng không đến nỗi thất bại lớn.

Chu Hi hiểu chữ “vị” đó , là ngôi chẵn (âm vị) ; hào âm ở âm vị, là “đáng” chứ sao lại “bất đáng”, cho nên ông bảo là :”chưa hiểu rõ” (vị tường).

Phan Bội Châu hiểu chữ “vị” là ngôi cao hay thấp; hào 6 ở trên cùng, tức là ngôi cao nhất, mà là âm nhu, bất tài, cho nên bảo “bất đáng” là phải .

****

Quẻ này chỉ cho ta cách xử thế khi chờ đợi, tùy họa ở gần hay ở xa, cốt nhất là đừng nóng nảy, mà phải giữ trung chính. Chúng ta để ý: hào 5 ở giữa quẻ Khảm, tức giữa cơn nguy hiểm mà Chu Công vẫn cho là tốt chỉ vì hào đó cương mà trung chính, nghĩa là cương một cách vừa phải, sáng suốt, chính đáng. 

6. QUẺ THIÊN THỦY TỤNG

Trên là Càn (trời), dưới là Khảm (nước) ngược hẳn với quẻ 5.

Tự quái truyện đã cho Nhu là ăn uống, cho nên giảng rằng vì (vấn đề) ăn uống mà người ta sinh ra tranh nhau, rồi kiện nhau, cho nên sau quẻ Nhu là quẻ Tụng (có nghĩa là kiện cáo)

Thoán từ:

訟 . 有 孚 , 窒, 惕 . 中 吉 . 終 凶 . 利 見 大 人 . 不 利 涉 大 川.

Tụng: Hữu phu, trất, dịch. Trung cát, chung hung

Lợi kiến đại nhân, bất lợi thiệp đại xuyên.

Dịch: Kiện cáo vì mình tin thực mà bị oan ức (trất), sinh ra lo sợ (dịch). Nếu giỡ đạo trung (biện bạch được rồi thì thôi) thì tốt lành,nếu kiện cho đến cùng thì xâu. Tìm được bậc đại nhân (công minh) mà nghe theo thì chỉ có lợi, nếu không thì như lội qua sông lớn (nguy), không có lợi.

Giảng: Theo tượng quẻ này có thể giảng: người trên ( quẻ Càn) là dương cương, áp chế người dưới,mà người dưới ( quẻ Khảm) thì âm hiểm, tất sinh ra kiện cáo, hoặc cho cả trùng quái chỉ là một người, trong lòng thì nham hiểm (nội quái là KHảm), mà ngoài thì cương cường (ngoại quái là Càn), tất sinh sự gây ra kiện cáo.

Thoán từ của Chu Công không hiểu hai cách đó mà cho quẻ này là trường hợp một người có lòng tin thực (hữu phu) mà bị oan ức, vu hãm, không có người xét rõ cho, cho nên lo sợ, phải đi kiện. Nếu người đó giữ đạo trung như hào 2 (đắc trung), nghĩa là minh oan được rồi thì thôi, thì sẽ tốt, nếu cứ đeo đuổi cho tới cùng, quyết thắng, không chịu thôi, thì sẽ xấu.

Quẻ khuyên người đó nên đi tìm bậc đại nhân công minh (tức hào 5 – ứng với hào 2, vừa trung ,chính, vừa ở ngôi cao), mà nghe lời người đó thì có lợi; nếu không thì là tự mình tìm sự nguy hại, như lội qua sông lớn.

Đại tượng truyện đưa ra một cách giảng khác nữa: Càn (trời) có xu hướng đi lên; Khảm (nước) có xu hướng chảy xuống thấp, như vậy là trái ngược nhau, cũng như hai nơi bất đồng đạo, tranh nhau mà sinh ra kiện cáo. Và Đại tượng truyện khuyên người quân tử làm việc gì cũng nên cẩn thận từ lúc đầu để tránh kiện cáo.

Hào từ:

1.

初 六: 不 永 所 事 , 小 有 言 , 終 吉 .

Sơ lục: Bất vinh sở sự, tiểu hữu ngôn, chung cát.

Dịch: Hào 1 âm: đừng kéo dài (vụ kiện) làm gì, tuy bị trách một chút, nhưng sau được tốt.

Giảng: Hào 1, âm nhu ở dưới, được hào 4 cương kiện ở trên ứng viện, tức là có chỗ dựa; nhưng đừng nên ỷ thế sinh sự kéo dài vụ kiện; có bị trách một chút thì cũng thôi, kết quả được biện minh, thế là tốt. 

2.

九 二: 不 克 訟 , 歸 而 逋. 其 邑 人 三 百 戶, 无 眚 .

Cửu nhị: Bất khắc tụng, qui nhi bô.

Kì ấp nhân tam bách hộ, vô sảnh.

Dịch: Hào 2, dương : không nên kiện, lui về mà tránh đi, ấp mình chỉ có ba trăm nóc nhà thôi (ý nói địa vị mình thấp, thế mình nhỏ), như vậy thì không bị họa.

Giảng: Trong phần I, chương IV, chúng tôi đã nói: các hào ứng với nhau (1 với 4, 2 với 5, 3 với 6) phải một dương một âm thì mới có “tình” với nhau, mới ðứng vào một phe, viện trợ nhau, tức trýờng hợp hào 1 và hào 4 quẻ này; nếu cả hai cùng là dýõng hay là âm thì tuy ứng nhau đấy, nhưng có thể kị nhau, cũng như hào 2 và hào 5 quẻ này. Hai hào này đều là dương cả, cho nên coi là địch nhau, đứng vào hai phe ở trong quẻ tụng (kiện cáo).

Hào 2 ở dưới, trung chứ không chính, ở giữa nội quái là Khảm (hiểm) lại bị hai hào âm 1 và 3 vậy, nên thế yếu, muốn kiện hào 5 (vì 2 có tính dương cương) nhưng thế không địch nổi, vì 5 trung , chính lại ở ngôi cao. Dưới kiện trên khác gì trứng chọi đá, không nên, thà rút lui về, tránh đi còn hơn, như vậy không bị tội lỗi.

Tiểu tượng truyện còn dặn thêm: nếu dưới mà kiện trên, tai họa tới là tự mình vơ lấy đấy: hoạn chí xuyết (cũng đọc là chuyết, là đoát) dã:

Phan Bội Châu giảng hào này, dẫn việc Nguyễn Hoàng muốn kình với Trịnh Kiểm (sự thực Trịnh Kiểm muốn hại Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng sợ), cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đáp: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, có ý khuyên nên trốn tránh vào Nam cho thoát nạn; đó là ý nghĩa ba chữ “qui nhi bô” trong hào này. 

3.

六 三 : 食 舊 德, 貞 厲, 終 吉 . 或 從 王 事 , 无 成 .

Lục tam: Thực cựu đức, trinh lệ,

Chung cát; hoặc tòng vương sự, vô thành.

Dịch: Hào 3 âm, Cứ (yên ổn) hưởng cái đức (ân trạch) cũ của mình (Chu Hi hiểu là giữ cái nếp cũ), ăn ở cho chính đáng mà thường để lòng lo sợ thì kết quả sẽ tốt; nếu phải đi theo làm với người trên (chữ vương ở đây trở người trên, không nhất định là vua), thì cũng đừng mong thành công.

Giảng: Hào 3 đã âm nhu lại bất chính (vì hào âm mà ở ngôi dương, ở chông chênh trên cùng quẻ Khảm (hiểm), chung quanh đều là kẻ thích gây sự, kiện cáo (vì hào 2 và 4 đều là dương), cho nên 3 thường phải lo sợ (lệ), nếu hiểu vậy mà biết giữ gìn thì rốt cuộc sẽ yên ổn.

Hào 3 có hào 5 ở trên ứng và có “tình” với mình, 6 là dương cương lại là bề trên (ngôi cao), nên có khi lôi kéo 3 theo nó; trong trường hợp đó, 3 nên an phận thủ thường, cứ phục tùng 6, đừng mong thành công (chẳng hạn 6 muốn đứng ra kiện, kéo 3 theo thì 3 chỉ nên giúp 6 lấy lệ thôi, đừng ham lập công). 

 4.

九 四 : 不克 訟 , 復 即 命, 渝 , 安 貞 吉 .

Cửu tứ: Bất khắc tụng, phục tức mệnh, du, an trinh cát.

Dịch: Hào 4, dương : không thể kiện cáo được, trở lại theo thiên mệnh (lẽ chính đáng), đổi ý đi, ở yên theo điều chính thì tốt.

Giảng: Hào này dương cương mà bất trung, bất chính, “tượng” một người ham kiện cáo. Nhưng không thể kiện ai được: kiện 5 thì 5 ở trên mình, ngôi tôn, không dám kiện; kiện 3 thì 3 nhu thuận, chịu thua trứơc rồi; kiện 2 thì 2 vừa cương, chính , trung, sáng suốt, đã tiên liệu rồi, không chịu kiện; còn 1 thì đã về phe với 4. Đành phải bỏ ý ham kiện đi, theo lẽ phải, ở yên, giữ điều chính, như vậy thì tốt. 

 5.

九 五 : 訟, 元 吉 .

Cửu ngũ: Tụng, nguyên cát.

Dịch: Hào 5 dương : xử kiện hay đi kiện, đều rất tốt.

Giảng : Hào 5 này ở ngôi chí tôn, cương mà minh, trung và chính. Nếu là người xử kiện thì là bậc có đức, có tài (như Bao Công); nếu là người đi kiện thì gặp đựơc quan tòa có đức, có tài. Không gì tốt bằng. 

6.

上 九 : 或 錫 之 鞶 帶 , 終 朝, 三 褫 之.

Thượng cửu: hoặc tích chi bàn đái, chung triêu, tam sỉ chi.

Dịch: hào trên cùng, dương : (kiện ) may mà được cái đai lớn (của quan chức) thì trong một buổi sáng sẽ bị cướp ba lần.

Giảng: Hào dương này ở trên cùng quẻ Tụng là kẻ rất thích kiện, kiện tới cùng. Nó ở ngôi 6 là bất chính, cho nên dù có may ra được kiện, thì chẳng bao lâu cũng sẽ mất hết, rốt cuộc vẫn không lợi.

*

Quẻ tụng này ý nghĩa các hào rất nhất trí, sáng sủa.

Trước sau chỉ là răn người ta đừng ham tranh nhau kiện cáo: hào 3 không kiện với ai, tốt; hào 2 muốn kiện mà sau thôi không kiện, cũng tốt; hào 1 bị kiện thì nên nhường nhịn một chút, rốt cuộc sẽ tốt, duy có hào 6 bằng kiện tới cùng thì dù có thắng, cũng hóa xấu.

Còn hào 5 diễn cái ý: có một Tòa án công minh thì phục cho dân biết bao. 

7.QUẺ ĐỊA THỦY SƯ

Trên là Khôn (đất), dưới là Khảm (nước)

Kiện tụng là tranh nhau, tranh nhau thì lập phe, có đám đông nổi lên; cho nên sau quẻ Tụng tới quẻ Sư – Sư là đám đông, cũng có nghĩa là quân đội.

Thoán từ:

師: 貞 , 丈 人 吉 , 无 咎 .

Sư : Trinh, trượng nhân cát, vô cữu.

Dịch: quân đội mà chính đáng (có thể hiểu là bên chí), có người chỉ huy lão thành thì tốt, không lỗi.

(Có sách hảo hai chữ “trượng [ 丈] nhân” chính là “đại [大] nhân) người tài đức)

Giảng: Trên là Khôn, dưới là Khảm mà sao lại có nghĩa là đám đông, là quân đội ? có 4 cách giảng:

– Đại tượng truyện bảo Khôn là đất, Khảm là nước, ở giữa đất có nước tụ lại, tượng là quần chúng nhóm họp thành đám đông.

– Chu Hi bảo ở dưới, Khảm là hiểm; ở trên, Khôn là thuận; người xưa gởi binh ở trong việc nông (thời bình là nông dân, nhưng vẫn tập tành võ bị, thời loạn thì thành lính), như vậy là giấu cái hiểm (võ bị) trong cái thuận (việc nông).

– Chu Hi còn giảng cách nữa: hào 2 là dương, nằm ở giữa nội quái là tượng ông tướng, 5 hào kia là âm nhu, mềm mại, giao quyền cho 2 điều khiển quân lính (4 hào kia).

Thoán truyện giảng: xuất quân là việc nguy hiểm (quẻ Khảm), độc hại, nhưng nếu xuất quân vì chính nghĩa (trinh chính), để trừ bạo an dân thì dân sẽ theo (Khôn: thuận), sẽ giúp đỡ mình, mình sai khiến được, thì sẽ tốt, lập được nghiệp vương thống trị thiên hạ, không có tội lỗi. 

Hào từ:

1.

初 六 : 師, 出 以 律 , 否 臧, 凶 .

Sơ lục: sư, xuất dĩ luật, phủ tàng, hung

Dịch: Hào 1, âm: Ra quân thì phải có kỷ luật, không khéo (chữ phủ tàng nghĩa là bất thiện ) thi xấu.

Giảng: Đây là bước đầu ra quân, phải cẩn thận, có kỷ luật nghiêm nhưng khéo để khỏi mất lòng dân, quân. 

2.

九 二 : 在 師, 中, 吉, 无 咎 , 王 三 錫 命 .

Cửu nhị: Tại sư, trung, cát, vô cữu, vương tam tích mệnh.

Dịch: Hào 2 dương: Trong quân, có đức trung thì tốt, không tội lỗi, được vua ba lần ban thưởng.

Giảng: Hào này là hào dương độc nhất trong quẻ, thống lĩnh quần âm. Nó đắc cương , đắc trung, lại được hào 5, âm ở trên ứng thuận với nó, như một vị nguyên thủ giao toàn quyền cho một vị tướng. Nhờ nó đắc trung; nên tốt, không bị tội lỗi, mà được nhiều lần ban thưởng (có người giảng là được nhiều lần vua trao lệnh cho). 

3.

六 三 : 師, 或 輿 尸 , 凶 .

Lục tam: Sư, hoặc dư thi, hung.

Dịch: Hào 3, âm: bất chính (vì hào âm ở ngôi dương) lại bất trung ,xấu, thất trận, có thể phải chở xác chết về . .

4.

六 四 : 師, 左 次 , 无 咎 .

Lục tứ: Sư, tả thứ, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Ra quân rồi mà lui về đóng (thứ) ở phía sau (tả) không có lỗi.

Giảng: hào này tuy bất trung nhưng đắc chính, không có tài (hào âm) nhưng biết liệu sức mình, hãy tạm lui, không tiến để khỏi hao quân, đó là phép thường hễ gặp địch mạnh thì tránh đi, cho nên không bị lỗi.

5.

六 五 : 田 有 禽 . 利 執 言 . 无 咎 . 長 子 帥 師 . 弟 子 輿 尸 . 貞 凶 .

Lục ngũ: Điền hữu cầm, lợi chấp ngôn, vô cữu.

Trưởng tử xuất sư, đệ tử dư thi, trinh hung.

Dịch: Hào 5 âm: Như đồng cỏ muông thú (về phá), bắt chúng (chữ ngôn [言] ở đây,dùng như chữ chi [之], thay chữ cầm [禽]) thì lợi.

(dùng) người lão thành làm tướng súy để cầm quân, nếu dùng bọn trẻ (tài kém) thì phải chở thây mà về, và dù danh nghĩa chính đáng (trinh) kết quả vẫn xấu.

Giảng: Hào 5 này, âm, ở vị chí tôn, tượng ông vua ôn nhu và thuận đạo trung, không gây chiến, vì quân địch lấn cõi (như muông thú ở rừng về phá đồng) nên phải đánh đuổi đi, bắt chúng mà không có lỗi.

Ông vua ấy giao quyền cầm quân cho vị lão thành (hào 2 ởdưới) là người xứng đáng , nếu giao cho bạn trẻ bất tài (như hào 3) hoặc để chúng tham gia vào thì sẽ thất bại, dù chiến tranh có chính nghĩa, cũng phải chở xác về , mang nhục. 

 6.

上 六 : 大 君 有 命 . 開 國 承 家 , 小 人 勿 用 .

Thượng lục: đại quân hữu mệnh.

Khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng.

Dịch Hào trên cùng, âm: (Sau khi khải hòan) vua ra lệnh gì quan hệ đến việc mở nước trị nhà thì đừng dùng kẻ tiểu nhân (dù họ có công chiến đấu).

Giảng: Hào này ở trên cùng, trỏ lúc thành công, vua luận công mà khen thưởng. Kẻ tiểu nhân tuy có tài chiến đấu, lập được công thì cũng chỉ thưởng tiền bạc thôi, không nên phong đất cho để cai trị, giao cho địa vị trọng yếu trong nước, vì công việc kiến thiết quốc gia phải người có tài, đức mới gánh nổi.

*

– Quẻ sư này rất hay, lời gọn, ý đủ và đúng. Chúng ta nên nhớ:

– Bất đắc dĩ mới phải ra quân, ra quân phải có chính nghĩa.

– Dùng tướng phải xứng đáng (như hào 2), đừng để cho kẻ bất tài (như hào 3) tham gia.

– Phải cẩn thận từ lúc đầu, kỷ luật nghiêm minh, nhưng phải khéo để khỏi mất lòng dân quân.

– Nếu gặp kẻ địch đương ở thế mạnh thì hãy tạm tránh, không sao.

– Khi thành công rồi, luận công ban thưởng thì kẻ tiểu nhân có công chỉ nên thưởng họ tiền bạc, đừng giao cho họ trọng trách; trọng trách phải về những người tài đức như vậy nước mới thịnh được.

Chỉ dùng hai nét liền, đứt mà suy diễn được như vậy, tài thật. 

Huyền Băng -> RE: Kinh dịch – Nguyễn Hiến Lê (1.11.2005 13:24:03) 

8. QUẺ THỦY ĐỊA TỈ :

Trên là Khảm (nước), dưới là Khôn (đất)

Sư là đám đông, trong đám đông người ta gần gũi nhau, liên lạc với nhau, cho nên sau quẻ Sư là quẻ Tỉ (tỉ là gần gũi, liên lạc).

Chúng ta để ý: quẻ này Khảm trên, Khôn dưới, ngược hẳn với quẻ trước Khôn trên, khảm dưới.

Thoán từ:

比 吉 . 原 筮 , 元 永 貞 , 无 咎 . 不 寧 方 來 , 後 夫 凶 .

Tỉ cát. Nguyên phệ, nguyên vĩnh trinh, vô cữu.

Bất ninh phương lai, hậu phu hung.

Dịch: Gần gũi thì tốt. Bói lần thứ nhì mà được như lần đầu (nguyên phệ) rất tốt, lâu dài, chính thì không có lỗi.

Kẻ nào ở chỗ chưa yên (hoặc gặp trắc trở) sẽ lại với mình (hoặc mình nên vời lại) l kẻ nào tới sau (trễ) thì xấu.

Giảng: Quẻ này là trên đất có nước, nước thấm xuống đất, đất hút lấy nước, cho nên có nghĩa là gần gũi, thân thiết, giúp đỡ nhau.

Lại thêm một hào dương cương, trung chính ( hào 5) thống lĩnh năm hào âm, có cái tượng ông vua (hay người trên) được toàn thể dân (hay người dưới) tin cậy, qui phục do lẽ đó mà gọi là “tỉ”. Nhưng hào 5 đó ở địa vị chí tôn nên phải thận trọng, tự xét mình kỹ càng (nguyên phệ) mà thấy có đủ những đức nguyên, vĩnh, trinh thì mới thật không có lỗi.

“Bất ninh phương lai”, Chu Hi giảng là trên dưới ứng hợp với nhau, chắc là muốn nói hào 5 (trên) và hào 2 (dưới), một dương một âm. Còn ba chữ “hậu phu hung” thì không sách nào cho biết là ám chỉ hào nào, có lẽ là hào trên cùng chăng? 

Hào từ.

1.

初 六 : 有 孚 比 之 , 无 咎 . 有 孚 盈 缶 , 終 來 有 他 吉 .

Sơ lục: Hữu phu, tỉ chi, vô cữu.

Hữu phu doanh phẫu, chung lai hữu tha cát.

Dịch: Hào 1, âm : (Mới đầu) có lòng thành tín mà gần gũi nhau thì không có lỗi. Nếu lòng thành tín nhiều như đầy một cái ang thì có thêm điều tốt khác nữa.

2.

六 二 : 比 之 自 內 , 貞 吉 .

Lục nhị: tỉ chi tự nội, trinh cát.

Dịch: Hào 2, âm: Tự trong mà gần gũi với ngòai, chính đáng thì tốt.

Giảng: hào này âm nhu, đắc trung và chính, ở nội quái, ứng hợp với hào5 dương cương cũng đắc trung và chính ở ngoại quái, cho nên nói là tự trong mà gần gũi với ngoài. Hai bên thân nhau vì đạo đồng chí hợp (cùng trung, chính cả), chứ không phải vì 2 làm thân với bề trên để cầu phú quí, như vậy là chính đáng, không thất thân, nên tốt.

3.

六 三 : 比 之 匪 人 .

Lục tam: Tỉ chi phỉ nhân

Dịch: Hào 3 âm: Gần gũi người không xứng đáng.

Giảng: Hào này âm nhu, không trung không chính, chung quanh lại toàn là âm nhu, cho nên ví với người xấu, không xứng đáng.

4.

六 四 : 外 比 之 , 貞 吉 .

Lục tứ: Ngoại tỉ chi, trinh cát.

Dịch: Hào 4, âm: Gần gũi với bên ngoài (hào 5) giữ đạo chính thì tốt.

Giảng: hào âm ở ngôi 4 đắc chính ,tốt hơn hào 3; lại ở gần hào 5, như vậy là thân với người hiền ( 5 trung và chính ) và phục tòng bề trên, cho nên tốt.

Giảng: hào này ở ngôi chí tôn, dương cương mà trung chính, cho nên cả 5 hào âm (cả thiên hạ) đều phục tòng; đạo gần gũi như vậy, là rất quang minh. Ai tòng phục vua thì cứ tới, không tùng phục mà chống lại thì cứ rút lui, không ép ai cả; để cho mọi người tự do tới lui, cũng như đi săn, không bao vây cả bốn mặt mà chừa một mặt cho cầm thú thoát ra. Do đó người chung quanh được cảm hóa, không phải răn đe mà họ cũng giữ được đào trung chính như vua.

6.

上 六 : 比 之 无 首 , 凶 .

Thượng lục: tỉ chi vô thủ, hung.

Dịch: Hào trên cùng, âm: không có đầu mối để gần gũi, xấu.

Giảng: Hào âm này ở trên cùng bất trung, không sao gần gũi với những hào âm dưới được, thế là không có đầu mối, là vô thủy (thủ ở đây có nghĩa là thủy) mà vô thủy thì vô chung, cho nên xấu.

*

Quẻ này nói về phép nhóm bạn tìm thầy. Phải cẩn thận từ lúc đầu, thành tín, trung chính, vì đạo chứ không vì lợi. Và phải để cho tự do, không nên ép buộc. 

9. QUẺ PHONG THIÊN TIỂU SÚC

Trên là Tốn (gió) dưới là Càn (trời)

Tự quái truyện bảo đã nhóm họp, gần vũi với nhau (tỉ) thì phải có chỗ nuôi nhau, cho nên sau quẻ Tỉ tới quẻ Tiểu súc [ 小 畜 ]

Chữ súc này có nghĩa là nuôi (như mục súc); lại có nghĩa là chứa, dùng như chữ súc tích (chứa chất), và nghĩa: ngăn lại, kiềm chế.

Thoán từ

小 畜 . 亨 . 密 雲 不 雨 . 自 我 西 郊 .

Tiểu súc: Hanh: Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao.

Dịch: Ngăn căn nhỏ (hoặc chứa nhỏ vì chứa cũng hàm cái nghĩa ngăn, bao lại, gom lại) hanh thông. Mây kịt (chưa tan) mà không mưa ở cõi tây của ta.

Giảng: Có ba cách giảng theo tượng của quẻ:

– Quẻ Càn (cương kiện) ở dưới quẻ Tốn (nhu thuận) có nghĩa là âm (Tốn) ngăn cản được dương (Càn), nhỏ ngăn cản được lớn.

– Hoặc: Gió (Tốn) bay trên trời (Càn) còn xa mặt đất, sức ngăn cản của nó còn nhỏ, cho nên gọi là Tiểu súc.

– – Xét các hào thì hào 4 là âm nhu đắc vị; hào này quan trọng nhất trong quẻ (do luật: chúng dĩ quả vi chủ) ngăn cản được 5 hào dương , bắt phải nghe theo nó, cho nên gọi là Tiểu súc (nhỏ ngăn được lớn).

Ngăn được hào 2 và hào 5 đều dương cương thì việc chắc sẽ hanh thông. Nhưng vì nó nhỏ mà sức ngăn cản nhỏ, nên chưa phát triển hết được, như đám mây đóng kịt ở phương Tây mà chưa tan, chưa mưa được. Theo Phan bội Châu, chữ “ngã” (ta) ở đây trỏ Tốn, mà Tốn là âm, thuộc về phương Tây. Nhưng theo Hậu Thiên bát quái thì tốn là Đông Nam.

Chu Hi cho rằng chữ “ngã” đó là Văn Vương tự xưng. Khi viết thoán từ này, Văn Vương ở trong ngục Dữu Lý, mà “cõi tây của ta” tức cõi Kỳ Châu, ở phương Tây của Văn Vương.

Đại Tượng truyện khuyên người quân tử ở trong hoàn cảnh quẻ này (sức còn nhỏ) nên trau dồi, tài văn chương (ý văn đức) chẳng hạn viết lách, chứ đừng hoạt động chính trị.

Hào từ

1.

初 九 : 復 自 道 , 何 其 咎 ? 吉 .

Sơ cửu: Phục tự đạo, hà kỳ cữu? Cát.

Dịch: Hào 1, dương : trở về đạo lý của mình, có lỗi gì đâu? Tốt.

Giảng: hào này là dương cương lại ở trong nội quái Càn, có tài, có chí tiến lên, nhưng vì ở trong quẻ Tiểu Súc, nên bị hào 4, ứng với nó ngăn cản. Nó đành phải quay trở lại, không tiến nữa, hợp với đạo tùy thời, như vậy không có lỗi gì cả.

2.

九 二 : 牽 復 , 吉 .

Cửu nhị: khiên phục, cát.

Dịch: Hào 2, dương . Dắt nhau trở lại đạo lý thì tốt.

Giảng: hào này với hào 5 là bạn đồng chí hướng: cùng dương cương, cùng đắc trung, cùng muốn tiến cả, nhưng cùng bị hào 4 âm ngăn cản, nên cùng dắt nhau trở lại cái đạo trung , không để mất cái đức của mình.

3.

九 三 : 輿 說 輻 , 夫 妻 反 目 .

Cửu tam: Dư thoát bức, phu thê phản mục.

Dịch: Hào 3, dương : Xe rớt mất trục; vợ chồng hục hặc với nhau.

Giảng: Hào 3 quá cương (vì thể vị đều là dương ) mà bất trung, hăng tiến lên lắm, nhưng bị hào 4 ở trên ngăn chặn, nên tiến không được, như chiếc xe rớt mất trục. Hào này ở sát hào 4, dương ở sát âm, mà không phải là ứng của hào 4, như một cặp vợ chồng hục hặc với nhau. Lỗi ở hào 3 vì không biết tùy thời, không nhớ mình ở trong thời Tiểu súc mà nhịn vợ.

4.

六 四 : 有 孚 , 血 去, 惕 出 . 无 咎 .

Lục tứ: hữu phu, huyết khứ, dịch xuất, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: nhờ có lòng chí thành, nên thương tích được lành, hết lo sợ, mà không có lỗi.

Giảng: hào này là âm, nhu thuận mà đối với các hào dương thì khó tránh được xung đột, có thể lưu huyết và lo sợ, nhưng nó đắc chính (âm ở ngôi âm), ở gần hào 5 là thân với bậc chí tôn, lại ở vào thời Tiểu súc, có hào 1 ứng hợp với nó, hào 2 cùng giúp nó, nên nó tránh được lưu huyết, lo sợ, không có lỗi.

Tiểu tượng truyện giảng: hết lo sợ, nhờ hào trên ( hào 5) giúp đỡ nó.

5.

九 五 : 有 孚, 攣 如 . 富 以 其 鄰 .

Cửu ngũ: Hữu phu, luyên như, phú dĩ kỳ lân.

Dịch: Hào 5, dương. Có lòng thành tín, ràng buộc dắt dìu (cả bầy hào dương ), nhiều tài đức , cảm hóa được láng giềng.

Giảng: hào này ở ngôi chí tôn, có uy tín, làm lãnh tụ các hào dương khác; nó trung chính, tức có lòng thành tín, kéo các hào dương kia theo no, mà giúp đở hào âm 4 ở cạnh nó, ảnh hưởng tới 4, sai khiến được 4, khiến cho 4 làm được nhiệm vụ ở thời Tiểu súc.

Chữ [ 攣 ] có người đọc là luyến và giảng là có lòng quyến luyến.

6.

上 九 : 既 雨, 既 處 , 尚 德 載 . 婦 貞 厲 . 月 幾 望 , 君 子 征 凶 .

Thượng cửu: Ký vũ, ký xử, thượng đức tái.

Phụ trinh lệ. Nguyệt cơ vọng, quân tử chinh hung.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Đã mưa rồi, yên rồi, đức nhu tốn của 4 đã đầy (ngăn được đàn ông rồi), vợ mà cứ một mực (trinh) ngăn hoài chồng thì nguy (lệ) đấy. Trăng sắp đến đêm rằm (cực thịnh), người quân tử (không thận trọng, phòng bị) vội tiến hành thì xấu.

Giảng: Đây đã tới bước cuối cùng của quẻ tốn mà cũng là bước cuối cùng của quẻ Tiểu súc. Hào 4 đã thành công đến cực điểm , các hào dương hòa hợp với nó cả rồi, như đám mây kịt đã trút nước, mọi sự đã yên. Tới đó, hãy nên ngưng đi, cứ một mực ngăn chặn các hào dương thì sẽ bị họa đấy. Mà các hào dương (quân tử ) cũng nên lo đề phòng trước đi vì sắp tới lúc âm cực thịnh (trăng rằm) rồi đấy. Âm có nghĩa là tiểu nhân.

*

Đọc quẻ Tiểu súc này chúng tôi nhớ tới Võ Hậu đời Đường và Từ Hi Thái Hậu đời Thanh. Họ như hào 4, thông minh, có tài, mới đầu nhu thuận, nhờ ở gần vua (hào 5), được vua sủng ái, che chở, lại lấy được lòng người dưới (hào 1, hào 2), gây phe đảng rồi lần lần “thống lĩnh quần dương “, cả triều đình phải phục tòng họ. Tới khi họ thịnh cực, sắp suy, bọn đại thần có khí tiết, mưu trí mới họp nhau lật họ. Ngoài đời không đúng hẳn như trong quẻ, nhưng cũng không khác mấy.

Ở các thời đó, chắc nhiều nhà Nho Trung Hoa đọc lại quẻ này. 

10. QUẺ THIÊN TRẠCH LÝ

Trên là Càn (trời), dưới là Đoài (chằm).

Đầu quẻ Tiểu Súc đã nói súc còn có nghĩa là chứa, nhóm (như súc tích)

Tự quái truyện dùng nghĩa đó mà giảng: khi đã nhóm họp nhau thì phải có trật tự, có trên có dưới, không thể hỗn tạp được, nghĩa là phải có lễ. Sống trong xã hội phải theo lễ, dẫm lên cái lễ, không chệch ra ngoài (chúng ta thường nói dẫm lên dấu chân của một người để diễn cái ý theo đúng đường lối người ấy); mà dẫm lên, chữ Hán gọi là ☲, do đó sau quẻ Tiểu súc, tới quẻ Lí. Cách giải thích đó có phần nào gượng ép.

Thoán từ:

履 虎 尾 , 不 咥 人 , 亨 .

Lí hổ vĩ, bất điệt nhân, hanh.

Dịch: Dẫm lên đuôi cọp, mà cọp không cắn, hanh thông.

Giảng: Trên là dương cương, là Càn, là trời: dưới là âm nhu, là Đoài, là chằm, vậy là trên dưới phân minh lại hợp lẽ âm dương tức là lễ, là lý. Có tính âm nhu, vui vẻ đi theo sau dương cương thì dù người đi trước mình dữ như cọp, cũng tỏ ra hiền từ với mình, cho nên bảo rằng dẫm lên đuôi cọp mà cọp không cắn. Ba chữ “lý hổ vĩ” chính nghĩa là dẫm lên đuôi cọp, chỉ nên hiểu là đi theo sau cọp, lấy sự nhu thuận, vui vẻ mà ứng phó với sự cương cường.

Thoán truyện: bàn thêm: Hào 5 quẻ này là dương mà trung, chính, xứng với ngôi chí tôn, chẳng có tệ bệnh gì cả mà lại được quang minh.

Đại tượng truyện: bảo trên dưới phân minh (có tài đức ở trên, kém tài đức ở dưới) như vậy lòng dân mới không hoang mang (định dân chí) không có sự tranh giành.

Hào từ:

1.

初 九 : 素 履, 往 , 无 咎 .

Sơ cửu: tố lý, vãng, vô cữu.

Dịch: hào 1, dương : giữ bản chất trong trắng mà ra với đời thì không có lỗi.

Giảng: hào 1 này như người mới ra đời, còn giữ được bản chất trong trắng (ý nghĩa của chữ tố) chưa nhiễm thói đời, vì là hào dương, quân tử, có chí nguyện, cứ giữ chí nguyện mình thì không có lỗi. 

 2.

九 二 : 履 道 坦 坦 , 幽 人 貞 吉 .

Cửu nhị: Lý đạo thản thản, u nhân trinh cát.

Dịch: Hào 2, dương: như đi trên đường bằng phẳng, cứ một mình giữ vững đường chính thì tốt.

Giảng: Hào 2, dương : như đi trên đường bằng phẳng, cứ một mình giữ vững đường chính thì tốt.

Giảng: Hào dương này đắc trung, vẫn là hiền nhân, quân tử, bình thản giữ đạo trung không để cho lòng rối loạn thì tốt.

Tuy có hào 5 ở trên ứng với , nhưng 5 cũng là dương, không hợp, (phải một dương một âm mới tìm nhau, hợp nhau, viện nhau) cho nên bảo hào này là cô độc.

Chúng ta để ý: quẻ Càn, hào 2 và hào 5 cũng đều là dương cả, mà Hào từ bảo 2 và 5 nên tìm nhau mà làm việc; còn quẻ Lý này thì không , như vậy là phải tùy theo ý nghĩa của quẻ (tùy thời) mà giảng.

3.

六 三 : 眇, 能 視 ; 跛, 能 履 . 履 虎 尾 , 咥 人, 凶 . 武 人 為 于 大 君 .

Lục tam: Miễu, năng thị; bả, năng lý.

Lý hổ vĩ, diệt nhân, hung. Võ nhân vi vu đại quân.

Dịch:Hào 3, âm: chột (mà tự phụ là) thấy tỏ, thọt (mà tự phụ là) đi nhanh, như vậy thì nguy như dẫm lên đuôi cọp mà bị nó cắn. Đó là kẻ vũ phu mà đòi làm việc của một ông vua lớn.

Giảng: Hào này âm nhu mà ở ngôi dương cương, bất chính, bất trung, trên dưới đều là hào dương cả, không lượng tài mình kém (âm) mà đua đòi theo các hào dương, không khác người thọt tự khoe là đi nhanh; đó là hạng võ phu mà đòi làm một ông vua lớn, sẽ gặp họa, như dẫm lên đuôi cọp, bị cọp cắn.

4.

九 四 : 履 虎 尾 . 愬 愬 終 吉 .

Cửu tứ: Lí hổ vĩ, sách sách (hoặc sóc sóc)chung cát.

Dịch: Hào 4, dương: Dẫm lên đuôi cọp, nhưng biết sợ hãi, nên quẻ sẽ tốt.

Giảng: Hào này, dương mà ở vị âm, cũng bất trung, bất chính như hào 3, cũng ở sau một hào dương cương, cũng như dẫm lên đuôi cọp, nhưng hào 3 hung, hào 4 cát, chỉ do lẽ: 3 bản chất nhu, tài kém, u mê mà ở vị dương, chí hăng; còn 4 bản chất cương, có tài, sáng suốt mà ở vị âm, biết sợ hãi, thận trọng.

5.

九 五 : 夬 履 貞 厲 .

Cửu ngũ: Quyết lý, trinh lệ.

Dịch: Hào 5, dương : Quyết tâm hành động quá thì tuy chính đáng cũng có thể nguy.

Giảng: Hào 5 đắc chính, đắc trung ,rất tốt, nhưng ở địa vị chí tôn trong quẻ Lý (nói về cách ở đời) thì e có lòng cương quyết quá mà tự thị, ỷ thế, mà hóa nguy.

6.

上 九: 視 履, 考 祥 . 其 旋, 元 吉 .

Thượng cửu: Thị lý, khảo tường, kỳ toàn, nguyên cát.

Dịch: Hào trên cùng, dương, xem cách ăn ở trong đời người, cho nên Hào từ diễn ý nghĩa của toàn quẻ chứ không diễn ý nghĩa của riêng hào cuối. Cũng là một lệ ngoại như hào cuối cùng quẻ Tiểu súc.

Quẻ này tên là Lí có nghĩa là lễ, là dẫm lên, nhưng cả 6 hào đều nói về cách ăn ở trong suốt đời người : mới ra đời thì phải giữ tính chất phác trong trắng, rồi sau giữ vững đường chính (hào 2); biết sức mình, đừng tự phụ (hào 3) để tránh nguy, biết thận trọng, sợ hãi thì tốt (hào 4), và ở địa vị cao nhất, đừng ỷ thế mà cương quyết quá (hào 5), cách ăn ở được như vậy cho tới cuối đời thì tốt không gì bằng.

Chúng ta để ý: Quẻ này cũng chỉ có một hào âm mà không có nghĩa thống lĩnh quần dương như quẻ tiểu súc. Như vậy là biến dịch. 

11. QUẺ ĐỊA THIÊN THÁI

Trên là Khôn (đất), dưới là Càn (trời)

Lý là lễ, có trật tự trên dưới phân minh, như vậy thì yên ổn, Lý cũng có nghĩa là dẫm, là giày (dép) đi giày thì được yên ổn; vì vậy sau quẻLý, tiếp tới quẻ Thái. Thái nghĩa là yêu thích, thông thuận.

Thoán từ

泰: 小 往 大 來 , 吉, 亨 .

Thái: Tiểu vãn đại lai, cát, hanh.

Dịch: Thái là cái nhỏ (âm), đi, cái lớn (dương ) lại, tốt, hanh thông.

Giảng: Trong quẻ Lí, Càn là trời, cương, Đoài là chằm, nhu; trên dưới phân minh, hợp lẽ âm dương, tốt.

Trong quẻ Thái này, Càn không nên hiểu là trời, vì nếu hiểu như vậy thì trời ở dưới đất, không còn trên dưới phân minh nữa, xấu. Nên hiểu Càn là khí dương, Khôn là khí âm “khí dương ở dưới có tính cách thăng mà giao tiếp với âm, khí âm ở trên có tính cách giao tiếp với khí dương”, hai khí giao hòa, mà mọi vật được yên ổn, thỏa thích.

Một cách giảng nữa. Theo Phan Bội Châu (sách đã dẫn) thì:

Nguyên Thuần âm là quẻ Khôn, là âm thịnh chi cực, cực thì phải tiêu, nhân đó một nét dương thay vào dưới, hào 1 của Khôn thành ra quẻ Phục, Phục là một dương mới sinh.

Dương sinh đến hào thứ hai thì thành quẻ Lâm [ 臨 ] , thế là dương đã lớn thêm lần lần. Khí dương sinh đến hào thứ 3 thì thành quẻ Thái, trên là Khôn, dưới là Càn.

Khôn là âm nhu, là tiểu nhân; Càn là quân tử . Quẻ Thái là tượng đạo tiểu nhândg tiêu mòn, đạo quân tử dương lớn mạnh, hai bên ngang nhau cho nên gọi là Thái.

Thoán từ bàn thêm: “Thái là lúc cái nhỏ đi, cái lớn trở lại ( . . . ) là trời đất giao cảm mà muôn vật thông, trên dưới giao cảm mà chí hướng như nhau. Trong (nội quái) là dương, ngoài (ngoại quái) là âm, trong mạnh mà ngoài thuận, trong quân tử mà ngoài tiểu nhân, đạo quân tử thì lớn lên, mà đạo tiểu nhân thì tiêu lần.

Hào từ:

1.

初 九 : 拔 茅 茹 . 以 其 彙 . 征 吉 .

Sơ cửu: bạt mao nhự, dĩ kỳ vị, chinh cát.

Dịch: Hào 1, dương : Nhổ rể cỏ mao mà được cả đám, tiến lên thì tốt.

Giảng: Hào nay là người có tài, còn ở vị thấp, nhưng cặp với hào hai trên, như có nhóm đồng chí dắt díu nhau tiến lên, để gánh việc thiên hạ, cho nên việc làm dễ có kết quả như nhổ rể có mao, nhổ một cọng mà được cả đám.

2.

九 二 : 包 荒 , 用 馮 河 , 不 遐 遺 .朋 亡 , 得 尚 于 中 行 .

Cửu nhị : Bao hoang, dụng bằng hà, bất hà di,

Bằng vong, đắc thượng vu trung hành.

Dịch: Bao dung sự hoang phế (những tệ hại cũ), dùng cách cương quyết mạo hiểm như lội qua sông, không bỏ sót những việc (hoặc người ) ở xa, không nghĩ đến bè đảng, mà phải hợp với đạo trung.

Giảng: Hào dương, đắc trung, đồng chí đã đông (hào 1 và 3) lại ứng hợp với hào 5 âm, cũng đắc trung, tức với vị nguyên thủ tin cậy, nghe theo mình, vậy là có tài lớn mà hoàn cảnh rất thuận lợi; nhưng cần có những đức này nữa:

– Có độ lượng, bao dung một số tệ hại cũ còn lại, đừng mong trừ tiệt ngay trong buổi đầu.

– Có đức cương quyết mạo hiểm như người có gan lội qua sông, như luận hgữ nói: bạo hổ bằng hà.

– Tính trước những việc xa xôi sẽ xảy tới (có người hiểu là đừng bỏ sót những người ở xa).

– Đừng có tinh thần đảng phái mà có hại cho đại nghĩa.

Cần nhất là giữ đạo trung của hào 2, việc gì cũng vừa phải thôi, chẳng hạn bao dung quá hay mạo hiểm quá đều là hại cả.

3.

九 三 : 无 平 不 陂 , 无 往 不 復 . 艱 貞 无 咎 , 勿 恤, 其 孚 , 于 食 有 福 .

Cửu tam: Vô hình bất bí, vô vãng bất phục.

Gian trinh vô cửu, vật tuất, kỳ phu, vu thực hữu phúc.

Dịch: Hào 3, dương: không có cái gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi mà không trở lại, trong cảnh gian nan mà giữ được chính đáng thì không lỗi. Đừng lo phiền, cứ tin ở điều chính thì được hưởng phúc.

4.

六 四 : 翩 翩 , 不 富, 以 其 鄰 , 不 戒 以 孚 .

Lục tứ: Phiên phiên, bất phú, dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu.

Dịch: Hào 4, âm : Dập dìu (hoặc hớn hở) với nhau, không giàu mà thành một xóm, chẳng ước hẹn mà cũng tin nhau.

Giảng: đây đã qua nửa quẻ Thái, dương suy, bày âm (ba hào âm) tức bọn tiểu nhân kết hợp với nhau, tuy chúng không “giàu”, không có tài đức (âm có nghĩa là hư, trái với thực – dương – cho nên bảo là không giàu) nhưng cũng thành một xóm đông, đồng tâm với nhau chẳng ước hẹn mà cùng tin nhau, vì cùng sẵn lòng gian tà cả.

5.

六 五 : 帝 乙 歸 妹 . 以 祉, 元 吉 .

Lục ngũ: Đế Ất qui muội, dĩ chỉ, nguyên cát.

Dịch: Như vua đế Ất (đời Thương) cho em gái về nhà chồng, có phúc, rất tốt.

Giảng: Hào âm này đắc trung, tuy ở địa vị chí tôn mà khiêm nhu, lại ứng hợp với hào 2, dương ở dưới, như em gái vua Đế Ất, chịu làm vợ một người hiền trong giới bình dân, sẽ được hưởng phúc.

6.

上 六 : 城 復 于 隍 , 勿 用 師 , 自 邑 告 命, 貞 吝 .

Thượng lục: Thành phục vụ hoàng, vật dụng sư,

Tự ấp cáo mệnh, trinh lận.

Dịch: Hào trên cùng, âm: thành đổ sụp xuống, lại chỉ là đống đất. Đừng dùng quân nữa, bất quá mệnh lệnh chỉ ban ra đựơc trong ấp mình thôi. Dù hành động của mình chính đáng nhưng vẫn thất bại mà xấu hổ.

Giảng: Đây tới lúc cuối cùng của thời Thái, sắp bĩ rồi, như cái thành sụp xuống. Vì là hào âm lại ở địa âm, đừng tranh giành (dùng quân ) nữa, không cứu vãn được đâu, có ban lệnh cũng chỉ một ấp mình nghe thôi.

Hai chữ “trinh lận”, R. Wilhem giaeng là : dù có kiên nhẫn (chống đỡ) cũng thất bại mà xấu hổ. Chúng tôi nghĩ hào cuối này âm nhu thái quá, không có chí kiên nhẫn được, nên dịch theo Chu Hi.

*

Dưới đây chúng tôi chép thêm lời bàn của Phan Bội Châu (tr. 285 – 286) “Chúng ta đọc Dịch từ lúc có Càn, Khôn, trải qua trung gian, nào Truân mà kinh luận: nào Mông mà giáo dục; nào Nhu mà sinh tụ; nào Tụng, nào sư mà sắp đặt việc binh, việc hình; nào Súc, nào Lý mà chỉnh đốn việc kinh tế, việc lễ chế; hao tổn biết bao tâm huyết, chứa trữ biết bao thì giờ. Kể về phần Khảm (hiểm) trải qua đến 6 lần:

1. Truân, Khảm thượng 2. Mông . khảm hạ

3. Nhu , Khảm thượng 4. Tụng, Khảm hạ.

5. Sư, Khảm hạ 6. Ti, Khảm thượng.

Thoát khỏi 6 lần nguy hiểm rồi. Vậy sau, trong có chốn nuôi trữ là Tiểu súc, ngoài có chốn bằng tạ (nhờ cậy, ỷ vào) là Lý. Bây giờ mới làm nên Thái.

Thái vừa đến cuối cùng, tức khắc ra Bĩ (coi quẻ sau ). Ghê gớm thật ! Làm nên tốn vô số công phu mà làm hư chỉ trong chốc lát, vun đắp biết bao nền tảng mà đánh đổ chỉ trong nháy mắt.

Không chắc đó đã là thâm ý của người sắp đặt các quẻ, nhưng việc đời quả có như vậy: Kiến thiết lâu, suy rất chóng. 

12. QUẺ THIÊN ĐỊA BĨ

Trên là Càn (trời) dưới là Khôn (đất)

Trong vũ trụ không có gì là thông hoài được, hết thông thì tới bế tắc, cùng, cho nên sau quẻ Thái tới quẻ Bĩ.

Thoán tử.

否之匪人, 不利君子貞, 大往小來.

Bĩ chi phỉ nhân, bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai.

Dịch: Bĩ không phải đạo người (phi nhân nghĩa như phi nhân đạo), vì nó không lợi cho đạo chính của quân tử (Tượng của nó là) cái lớn (dương ) đi mà cái nhỏ (âm) lại.

Giảng: Bĩ trái với Thái. Thái thì dương ở dưới thăng lên, giao với âm ở trên giáng xuống; bĩ thì dương ở trên đi lên, âm ở dưới đi xuống không giao nhau. Âm dương không giao nhau thì bế tắc, ở đạo người như vậy mà ở vạn vật cũng như vậy. Thời đó không lợi với đạo chính của quân tử, vì dương đi nghĩa là đạo của người quân tử tiêu lần, mà âm lại nghĩa là đạo của tiểu nhân lớn lên.

Đại tượng truyện – Khuyên: gặp thời bĩ thì người quân tử nên thu cái đức của mình lại (đừng hành động gì cả, riêng giữ các đức của mình) để tránh tai nạn, đừng màng chút lợi danh nào cả. (Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn, bất khả vinh dĩ lộc). Nghĩa là nên ở ẩn.

Gặp thời Truân, thời khó khăn, gian truân, người quân tử nên tập hợp nhau lại mà hành động; còn thời đã bĩ, đã bế tắc cùng cực rồi thì hành động chỉ vô ích, cốt giữ cái đức và cái thân mình thôi.

Hào từ.

1.

初六: 拔茅茹, 以其彙, 貞吉亨.

Sơ lục: Bạt mao nhự, dĩ kỳ vị, trinh cát hanh.

Dịch: Hào 1 âm: Nhổ rễ cỏ mao mà được cả đám, hễ chính thì tốt mà hanh thông.

Giảng: Hào này rất giống hào 1 quẻ Thái: cũng “bạt mao dĩ kỳ vị” vì quẻ Thái hào 1 cặp với hai hào trên, quẻ này cũng vậy, cũng có đồng chí, làm việc dễ có kết quả; chỉ khác quẻ thái hào 1 là dương, quân tử, quẻ này hào 1 là âm, tiểu nhân; cho nên quẻ Thái khuyên cứ tiến lên (chính) sẽ tốt; còn quẻ này thì khuyên phải “trinh” chính đáng (trinh – khác nhau ở hai chữ chính [正] và trinh [貞] thì sẽ tốt và hanh thông.

Hào 1 quẻ Bĩ là tiểu nhân nhưng mới bước đầu, cái ác chưa hiện rõ, lại ứng hợp với hào 4 ở trên là quân tử, cho nên còn có hy vọng cải hóa được. Ðại tượng truyện bảo: nếu để tâm giúp nước (chí tại quân – quân là vua, là quốc gia) như hào 4 thì sẽ tốt. Như vậy là có ý khuyên tiểu nhân nên đứng vào phe quân tử .

2.

六二: 包承, 小人吉;大人否, 亨.

Lục nhị: Bào thừa, tiểu nhân cát; đại nhân bĩ, hanh.

Dịch: Hào 2, âm: Tiểu nhân chịu đựng và vâng thuận người quân tử thì tốt: đại nhân (có đức lớn) nên giữ tư cách trong cảnh bế tắc (khốn cùng) thì hanh thông.

Giảng: Hào này tuy là tiểu nhân, nhưng đắc trung đắc chính, chung quanh là tiểu nhân cả, mà ứng hợp với hào 5 quân tử ở trên, cho nên hào từ khuyên nó nên vâng thuận quân tử thì tốt. Còn kẻ đại nhân được bọn tiểu nhân vâng thuận – vì chúng muốn mua danh – thì cũng đừng theo chúng, cứ giữ khí tiết của mình trong thời khốn cùng, như vậy sẽ hanh thông.

3.

六三: 包羞.

Lục tam: Bao tu .

Dịch: Hào 3, âm: Chứa chất sự gian tà, xấu hổ.

Giảng: Hào này, không trung, không chính, là kẻ đứng đầu bọn tiểu nhân (vì ở trên cùng nội quái khôn), cho nên rất xấu, đáng ghét.

4.

九四:有命, 无咎.疇離祉.

Cửu tứ: Hữu mệnh, vô cữu. Trù li chỉ.

Dịch : Hào 4 dương : có mệnh trời (tức như thời vận đã tới) thì không lỗi mà bạn của mình cũng nhờ cậy mình mà được hưởng phúc.

Giảng: Hào này ở quá nửa quẻ Bĩ, có mòi sắp hết bĩ rồi, cho nên nói là thời vận đã tới; nó là dương ở trong ngọai quái Càn, chính là người quân tử thực hiện được chí của mình. Bạn của nó, tức hai hào 5, 6 cùng là dương cả – cũng sẽ được hưởng phúc.

5.

九五: 休否, 大 人吉.其亡, 其亡, 繫于苞桑.

Cửu ngũ: Hưu bĩ, đại nhân cát.

Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang.

Dịch: Hào 5, dương : làm cho hết bĩ, đó là đạo tốt của bậc đại nhân (tuy nhiên, phải biết lo). Có thể mất đấy, (đừng quên điều đó thì mới vững như buộc vào một cụm dâu (dây dâu nhiều rễ, ăn sâu dưới đất, rất khó nhổ).

Giảng: Hào này có đức dương cương trung chính, lại ở vào ngôi chí tôn, trong thời Bĩ sắp hết, cho nên lời đoán là tôt. Những vẫn phải thận trọng, đừng sai sót.

Theo Hệ từ hạ chương V thì Khổng tử đọc tới hào này, bàn thêm rằng: “Người quân tử khi yên ổn thì không nên quên rằng sẽ có thể nguy; khi vững thì không quên rằng có thể mất, khi trị thì không quên rằng sẽ có thể loạn. Nhờ vậy mà thân an nước nhà giữ vững được.”

6.

上九: 傾否, 先否, 後喜.

Thượng cửu: Khuynh bĩ, tiên bĩ, hậu hĩ.

Dịch: Hào trên cùng, dương: đánh đổ được cái bĩ, trước còn bĩ, sau thì mừng.

Giảng: Đây là thời cuối cùng của Bĩ mà bĩ cực thì thái lai; người quân tử có tài sẽ dắt cả bạn bè (trỏ hào 4 và 5) mà đánh đổ dược bĩ. Nhưng mới đầu còn phải lo lắng (tiên bĩ) sau mới mừng là bước lên được cảnh Thái rồi.

Chúng ta để ý: Quẻ Thái, mới đến hào 3, còn thịnh cực mà Dịch đã khuyên phải giữ được chính đáng trong cảnh gian nan (gian trinh); còn quẻ Bĩ, khi mới tới hào 4, mới có mòi sắp hết bĩ mà Dịch đã khuyên là thời đã tới, người quân tử nên thực hiện chí của mình đi. Nghĩa là luôn luôn phải sẵn sàng để nắm ngay lấy cơ hội. 

13. QUẺ THIÊN HỎA ĐỒNG NHÂN

Trên là Càn (trời), dưới là Li (lửa),

Không thể bế tắc, cách tuyệt nhau mãi được, tất phải có lúc giao thông hòa hợp với nhau; cho nên sau quẻ Bĩ tới quẻ Đồng Nhân.

Đồng nhân là cùng chung với người, đồng tâm với người.

Thoán từ:

同人于野, 亨.利涉大川.利君子貞.

Đồng nhân vu dã, hanh. Lợi thiệp đại xuyên. Lợi quân tử trinh.

Dịch: Cùng với người ở cánh đồng (mênh mông) thì hanh thông. (gian hiểm như) Lội qua sông lớn, cũng lợi. Quẻ này lợi cho người quân tử trung chính.

Giảng: li ở dưới là lửa, sáng, văn mình, Càn ở trên là Trời. Quẻ này có tượng lửa bốc lên cao tới trời, cũng soi khắp thế giới (cánh đồng mênh mông có nghĩa đó). Cho nên tốt. dù có hiểm trở gì, cũng vượt được (Phan Bội Châu bảo đó “chính là cảnh tương đại đồng rất vui vẻ”) Muốn vậy phải có được trung chính của người quân tử .

Thoán truyện cùng hào 2 ở nội quái ly, hào âm độc nhất, quan trọng nhất trong 6 hào mà giảng thêm:

Hào đó âm nhu đắc vị (tức là chính) đắc trung, lại ứng hợp với hào 5 dương cương cũng đắc vị đắc trung trong ngọai quái Càn, thế là có hiện tượng nội ngọai tương đồng, nên gọi là đồng nhân. Văn minh (Ly) ở phía trong, cương kiện (Càn) tức dụng ở ngoài, mà được cả trung lẫn chính, ứng hợp với nhau, đó là tượng người quân tử thông suốt được tâm tri của thiên hạ.

Đại tượng truyện bàn thêm: Người ta muốn thực hiện được cảnh tượng mọi vật cùng sống chung với nhau thì phải phân biệt từng loại của các chủng tộc, xét kỹ mỗi sự vật (quân tử dĩ loại tộc, biện vật); hễ cùng loại thì đặt chung với nhau và cho mỗi vật được phát triển sở năng, thỏa được sở nguyện, có vậy thì tuy bất đồng mà hòa đồng được.

Hào từ:

1.

初九: 同人于門, 无咎.

Sơ cửu: Đồng nhân vu môn, vô cữu.

Dịch: Hào 1, dương : Ra khỏi cửa để cùng chung với người thì không có lỗi.

Giảng: Hào dương này, như người quân tử mới bắt đầu ra đời, đã muốn “đồng” (cùng chung) với người khác thì có lỗi, có gì đáng trách đâu?

2.

六二: 同人于宗, 吝.

Lục nhị: Đồng nhân vu tôn, lận.

Dịch: Hào 2, âm: (chỉ) chung hợp với người trong họ, trong đảng phái, xấu hổ.

Giảng: Hào này tuy đắc trung đắc chính, nhưng ở vào thời Đồng nhân, nên cùng chung với mọi người mà lại chỉ ứng hợp riêng với hào 5 ở trên, như chỉ cùng chung với người trong họ, trong đảng phái của mình thôi, thế là hẹp hòi, đáng xấu hổ.

3.

九三: 伏戎于莽, 升其高陵, 三歲不興.

Cửu tam: Phục nhung vu mãng,

Thăng kì cao lăng, tam tuế bất hưng.

Dịch: Hào 3, dương : núp quân ở rừng rậm (mà thập thò) lên gò cao, ba năm chẳng hưng vượng được.

Giảng: Hào này muốn hợp với hào 2 (âm) ở dưới, nhưng nó quá cương (dương ở dương vị), lại bất đắc trung, như một kẻ cường bạo; mà 2 đã ứng hợp với 5 ở trên, 3 sợ 5 mạnh nên không dám công kích 2, chỉ núp trong rừng, rình trộm, rồi thập thò lên đồi cao mà ngó (3 ở trên cùng nội quái, nên nói vậy); như vậy ba năm cũng không tiến (hưng lên) được.

4.

九四: 乘其墉, 弗, 克攻, 吉.

Cửu tứ: thừa kỳ dung, phất, khắc công, cát.

Dịch: Hào 4, dương : cưỡi lên tường đất rồi mà không dám đánh thế là tốt.

Giảng: hào này cũng là dương cương, bất trung, bất chính, cũng muốn hợp với 2, lăng áp 3 mà cướp 2 (hào 3 ở giữa 2 và 4 cũng như bức tường ngăn cách 2 và 4, 4 ở trên 3 như đã cưỡi lên bức tường đó); nhưng tuy cương mà ở vị âm, còn có chút nhu, nên nghĩ lại, không thể lăng áp 3 được, như vậy không nên, cho nên Hào từ bảo “thế thì tốt” .

Tiểu tượng truyện khen là biết phản tắc (反則) tức biết trở lại phép tắc.

5.

九五: 同人, 先號咷而. 後笑, 大師克相遇.

Cửu ngũ: Đồng nhân, tiên hào đào nhi

Hậu tiếu, đại sư khắc tương ngộ.

Dịch: Hào 5, dương: Cùng với người, trước thì kêu rêu, sau thì cười, phải dùng đại quân đánh rồi mới gặp nhau.

Giảng: hào này dương cương trung chính, ứng hợp với hào 2, thật là đồng tâm đồng đức, tốt. Nhưng giữa 5 và 2, còn có hai hào 3 và 4 ngăn cản, dèm pha, phá rối, nên mới đầu phải kêu rêu, phải dùng đại quân dẹp 3 và 4 rồi 2 và 5 mới gặp nhau mà vui cười. Công việc hòa đồng nào mới đầu cũng bị nhiều kẻ ngăn cản như vậy, không dễ dàng thực hiện ngay được, dù là hợp với công lý, với hạnh phúc số đông.

6.

上九: 同人于郊, 无悔.

Thượng cửu: Đồng nhân vu giao, vô hối.

Dịch: Hào trên cùng, dương : cùng với người ở cánh đồng ngoài đô thành, không hối hận.

Giảng: “Giao” là cánh đồng ngòai đô thành, không rộng bằng “dã” (đồng nội nơi nhà quê). Hào này tuy ở cuối quẻ Đồng nhân, không có hào nào ứng hợp với nó, cho nên chí chưa được thì hành như mình muốn, mới chỉ như cùng với người ở cánh đồng ngoài đô thành thôi, chưa ở giữa quãng đồng nội được.

*

Đọc quẻ này, chúng ta rút ra được hai lời khuyên:

– Muốn hòa đồng thì đừng có tinh thần đảng phái; phải tôn trọng đặc tính của mỗi hạng người, khả năng cùng nhu cầu của mỗi người.

– Công việc hòa động mọi người tuy rất chính đáng, mang hạnh phúc cho dân chúng nhưng cũng gian nan, bị nhiều kẻ phá. 

14. QUẺ HỎA THIÊN ĐẠI HỮU

Trên là Ly (Lửa), dưới là Càn (trời

Đã cộng đồng với mọi người thì mọi người về với mình, mà sở hữu của mình cũng lớn, cho nên sau quẻ Đồng nhân, tới quẻ Đại hữu (có lớn).

Thoán từ:

大有: 元亨.

Đại hữu: Nguyên hanh.

Dịch: Có lớn thì rất hanh thông.

Giảng: ☲ ở trên Càn là lửa ở trên trời, chiếu sáng mọi vật như vậy là “có lớn” Ly lại có nghĩa là văn minh, Càn là cương kiện, gồm cả văn minh và cương kiện cho nên rất hanh thông.

Theo Thoán truyện: Còn một cách giảng nữa: quẻ này chỉ có một hào âm, nó thống lĩnh quần dương, 5 hào dương đều theo nó, có nghĩa là mọi người về với nó, mà nó được “có lớn”. Sở dĩ nó thống lĩnh được vì nó ở ngôi tôn mà lại đắc trung. Nó ứng hợp với hào 2, dương ở giữa quẻ Càn, như vậy nó vừa văn minh vừa cương kiện, ứng với trời (Càn) mà hành động đúng với thời.

Đại tượng truyện khuyên: người quân tử trong quẻ này phải ngăn đón ngay điều dữ khi nó chưa phát hiện, và biểu dương điều tốt khi nó còn mập mờ để thuận mệnh tốt của trời (át ác dương thiện, thuận thiên hưu mệnh: chữ hưu ở đây là tốt).

Hào từ:

1.

初九: 无交害, 匪咎; 艱則无咎.

Sơ cửu: Vô giao hại, phỉ cữu; nan tắc vô cửu.

Dịch : Hào 1. dương : chưa làm việc gì tai hại, chưa có lỗi; nhưng phải (cẩn thận) cư xử như gặp lúc gian nan thì mới khỏi lỗi.

Giảng: Đại hữu là có lớn. Hào 1 như con một nhà giàu sang, còn trẻ, chưa làm gì tai hại thì chưa có tội, nhưng vì là con nhà giàu, ít người ưa, nếu lại kiêu căng xa xỉ thì sẽ gây oán ghét, cho nên Hào từ khuyên sống trong cảnh gian nan thì mới khỏi tội.

2.

九二: 大車以載, 有攸往, 无咎.

Cửu nhị: đại xa dĩ tái, hữu du vãng, vô cửu.

Dịch: Hào 2, dương : xe lớn chở nặng, đi chốn nào (ý nói làm gì) cũng được, không có lỗi.

Giảng: Hào này tốt nhất trong quẻ : dương cương mà đắc trung, vừa có tài vừa khiêm tốn, được hào 5, âm ở trên ứng hợp, như được vua hết sức tin dùng sẽ thành công, cho nên ví với cỗ xe lớn chở nặng đi đường xa, đâu cũng tới được.

3.

九三: 公用亨于天子, 小人弗克.

Cửu tam: Công dụng hưởng vu thiên tử, tiểu nhân phất khắc.

Dịch: Hào 3, dương : như bậc công (hầu) mở tiệc mời thiên tử hạng tiểu nhân không đương nổi việc đó.

Giảng: Thời xưa chữ [ 亨 ] đọc là hanh (nghĩa là hanh thông) mà cũng đọc là hưởng) nghĩa là hưởng dụng, dâng, yến tiệc, lễ lớn) Chu Hi hiểu là triều hiến. R.Wilhem hiểu là đem đất đai của cải dâng thiên tử, hoặc cho dân chúng.

Chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch như trên. Hào 3 này dương cương đắc chính, đứng trên cùngnội quái, cho nên ví với một bậc công; ởvào thời Đại hữu tất có nhiều đất đai, nhân dân; nên bậc thiên tử cũng nể, tới dự tiệc do vị công đó đãi. Những phải là người quân tử, có đức hạnh, không kiêu, mới làm như vậy được; còn hàng tiểu nhân, thấy thiên tử tới nhà mình càng kiêu căng, xa xỉ thì không đương nổi danh dự đó, mà chỉ hại thôi (tiểu nhân hại dã – lời Tiểu tượng truyện)

4.

九四: 匪其彭, 无咎.

Cửu tứ: phỉ kỳ bành, vô cữu.

Dịch: Hão, dương: đừng làm ra vẻ thịnh vượng (khoe của, sống sang quá) thì không có lỗi.

Giảng: Chữ bành [ 彭 ] ở đây, Trình tử hiểu là thịnh vượng; Phan Bội Châu dẫn câu “Hành nhân bành bành” trong Kinh Thi mà hiểu là rầm rộ. Chúng tôi châm chước hai nghĩa đó mà dịch như trên.

Hào này ở địa vị cao, gần hào 5, mà bất trung , bất chính, e có họa tới nơi, nên Hào từ khuyên phải khiêm tốn, tiết kiệm. Tiểu tượng truyện cũng khuyên phải phân biệt thị phi họa phúc cho rành thì mới khỏi lỗi.

5.

六五: 厥孚交如, 威如, 吉.

Lục ngũ: quyết phu giao như, uy như, cát.

Dịch: Hào 5, âm: Lấy đức tin, chí hành mà giao thiệp, và phải có uy thì tốt.

Giảng: Hào này ở vị chí tôn, đượccả 5 hào dương theo, nên phải đem đức tin, lòng chí thành mà đối đãi với người dưới. Nhưng vì là âm, nên ngại rằng quá nhu, nên Hào từ khuyên phải có chút uy mới được.

Tiểu tượng truyện cơ hồ hiểu khác, bảo phải dùng uy vũ, đừng khinh dị mà phải phòng bị đạo tắc (uy như chi cát, dị nhi vô bị dã) .

6.

上九: 自天祐之, 吉, 无不利.

Thượng cửu: tự thiên hựu chi, cát, vô bất lợi.

Dịch: hào trên cùng, dương : tự trời giúp cho, tốt, không có gì mà chẳng lợi.

Giảng: Ở thời Đại hữu, thịnh trị, hào dương cương này ở trên cùng mà chịu hạ mình theo hào 5, chỉ vì 5 có đức thành tín; như vậy là không kiêu, tuy thịnh mà không đầy tràn, nên được trời giúp cho, hóa tốt, chứ lẽ thường hào cuối cùng, Đại hữu đã đến màn cuối, khó mà tốt được.

Khổng tử đọc tới hào này bảo: “Trời sở dĩ giúp cho là vì thuận với đạo trời; người sở dĩ giúp cho là vì có lòng thành tín” . Ông muốn nói hào 5 được các hào khác giúp là vì có lòng thành tín; còn hào trên cùng được trời giúp vì thuận với đạo trời: trọng người hiền (hào 5) không kiêu.

Quẻ này khuyên chúng ta sống trong cảnh giàu có, nên khiêm, kiệm: giao thiệp với người , nên chí thành.

Phan Bội Châu nhận xét rằng trong 64 quẻ , không quẻ nào tốt đều như quẻ này: hào 1, 2, 3 đều không có lỗi, hào 4 được hanh thông, hào 5 tốt, hào 6 đã tốt hơn nữa, “không có gì mà chẳng lợi”. Ngay đến quẻ Càn, quẻ Thái hào cuối cùng cũng xấu, kém quẻ này. Đại hữu chính là thời thịnh trị sau thời đại đồng.

15. QUẺ ĐỊA SƠN KHIÊM

Trên là Khôn (đất), dưới là Cấn (núi)

Đại hữu là thời rất thịnh, không nên để cho quá đầy, mà nên nhún nhường, nên Khiêm.

Thoán từ

謙: 亨, 君子有終.

Khiêm: Hanh, quân tử hữu chung.

Dịch: Nhún nhường, hanh thông, người quân tử giữ được trọn vẹn tới cuối.

Giảng: Trên là đất, dưới là núi. Núi cao, đất thấp, núi chịu ở dưới đất là cái tượng nhún nhường. Khiêm hạ. Vì vậy mà được hanh thông.

Quẻ này chỉ có mỗi một hào dương, dùng nó làm chủ quẻ.

Thoán truyện bàn thêm: Khiêm là đạo của trời, đất và người .

Trời có đức khiêm vì ở trên đi xuống chỗ thấp mà sáng tỏ; đất có đức khiêm vì chịu ở dưới mà đi lên. Đạo trời, cái gì đầy thì làm cho khuyết đi, cái gì thấp kém (khiêm) thì bù đắp cho (Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm). Đạo đất, đạo quỉ thần cũng vậy. Còn đạo người thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm tốn (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm). Hễ khiêm thì ở địa vị cao mà đạo càng sáng, ở địa vị thấp mà chẳng ai vượt mình được.

Đại tượng truyện. Khuyên người quân tử nên bớt chốn nhiều, bù chốn ít, để cho sự vật được cân xứng, quân bình (Biều đa ích quả, xứng vật bình thí).

Hào từ

初六: 謙謙君子, 用涉大川, 吉.

Sơ lục: khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên, cát.

Dịch : Hào 1, âm – Nhún nhường, nhún nhường, người quân tử dùng đức ấy để qua sông lớn thì tốt.

Giảng: Hào này âm như mà lại ở dưới cùng, thật là khiêm hạ, dầu gặp hoàn cảnh hiểm nguy nào cũng vượt được.

Tiểu tượng truyện khuyên người quân tử trau giồi tư cách mình bằng đức khiêm hạ, (Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục)

2

六二: 鳴謙, 貞吉.

Lục nhị: Minh khiêm, trinh cát.

Dịch:Hào 2, âm: Tiếng tăm lừng lẫy về đức khiêm, nếu chính đáng thì tốt.

Giảng: hào này nhu thuận, đắc trung, đắc chính, rất tốt, cho nên bảo là tiếng tăm lừng lẫy về đức Khiêm. Nhưng ngại tiếng tăm lừng lẫy thì dễ ham danh, mà hóa ra quá khiêm đến mức giả nhún nhường hoặc nịnh bợ), nên Hào từ khuyên phải giữ đức trung, chính (trinh) của hào 2 thì mới tốt.

3.

九三: 勞謙, 君子 有終, 吉.

Cửu tam: Lao khiêm, quân tử hữu chung, cát.

Dịch: Hảo, dương : Khó nhọc (có công lao) mà nhún nhường, người quân tử giữ được trọn vẹn, tốt.

Giảng: hào này có đức dương cương, làm chủ cả quẻ, năm hào âm đều trông cậy vào, như người có địa vị (ở trên cùng nội quái), có tài năng (hào dương ) mà khiêm tốn (vì ở trong quẻ Khiêm), không khoe công, nên càng được mọi người phục, mà giữ được địa vị, đức độ tới cùng.

Theo Hệ từ thượng truyện chương VIII, Khổng tử đọc hào này, giảng thêm: “Khó nhọc mà không khoe khoang, có công với đời mà chẳng nhận là ân đức, đức như vậy là cực dày”.

4.

六四: 无不利, 撝謙.

Lục tứ: vô bất lợi, huy khiêm.

Dịch: Hào 4, âm: Phát huy sự nhún nhường thì không gì là không lợi.

Giảng: Hào này nhu thuận mà đắc chính, tốt đấy, nhưng vì ở trên hào 3 là người có công lao, mà lại ở gần hào 5, là vua, nên càng phải phát huy thêm đức khiêm, mới tránh được mọi khó khăn mà không gì là không lợi.

5.

六五: 不富以其鄰, 利用侵伐, 无不利.

Lục ngũ: Bất phú dĩ kỳ lân, lợi dụng xâm phạt, vô bất lợi.

Dịch: Hào 5, âm: chẳng cần giàu (có thế lực) mà thâu phục đựơc láng giềng (được nhiều người theo); nhưng phải có chút uy, chinh phạt kẻ nào chưa phục mình thì mới không gì là không lợi.

Giảng: Hào này âm nhu, đắc trung, ở địa vị chí tôn, nên tự nhiên thâu phục được nhiều người, nhưng nếu nhu quá, thiếu uy thì không phải là tư cách một ông vua, nên Hào từ khuyên nên dùng uy võ đối với kẻ nào chưa phục mình. Hào này có thể dùng uy được vì ở vị dương (lẻ).

6.

上六: 鳴謙, 利用行師, 征邑國.

Thượng lục: Minh khiêm, lợi dụng hành sư, chính ấp quốc.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Tiếng tăm lừng lẫy về đức Khiêm, được nhiều người theo có thể lợi dụng điều đó mà ra quân, nhưng cũng chỉ trị được những kẻ trong ấp của mình không phục mình thôi.

Giảng: hào này thể nhu, vị nhu, ở vào thời cuối cùng quẻ Khiêm, cho nên khiêm nhu cùng vực, tiếng tăm lừng lẫy, nhiều người theo đấy; nhân đó mà có thể ra quân chinh phạt những kẻ không theo mình, nhưng vì tài kém, nên chỉ trị được những kẻ trong ấp mình thôi, chưa thỏa chí được.

*

Quẻ này hào nào cũng tốt không nhiều thì ít, không kém quẻ Đại hữu bao nhiêu.

Đa số các triết gia Trung Hoa rất đề cao đức Khiêm, nhất là Khổng tử và Lão tử, vì họ cho rằng luật trời hễ đầy quá thì vơi, trong khi đầy phải nghĩ tới lúc sẽ vơi, phải khiêm hạ, đừng tự phụ.

Không thể dẫn hết những châm ngôn của Trung Hoa về đức khiêm được; trong quẻ này chúng ta đã thấy được mấy câu như Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm, nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm, khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục. Trong Đạo đức kinh, cũng rất nhiều câu, như: Hậu kỳ thân nhi thân tiên; Qúi dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ; Dục tiên dân tất dĩ thân hậu chi: Bất cảm vi thiên hạ tiên . .

Nhưng khiêm nhu của Lão tử có vẻ triệt để, tuyệt nhiên không tranh hơn với ai, mà khiêm nhu trong Dịch thì không thái quá, vẫn trọng đức trung (hào 2). 

16 QUẺ LÔI ĐỊA DỰ

Trên là Chấn (sấm sét,) dưới là Khôn (đất)

Đã Đại hữu mà lại Khiêm thì tất nhiên là vui vẻ, sung sướng, cho nên sau quẻ Khiêm, tới quẻ Dự (vui, sướng).

Thoán từ :

豫: 利建侯, 行師.

Dự: Lợi kiến hầu, hành sư.

Dịch: vui vẻ: Dựng tước hầu (để trị dân), ra quân thì tốt.

Giảng: Có ba cách giảng ý nghĩa quẻ này.

– Chấn ở trên, Khôn ở dưới, có nghĩa là ở trên thì động, hành động; ở dưới thuận theo, như vậy tất vui vẻ.

– Sấm ở trên đất, nghĩa là khí dương phát động (chấn thuộc dương) mà muôn vật ở trên phát sinh, cũng là cảnh tượng vui vẻ.

– Quẻ này chỉ có một hào dương (hào 4), 5 hào âm đều theo nó, nó làm chủ trong quẻ , như một người tài đức, làm việc gì cũng thuận cả, tất thành công, sẽ vui vẻ, an ổn.

– Thuận với lẽ tự nhiên thì dù trời đất cũng nghe theo, huống hồ là việc dựng tước hầu, ra quân, dân há lại không theo.

– Thoán truyện bàn rộng thêm: Cái đạo thuận lẽ mà hành động đó là đạo trời, cho nên mặt trời mặt trăng thay nhau chiếu sáng ban ngày ban đêm, không bao giờ lầm; bốn mùa thay nhau chẳng bao giờ sai. Thánh nhân thuận lẽ mà hành động thì hình phạt không phiền phức mà dân chúng phục tòng.

Hào từ:

1.

初六: 鳴豫, 凶.

Sơ lục: Minh dự, hung.

Dịch: Hào 1, âm: Khoe mình vui sướng một cách ồn ào, xấu.

Giảng: Chữ Dự, tên quẻ có nghĩa là trên dưới thuận nhu hành động mà cùng vui vẻ; còn chữ dự trong các hào thì có nghĩa là cá nhân vui vẻ.

Như hào âm nhu ở dưới cùng này, bất trung, bất chính, là một tiểu nhân, ỷ có hào 4 cương kiện và có địa vị ở trên ứng viện, lấy làm đắc ý, bộc lộ nỗi sung sướng của mình một cách ồn ào, thế là kiêu mạn, xấu.

2.

六二: 介于石, 不終日, 貞吉.

Lục nhị: giới vu thạch, bất chung nhật, trinh cát.

Dịch: Hào 2, âm: Chí vững như đá, chẳng đợi hết ngày (mà ứng phó ngay), chính đính, bền, tốt.

Khổng tử, theo Hệ từ hạ truyện, Chương V, cho rằng người quân tử biết trước được triệu chứng từ khi mới có dấu hiệu, cho nên ứng phó mau, giao tiếp với kẻ trên thì không nịnh, với kẻ dưới thì không nhờn, biết lúc nào nên nhu, lúc nào nên cương.

3.

六三: 盱豫, 悔遲, 有悔.

Lục tam: Hu dự, hối trì, hữu hối .

Dịch: Hào 3, âm: Ngửa mặt lên trên (mong được phú quí) mà vui mừng, như vậy thế nào cũng ăn năn, mà sửa đổi chậm, lại càng ăn năn hơn.

Giảng: Hào này cũng bất trung, bất chính, như kẻ tiểu nhân ngó lên trên là hào 4 dương cương, mong được phú quí mà vui mừng; không sớm rút chân ra khỏi cái bẩy quyền thế thì sẽ ân hận lớn.

4.

九四: 由豫, 大有得; 勿疑, 朋盍簪.

Cửu tứ: Do dự, đại hữu đắc; vật nghi, bằng hạp trâm.

Dịch: Hào 4, dương : người khác nhờ mình mà vui, mình có thể thành công lớn được; cứ hết lòng chí thành, đừng nghi ngờ thì các bạn thanh khí sẽ lại giúp mình đông mà chóng.

Giảng: Hào này làm chủ trong quẻ , có tài, có địa vị cao, lại được hào 5 (vua) hết lòng tin, nên tạo hạnh phúc được cho người , thành công lớn được.

Nhưng là hào dương độc nhất trong quẻ một mình đảm đương gánh nặng, có lúc chán nản, nghi ngờ, nên Hào từ khuyên cứ chí thành, thì sẽ có nhiều bạn tới giúp.

5.

六五: 貞疾, 恆, 不死.

Lục ngũ: Trinh tật, hằng, bất tử.

Dịch: hào 5, âm : Bệnh hoài, dai dẳng nhưng không chết.

Giảng: Hào 5, ở địa vị chí tôn, nhưng âm nhu, và có hào 4 được lòng dân, gánh hết việc thiên hạ, chuyên quyền; 5 chẳng phải làm gì cả, chỉ chìm đắm trong cảnh hoan lạc (vì ở thời Dự), nên ví với một người bị bệnh hoài. Nhưng may là có 5 đắc trung mà 4 cũng không áp bức, nên vẫn giữ được hư vị, cũng như bị bệnh dai dẳng mà không chết.

Phan Bội Châu cho hào 5 này đúng là trường hợp các vua Lê nhu nhược bị chúa Trịnh chuyên quyền, nhưng vẫn giữ được hư vị.

6.

上六: 冥豫,成有渝, 无咎.

Thượng lục: Minh dự, thành hữu du, vô cữu.

Dịch: Hào trên cùng, âm: mê tối vì hoan lạc, nhưng nếu biết sửa đổi nết xấu thì không lỗi.

Giảng: hào này âm nhu, bất trung bất chính, lại ở thời cuối quẻ Dự, cho nên ví với người mê tối vì hoan lạc. Nhưng cũng may, hào này ở trong ngoại quái Chấn, Chấn có nghĩa là động, có hy vọng nhúc nhích tự cường được, như vậy sẽ không xấu.

*

Chúng ta nhận thấy tên quẻ là Vui, mà sáu hào chỉ có hai hào (2 và 4) là tốt, còn 4 hào kia xấu nhiều hay ít cả, xấu nhất là hào 1 vì kiêu mạn, khoe khoang ồn ào cái vui bất chính của mình; mà tốt nhất là hào 2, vì không ham vui mà giữ vững chí mình.

Phan Bội Châu dẫn câu “Sinh ư ưu hoạn, nhi tử ư an lạc” của Mạnh tử để kết, là tóm tắt được triết lý của quẻ này. Quốc gia cũng như cá nhân, hễ sống trong cảnh vui sướng, vui vẻ quá thì sẽ mau chết.

17. QUẺ TRẠCH LÔI TÙY

Trên là Đoài (chằm), dưới là Chấn (động, sấm sét)

Dự là vui vẻ, vui vẻ thì có nhiều người theo nên tiếp sau là quẻ Tùy. Tùy là theo.

Thoán từ

隨: 元, 亨, 利, 貞, 无咎.

Tùy: Nguyên, hanh, lợi, trinh, vô cữu.

Dịch: Theo nhau: rất hanh thông, nhưng phải theo điều chính đáng, vì điều chính đáng (trinh) mới có lợi, không có lỗi.

Giảng: Đoài ở trên là vui vẻ, Chấn ở dưới là động; đó là cái tượng hành động mà được người vui theo.

Lại có thể giảng: Chấn là sấm, Đoài là chằm, sấm động ở trong chằm, nước chằm theo tiếng sấm mà cũng động, cho nên gọi là tùy.

Lời thoán từ quẻ này chỉ khác lời Thoán từ quẻ Càn vì có thêm hai chữ “vô cữu” (không có lỗi) ở sau, mà nghĩa thay đổi hẳn. Chúng tôi dịch như trên là theo Chu Hi: nguyên hanh (rất hanh thông) là “đức” (tính cách) của Tùy; còn trinh (chính đáng) là điều kiện để cho Tùy có lợi mà không có lỗi.

Phan Bội Châu hiểu hơi khác: cả nguyên, hanh, lợi, trinh đều là điều kiện để “Tùy” có lợi mà không có lỗi. Theo người nhưng phải theo cái hay, theo đạo ; người có rất thiện (nguyên) , việc có thông thuận (hanh), có cái lợi công (lợi), thì mới nên theo, và khi theo thì phải giữ tiết tháo (trinh) thì mới không có lỗi.

Đại khái ba cách hiểu đó cũng không khác nhau mấy. Mà quẻ Tùy so với quẻ Càn thì kém xa.

Thoán truyện bàn rộng thêm, đưa một điều kiện nữa: Theo mà phải đúng thời mới được. Ví dụ thời Hán, Vương Mãng cũng đã muốn làm một cuộc cách mạng xã hội; rất công bằng, tốt; nhưng thời đó sớm qua, nên thất bại. Tới đời Tống, Vương an Thạch cũng thất bại, như vậy là không hợp thời. Và Thoán truyện nhấn mạnh vào cái nghĩa tùy thời đó. (Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai!)

Hào từ;

1.

初九: 官有渝, 貞吉, 出門交有功.

Sơ cửu: Quan hữu du, trinh cát, xuất môn giao hữu công.

Dịch: Hào 1, dương : chủ trương thay đổi, hễ chính thì tốt, ra ngoài giao thiệp thì có công.

Giảng: chữ “quan” ở đây có nghĩa là chủ, chữ “du” có nghĩa là thay đổi . Chu Hi hiểu là chủ trương thay đổi. Phan Bội Châu hiểu là cái thể của mình thay đổi, vì hào 1 là dương đáng lẽ làm chủ hai hào âm ở trên, nhưng ngược lại phải tùy hai hào đó (vì hào dương ở dưới cùng).

Hiểu theo cách nào thì vẫn : cứ chính đáng, theo lẽ phải, thì tốt (trinh cát). Đừng theo tư tình, mà theo người ngoài (xuất môn) nếu họ phải , thì thành công.

2.

六二: 係小子, 失丈夫.

Lục nhị: Hệ tiểu tử, thất trượng phu.

Dịch: Hào 2, âm: Ràng buộc với kẻ thấp kém (nguyên văn là : con nít) mà mất kẻ trượng phu.

Giảng: Hào này âm nhu,không biết giữ mình, gần đâu tùy đấy, nên ràng buộc với hào 1 dương (tiểu tử), mà bỏ mất hào 5 cũng dương , ở trên, ứng hợp với nó.

Quẻ này, hễ là hào âm thì không dùng chữ tùy là theo, mà dùng chữ hệ là ràng buộc, có ý cho rằng âm nhu thì vì tư tình, hoặc lợi lộc mà quấn quít, còn dương cương thì vì chính nghĩa mà theo.

3.

六三: 係丈夫, 失小子; 隨有求得, 利居貞.

Lục tam: Hệ trượng phu, thất tiểu tử;

Tùy hữu cầu đắc, lợi cư trinh.

Dịch: Hào 3, âm: Ràng buộc với trượng phu, bỏ kẻ thấp kém; theo như vậy cầu xin cái gì thì đựơc đấy, nhưng phải chính đáng mới có lợi.

Giảng: Hào này cũng âm nhu như hào 2, gần đầu thân cận đấy, cho nên thân với hào 4 dương cương, có địa vị ở trên (tức với trượng phu) mà bỏ hào 1 (tiểu tử). Nó xin 4 cái gì cũng được vì 4 hơi có thế lực; nhưng Hào từ khuyên đừng xu thế trục lợi, phải giữ tư cách chính đáng thì mới tốt.

4.

九四: 隨有獲, 貞凶.有孚, 在道, 以明何咎.

Cửu tứ: Tùy hữu hoạch, trinh, hung.

Hữu phu, tại đạo, dĩ minh hà cữu.

Dịch: Hào 4, dương : Theo thì thu hoạch được lớn đấy, nhưng dù lẽ vẫn ngay mà cũng có thể gặp hung được. Cứ giữ lòng chí thành, theo đạo lý, lấy đức sáng suốt mà ứng phó thì không có lỗi.

Giảng: Hào này như một vị cận thần, được vua tin cậy (5 và 4 cùng là dương cả), ở vào thời Tùy là thiên hạ theo mình, như vậy thu hoạch được lớn (có thể hiểu là được lòng dân, hoặc lập được sự nghiệp); nhưng chính vì vậy mà có thể gặp hung (chẳng hạn bị ngờ là chuyên quyền, bị vua ganh ghét như Nguyễn Trãi). Cho nên Hào từ khuyên giữ lòng chí thành theo đạo lý sáng suốt ứng phó (nghĩa là có đủ ba đức: tín, nhân, trí) thì mới khỏi lỗi.

5.

九五: 孚于嘉, 吉.

Cửu ngũ: phu vu gia, cát.

Dịch: Hào 5, dương. Tín thành với điều thiện thì tốt.

Giảng: Hào 5, dương cương, ở vị tôn, trung và chính, lại ứng hợp với hào 2, cũng trung chính, cho nên rất tốt. “Gia” , điều thiện, ở đây là đức trung chính.

6.

上六: 拘係之, 乃從維之.王用亨于西山.

Thượng lục: câu hệ chi, mãi tòng duy chi.

Vương dụng hanh vu Tây Sơn.

Dịch: Hào trên cùng, âm. Ràng buộc lấy, theo mà thắt chặt lấy; Thái Vương nhà Chu, được nhân tâm như vậy mới lập được nghiệp vương hanh thịnh ở Tây sơn (tức Kỳ sơn).

Giảng: Hào này ở ucối quẻ Tùy, là được nhân tâm theo đến cùng cực, như thắt chặt với mình, như vua Thái Vương nhà Chu, lánh nạn rợ Địch, bỏ ấp Mân mà chạy sang đất Kỳ Sơn (năm -1327), người ấp Mân già trẻ trai gái dắt díu nhau theo, đông như đi chợ.

Chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch câu: “Vương dụng hanh vu Tây sơn” như vậy.

Chu Hi bảo chữ [ 亨 ] phải đọc là hưởng và hiểu là : vua dùng ý thành mà làm tế hưởng ở đất Tây Sơn.

J. Legge cũng dịch như Chu Hi. R.Wilhem cũng đọc là hưởng mà hiểu khác nữa: Vua cho những công thần được phụ hưởng (thờ chung với tổ tiên nhà Chu) ở nhà Thái Miếu tại Tây Sơn.

*

Quẻ này khuyên chúng ta chỉ nên theo chính nghĩa (chứ đừng vì tư tình, vì lợi) và biết tùy thời, như vậy thì tốt tới cùng được (hào cuối, đạt đến cực điểm mà vẫn không xấu.) 

18. QUẺ SƠN PHONG CỔ

Trên là Cấn (núi), dưới là Tốn (gió)

Vui theo thì tất có công việc làm, cho nên sau quẻ Tùy, tới quẻ Cổ. Cổ có hai nghĩa: đổ nát và công việc. Hễ đổ nát thì phải sửa sang lại, thế là có công việc.

Thoán từ:

蠱: 元亨, 利涉大川.先甲三日, 後甲三日.

Cổ: Nguyên hanh, lợi thiệp đại xuyên

Tiên giáp tam nhật, hậu giáp tam nhật.

Dịch: Đổ nát mà làm lại mới thì rất tốt, vượt qua sông lớn thì lợi. Ba ngày trước ngày giáp (nghĩa là phải tìm nguyên nhân từ trước), ba ngày sau ngày giáp (phải nghĩ đến tương lai nên thể nào).

Giảng: Quẻ này trên là núi, dưới là gió, gió đụng núi, quật lại, đó là tượng loạn, không yên, tất phải có công việc.

Cũng có thể giảng như sau: tốn ở dưới là thuận, mà Cấn ở trên là ngưng chỉ; người dưới thì thuận mà người trên cứ ngồi im; hoặc người dưới một mực nhu, người trên một mực cương (Tốn thuộc âm, mà hào 1 cùng là âm, còn Cấn thuộc dương, mà hào cuối cùng thuộc dương ), để nén người dưới, như vậy mọi sự sẽ đổ nát, phải làm lại.

Đổ nát mà làm lại thì rất nên, rất tốt; phải xông pha nguy hiểm, nhưng rồi sẽ có lợi.

Tuy nhiên phải suy nghĩ, có kế hoạch trước sau. Ví dụ bắt tay vào việc là ngày giáp, thì phải nghĩ tới ba ngày trước ngày giáp, tức ngày tân [辛], tìm xem vì lẽ gì mà có sự đổ nát, và muốn đổi cũ sang mới (mới cũng là tân, nhưng chữ tân này [新], người Trung Hoa thường có cách mượn một chữ đồng âm để diễn một ý khác) thì phải làm sao. Rồi lại nghĩ đến ba ngày sau, tức ngày đinh [ 丁] , mà đinh ninh (chữ [丁 寧] này) phòng bị cho tương lai.

Làm lại mới mà được như vậy thì rất tốt.

Thoán truyện và Đại tượng truyện không giảng gì khác.

Hào từ:

1.

初六: 幹父之蠱, 有子, 考无咎, 厲, 終吉.

Sơ lục: Cán phụ chi cổ, hữu tử, khảo vô cữu , lệ, chung cát.

Dịch: Hào 1, âm: Sửa sang sự đổ nát của cha; nhờ con mà cha không lỗi; nhưng cũng có thể nguy đấy, phải biết răn sợ, sau mới tốt.

Quẻ Cổ này lấy việc trong nhà làm thí dụ, nên nói đến cha, con.

2.

九二: 幹母之蠱, 不可貞.

Cửu nhị: Cán mẫu chi cổ, bất khả trinh.

Dịch: Hào 2, dương : Sửa sang sự đổ nát của mẹ, không nên cố chấp (trinh)

Giảng: Hào này dương cương, đắc trung, trên ứng với hào 5 âm nhu, nên ví như con (2) với mẹ (5). Hào 2 có tài, sửa sang được, nhưng tính cương cường, có thể xung đột với 5, cho nên Hào từ khuyên đừng cố chấp mà phải mềm dẻo.

3.

九三: 幹父之蠱, 小有悔, 无大咎.

Cửu tam: Cán phụ chi cổ, tiểu hữu hối, vô đại cữu.

Dịch: Hào 3, dương: sửa sang sự đổ nát của cha, có chút hối hận những không có lỗi lớn.

Giảng: Hào này là dương lại ở vị dương, là quá cương, nóng nảy, không hợp đạo trung cho nên làm vài việc đáng ăn năn; nhưng làm nổi việc, đắc chính, nên không đến nỗi có lỗi lớn.

Ví như người con trung ngôn, trực gián mà giữ được đạo lý cho cha.

4.

六四: 裕父之蠱, 往見吝.

Lục tứ: Dụ phụ chi Cổ, vãng kiến lận.

Dịch: Hào 4, âm: (Vì dùng dằng mà chỉ) kéo dài sự đổ nát của cha, nếu cứ như vậy hoài thì sẽ hối tiếc.

Giảng: Hào âm, nhu lại ở vị âm, là người thiếu nghị lực, nhút nhát, không dám cương quyết sửa sự đổ nát của cha, để cho nó kéo dài hoài thì xấu cho cả gia đình mà phải hối hận.

5.

六五: 幹 父之蠱, 用譽.

Lục ngũ: Cán phụ chi cổ, dụng dự

Dịch: Hào 5, âm: sửa sự đổ nát cho cha, mà được tiếng khen.

Giảng: Âm nhu ở ngôi chí tôn, không đủ tài sáng ngiệp, nhưng nhờ có đức trung mà ở dưới ứng với hào 2, dương cương là người có tài, sửa sự đổ nát được, rốt cuộc thành công, cả hai được tiếng khen.

6.

上九: 不事王侯, 高尚 其事.

Thượng cửu: Bất sự vương hầu, cao thượng kỳ sự.

Dịch: Hào trên cùng, dương : Không xu phụ bậc vương hầu, mà nêu cao tư cách (đức của mình.)

Giảng: Hào này dương cương ở trên hào 5, như một vị hiền nhân quân tử cao khiết, ở ngoài mọi việc, không màng phú quí, không xu phụ vương hầu, giữ chí hướng của mình làm phép tắc trong thiên hạ.

*

Người Trung Hoa rất trọng đức hiếu, mà có hiếu trước hết là giữ được danh dự cho gia đình, làm vẻ vang cho tổ tiên, cho nên nếu cha mẹ làm điều gì trái đạo lý thì con có bổn phận can ngăn (cha có con như vậy là nhà có phúc), nếu còn nhu nhược quá, dùng dằng không dám can thì có lỗi lớn; nếu cương cường quá mà xung đột với cha mẹ thì có lỗi, nhưng nhẹ, tốt nhất là giữ đạo trung, mềm mỏng mà kiên trì, ngoài nhu mà trong cương.

Quẻ này kết một cách bất ngờ: hào trên cùng không nói gì về việc sửa sang sự đổ nát cả, mà chỉ khen bậc hiền nhân treo gương danh tiết cho thiên hạ soi.

Nên để ý: Cổ là đổ nát, rất xấu mà thoán từ khen là tốt, chỉ vì đổ nát thì phải làm lại, canh tân, mà canh tân là điều rất tốt. Không có gì suy cực mà không thịnh lên, tới lúc cùng mà không bắt đầu trở lại.

19. QUẺ ĐỊA TRẠCH LÂM

Trên là Khôn (đất), dưới là Ðoài (chằm).

Tự quái truyện giảng: Cổ là công việc, có công việc rồi mới làm lớn được; cho nên sau quẻ Cổ tới quẻ Lâm. Lâm có nghĩa là lớn.

Nhưng Lâm còn có nghĩa nữa là tới (như lâm chung là tới lúc cuối cùng, tới lúc chết; hoặc lâm hạ: người trên tới người dưới).

Thoán từ:

臨: 元亨, 利貞.至于八月有凶.

Lâm: Nguyên hanh, lợi trinh. Chí vu bát nguyệt hữu hung.

Dịch: (dương) lớn lên và tới, rất hanh thông, chính đính thì lợi. Đến tháng 8 (hoặc tám tháng nữa) sẽ xấu.

Giảng: Mới đầu là quẻ Khôn, 5 hào âm. Một hào dương tới thay hào 1 âm ở dưới, rồi một hào dương nữa tới thay hào 2 âm, thành ra quẻ Lâm . Thế là dương cung lớn dần, tới ngày thịnh lớn, nên gọi là Lâm.

Một cách giảng nữa: trên chằm (đoài) có đất, tức là đất tới sát nước, nên gọi là Lâm (tới gần).

Theo cách giảng thứ nhất, dương cương lớn lần mà âm nhu tiêu lần, thế là đạo gần tới lúc thông, cho nên bảo là rất hanh thông.

Xét theo hào thì hào 2 cương trung, ứng với hào 5, nhu trung, nhân sự có phần vui vẻ, cũng hanh thông nữa (Thoán truyện) .

Trong cảnh hanh thông, đừng nên phóng túng mà nên giữ vững chính đạo, (lợi trinh): nếu không thì đến tháng 8 (hoặc tám tháng nữa) sẽ hung.

Có nhiều thuyết giảng hai chữ “bát nguyệt” ở đây chúng tôi không biết tin thuyết nào chỉ xin hiểu đại ý là “sau này sẽ hung”; mà không chép những thuyết đó.

Đại tượng truyện bàn thêm: đất tới sát chằm, có cái tượng quân tử tới dân, giáo hóa dân không bao giờ thôi, bao dung, giữ gìn dân không có giới hạn (vô cương) .

Hào từ

1.

初九: 咸臨, 貞吉.

Sơ cửu: Hàm lâm, trinh cát.

Dịch: Hào 1, dương : Cùng tới, giữ chính đạo thì tốt.

Giảng: Trong quẻ này chỉ có hai hào dương tới lấn bốn hào âm, cho nên hai hào dương phải hợp lực nhau cùng tới, mới chiến thắng được. Hào 1 đắc chính (vì là dương mà ở vị dương lẻ) cho nên khuyên nên giữ chính đạo của mình.

Chu Hi, theo Trình Di cho chữ “hàm” ở đây có nghĩa là cảm, hào 1 dương ứng hợp với hào 4 âm, như vậy là vì cảm ứng với hào 4 mà tới.

2.

九二: 咸臨, 吉, 无不利.

Cửu nhị: Hàm lâm, cát, vô bất lợi.

Dịch: Hào 2, dương : cùng tới, tốt, không gì là không lợi.

Giảng: Nghĩa cũng như hào 1. Hào 2, dương cương đắc trung, gặp lúc dương đương lên, cho nên hiện tại tốt lành mà tương lai cũng thuận lợi.

Tiểu tượng truyện thêm 4 chữ: vị thuận mệnh dã (chưa thuận mệnh vậy). Trình Di giảng là hào 2, dương trung, cảm ứng với hào 5 âm trung , hai hào đó cảm ứng với nhau không phải vì theo mệnh của người trên, cho nên tốt, không gì là không lợi. Chu Hi không chấp nhận lời giảng đó, bảo: “chưa rõ ý nghĩa ra sao”

Phan Bội Châu giảng: hào 1 và 2 phải cùng tới thì mới tốt, phải lấy sức người giúp mệnh trời, chứ không ngồi yên mà chờ mệnh trời.

3.

六三: 甘臨, 无攸利; 既憂之, 无咎.

Lục tam: Cam lâm, vô du lợi; Kí ưu chi, cô cửu.

Dịch: Hào 3 âm: Ngọt ngào (a dua) mà tới (để dụ dỗ hào 2) thì không có lợi đâu; nhưng đã biết lo sửa tính thì không có lỗi nữa.

Giảng: Hào này âm nhu, bất trung, bất chính nên ví với bọn tiểu nhân, dùng lời ngọt ngào mà dụ dỗ hào 2.

4.

六四: 至臨, 无咎.

Lục tứ: Chi lâm, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Hết lòng thành thực tới với hào 1, không có lỗi.

Giảng: Hào này cũng là âm nhu, nhưng đắc chính (âm ở vị âm), có lòng thành thực, lại ứng với hào 1 là người có tài, chính đáng (hào 1 cũng đắc chính), nên không có lỗi gì cả.

5.

六五: 知臨, 大君之宜, 吉.

Lục ngũ: Trí lâm, đại quân chi nghi, cát.

Dịch: Hào 5, âm: Dùng đức sáng suốt mà tới, đúng là tư cách một vị nguyên thủ, tốt.

Giảng: hào âm này ở vị chí tôn, có đức trung, ứng hợp với hào 2, dương , có thể ví với một vị nguyên thủ tuy ít tài (âm) nhưng sáng suốt, biết người nào có tài (hào 2), tín nhiệm, ủy thác việc nước cho người đó, như vậy kết quả chắc tốt.

6.

上六: 敦臨, 吉, 无咎.

Thượng lục: Đôn lâm, cát, vô cữu.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Lấy lòng đôn hậu mà tới (với đời), tốt, không có lỗi.

Giảng: Hào này là âm, ở cuối cùng ngoại quái Khôn, là có đức rất nhu thuận, ở thời Lâm, tức thời của dương, của quân tử đương tiến, nó hướng về hai hào dương ở dưới cùng (mặc dầu không hào nào trong 2 hào đó ứng với nó) mà dắt mấy hào âm kia theo hai hào dương đó, cho nên khen nó là đôn hậu, tốt, không có lỗi. 

20. QUẺ PHONG ĐỊA QUÁN

Trên là Tốn (gió) dưới là Khôn (đất)

Lâm là lớn, vật gì đến lúc lớn thì mới đáng biểu thị cho người ta thấy, cho nên sau quẻ Lâm tới quẻ Quán cũng đọc là Quan. Quán là biểu thị cho người ta thấy, Quan là xem xét

Thoán từ:

觀: 盥而不薦, 有孚顒若.

Quán: Quán nhi bất tiến, hữu phu ngung nhược.

Dịch: Biểu thị (làm mẫu mực cho người ta thấy) cũng như người chủ tế, lúc sắp tế, rửa tay (quán ) cho tinh khiết, bấy nhiêu cũng đủ rồi, không cần phải bày mâm cỗ dâng lên (tiến); mình chí thành (phu) như vậy thì người khác cũng chí thành tín ngưỡng (ngung) mình.

Giảng: Theo tượng quẻ, Tốn ở trên, Khôn ở dưới là gió thổi trên đất, tượng trưng cho sự cổ động khắp mọi loài, hoặc xem xét (quan) khắp mọi loài.

Lại thêm: hai hào dương ở trên, bốn hào âm ở dưới, là dương biểu thị (quán) cho âm; âm trông (quan) vào dương mà theo.

Đó là giải nghĩa tên quẻ.

Thoán từ và Thoán truyện đưa một thí dụ cho ta dễ hiểu.

Muốn biểu thị (quán) là mẫu mực cho người khác thấy thì nên có lòng chí thành như người chủ tế, lúc sắp tế, rửa tay cho tinh khiết, đó là điều quan trọng nhất, còn việc dâng cỗ, thuộc về vật chất, có nhiều cũng được, có ít cũng được, ví dụ như không có, chỉ dùng hương, hoa cũng tốt.

Hào 5 ở trong quẻ ở ngôi chí tôn, có đức dương cương, trung chính, chính là người cho thiên hạ trông vào mà cảm hóa theo.

Người đó nên coi đạo trời lẳng lặng vậy mà bốn mùa vận hành không sai, mà lấy lòng chí thành làm gương cho dân, dạy dân, dân sẽ không ai không phục.

Hào từ:

1

初六: 童觀, 小人无咎, 君子吝.

Sơ lục: Đồng quan, tiểu nhân vô cữu, quân tử lận.

Dịch: Hào 1, âm: Trẻ con nhìn lên (không hiểu gì), tiểu nhân thì không đáng trách, quân tử mà như vậy thì hối tiếc.

Giảng: Tên quẻ thì đọc là Quán, người trên (hào 5) biểu thị, làm gương cho người dưới. Nhưng xét từng hào thì đọc là quan, người dưới xem xét tư cách, hành vi của người trên. Hào 5, dương , đắc trung làm chủ quẻ, tượng trưng cho người trên, ông vua.

Hào nào cũng nhìn lên hào 5 cả, hào 1 ở xa quá, như con nít tò mò mà nhìn lên, không hiểu gì cả, nhưng vì là con nít, không đáng trách; người quân tử mà như vậy mới đáng trách.

2.

六二: 闚觀, 利女貞.

Lục nhị: Khuy quan, lợi nữ trinh.

Dịch: Hào 2, âm: Nhìn lên, chỉ thích hợp với nết trinh của đàn bà thôi.

Giảng: Hào này âm nhu, trung chính, là người con gái có nết trinh, ngó lên hào 5, không thấy được đạo lý của 5, con gái như vậy thì được. Người trượng phu mà như thế thì đáng xấu hổ (khả xú dã – Tiểu tượng truyện.)

3.

六三: 觀我生, 進退.

Lục tam: Quan ngã sinh, tiến thoái.

Dịch: Hào 3, âm: Xét bản thân, hành vi của mình, xem nên tiến lên (theo hào 4) hay nên đứng yên, đừng để phải lui xuống 2.

Giảng: Hào này bất chính (âm mà ở vị dương), lại ở trên cùng nội quái, có thể tiến hay thoái; Hào từ khuyên đừng ngó lên hào 5, cứ tự xét bản thân, hành vi của mình, nếu đối phó được với hoàn cảnh thì tiến lên, không thì thôi, như vậy là chưa sai đường lối.

4.

六四: 觀國之光, 利用 賓于王.

Lục tứ: Quan quốc chi quang, lợi dụng tân vu vương.

Dịch: Hào 4, âm: Xem cái quang vinh của nước mà lợi dụng địa vị thân cận với vua.

Giảng: Hào này âm, đắc chính, ở ngay dưới hào 5, tức là vị thân cận với vua (quí khách của vua) được vua tín nhiệm, xem xét đức sáng của vua (vua hiền thì nước mới vinh quang, nền vinh quang của nước tức là đức sáng của vua), mà bắt chước, đem tài sức ra giúp đời.

5.

九五: 觀我生君子, 无咎.

Cửu ngũ: Quan ngã sinh quân tử, vô cữu.

Dịch: Hào 5, dương: Xét bản thân, hành động của ta hợp với đạo quân tử , như vậy là không có lỗi.

Cũng có thể chấm câu như vầy: Quan ngã sinh, quân tử vô cữu; và dịch là người quân tử ở đời này phải xem bản thân, hành động của ta (tức hào 5) mà noi theo thì không có lỗi.

Giảng: Hào 5 ngôi chí tôn, cương cường mà trung chính là bậc quân tử làm gương cho 4 hào ở dưới, mọi người đều ngó vào.

Tiểu tượng truyện bàn rộng: “Quan ngã sinh, quan dân dã” nghĩa là muốn xem đức của ta (của vua) thì cứ xem phong tục đạo đức của dân”, vì vua mà hiền minh thì dân tình tốt, vua u mê thì dân tình xấu.

6.

上九: 觀其生君子, 无咎.

Thượng cửu: Quan kỳ sinh quân tử , vô cữu.

Dịch: hào trên cùng, dương: xét bản thân, hành động của hào này hợp với đạo quân tử, như vậy là không có lỗi.

Cũng có thể chấm câu như vầy: quan kỳ sinh, quân tử vô cữu; và dịch là : người quân tử ở đời này phải xem bản thân, hành động của nó (của hào cuối cùng) mà noi theo thì không có lỗi.

Giảng: Hào từ: hào này y như hào từ 5, chỉ khác hào 5 dùng chữ ngã là ta, mà hào này dùng chữ kỳ là của nó (của hào trên cùng. Là vì hào 5 là vua, nói với hào 4 là cận thần, tự xưng là ta; còn hào này là lời Chu Công nói về hào trên cùng, cũng như đã nói về các hào 1, 2, 3, 5 ở dưới.

Hào trên cùng này cũng là dương như hào 5, cũng là quân tử , tuy không phải ở ngôi chí tôn, nhưng ở trên cao hơn hết, cũng làm gương cho các hào âm trông vào. Vì nó có tư cách quân tử , nên không có lỗi.

*

Quẻ Quán này khuyên người trên nêu gương cho dưới và người dưới noi gương người trên; nhưng trẻ con và tiểu nhân thì nhiều khi chưa biết noi gương.

21. QUẺ HỎA LÔI PHỆ HẠP

Trên là ly (lửa), dưới là Chấn (sấm)

Tự quái truyện giảng: tình, lý có chỗ khả quan rồi sau mới hợp nhau được; nhưng muốn cho hợp nhau thì trước hết phải trừ sự ngăn cách đã, cho nên sau quẻ Quan, tới quẻ Phệ hạp. Phệ là cắn, là trừ (sự ngăn cách), hạp là hợp.

Thoán từ:

噬嗑: 亨, 利用獄.

Phệ hạp: Hanh, lợi dụng ngục.

Dịch: Căn để hợp lại, như vậy là hanh thông; dùng vào việc hình ngục thì có lợi .

Giảng: Quẻ Phệ hạp này nói về việc hình ngục.

Hào sơ và hào trên cùng là hai vạch liền, tượng như hàm trên và hàm dưới; ở giữa có ba vạch đứt, là miệng há ra; xen vào một vạch liền như một cái quẻ cản ngang miệng, làm gián cách hai hàm răng; Phải cắn gãy, trừ nó đi rồi hai hàm mới hợp với nhau được.

Trong xã hội, kẻ gián cách đó là bọn gian tà, sàm nịnh bưng bít kẻ trên người dưới mà trên không thông tới dưới, dưới không đạt tới trên. Cho nên phải dùng hình ngục để trừ chúng.

Hình ngục muốn có kết quả thì phải vừa uy, vừa sáng usốt. Nội quái Chấn là uy; ngoại quái Ly là sáng suốt.

Lại xét riêng hào 5, hào làm chủ trong quẻ; nó ở ngôi cao, âm nhu mà đắc trung, là có ý khuyên dùng hình ngục tuy phải uy, phải cương, nhưng vẫn nên có một chút nhu, hiếu sinh; nếu chỉ cương thôi thì hóa ra tàn khốc, hiếu sát mất.

Đó là đại ý Thoán truyện. Đại tượng truyện bảo tiên vương theo ý nghĩa quẻ Phệ hạp này mà làm sáng tỏ sự trừng phạt và răn bảo bằng pháp luật. (Tiên vương dĩ minh phạt, sắc pháp: 先王以明罰, 敕法 cũng có người hiểu là sắp đặt pháp luật hoặc ban bố pháp luật)

Hào từ .

1.

初九: 屨校滅趾, 无咎.

Sơ cửu: Lí giảo diệt chỉ, vô cữu.

Dịch: Hào 1, dương : ví như chân đạp vào cái cùm mà đứt ngón chân cái, không có lỗi lớn.

Giảng: Trong quẻ này hào 1 và hào trên cùng là người không có chức vị, bị chịu hình; còn 4 hào kia là người có chức vị áp dụng hình pháp.

Hào 1 ở dưới cùng là hạng dân thường, mới làm bậy mà bị tội nhẹ (cùm chân, chặt ngón chân cái) th́ sẽ sợ phép nước mà sau không làm điều ác nữa, cho nên không có lỗi lớn.

2.

六二: 噬膚, 滅鼻, 无咎.

Lục nhị: Phệ phu, diệt tị, vô cữu.

Dịch: Hào 2, âm: Cắn miếng thịt mềm, sứt cái mũi, không có lỗi.

Giảng: hào này cũng như ba hào sau, dùng chữ phệ (cắn) để trỏ người dùng hình pháp.

Hào 2 âm nhu đắc trung, chính lại được hào 5 ứng, tức là người được vua ủy cho quyền hình pháp, vì vậy dễ thu phục được kẻ có tội, công việc dễ như cắn miếng thịt mềm. Nhưng vì hào 2 cưỡi lên hào 1 dương cương, tức như gặp kẻ ương ngạnh, nên phải cưỡi lên hào 1 dương cương, tức như gặp kẻ ương ngạnh, nên phải quá tay một chút, kẻ bị tội chịu hình phạt khá đau, như bị cắn vào mũi, đó là lỗi của hắn chứ hào 2 vẫn là trung chính, không có lỗi.

3.

六三: 噬腊肉, 遇毒, 小吝, 无咎.

Lục tam: Phệ tích nhục, ngộ độc, tiểu lận, vô cữu.

Dịch: Hào 3, âm: Cắn phải miếng thịt có xương lại ngộ độc, đáng ân hận một chút, nhưng không có lỗi.

Giảng: Hảo 3, âm: Không trung chính, dùng hình ngục và không được người phục, có phần bị oán nữa, như cắn phải miếng thịt có xương lại ngộ độc; những ở vào quẻ Phệ hạp, dùng hình pháp để giữ trật tự cho xã hội, cho nên việc làm của mình tuy đáng ân hận, mà không có lỗi lớn.

4.

九四: 噬 乾胏, 得金矢, 利艱貞, 吉.

Cửu tứ: phệ can trỉ (có người đọc là tỉ)

đắc kim thỉ , lợi gian trinh, cát.

Dịch: Hào 4, dương : Cắn phải thứ thịt liền xương mà phơi khô, được mũi tên đồng, chịu khó nhọc mà vững lòng giữ đường chính thì tốt.

Giảng: Hào này dương cương ở gần ngôi chí tôn (hào 5) là người cương trực, có trách nhiệm; lại ở ngoại quái Ly, nên có tài minh đóan, cho nên dù gặp kẻ ngoan cố cũng trị được dễ dàng, như cắn được miếng thịt liền xương (cứng) phơi khô, mà vẫn giữ được đạo cương trực, tượng bằng mũi tên bằng đồng.

Nhưng vì hào này cương, mà ưcơng quyết thì e gặp khó khăn, nên Hào từ khuyên phải chịu khó nhọc, tuy cương mà vị lại nhu (hào thứ 4, chẳn), nên lại khuyên phải vững chí. Có hai điều kiện đó thì mới tốt.

5.

六五: 噬乾肉, 得黃金, 貞厲, 无咎.

Lục ngũ: phệ can nhục, đắc hoàng kim, trinh, lệ, vô cữu.

Dịch: Hào 5, âm: Cắn miếng thịt khô, được vàng (danh dự quí báu); phải giữ vững đạo, thường lo sợ, thì không có lỗi.

Có sách giảng về hai chữ “hoàng kim” như sau: kim là vật quí, tượng trưng ngôi chí tôn của hào 5, hoàng là sắc của đất, của trung ương (đen là màu của phương bắc, đỏ của phương nam, xanh của phương đông, trắng của phương tây), tượng trưng đức trung của hào 5.

6.

上九: 何校滅耳, 凶.

Thượng cửu: Hạ giảo diệt nhĩ, hung.

Dịch: Hào trên cùng, dương : cổ tra vào gông, bị tội cắt tai, xấu.

Giảng: Hào này lại nói về kẻ thụ hình như hào 1. Xấu hơn hào 1, vì dương cương lại ở cuối quẻ, trỏ hạng cực ác, nên bị tội nặng: đeo gông, cắt tai.

Theo hệ từ hạ truyện, chương V thì Khổng tử bàn như sau: “. . .không tích lũy nhiều điều ác thì không đến nỗi bị diệt thân thể (như hào này). Kẻ tiểu nhân cho rằng (. . .) một điều ác nhỏ là vô hại, nên cứ làm; vì vậy mà các điều ác cứ tích lũy tới lúc( . . ) tội hóa lớn mà không thể tha thứ được”.

*

Quẻ này xét về việc hình ngục, đại ý khuyên: Người xử hình phải sáng suốt trước hết, cương quyết mà cũng cần có đức nhu (để bớt cương đi), có chút từ tâm, và luôn luôn phải giữ đạo chính, thận trọng (hào 5).

Hào 4 cũng tốt, vì vừa cương vừa nhu, có tài và có địa vị.

– Nên răn đe dân từ khi dân mới mắc phải tội nhỏ, nếu không dân sẽ quen làm bậy, ác cứ tích lũy mà mắc tội lớn. 

22. QUẺ SƠN HỎA BÍ

Trên là Cấn (núi), dưới là Ly (lửa)

Đám đông, hợp lại với nhau thì phải có trật tự, uy nghi, có văn vẻ, cho nên tiếp theo quẻ Phệ Hạp là quẻ Búi là văn vẻ, rực rỡ, sáng sủa trang sức.

Thoán từ:

賁: 亨, 小利, 有攸往.

Bí: hanh, tiểu lợi, hữu du vãng.

Dịch: Trang sức văn vẻ thì hanh thông; làm việc gì mà chỉ nhờ ở trang sức thì lợi bé nhỏ mà thôi.

Giảng: Trên là núi, dưới là lửa; lửa chiếu sáng mọi vật ở trên núi, như vậy làm cho núi đẹp lên, trang sức cho núi.

Còn một cách giảng nữa: trong nội quái (vốn là quẻ đơn Càn) hào 2, âm, vốn ở quẻ đơn Khôn, thay vào hào 2 dương của quẻ đơn Càn, thành quẻ đơn Ly, như vậy là tô điểm cho quẻ đơn Càn. Trong ngoại quái (vốn là quẻ đơn Khôn) hào trên cùng vốn ở quẻ đơn Càn, lại thay hào trên cùng của quẻ đơn khôn, thành quẻ đơn Cấn.

Nói cách khác, vắn tắt mà không sai mấy thì nội quái có một hào âm trang sức cho hai hào dương , còn ngoại quái có một hào dương trang sức cho hai hào âm, vì vậy mà gọi là quẻ Bí: trang sức.

Vật gì cũng vậy: có chất, tinh thần; mà lại thêm văn, hình thức, thì tốt (hanh thông), nhưng nếu chỉ nhờ ở trang sức mà thành công thì lợi ít thôi.

Thoán truyện bàn rộng thêm: âm nhu và dương cương giao với nhau, thay đổi lẫn nhau (tức hào 2 và hào trên cùng như trên mới giảng). Ðó là cái văn vẻ tự nhiên (thiên văn) của trời; còn cái văn vẻ nhân tạo (nhân văn) thì nên hạn chế (quẻ Cấn ở trên có nghĩa là ngăn, hạn chế), vì tuy nó có công giáo hóa thiên hạ, nhưng nhiều quá thì văn thắng chất, xấu.

Đại tượng truyện còn khuyên: Việc chính trị nhỏ thì dùng trang sức được; còn việc quan trọng như phán đoán hình ngục thì đừng nên quả quyết, tô điểm thêm.

Hào từ.

1.

初九: 賁其趾, 舍車而徒.

Sơ cửu: Bí kì chỉ, xả xa nhi đồ.

Dịch: Hào 1, dương, Trang sức, trau giồi ngón chân (địa vị thấp) của mình; bỏ cách sung sướng là ngồi xe mà nên đi bộ (chịu khó nhọc).

Giảng: Hào này dương cương, ở cuối cùng nội quái Ly, tức như người có đức sáng suốt mà ở địa vị thấp nhất. Chỉ nên trau giồi phẩm hạnh của mình trong địa vị đó (ví như ngón chân, bộ phận thấp nhất trong thân thể), mà an bần, chịu đi bộ chứ đừng ngồi xe.

2.

六二: 賁其須.

Lục nhị: Bí kì tu.

Dịch: Hào 2, âm: trang sức bộ râu.

Giảng: Chữ tu ở đây nghĩa là râu, cũng như chữ tu : 鬚

Hào này làm chủ nội quái ly, có công dụng trang sức cho quẻ Ly, đặc biết là cho hào 3 dương ở trên nó, cho nên ví nó như bộ râu trang sức cho cái cằm (hào 3). Nó phải phụ vào hào 3 mà hành động. Hào 3 có tốt thì tác động của hào 2 mới tốt, cũng như phải có cài cằm đẹp thì để râu mới thêm đẹp, nếu cằm xấu thì để râu càng thêm khó coi. Nói rộng ra thì bản chất phải tốt, xứng với sự trang sức; chất và văn phải xứng nhau.

3.

九三: 賁如濡如, 永貞吉.

Cửu tam: Bí như, nhu như,vĩnh trinh cát.

Dịch: Hào 3, dương: Trang sức mà đằm thắm, hễ giữ vững chính đạo thì tốt.

Giảng: Hào này dương cương, đắc chính, lại ở trên cùng nội quái ly, có cái nghĩa rất văn minh; tượng trưng người có tài trang sức cho hai hào âm ở trên và dưới nó, tính rất đằm thắm với hai hào âm (có người dịch “nhu như” là trang sức một cách nhuần nhã, thấm nhuần). Vì vậy mà nên coi chừng, đừng say mê vì tư tình, mà phải bền giữ chính đạo thì mới tốt, không bị người xâm lấn (mạc chi lăng dã: Tiểu tượng truyện).

4.

六四: 賁如皤如, 白馬翰如, 匪寇, 婚媾.

Lục tứ: Bí như, bà (có người đọc là ba) như, bạch mã hàn như, phỉ khấu, hôn cấu.

Dịch: hào 4 âm: Muốn trang sức cho nhau (nhưng không được) nên chỉ thấy trắng toát. Hào 4 như cưỡi ngựa trắng mà chạy như bay (đuổi kịp hào 1), rốt cuộc cưới nhau được vì kẻ gián cách hai bên (hào 3) không phải kẻ cướp (người xấu).

Giảng: hào 4 âm nhu, ứng với hào 1 dương cương, cả hai đều đắc chính ,tình ý hợp nhau, muốn trang sức cho nhau, nhưng bị hào 3 ở giữa ngăn cách, nên không trang sức cho nhau được, chỉ thấy trắng toát (trắng nghĩa là không có màu, không trang sức). Mặc dầu bị 3 cản trở, 4 vẫn cố đuổi theo 1, rốt cuộc 3 vốn cương chính, không phải là xấu, không muốn làm hại 4 và 1, cặp này kết hôn với nhau được.

5.

六五: 賁于丘園, 束帛戔戔, 吝, 終吉.

Lục ngũ: bí vu khâu viên, thúc bạch tiên tiên, lận, chung cát.

Dịch : Hào 5, âm: Trang sức ở gò vườn, mà dùng tấm lụa nhỏ, mỏng, tuy là bủn xỉn, đáng chê cười đấy, nhưng rốt cuộc được tốt lành.

Giảng: Hào 5, âm nhu, đắc trung, làm chủ quẻ Bí; vì là âm nhu nên có tính quá tằn tiện, lo trang sứccái gì hữu dụng như vườn tược thôi, mà lại chỉ dùng tấm lụa nhỏ, mỏng cho đỡ tốn, cho nên bị cười chê, nhưng như vậy còn hơn là xa hoa, mà biết trọng cái gốc làsự chất phác, cho nên cuối cùng vẫn được tốt lành, có hạnh phúc cho dân (hữu hỉ dã: lời Tiểu tượng truyện.)

6.

上九: 白賁, 无咎.

Thượng cửu: Bạch bí, vô cữu.

Dịch: Hào trên cùng, dương: lấy sự tố phác, như màu trắng (không màu mè ǵ cả) làm trang sức, không có lỗi.

Giảng: Hào này là thời cuối cùng của quẻ Bí, trang sức, màu mè đã cùng cực rồi; mà vật cực tắc phản, người ta lại trở lại sự chất phác, nên không có lỗi gì cả. Trong văn học sử, chúng ta thấy sau những thời duy mĩ quá mức, người ta lại “phục cổ”, trở lại lối văn bình dị, tự nhiên thời xưa.

*

Đại ý quẻ Bí này là có văn vẻ, có trang sức mới là văn minh, nhưng vẫn nên trọng chất hơn văn, lấy chất làm thể, lấy văn làm dụng, và không nên xa hoa, màu mè quá. 

23. QUẺ SƠN ĐỊA BÁC

Trên là Cấn (núi) dưới là Khôn (đất)

Bí là trang sức, trau giồi; trau giồi tới cực điểm thì mòn hết. Cho nên sau quẻ Bí tới quẻ Bác. Bác là mòn, là bóc, lột bỏ cho tiêu mòn lần đi.

Thoán từ

剝: 不利有攸往.

Bác: Bất lợi hữu du vãng.

Dịch: Tiêu mòn: Hễ tiến tới (hành động) thì không lợi.

Giảng: Theo tượng quẻ, năm hào âm chiếm chỗ của dương, âm tới lúc cực thịnh, dương chỉ còn có một hào, sắp đến lúc tiêu hết. Do đó gọi là quẻ thịnh, dương, chỉ còn một hào sắp đến lúc tiêu hết. Do đó gọi là quẻ Bác. Ở thời tiểu nhân đắc chí hoành hành, quân tử (hào dương ở trên cùng) chỉ nên chờ thời, không nên hành động. Chờ thời vì theo luật tự nhiên, âm thịnh cực rồi sẽ suy, mà dương suy cực rồi sẽ thịnh . (Lão Tử khuyên: “đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp, đại xảo nhược chuyết (vụng) “nghĩa là phải tạm giấu cái khôn, cái khéo, cái dũng của mình để được yên thân đợi chờ cơ hội).

Thoán truyện: giảng thêm: nên thuận đạo trời mà ngưng mọi hoạt động vì nội quái là Khôn, có nghĩa là thuận, ngoại quái là Chấn có nghĩa là ngưng; mà đạo trời là hết hao mòn (tiêu) thì sẽ phát sinh (tức) – nói về các chào dương; mà hết đầy (doanh) thì sẽ trống không (hư) – nói về các hào âm trong quẻ này.

Đại tượng truyện: chỉ xét tượng của quẻ mà đưa ra một nghĩa khác: ngoại quái là núi, nội quái là đất; núi ở trên đất, đất là nền móng của núi; đất có dày thì núi mới vững; vậy người trên (nhà cầm quyền) phải lo cho dân an cư lạc nghiệp thì địa vị của người trên mới vững. Ý đó thêm vào, không có trong thoán từ.

Hào từ:

1.

初六: 剝床以足, 蔑貞, 凶.

Sơ lục: Bác sàng dĩ túc, miệt trinh, hung.

Dịch: Hào 1, âm: như cắt (phá hoại) chân giường, dần dần sẽ làm tiêu diệt đạo chính của người quân tử, xấu.

Giảng: âm (tiểu nhân) bắt đầu tiêu diệt dương (quân tử ), cũng như bắt đầu phá cái giường từ dưới chân trở lên.

2.

六二: 剝床以辨, 蔑貞, 凶.

Lục nhị: bác sàng dĩ biện, miệt trinh, hung.

Dịch: Hào 2, âm: như phá tới then giường (có người dịch là thành giường, hay sườn giường), tiêu diệt đạo chính của người quân tử, xấu.

Giảng: Nghĩa hào này cũng như hào 1: bọn tiểu nhân đã tiến thêm một bước nữa, phá tới then giường rồi, chưa tới mặt giường.

3.

六三: 剝之, 无咎.

Lục tam: Bác chi, vô cữu.

Dịch: Hào 3 âm: Phá bỏ bè đảng của mình, không có lỗi.

Giảng: Hào này cũng là âm nhu, tiểu nhân, nhưng vì ứng với hào dương, quân tử, ở trên cùng, cho nên theo hào đó mà bỏ các hào âm ở trên và dưới nó (tức các hào 1, 2, 4) chịu mất lòng với các hào âm này (lời Tiểu tượng truyện) mà theo đạo chính, cho nên không có lỗi.

4.

六四: 剝床以膚, 凶.

Lục tứ: Bác sàng dĩ phu, hung.

Dịch: hào 4, âm: phá giường mà xẻo tới da thịt người nằm trên giường nữa, xấu.

Giảng: Hào âm này đã lên tới ngoại quái, thế là tiểu nhân đã hoành hành, quân tử bị hại quá đau, tai họa bức thiết quá rồi; xấu.

5.

六五: 貫魚, 以宮人寵, 无不利.

Lục ngũ: Quán ngư, dĩ cung nhân sủng, vô bất lợi.

Dịch: Hào 5, âm: Dắt bầy cung nhân như một xâu cá (ám chỉ bầy tiểu nhân), để lên hầu vua (tức theo người quân tử, hào dương ở trên cùng), như vậy là tiểu nhân biết thuận tòng quân tử, không có gì là không lợi.

Giảng: Hào này làm thủ lãnh bầy âm. Theo nghĩa mấy hào trên, chúng ta tưởng hào này càng phá mạnh hạng quân tử hơn nữa; nhưng ngược lại. Hào từ lấy lẽ rằng hào 5, ở sát hào dương ở trên cùng thân cận với 6, chịu ảnh hưởng tốt của 6, nên dắt cả bầy âm (ví như một xâu cá – cá thuộc loài âm) để theo hào 6 quân tử cũng như bà hậu dắt bầy cung phi lên hầu vua. Thế là theo đạo chính, cho nên không gì là không lợi.

Theo Phan Bội Châu, sở dĩ cổ nhân tới hào này bỏ cái nghĩa âm tiêu diệt dương, mà cho cái nghĩa âm thuận theo dương, là để khuyến khích tiểu nhân cải tà qui chánh, mà giúp đỡ quân tử. Kinh dịch “Vị quân tử mưu” (lo tính cho quân tử) là nghĩa đó. Có thể như vậy. Lý do chính thì coi hào sau ta sẽ thấy.

6.

上九: 碩果不食, 君子得輿, 小人剝廬.

Thượng cửu: thạc quả bất thực,

Quân tử đắc dư, tiểu nhân bác lư.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Còn một trái lớn trên cây, không hái xuống ăn (ý nói dương tức quân tử không bao giờ hết). Quân tử ở hào này được quần chúng (dư) theo; còn tiểu nhân thì biết rằng nếu diệt hết quân tử tức lá phá đổ nhà chúng ở (chúng cũng không còn).

Giảng: Cả quẻ chỉ có mỗi hào này là dương cho nên ví với trái cây lớn còn lại trên cây, không hái xuống ăn thì có ngày nó sẽ rụng mà mọc mầm, như vậy là đạo quân tử không bao giờ hết. Hào 3 và 5 kéo các hào âm khác theo hào dương này, cho nên bảo là quân tử được dân chúng theo. Hào dương này ở trên cùng, cũng như cái nhà che cho tất cả các hào âm ở dưới. Nếu bọn tiểu nhân phá nhà đó cho sập – nghĩa bóng là không còn quân tử thì quốc gia suy vong, chủng tộc tiêu diệt- thì chúng cũng không sống được, không có chốn dung thân.

Vậy ta thấy sở dĩ Chu Công, người viết Hào từ, cho hào 5 theo hào trên cùng (âm theo dương) là vì lẽ có thế xã hội mới tồn tại được, không khi nào người tốt bị diệt hết.

Quẻ này nói về thời âm thịnh dương suy, tiểu nhân tàn hại quân tử, tiểu nhân tuy rất đông, nhưng vẫn có một số (hào 3 và 5) hiểu đạo cải quá, đứng về phe quân tử, và khi xã hội lâm nguy thì ủng hộ quân tử. Người quân tử mới đầu chỉ nên im hơi lặng tiếng mà chờ thời, chuẩn bị cho lúc thịnh trở lại.

Đó là luật âm dương trong vũ trụ; vũ trụ luôn luôn có đủ cả âm, dương ; khi âm cực thịnh, vẫn còn dương, khi dương cực thịnh cũng vẫn còn âm, âm dương cứ thay nhau lên xuống, thế thôi. 

24. QUẺ ĐỊA LÔI PHỤC

Trên là Khôn (đất), dưới là Chấn (sấm)

Vật không bao giờ tới cùng tận; quẻ Bác, hào dương ở trên cùng thì lại quay trở xuống ở dưới cùng (cùng thượng phản hạ); cho nên sau quẻ Bác tới quẻ Phục. Phục là trở lại (phát sinh ở dưới). Như vậy là đạo tiểu nhân thịnh cực thì phải tiêu, đạo quân tử suy cực thì lại thịnh lần.

Thoán từ.

復: 亨, 出入无疾, 朋來无咎.

反復其道, 七日來復, 利有攸往

Phục: Hanh, Xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu.

Phản phục kì đạo, thất nhật lai phục, lợi hữu du vãng.

Dịch: Trở lại: Hanh thông. Ra vào không gặp tai nạn, bạn bè sẽ lần lượt tới, không lầm lỗi nữa. Vận trời phản phục (tráo đi trở lại), cứ bảy ngày thì trở lại, hành động việc gì cũng có lợi.

Giảng: Khí dương bây giờ trở lại, cho nên hanh thông. Người quân tử (dương) ra vào tự do, không bị tai nạn; rồi sẽ có các hào dương khác kéo nhau tới, cũng như bạn bè tới, không còn lầm lỗi nữa (ý muốn nói; sau quẻ này sẽ tới quẻ Lâm, có hai hào dương ở dưới, rồi tới quẻ Thái, có ba hào dương ở dưới, tới quẻ Đại tráng (4 hào dương) quẻ Quải, (5 hào dương) quẻ Càn (cả 6 hào đều dương), thế là sáu quẻ dương cứ tăng lần. đó là vận phản phục của trời đất, cứ bảy ngày thì trở lại. Chữ nhật (ngày) ở đây thay cho chữ hào; bảy ngày mới trở lại vì sau quẻ Càn, tới quẻ Cấu, một hào âm sinh ở dưới 5 hào dương, ngược lại với quẻ Phục (một hào dương ở dưới 5 hào âm), lúc đó mới hết một vòng (1).

Thoán truyện giảng thêm: Sở dĩ ra vào không bị tai nạn, bạn bè kéo tới, không còn lầm lỗi, vì tượng của quẻ: nội quái Chấn là động, ngoại quái Khôn là thuận; hoạt động mà thuận theo đạo trời thì tốt. Cái đạo của trời đó là tĩnh lâu rôi thì động, ác nhiều rồi thì thiện, có vậy vạn vật mới sinh sôi nẩy nở. Xem quẻ Phục này thấy một hào dương bắt đầu trở lại, tức là thấy cái lòng yêu, nuôi dưỡng vạn vật của trời đất (kiến thiên địa chí tâm).

Đại tượng truyện bảo các vua đời xưa tới ngày đông chí, ngày mà dương bắt đầu sinh (tượng của quẻ Phục: sấm nấp ở dưới đất) thì đóng các cửa ải, không cho khách đi đường và con buôn qua lại mà vua cũng không đi xem xét các địa phương, là có ý muốn yên lặng để nuôi cái khí dương mới sinh.

Hào từ.

1.

初九: 不遠復, 无祇悔, 元吉.

Sơ cửu: Bất viễn phục, vô ḱ hối, nguyên cát.

Dịch: Hào 1, dương. Tuy lầm lỗi nhưng thời gian chẳng xa, trở lại tốt lành ngay, thì không đến nỗi ăn năn lớn; rất tốt (chữ Kì ở đây có nghĩa là lớn).

Giảng: Hào 1, dương cương, ở đầu quẻ Phục, có nghĩa là người đầu tiên trở lại đạo, biết tu thân, nên rất tốt.

Theo Hệ từ hạ truyện chương V, thì Khổng tử cho rằng Nhan Hồi có đức của hào 1 này, vì Nhan có lỗi lầm gì thì biết ngay mà biết rồi thì sửa liền không mắc lần thứ nhì nữa.

2.

六二: 休復, 吉.

Lục nhị: Hưu phục, cát.

Dịch: Hào 2, âm: Trở lại đẹp đẽ (hữu), tốt.

Giảng: Hào này âm nhu đắc trung, chính, vốn tốt rồi, mà lại ở gần hào 1 là người quân tử, tức là người biết khắc kỉ, trở lại đạo nhân nghĩa; cho nên tuy là âm mà tốt lành.

3.

六三: 頻復, 厲, 无咎.

Lục tam: Tần phục, lệ, vô cửu.

Dịch: hào 3, âm (Mắc lỗi nhưng) sửa lại nhiều lần, tuy đáng nguy, mà kết quả không có lỗi.

Giảng: Hào này bất trung, bất chính, lại ở thời cuối cùng của nội quái Chấn (có nghĩa là động), ví như người không bền chí, theo điều thiện không được lâu, sửa lỗi rồi lại mắc lỗi trở lại, như thế là đáng nguy (lệ), nhưng lại biết phục thiện sửa đi sửa lại nhiều lần, nên rốt cuộc không có lỗi.

4.

六四: 中行, 獨復.

Lục tứ: Trung hành, độc phục.

Dịch: Hào 4, âm: ở giữa các tiểu nhân (các hào âm: 2,3 và 5,6 ) mà một mình trở lại theo quân tử (hào 1), tức theo đạo.

Giảng: hào này âm nhu, đắc chính ở giữa các hào âm, nhưng chỉ một mình nó ứng với hào 1 là dương, quân tử, cho nên Hào từ khen là một mình nó biết theo người thiện.

5.

六五: 敦復, 无悔.

Lục ngũ: Đôn phục, vô hối.

Dịch: Hào 5, âm: Có đức dày trở lại điều thiện, không có gì hối hận.

Giảng: Hào này nhu thuận, đắc trung lại ở vị tôn quí, như một người có đức dày phục thiện (trở lại điều thiện), biết tự sửa mình, cho nên không hối hận.

6.

上六: 迷復, 凶.有災眚.

用行師, 終有大敗, 以其國君凶, 至于十年, 不克征.

Thượng lục: Mê phục, hung, hữu tai sảnh, Dụng hành sư, chung hữu đại đại, dĩ kì quốc quân hung, chí vu thập niên, bất khắc chính.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Mê muội, không trở lại, sẽ bị tai vạ từ ngoài đưa đến (tai) và tự mình gây nên (sảnh); đã vậy lại cậy võ lực mà dùng quân đàn áp người, rốt cuộc sẽ đại bại, làm cho quốc quân cũng bị khốn nạn (hung), tới mười năm (tới chung cục) cũng không khá được.

Giảng: hào này ở trên cùng, như kẻ tiểu nhân hôn mê đến cùng cực, không biết trở lại, cho nên bị đủ thứ tai vạ. Nó có thế lực nhất trong các hào âm (đám tiểu nhân ) vì ở trên cùng, muốn dùng võ lực đàn áp người, rốt cuộc sẽ đại bại, gây vạ lây cho nước nó, không bao giờ khá được. Chữ thập (số 10) là số cuối cùng (số 1 là số đầu) cho nên thập niên ở đây có nghĩa là tới cùng, chớ không nhất định là 10 năm.

Tiểu tượng truyện bảo hào trên cùng này sở dĩ hung là vì làm trái đạo vua (phản quân đạo), tức đạo của hào 1. Hào 1 này là hào dương duy nhất trong quẻ, làm chủ cả quẻ cho nên gọi là vua.

*

Quẻ này xét về sự sửa lỗi để trở về đường chính. Tốt nhất là hạng người tự nhận thấy lỗi rồi sửa liền, không mắc phải lần nữa, rồi tới hạng ở gần người tốt, mà bắt chước vui vẻ làm điều nhân, nghĩa; sau tới hạng có đức dày trở lại điều thiện, hạng ở giữa kẻ xấu mà một mình theo đạo; hạng không bền chí, giữ điều thiện được lâu, nhưng biết phục thiện thì cũng không lỗi.

Xấu nhất là hạng mê muội không biết trở lại đường chính. Ý nghĩa không có gì đặc biệt. 

25. QUẺ THIÊN LÔI VÔ VỌNG

Trên là Càn (trời), dưới là Chấn (sấm)

Đã trở lại thiên lý, chính đạo rồi thì không làm càn nữa, cho nên sau quẻ Phục, tới quẻ Vô vọng. Vọng có nghĩa là càn, bậy.

Thoán từ.

无妄: 元亨, 利貞. 其匪正有眚, 不利有攸往.

Vô vọng: Nguyên hanh, lợi trinh.

Kì phỉ chính hữu sảnh, bất lợi hữu du vãng.

Dịch: không càn bậy thì rất hanh thông, hợp với chính đạo thì có lợi. Cái gì không hợp với chính đạo thì có hại, có lỗi, hành động thì không có lợi.

Giảng: Tượng quẻ này: nội quái là Chấn (nghĩa là động, hành động); ngoại quái là Càn (trời), hành động mà hợp với lẽ trời thì không càn bậy, không càn bậy thì hanh thông, có lợi.

Thoán truyện giảng rõ thêm:

Nội quái nguyên là quẻ Khôn, mà hào 1, âm biến thành dương, thành quẻ Chấn. Thế là dương ở ngoài tới làm chủ nội quái, mà cũng làm chủ cả quẻ vô vọng, vì ý chính trong Vô vọng là: động, hành động. Động mà cương kiên như ngoại quái Càn, tức là không càn bậy.

Xét về các hào thì hào 5 dương cương, trung chính ứng, ứng với hào 2 cũng trung chính, thế là hợp với thiên lý, rất hanh thông.

Ở thời Vô vọng (không càn bậy) mình không giữ chính đạo mà đi thì đi đâu được? Chữ đi (vãng) ở đây nghĩa rộng là hành động (nguyên văn: Vô vọng chi vãng, hà chi hĩ? Nên hiểu là : vô vọng: phỉ chính chi vãng, hà chi hĩ; chữ chi thứ nhì này có nghĩa là đi). Trái lẽ trời thì trời không giúp, làm sao đi được ?

Đại tượng truyện bàn thêm về cái đạo của trời (đất) là nuôi nấng, và thánh nhân cũng theo đạo đó mà nuôi nấng vạn dân. Chúng tôi cho là ra ngoài đề.

Hào từ:

1.

初九: 无妄, 往吉.

Sơ cửu: vô vọng, vãng cát.

Dịch: Hào 1, dương: không còn bậy, mà tiến đi thì tốt.

Giảng: Hào này dương cương, làm chủ nội quái, là người có đức, cho nên khen như vậy.

2.

六二: 不耕穫, 不菑畬, 則利有攸往.

Lục nhị: Bất canh hoạch, bất tri dư, tắc lợi hữu du vãng.

Dịch: Khi cày thì không nghĩ tới lúc gặt, khi mới khai phá (tri) thì không nghĩ đến ruộng đã thuộc (dự), như vậy mà tiến tới thì có lợi.

Giảng: Lời hào này quá vắn tắt, hơn điện tín ngày nay nữa, nên tối nghĩa, có nhiều sách cứ dịch từng chữ; không thông.

Chu công muốn bảo: Khi cày mà không nghĩ tới lúc gặt, khi mới khai phá mà không nghĩ tới khi ruộng đã thuộc, có nghĩa là thấy việc chính đáng phải làm thì làm mà không nghĩ đến cái lợi rồi mới làm, không chỉ trông mong vào kết quả, như vậy mới tốt.

Hào 2, âm, vừa trung vừa chính, ứng với hào 5 cũng trung chính; nó vốn là âm có đức thuận ở trong nội quái Chấn là động, như một người tốt hành động hợp với trung, chính, cho nên Hào từ bảo như vậy mà tiến thì có lợi.

Có lẽ chính vì ý nghĩa hào này mà Sử ký của Tư Mã Thiên chép tên quẻ là 无 望 (vô vọng :không mong) với nghĩa làm điều phải mà “không mong” có lợi, có kết quả. Hiểu như vậy cũng được.

3.

六三: 无妄之災, 或繫之牛, 行人之得, 邑人之災.

Lục tam: vô vọng chi tai, hoặc hệ chi ngưu,

Hành nhân chi đắc, ấp nhân chi tai.

Dịch: Hào 3, âm: không còn bậy mà bị tai vạ tự nhiên đến như có kẻ cột con bò ở bên đường (rồi bỏ đi chỗ khác), một người đi qua (thấy bò không có ai coi), dắt trộm đi, được bò, mà người trong ấp bị nghi oan là lấy trộm bò, mà mắc họa.

Giảng: cả 6 hào trong quẻ này đều là không càn bậy, nhưng hào này khác một chút là bất trung, bất chính, nên bị tai vạ; tai vạ đó chỉ là vô cớ mà mắc.

4.

九四: 可貞,无咎.

Cửu tứ: khả trinh, vô cữu.

Dịch : Hào 4, dương: nên giữ vững tư cách thì không có lỗi (hoặc: có thể giữ vững được tư cách, cho nên không có lỗi).

Giảng : chữ “Trinh” có hai nghĩa: chính đáng và bền. Ở đây nên hiểu là bền. Hào 4 này dương, không ứng hợp với hào nào cả. (vì hào 1 cũng là dương cương như nó), không nên họat động, nhưng nó cương kiện, có thể giữ vững được tư cách.

5.

九五: 无妄之疾, 勿藥, 有喜.

Cửu ngũ: vô vọng chi tật, vật dược, hữu hỉ.

Dịch: Hào 5, dương: Không càn bậy mà vô cớ bị bệnh (gặp tai họa) thì đừng uống thuốc, sẽ hết bệnh.

Giảng: Hào này ở địa vị cao, trung chính lại ứng với hào 2 cũng trung chính, vậy là rất tốt, chẳng may có bị bệnh (gặp tai họa) thì đừng uống thuốc (nghĩa bóng là đừng chạy chọt gì cả, cứ thản nhiên như Khổng tử khi bị giam ở đất Khuông) rồi sẽ tai qua nạn khỏi (như Khổng tử sau được thả ra, vì người Khuông nhận là rằng họ lầm ông với Dương Hổ, một người mà họ ghét.)

6.

上九: 无妄, 行有眚, 无攸利.

Thượng cửu: Vô vọng, hành hữu sảnh, vô du lợi.

Dịch: Hào trên cùng, dương. Không càn bậy, nhưng đi (hành động) thì bị họa, không lợi gì.

Giảng: Hào từ khuyên không nên hành động, mặc dầu vẫn là “vô vọng”, chỉ vì hào này tới cuối cùng của quẻ rồi, chỉ nên yên lặng chờ thời.

*

Quẻ này cũng nhấn mạnh vào lẽ tùy thời. Cả 6 hào đều là “vô vọng” cả, không càn bậy mà tùy thời, có lúc hoạt động thì tốt như hào 1, 2; có lúc lại nên thản nhiên, chẳng làm gì cả, như hào 5, có lúc không nên hành động như hào 4 (nếu hoạt động thì bị họa) và như hào trên cùng. 

26. QUẺ SƠN THIÊN ĐẠI SÚC

Trên là Cấn (núi), dưới là Càn (trời)

Mình không có càn bậy (Vô vọng) rồi bản thân mới có thể chứa được nhiều tài, đức, hoài bão, nên sau quẻ vô vọng, tới quẻ Đại súc. Chữ súc trong quẻ này cũng là chữ súc trong quẻ Phong thiên tiểu súc, có ba nghĩa: Nhóm chứa, nuôi nấng, ngăn lại. Thoán từ dùng theo nghĩa chứa (súc tích, uẩn súc), mà Hào từ dùng với nghĩa ngăn lại.

Thoán từ:

大畜: 利貞, 不家食,吉; 利涉大川.

Đại súc: Lợi trinh, bất gia thực, cát; lợi thiệp đại xuyên.

Dịch: Chứa lớn: Chính đáng (theo chính đạo) thì lợi. Không phải ăn cơm nhà (tức được hưởng lộc của vua), tốt; vượt qua sông lớn (làm việc khó khăn, gian nguy để giúp nước) thì lợi.

Giảng: Trên là núi, dưới là trời, núi mà chứa được trời thì sức chứa của nó thật lớn, cho nên gọi là Đại súc. Nói về bậc quân tử thì phải “chứa” tài đức, nghĩa là tu luyện cho tài đức uẩn súc; trước hết phải cương kiện như quẻ Càn, phải rất thành thực, rực rỡ (có văn vẻ) như quẻ Cấn, mà những đức đó phải mỗi ngày một mới, nhật tân kì đức (Thoán truyện); phải biết cho đến nơi đến chốn, làm cho đến nơi đến chốn, đủ cả tri lẫn hành (đại tượng truyện).

Người nào “uẩn súc” được như vậy thì được quốc gia nuôi, và khi xã hội gặp gian truân thì cứu được (vượt qua sông lớn), vì ứng với trời (như hào 5 ở vị cao ứng với hào 2 trong quẻ Càn là trời).

Hào từ:

1.

初九.有厲.利已.

Sơ cửu: Hữu lệ, lợi dĩ.

Dịch: Hào 1, dương : có nguy, ngưng lại thì lợi.

Giảng: Hào này cương kiện, muốn tiến lên nhưng bị hào 4, âm ở trên chặn lại (trong các hào, súc có nghĩa là ngăn chứ không có nghĩa là chứa), nếu cố tiến thì nguy, ngưng lại thì tốt.

2.

九二: 輿說輹.

Cửu nhị: Dư thoát phúc.

Dịch: Hào 2, dương, như chiếc xe đã tháo cái trục.

Giảng: Hào này cũng bị hào 5, âm, ngăn lại như hào 1, nhưng vì đắc trung (ở giữa nội quái), nên biết tự ngăn mình (như tự tháo cái trục xe ra) để thôi không đi. Như vậy không có lỗi.

3.

九三: 良馬逐; 利艱貞.日閑輿衛, 利有攸往.

Cửu tam: Lương mã trục; lợi gian trinh,

Nhật nhàn dư vệ, lợi hữu du vãng.

Dịch: Hào 3, dương : như hai con ngựa tốt chạy đua nhau; phải chịu khó giữ đạo chính thì có lợi, lại phải thường ngày luyện tập, dự bị các đồ hộ thân thì tiến lên mới có lợi.

Giảng: Chúng ta để ý: hai hào 1, 2 đều là dương cương mà đều bị hai hào âm nhu (4 và 5) ngăn cản, vì tuy cương mà ở trong nội quái (quẻ dưới), cũng như các tướng tài năng phải phục tùng Võ Hậu, Từ Hi Thái Hậu. Không phải thời nào dương cũng thắng âm cả đâu. Tới hào 3 này, may được hào trên cùng cũng là dương, ứng với mình như một đồng chí, cho nên cả hai hăng hái như hai con ngựa tốt đua nhau chạy; nhưng hăng quá mà không nhớ rằng trên đường gặp nhiều gian nan, không luyện tập đề phòng hàng ngày thì không tiến được xa, nên Hào từ khuyên như trên.

4.

六四: 童牛之牿, 元吉.

Lục tứ: đồng ngưu chi cốc, nguyên cát.

Dịch: Hào 4, âm: như con bò mộng còn non, mới nhú sừng, đặt ngay mảnh gỗ chặn sừng nó, thì rất tốt.

Giảng: Trong quẻ Đại súc, hào âm này vẫn ngăn chặn được hào 1, dương, vì tuy nó âm nhu, nhưng hào 1 ở đầu quẻ là dương còn non, như con bò mọng mới nhú sừng, nếu kịp thời ngăn cản ngay, chặn sừng nó lại thì không tốn công mà có kết quả rất tốt. đại ý là phải đề phòng ngay từ khi họa mới có mòi phát.

5.

六五: 豶豕之牙, 吉.

Lục ngũ: Phần thỉ chi nha, cát.

Dịch: Hào 5, âm: Như thể ngăn cái nanh con heo đã thiến thì tốt.

Giảng: Hào 2 là dương đã già giặn, không non nớt như hào 1, cho nên dữ hơn 1, ví như nanh con heo (rừng). Hào 5 muốn chặn nó, mà chỉ bẻ nanh con heo thôi thì nó vẫn con hung; tốt hơn hết là thiến nó để cho nó hết dữ, lúc đó dù nó còn nanh cũng không hay cắn nữa. Hào 5, chặn được hào 2 là nhờ cách đó, trừ tận gốc, không tốn công mà kết quả tốt.

6.

上九: 何天之衢, 亨.

Thượng cửu: hà thiên chi cù, hanh.

Dịch : Hào trên cùng, dương. Sao mà thông suốt như dương trên trời vậy.

Giảng: tới hào này là thời gian cản đã cùng rồi, hết trở ngại, đường thật rộng lớn, bát ngát như đường trên trời. Có nghĩa là đại lớn được thi hành.

*

Quẻ này Thoán từ nói về sự súc tích tài đức, mà Hào từ lại xét cách ngăn cản kẻ hung hãn.

Hai hào có ý nghĩa nhất là 4 và 5: muốn ngăn thì phải ngăn từ khi mới manh nha; và muốn diệt ác thì phải diệt từ gốc, tìm nguyên nhân chính mà trừ thì mới không tốn công, kết quả chắc chắn. 

27. QUẺ SƠN LÔI DI

Trên là Cấn (núi), dưới là Chấn (sấm)

Súc là chứa, có chứa nhóm vật lại rồi mới nuôi được, cho nên sau quẻ Đại súc là quẻ Di. Di có hai nghĩa: nuôi nấng và cái cằm. Nhìn hình quẻ, chúng ta thấy như cái miệng mở rộng, hai nét liền ở trên và dưới như hai cái hàm, toàn bộ gợi cho ta ý cái cằm (thay cái mép) lại gợi cho ta sự ăn uống để nuôi sống.

Thoán từ

頤: 貞吉. 觀頤, 自求口實.

Di : Trinh cát. Quan di, tự cầu khẩu thực.

Dịch: Nuôi: hễ đúng chính đạo thì tốt. Xem cách nuôi người và tự nuôi mình.

Giảng: Nuôi tinh thần hay thể chất, cũng phải hợp chính đạo thì mới tốt. Xem cách nuôi người và tự nuôi mình thì biết tốt hay xấu.

Thoán truyện suy rộng ra: Trời đất khéo nuôi vạn vật mà vạn vật sinh sôi nảy nở về mọi mặt; thánh nhân dùng những người hiền giúp mình trong việc nuôi dân chúng; cái đạo nuôi nấng lớn như vậy đó.

Đại tượng truyện đưa thêm một ý nữa: theo cái tượng của quẻ, thì dưới núi có tiếng sấm, dương khí bắt đầu phát mà vạn vật trong núi được phát triển như vậy là trời đất nuôi vật. Người quân tử tự nuôi mình thì phải cẩn thận về lời nói để nuôi cái đức, và tiết độ về ăn uống để nuôi thân thể (Quân tử dĩ thận ngôn ngữ, tiết ẩm thực). Là vì đời, “họa tòng khẩu xuât, bệnh tòng khẩu nhập” Phải giữ gìn nhất cái miệng.

Hào từ

初九: 舍爾靈龜, 觀我朵頤, 凶.

Sơ cửu: Xã nhỉ linh qui, quan ngã đóa di, hung.

Dịch: hào 1, dương: chú bỏ con rùa thiêng (tượng trưng phần tinh thần quí báu) của chú đi mà cứ ngó ta, tới xệ mép xuống, xấu.

Giảng: Chúng ta nên để ý: nội quái là Chấn, có nghĩa là động, cho nên cả ba hào đều diễn cái ý mình đi cầu cạnh người .

Hào 1 này dương cương, khôn lanh, nhưng ứng với hào 4 âm, có thế lực ở trên hăm hở theo âm đến nỗi bỏ thiên lí, thèm thuồng cầu ăn ở người khác (hào 4) để nuôi xác thịt, mà quên phần tinh thần của mình (nó quí như con rùa thiêng chỉ sống bằng khí trờii) như vậy rất xâu. Hai chữ “đóa di”, thòng mép xuống, cực tả sự bỉ ổi của bọn người chỉ ham ăn, nói rộng ra là bọn bị tư dục mê hoặc đến mất cả liêm sỉ.

2.

六二: 顛頤, 拂經, 于丘 頤, 征凶.

Lục nhị: điên di, phất kinh, vu khâu di, chinh hung .

Dịch: Hào 2, âm: Đảo lộn cách nuôi mình, trái với lẽ thường, cầu sự nuôi dưỡng ở gò cao, tiến lên thì xấu.

Giảng: Hào này âm nhu, không tự sức nuôi mình được, nên phải cầu ăn với hai hào dương 1 và 6. nhưng hào 1 ở dưới mình, như vậy là người trên xin ăn người dưới, đảo lộn rồi, trái lẽ thường (kinh) rồi; còn như cầu ăn ở hào trên cùng (ví như cái gò cao), tì hào này không ứng với 2, 2 sẽ bị từ chối, bị khinh mà mắc nhục.

Nên để ý: theo thường lệ, hào 2 này đắc trung, chính thì tốt mà đây lại xấu, vì ý nghĩa của quẻ nuôi dưỡng, mà hào này lại không đủ sức tự dưỡng được.

3.

六三: 拂頤, 貞凶.十年勿用无攸利.

Lục tam: Phật di, trinh hung. Thập niên vật dụng vô du lợi.

Dịch: Hào 3 âm: Cách nuôi trái hẳn với chính đạo, xấu. Mười năm (có nghĩa là tới cùng) cũng không tốt được không làm nên gì.

Giảng: hào này âm nhu, bất trung, bất chính, lại hay động (vi ở trên cùng nội quái Chấn) không chịu ngồi yên, thấy đâu có ăn là đâm đầu vào. Rất xấu – Về hai chữ “thập niên” chúng ta đã giảng ở hào cuối cùng của quẻ Phục.

4.

六四: 顛頤, 吉.虎視眈眈, 其欲逐逐, 无咎.

Lục tứ: điên di, cát. Hổ thị đam đam, kì dục trục trục, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Đảo lộn cách nuôi mà tốt. Mắt hổ nhìn đăm đăm, lòng ham muốn day dứt không ngớt, không có lỗi.

Giảng: Hào này âm nhu đắc chính, ở vào địa vị cao, được hào 5 chí tôn tương đắc với mình (cùng là âm cả) lại thêm có hào 1 dương ứng với mình, như vậy là người trên biết trọng đạo nghĩa, biết hạ mình cầu người dưới (hào 1) nuôi mình; tuy là điên đảo, trái lẽ thường đấy, nhưng vì là người tốt (đắc chính), cầu 1 giúp mình để mình lập nên sự nghiệp san sẽ giúp đỡ dân chúng, cho nên vẫn là tốt.

Nhưng phải chuyên nhất, không gián đoạn (như mắt hổ nhìn đăm đăm, ham muốn không ngớt), cứ tiếp tục cầu 1 giúp hoài thì mới có kết quả, không có lỗi.

Cầu nuôi ở hào này là cầu nuôi về tinh thần, chứ không phải về thể xác.

5.

六五: 拂經, 居貞, 吉.不可涉大川.

Lục ngũ: Phật kinh, cư trinh, cát. Bất khả thiệp đại xuyên.

Dịch: Hào 5, âm: Trái lẽ thường, bền chí giữ đạo chính thì tốt. Không thể vượt sông lớn được.

Giảng: Hào này như một vị nguyên thủ, có trách nhiệm nuôi người, nhưng vì âm nhu, kém tài, nên phải nhờ người (tức hào trên cùng) nuôi mình (giúp đỡ mình); tuy là trái lẽ thường, nhưng cứ bền chí, giữ đạo chính thì tốt; vì nhờ người khác giúp đỡ để mình làm trọn nhiệm vụ nuôi dân.

Tuy nhiên, vì tài kém (âm nhu), làm việc lớn gian hiểm không nổi, nên Hào từ khuyên: không thể qua sông lớn được.

Cầu nuôi ở hào này cũng là cầu nuôi về tinh thần.

6.

上九: 由頤, 厲吉, 利涉大川.

Thượng cửu: do di, lệ cát. Lợi thiệp đại xuyên.

Dịch: Hào trên cùng, dương. Thiên hạ nhờ mình mà được nuôi, trách nhiệm mình lớn như vậy, mình phải thường lo lắng, sợ hãi thì được tốt. Qua sông lớn được.

Giảng: Hào này dương cương mà ở trên cùng, như bậc làm thầy cho vị nguyên thủ, vị nguyên thủ nhờ mình mà nuôi được thiên hạ, thì cũng như chính mình nuôi thiên hạ. Trách nhiệm lớn như vậy nên mình phải thường lo lắng, sợ hãi, rất thận trọng thì mới được tốt lành, mà thiên hạ được phúc lớn (lời Tiểu tượng truyện).

Hào này dương cương có tài, không như hào 5, cho nên làm được việc lớn gian hiểm.

*

Tóm lại ba hào cuối đều có nghĩa là nuôi về tinh thần, giúp đỡ dân chúng nên đều được “cát” hết. Ba hào đầu có nghĩa là nhờ người nuôi thể xác của mình, cho nên đều xấu . 

28. QUẺ TRẠCH PHONG ĐẠI QUÁ

Trên là Đoài (chằm) dưới là Tốn (gió)

Tự quái truyện giảng rất mù mờ, “Di là nuôi, không nuôi thì không thể động (bất dưỡng tức bất động) (?) cho nên sau quẻ Di đến quẻ Đại quá (lớn quá) “Phan Bội Châu giảng: “Có nuôi rồi sau mới có việc lớn quá”

Chúng tôi nghĩ có thể giảng: Có bồi dưỡng tài đức thì sau mới làm được việc lớn quá (rất lớn), phi thường.

Chữ “đại quá” có hai cách hiểu: Phần dương trong quẻ tới 4 (phần âm chỉ có hai) mà dương có nghĩa là lớn (âm là nhỏ); vậy đại quá có nghĩa là phần dương nhiều quá; – nghĩa nữa là (đạo đức công nghiệp) lớn quá.

*

Thoán từ

大過: 棟撓, 利有攸往, 亨.

Đại quá: đống nạo, lợi hữu du vãng, hanh.

Dịch: (Phần dương ) nhiều quá (phần âm ít quá) như cái cột yếu, cong xuống (chống không nổi). Trên di thì lợi, được hanh thông.

Giảng: Nhìn hình của quẻ, bốn hào dương ở giữa, 2 hào âm hai đầu, như cây cột, khúc giữa lớn quá, ngọn và chân nhỏ quá, chống không nổi, phải cong đi.

Tuy vậy, hai hào dương 2 và 5 đều đắc trung, thế là cương mà vẫn trung; lại thêm quẻ Tốn ở dưới có nghĩa là thuận, quẻ Đoài ở trên có nghĩa là hòa, vui, thế là hòa thuận, vui vẻ làm việc, cho nên bảo là tiến đi (hành động) thì được hanh thông.

Đại tượng truyện bàn rộng: Đoài là chằm ở trên, Tốn là cây ở dưới, có nghĩa nước lớn quá, ngập cây. Người quân tử trong quẻ này phải có đức độ, hành vi hơn người, cứ việc gì hợp đạo thì làm, dù một mình đứng riêng, trái với thiên hạ, cũng không sợ (độc lập bất cụ); nếu là việc không hợp đạo thì không thèm làm, dù phải trốn đời, cũng không buồn (độn thế vô muộn).

Hào từ:

1.

初六: 藉用白茅, 无咎.

Sơ lục: Tạ dụng bạch mao, vô cữu.

Dịch: Hào 1, âm: Lót (vật gì) bằng cây cỏ mao trắng, không có lỗi.

Theo Hệ tự thượng truyện Chương VIII, Khổng tử bàn về quẻ này: “Nếu đặt vật gì xuống đất cũng được rồi mà lại còn dùng cỏ mao trắng để lót thì còn sợ gì đổ bể nữa? Như vậy là rất cẩn thận”.

2.

九二: 枯楊生稊, 老夫得其女妻, 无不利.

Cửu nhị: Khô dương sinh đề, lão phu đắc kì nữ thê, vô bất lợi.

Dịch: Hào 2, dương : cây dương khô đâm rễ mới, đàn ông già cưới được vợ trẻ, không gì là không lợi.

Giảng: Dương cương mà ở vị âm (hào 2), như vậy là cương mà có chút nhu, lại đắc trung. Nó thân cận với hào 1 âm, thế là cương nhu tương tế, bớt cứng đi, như cây khô mà đâm rễ mới, rồi cành là sẽ tươi tốt. Có thể ví với một người già cưới được vợ trẻ. . .

3.

九三: 棟橈, 凶.

Cửu tam: Đống nạo, hung.

Dịch: Hào ba, dương: cái cột cong xuống, xấu.

Giảng: Hào 3 dương ở vị dương, thế là quá cương, định làm công việc lớn quá (thời Đại quá), quá cương thì cong xuống, gẫy, việc sẽ hỏng.

Chúng ta để ý: Thoán từ nói về nghĩa toàn quẻ , nên dùng hai chữ “đống nạo” mà vẫn khen là tốt (lí do đã giảng ở trên). Còn Hào từ xét riêng ý nghĩa hào 3, chê là xấu, vì hào này quá cương, mặc dầu ứng với hào trên cùng (âm nhu), cũng không chịu để hào đó giúp mình.

4.

九四: 棟隆, 吉.有它, 吝.

Cửu tứ: Đống long, cát. Hữu tha, lận.

Dịch: Hào 4, dương : như cây cột lớn, vững , tốt. Nếu có ý nghĩa gì khác thì hối tiếc.

Giảng: cũng là hào dương nhưng ở vị âm (4), vừa cương vừa nhu, như cái cột lớn vững đỡ nổi nhà. Ý nói làm được việc lớn, không lo thất bại.

Nó lại ứng hợp với hào 1 âm, tiểu nhân ở dưới, như vậy e nó quá nhu chăng, cho nên Hào từ khuyên: chớ quyến luyến quá với 1, có ý nghĩ khác, mà đáng xấu đấy.

5.

九五: 枯楊生華, 老婦得其士夫, 无咎, 无譽.

Cửu ngũ: Khô dương sinh hoa, lão phụ đắc kì sĩ phu, vô cữu, vô dự.

Dịch: Hào 5, dương : Cây dương khô ra hoa, bà già có chồng trai tráng, không chê cũng không khen.

Giảng: Hào 5, dương cương, trung chính. Ở ngôi chí tôn, đáng lẽ làm được việc rất lớn, nhưng ở thời đại quá, thì quá cương, quá cương mà ở gần hào trên cùng, âm ở âm vị, là một người quá nhu, không giúp nhau được việc gì, cũng như cây dương đã khô mà ra hoa cuối mùa, sắp tiều tụy đến nơi rồi. Không khác gì bà già mà có chồng trai tráng, chẳng mong gì sinh đẻ nữa.

Hào này khác với hào 2 ở chỗ hào 2 vừa cương vừa nhu, nên tốt, ví với cây dương khô đâm rễ mới; hào 5 thì quá cương, xấu, ví với cây dương khô, không dâm rễ mà ra hoa, nhựa sắp kiệt rồi.

6.

上六: 過涉, 滅頂, 凶, 无咎.

Thượng lục: quá thiệp, diệt đính, hung, vô cữu.

Dịch : Hào trên cùng, âm. Lội qua chỗ nước sâu, nước ngập đầu, xấu: nhưng không có lỗi.

Giảng: Bản chất âm nhu, tài hèn mà ở vào cuối thời Đại quá muốn làm việc lớn thì rất nguy thân, như người lội chỗ nước sâu lút đầu. Nhưng làm công việc nguy hiểm đó để cứu đời, cho nên không gọi là có lỗi được. Hào này trỏ hạng người “sát thân di thành nhân” (tự hi sinh để làm nên điều nhân), đáng phục chớ không chê được.

Tên quẻ là Đại quá (lớn quá), mà Hào từ lại ghét những người quá cương, (hào 3, 5) quá nhu như hào trên cùng tuy không có lỗi, nhưng cũng cho là xấu. Vây Kinh Dịch có ý trọng đức trung (vừa cương vừa nhu) hơn cả. 

29. QUẺ THUẦN KHẢM

Trên và dưới đều là Khảm (nước)

Lẽ trời không thể quá (cực đoan) được mãi, hễ quá thì sẽ phải sụp vào chỗ hiểm. Vậy sau quẻ Đại quá, tới quẻ Thuần khảm. Khảm có nghĩa là sụp, là hiểm.

*

Thoán từ :

習坎: 有孚, 維心亨, 行有尚.

Tập Khảm: Hữu phu, duy tâm hanh, hành hữu thượng.

Dịch: Hai lớp khảm (hai lớp hiểm), có đức tin, chỉ trong lòng là hanh thông, tiến đi (hành động) thì được trọng mà có công.

Giảng: Tập Khảm có nghĩa là trùng khảm, hai lần Khảm. Nhìn hình quẻ Khảm ta thấy một hào dương bị hãm vào giữa hai hào âm, cho nên Khảm có nghĩa là hãm, là hiểm.

Ta lại thấy ở giữa đặc (nét liền), ngoài rỗng (nét đứt), trái với quẻ Ly ☲ giữa rỗng trên dưới đặc, như cái miệng lò; chỗ rỗng đó là chỗ không khí vô để đốt cháy than, củi, cho nên Ly là lửa. Khảm trái với Ly, chỗ nào trống thì nước chảy vào; Ly là lửa thì Khảm là nước. Nguy hiểm không gì bằng nước sâu, không cẩn thận thì sụp xuống, chết đuối, nên bảo nước là hiểm.

Xét theo ý ngĩa thì hào dương ở giữa, dương là thực, thành tín, vì vậy bảo là Khảm có đức tin, chí thành (hữu phu) ở trong lòng, nhờ vậy mà hanh thông. Gặp thời hiểm , có lòng chí thành thì không bị tai nạn, hành động thì được trọng mà còn có công nữa.

Thoán truyện giảng thêm: Nước chảy hoài mà không bao giờ ứ lại (lưu nhi bất doanh) chỗ hiểm trở nào cũng tới, cho nên bảo là có đức tin.

Lòng được hanh thông vì hai hào giữa (hào 2 và 5), đã cương mà đắc trung.

Trời có tượng hiểm (vì không lên trời được) ; đất có tượng hiểm, tức núi sông. Các bậc vương công theo tượng trời và đất mà đặt ra những cái hiểm (tức đào hào, xây thành, đạt ra hình pháp) để giữ đất đai và sự trật tự trong xã hội. Cái công dụng của hiểm nếu hợp thời thì cực lớn.

Đại tượng truyện khuyên nên theo cái đức chảy hoài không ngừng của nước mà giữ bền đức hạnh mà tu tĩnh không ngày nào quên.

Hào từ:

初六: 習坎, 入于坎窞, 凶.

Sơ lục: Tập khảm, nhập vu khảm năm ( có người đọc là đạm, hạm, lăm), hung.

Dịch: Hào 1, âm: Hai lần hiểm, sụp vào hố sâu, xấu.

Giảng: hào 1 đã âm nhu, lại ở dưới cùng quẻ Thuần Khảm hai lần hiểm, nên rất xấu.

2.

九二: 坎有險, 求小得.

Cửu nhị: khảm hữu hiểm, cầu tiểu đắc.

Dịch: Hào 2, dương : ở chỗ nước (hiểm) lại có hiểm, mong làm được việc nhỏ thôi.

Giảng: Hào này dương cương, đắc trung, có tài trí, nhưng ở giữa thời trùng hiểm, trên dưới bị hai hào âm nhu bao vây, chưa thóat được; cho nên chỉ mong làm đựơc việc nhỏ thôi.

Hào 4 quẻ Dư (số 6) cũng là dương ở vị âm; cũng bị hai hào âm bao vây, còn kém hào 2 quẻ Khảm vì không đắc trung,vậy mà Hào từ cho là “đại hữu đắc” (thành côn lớn); còn hào 2 quẻ Khảm này chỉ cầu được “tiểu đắc” thôi; chỉ vì thời khác; thời quẻ Dự là thời vui vẻ, hanh thông, thời quẻ Khảm là thời gian nan, nguy hiểm.

3.

六三: 來之坎坎, 險且枕, 入于坎窞, 勿用.

Lục tam : Lai chi khảm khảm, hiểm thả chẩm, nhập vu khảm năm, vật dụng.

Dịch: Hào 3, âm : tới lui (chử chi ở đây nghĩa là đi) đều bị hãm, trước mặt là hiểm mà sau lưng lại kê (dựa) vào hiểm, chỉ càng sụp vào chỗ sâu hơn thôi, chớ dùng (người ở hoàn cảnh hào 3 này, không được việc gì đâu).

Giảng: Hào này âm nhu, bất trung, bất chính, ở trên cùng quẻ nội khảm, mà tiến lên thì gặp ngoại khảm, trước mặt là khảm, sau lưng là khảm, toàn là hiểm cả, cho nên chỉ sụp vào chỗ sâu hơn thôi.

4.

六四: 樽酒簋, 貳 用缶, 納約自牖, 終无咎.

Lục tứ: Tôn tửu quĩ, nhị dụng phẫu, nạp ước tự dũ, chung vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Như thể chỉ dâng một chén rượu, một quĩ thức ăn, thêm một cái vò dựng vài thức khác nữa (không cần nhiều, hễ chí thành là được); (có thể tùy cơ ứng biến) dứt khế ước qua cửa sổ (chứ không đưa qua cửa chính), như vậy không có lỗi.

Giảng: Lời hào này gọn quá, khó hiểu. Phan Bội Châu giảng như sau: tôn là chén rượu, quĩ là đồ đựng thức ăn; nhị là thứ nhì, phó (trái với chánh) là thêm sao, phẫu là cái vò. Tôn tữu quí, nhị dụng phẫu nghĩa là rượu chỉ một chén, thức ăn chỉ một quĩ, các thức khác thêm vào chỉ dùng một cái vò cũng đủ. Ý nói không cần nhiều, miễn lòng chí thành là được. “Nạp ước tự dũ” Nghĩa là khế ước (để làm tin) đáng lẽ phải nộp qua cửa lớn, nhưng lại dứt qua cửa sổ (dũ), như vậy là không chính đại quang minh, nhưng gặp thờ ihiểm, khó khăn, có thể “bất đắc dĩ nhi dụng quyền” (quyền này không phải là quyền hành, mà là quyền biến: tùy cơ ứng biến), miễn là giữ được lòng chí thành.

Hào này như một vị đại thần, nhưng âm nhu, vô tài, không cứu đời ra khỏi cảnh hiểm được; cũng may mà đắc chính, chí thành, cứ giữ đức chí thành đó mà đối với vua, với việc nước, nếu lại có chút cơ trí, biết tòng quyền , thì rốt cuộc không có lỗi.

5.

九五: 坎不盈, 祗既平, 无咎.

Cửu ngũ: Khảm bất doanh, chỉ kì bình, vô cữu.

Dịch : Hào 5, âm: Nước (hiểm) chưa đầy, nhưng đến lúc nước đầy rồi, lặng rồi, thì sẽ khỏi hiểm, không có lỗi.

Giảng: Hào này dương cương, có tài, đắc trung, đắc chính, ở ngôi chí tôn, mới trải qua già nữa thời Khảm, hiểm chưa hết, nước còn dâng lên nữa, đến khi nào nước đầy rồi mới bình lại, mà dắt dân ra khỏi hiểm được. Chữ Kì ở đây nghĩa là bệnh, tức hiểm nạn, trỏ chữ khảm.

6.

上六: 係用黴纆, 寘于叢棘, 三歲不得, 凶.

Thượng lục: Hệ dụng huy mặc, trí vu từng cức, tam tuế bất đắc, hung.

Dịch: Hào trên cùng, âm: đã trói bằng dây thừng to, lại đặt vào bụi gai, ba năm không được ra , xấu.

Giảng: Hào này âm nhu, ở trên cùng quẻ Khảm, chỗ cực kì hiểm, đã không có tài ra khỏi cảnh hiểm, lại không biết hối mà sửa mình, nên bị họa rất nặng.

*

Quẻ này là cái tượng quân tử bị tiểu nhân bao vây, chỉ có hai hào là tạm tốt (hào 2 và 5), còn các hào khác đều xấu. Lời khuyên quan trọng nhất gặp thời hiểm, phải giữ lòng chí thành, và biết tòng quyền. 

30. QUẺ THUẦN LY

Trên dưới đều là Ly (lửa)

Khảm là hãm, hãm thì phải có chỗ nương tựa, cho nên sau quẻ Khảm tới quẻ Ly. Ly [離 ] là lệ [ 麗] ; thời xưa hai chữ đó đọc như nhau, dùng thay nhau được, như nước Cao Ly (Triều Tiên) viết là [高麗 ]. Mà lệ có nghĩa là phụ thuộc vào (như từ ngữ lệ thuộc), dựa vào. Theo hình quẻ, một nét âm ở giữa dựa vào hai nét dương ở trên, dưới.

Ly còn nghĩa thứ nhì là sáng: nét ở giữa dứt, tức là ở giữa rỗng, rỗng thì sáng. Lửa sáng, mặt trời sáng, cho nên Ly có có tượng là lửa, là mặt trời.

Sau cùng Ly còn có nghĩa là rời ra, như chia Ly.

Kinh Dịch mở đầu bằng hai quẻ Càn, Khôn (trời đất); tới giữa Kinh. (cuối phần thượng của Kinh) là hai quẻ Khảm, Ly, vì hai lẽ.

Ba hào thuần dương là Càn, lấy một hào của Khôn thay vào hào giữa của Càn, thành Ly; ba hào thuần âm là Khôn, lấy một hào của Càn thay vào hào giữa của Khôn, thành Khảm; vậy Ly, Khảm là “thiên địa chi trung”, ở giữa trời, giữa đất; công dụng tạo hóa của trời đất nhờ lửa và nước (Ly và Khảm) cả. Khảm ở chính bắc, Ly ở chính nam; Khảm ở giữa đêm (giờ tí), Ly, ở giữa trưa (giờ ngọ).

Khảm, ở giữa là nét dương, liền, thực, cho nên đức của nó là trung thực. Ly ở giữa là nét đứt, hư, rỗng, cho nên đức của nó là sáng, là văn minh.

Thoán từ.

離: 利貞, 亨.畜牝牛, 吉.

Ly: lợi trinh, hanh. Súc tẫn ngưu, cát.

Dịch: Dựa, lệ thuộc: chính đáng thì lợi, hanh thông. Nuôi bò cái thì tốt.

Giảng: Dựa vào chỗ chính đáng, chẳng hạn vào người quân tử thì hanh thông. Dựa vào người thì phải sáng suốt, và thuận theo người, vậy phải nuôi đức thuận, đức của con bò cái (loài này dễ bảo nhất) thì mới tốt.

Ly còn nghĩa là sáng. Quẻ thuần Ly, trên dưới đều là Ly, sáng quá, sáng suốt quá, tỏ mình hơn người thì ít người ưa, cho nên phải giấu bớt cái sáng đi mà trau giồi đức thuận.

Thoán truyện bảo phải có đức trung chính nữa như hào 2 và hào 5 (hào này chỉ trung thôi, nhưng đã đắc trung thì cũng ít nhiều đắc chính) như vậy mới cải hóa được thiên hạ, thành văn minh.

Hào từ:

1.

初九: 履錯然, 敬之, 无咎.

Sơ cửu: Lý thác nhiên, kính chi, vô cửu.

Dịch: Hào 1, dương : Dẫm bậy bạ; phải thận trọng thì không có lỗi.

Giảng: hào dương này có nghĩa nóng nảy, cầu tiến qua, mà còn non nớt, chưa có kinh nghiệm, như đứa trẻ vội vàng dẫm bậy bạ (Phan Bội Châu hiểu là sỏ giày nhố nhăng), tất có lầm lỗi, nên khuyên phải thận trọng (kính chi).

2.

六二: 黃離, 元吉.

Lục nhị: Hoàng ly, nguyên cát.

Dịch: Hào 2, âm : Sắc vàng phụ vào ở giữa, rất tốt.

Giảng: hào này ở quẻ Ly có đức văn minh, lại đắc trung, đắc chính, trên ứng với hào 5 cũng văn minh, đắc trung, nên rất tốt. Vì ở giữa, văn minh, nên ví với sắc vàng, đẹp, sắc của trưng ương như đã giảng ở hào 5 quẻ Khôn và hào 5 quẻ Phệ hạp.

3.

九三: 日昃之離, 不鼓 缶而歌, 則大耋之嗟, 凶.

Cửu tam: Nhật trắc chi Ly, bất cổ phẩu nhi ca, tắc đại diệt chi ta, hung.

Dịch: Hào 3, dương : mặt trời xế chiều lặn, (ý nói người già, tính tình thất thường, không đáng vui mà vui. Không đáng buồn mà buồn). Khi thì gõ cái phẫu (vò bằng đất, đựng rượu mà cũng dùng làm nhạc khí) mà hát, lúc lại than thân già nua; xấu , (Hồi xưa khi hát thì gõ nhịp bằng cái phẫu).

Giảng: Hào 3 này ở trên cùng nội quái ly, như mặt trời sắp lặn mà chưa lên ngoại quái Ly, chưa tới lúc mặt trời mọc (sáng hôm sau).

Câu: “bất cổ phẫu nhi ca, tắc dại diệt chi ta”, Chu Hi hiểu là “chẳng yên phận mà vui vẻ, mà lại than thở vì già nua, thế là không biết tự xử.”

4.

九四: 突如, 其來如, 焚如, 死如, 棄如.

Cửu tứ: Đột như, kì lai như, phần như, tử như, khí như.

Dịch: Hào 4, dương: thình lình chạy tới, như muốn đốt người ta vậy, thì sẽ chết, bị mọi người bỏ.

Giảng: Hão này dương cương, nóng nảy, bất chính, bất trung, mới ở nội quái lên, gặp hào 5 âm nhu, muốn lấn át 5, như một người ở đâu thình lình tới, lồn lộn lên muốn đốt người ta (hào 5) , táo bạo, vụng về như vậy làm sao khỏi chết, có ai dung được nó đâu.

5.

六五: 出涕沱若, 戚嗟若, 吉.

Lục ngũ: xuất thế đà nhược, thích ta nhược, cát.

Dịch: Hào 5, âm: Nước mắt ròng ròng, nhưng biết buồn lo than thở, nên tốt.

Giảng: Hào này âm nhu, ở ngôi tôn, trung những không chính, bị ép giữa hào hào dương, mắc vào hoàn cảnh khó khăn, cho nên bảo là “nước mắt ròng ròng”; nhưng nhờ đức văn minh của quẻ Ly, nên là người biết lo tính, than thở, tìm cách đối pó với hoàn cảnh được, cho nên rồi sẽ tốt.

6.

上九: 王用出征, 有嘉; 折首, 獲匪其醜, 无咎.

Thượng cửu: Vương dụng xuất chinh,

Hữu gia; chiết thủ, hoạch phỉ kì xú, vô cữu.

Dịch: Hào trên cùng, dương: vua dùng (người có tài, tức hào này) để ra quân chinh phạt, có công tốt đẹp, giết đầu đảng mà bắt sống kẻ xấu đi thì thôi, như vậy thì không có lỗi.

Giảng: Hào này dương cương lại ở trên cùng quẻ Ly, thế là vừa cương quyết vừa sáng suốt đến cực điểm, vua dùng tài ấy để trừ kẻ gian tà thì thành công lớn.

Nhưng vì cương quá thì dễ hóa tàn bạo, nên Hào từ khuyên dẹp loạn thì chỉ nên giết những kẻ đầu sỏ, còn những kẻ đi theo thì bắt sống thôi. Như vậy sẽ không có lỗi. 

31- QUẺ TRẠCH SƠN HÀM

Trên là Đoài (chằm), dưới là Cấn (núi)

Kinh thượng bắt đầu bằng hai quẻ Càn Khôn: trời, đất. Có trời đất rồi mới có vạn vật, có vạn vật rồi mới có nam, nữ; có nam nữ rồi mới thành vợ chồng, có cha con, vua tôi, trên dưới, lễ nghĩa.

Cho nên đầu kinh thượng là Càn, Khôn, nói về vũ trụ; đầu kinh hạ là Hàm, Hằng, nói về nhân sự. Hàm là trai gái cảm nhau. Hằng là vợ chồng ăn ở với nhau được lâu dài.

Thoán từ:

咸: 亨, 利貞, 取女吉.

Hàm: Hanh, lợi trinh, thú nữ cát.

Dịch: giao cảm thì hanh thông, giữ đạo chính thì lợi, lấy con gái thì tốt.

Giảng: đoài là thiếu nữ ở trên, Cấn là thiếu nam ở dưới (1). Cảm nhau thân thiết không gì bằng thiếu nam, thiếu nữ. Cảm nhau thì tất hanh thông.

Thiếu nữ ở trên, thiếu nam phải hạ mình xuống cạnh thiếu nữ; hồi mới gặp nhau thì phải vậy; chứ nếu thiếu nữ cầu cạnh thiếu nam thì là bất chính, không tốt. Cho nên thoán từ bảo phải giữ đạo chính mới có lợi. Hai bên giữ đạo chính cả thì cưới vợ chắc tốt lành.

Hàm 咸 khác cảm 感 ở điểm: Cảm có chữ Tâm 心 là lòng, hàm thì không. Hàm là tự nhiên hai bên tương hợp, rồi cảm nhau, không có tư ý, không vì một lẽ nào khác, phải hư tâm (trống rỗng trong lòng) .

Đại tượng truyện khuyên: “dĩ hư tâm thụ nhân”. Như trên núi có chỗ trũng xuống (hư) để nước đọng lại mà thành cái chằm.

Hư tâm thì lòng được tĩnh, như cái núi (nội quái là Cấn), mà vui như tính của cái chằm (ngoại quái là Đoài) (chỉ nhi duyệt; lời Thoán truyện); muốn giữ được lòng tĩnh thì phải “khắc kỉ phục lễ” tự chủ được mình mà giữ lễ.

Tóm lại, Thoán từ cho rằng trai gái cảm nhau phải chân thành, tự nhiên, vì nết, vì tài thì mới tốt; mà khi cảm nhau rồi phải tự chủ, giữ lễ, đừng để đến nỗi hóa ra bất chánh.

Coi đạo âm dương giao cảm mà sinh hóa vạn vật, thánh nhân chí thành mà cảm được thiên hạ, thì thấy được chân tình của thiên địa, vạn vật. Đạo cảm nhau quả là quan trọng.

Hào từ:

1

初六: 咸其拇.

Sơ lục: Hàm kì mẫu.

Dịch: Hào 1, âm: Như cảm ngón chân cái.

Giảng: Hào từ lấy thân người làm thí dụ. Hào 1 ở dưới cùng. Nó ứng với hào 4, thấp mà cảm với trên cao, sức cảm còn nhỏ, chưa động được lòng người, mới hơi động được ngón chân thôi. Không khen cũng không chê.

2.

六二: 咸其腓, 凶; 居吉.

Lục nhị: Hàm kì phì, hung; cư cát.

Dịch: Hào 2, âm: Cảm được bắp chân, xấu; ở yên thì tốt.

Giảng: Hào 2, cao hơn một chút, ví như bắp chân. Nó ứng với hào 5, nhưng nó là âm, phận gái, mà còn ở dưới thấp, nếu nóng lòng cầu thân với 5 thì xấu. Nó nên giữ nết trung chính (vì là hào 2 đắc trung, đắc chính) của nó thì mới tốt, như vậy mới hợp đạo lý.

Thoán truyện bảo: quẻ Hàm này, hễ tĩnh thì tốt; cho nên hào 2 này khuyên không nên động.

3.

九三: 咸其股, 執其隨, 往吝.

Cửu tam: Hàm kì cổ, chấp kì tùy, vãng lận.

Dịch: Hào 3, dương : cảm được tới đùi, chỉ muốn theo người, cứ như vậy mà tíến thì xấu.

Giảng: Hào này ở trên cùng nội quái, nên ví với bắp đùi. Nó là dương cương, ham tiến, muốn theo hào 4 cũng dương cương ở trên nó; trong thời Hàm, nên tĩnh mà nó động, lại động theo người nữa, đáng chê.

4.

九四: 貞吉悔亡; 憧憧往來, 朋從爾思.

Cửu tứ: Trinh cát hối vong; đồng đồng vãng lai, bằng tòng nhĩ tư.

Dịch: Hào 4, dương: hễ chính đáng thì tốt, mà mất hết những điều đáng ăn năn. Nhược bằng nếu lăng xăng tính toán có qua có lại với nhau thì những người qua lại với anh chỉ là những người anh nghĩ tới mà thôi (ý nói: số bạn không đông, đoàn thể không lớn).

Giảng: Hào này đã lên ngoại quái, dương cương, lại ở quẻ đoài (vui vẻ), tức là có tình hoà duyệt, nặng về cảm tính, cho nên ví với trái tim (tấm lòng). Tình cảm phải chính đáng, chí công vô tư, như vậy mới tốt, không phải ăn năn. Nếu có óc tính toán, tốt với người để mong người tốt lại với mình, có đi có lại thì số bạn không được đông.

Theo Hệ từ truyện, Chương V, Khổng tử giảng hào này rất kỷ, chúng tôi trích ra đoạn dưới đây:

“ Đạo lý trong thiên hạ, cần gì phải ngẫm nghĩ bằng ý riêng, tính toán bằng mẹo vặt, vì thiên hạ đường đi tuy khác nhau mà qui kết thì ý như nhau: tính toán trăm lối mà cuối cùng chỉ tóm vào một lẽ (lẽ đó là có cảm thì có ứng, ứng lại gây ra cảm) cần gì phải ngẫm nghĩ bằng ý riêng, tính toán bằng mẹo vặt. . .”

5.

九五: 咸其脢, 无悔.

Cửu ngũ: Cảm kì mỗi, vô hối.

Dịch: Hào 5, dương : Cảm tới bắp thịt ở trên lưng, không hối hận.

Giảng: Bắp thịt ở trên lưng, cao hơn tim (hay lòng) mà trái với tim, không cảm được vật. Không cảm được vật mà cũng không có tư tâm, tư ý, nên cũng không có gì hối hận. Có lẽ vì hào 5 này dương cương, ở vị rất cao, trung, chính, cách biệt dân chúng quá, cho nên Chu Hi bảo là “không cảm được vật” chẳng?

6.

上六: 咸其輔, 頰, 舌.

Thượng lục: Hàm kì phụ, giáp , thiệt.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Cảm người bằng mép, má, lưỡi.

Giảng: Hào này ở trên cùng Hàm, nên ví với mép, má, lưỡi. Nó là âm nhu ở trong ngoại quái Đoài (vui vẻ), ham cảm người ta bằng miệng lưỡi, không thành thực. Chẳng cần nói cũng biết là đáng chê rồi.

*

Đạo cảm người phải chí thành, tự nhiên, không dùng trí tính toán, nhưng cũng không nên có tư ý, tư tâm. 

32. QUẺ LÔI PHONG HẰNG

Trên là Chấn (sấm), dưới là Tốn (gió)

Ở đầu quẻ Hàm, tôi đã nói tại sao sau quẻ Hàm (trai gái cảm nhau) tiếp tới quẻ Hằng (đạo vợ chồng có tính cách lâu dài). Hàm: trên là Chấn trưởng na, dưới là Tốn, trưởng nữ chồng trên, vợ dưới ,rất hợp đạo, thì tất được lâu dài.

Thoán từ :

恆: 亨, 无咎; 利貞, 利有攸往.

Hằng: Hanh, vô cữu; lợi trinh, lợi hữu du vãng.

Dịch: Lâu dài thì hanh thông, không có lỗi; giữ được chính đạo thì có lợi, tiến hành việc gì cũng thành công.

Thoán truyện giảng: Cương (Chấn) ở trên, nhu (Tốn) ở dưới, sấm gió giúp sức nhau, Chấn động trước, Tốn theo sau, thế là thuận đạo. Lại thêm ba hào âm đều ứng với ba hào dương, cũng là nghĩa thuận nữa, cả hai bên đều giữ được đạo chính lâu dài.

Hào từ:

1

初六: 浚恆, 貞凶, 无攸利.

Sơ lục: tuấn hằng, trinh hung, vô du lợi.

Dịch: Hào 1, âm: Quá mong được thân mật lâu dài; cứ quyết (trinh) như vậy, không chịu bỏ thì xấu, không làm gì được thuận lợi cả.

Giảng: Hào 1 ứng với hào 4, nhưng địa vị mình quá thấp, địa vị 4 quá cao, mà 4 là dương cương, chỉ trông lên không ngó xuống mình; lại thêm có 2 hào 2 và 3 ngăn cách vậy mà không biết phận cứ tiến sâu (tuấn là sâu), mong được thân mật lâu dài, keo sơn với 4, thành ra ngu. Cứ kiên cố giữ cách ấy thì xấu.

2.

九二: 悔亡.

Cửu nhị: hối vong.

Dịch: Hào 2, dương: hối hận tiêu hết.

Giảng: Hào này dương cương ở vị âm, đáng lẽ có hối hận, nhưng vì đắc trung lại ứng với hào 5 cũng đắc trung, thế là giữ được đạo trung, nên không có gì hối hận.

3.

九三: 不恆其德, 或承之羞, 貞吝.

Cửu tam: Bất hằng kì đức, hoặc thừa chi tu, trinh lận.

Dịch: Hào 3, dương : không thường giữ được cái đức của mình, có khi bị xấu hổ, dù chính đáng cũng đáng tiếc.

Giảng: Hào dương ở vị dương là đắc chính, nếu thường giữ được đức “chính” đó thì tốt; nhưng vì quá cương mà bất đắc trung, lại theo đòi với hào trên cùng âm nhu, thế là bỏ cái đức chính của mình, muốn kết bạn với hào trên cùng, chưa biết chừng bị xấu hổ đấy. Vậy 3 tuy “ chính “ đấy, chỉ vì không thường giữ được đức đó, thì tuy chính mà vẫn đáng tiếc.

4.

九四: 田无禽.

Cửu tứ: Điền vô cầm.

Dịch: Hào 4, dương : như đi săn mà không được cầm thú.

Giảng: Hào dương mà ở vị âm, là không phải chỗ của mình mà cứ ở lâu chỗ đó, vì trong quẻ Hằng thì chẳng nên việc gì, chỉ mất công thôi, như đi săn mà không bắt được cầm thú.

5.

六五: 恆其德, 貞. 婦人吉, 夫子凶.

Lục ngũ: Hằng kỳ đức, trinh. Phụ nhân cát, phu tử hung.

Dịch : Hào 5, âm: giữ được thường (lâu) đức của mình, bền mà chính. Ðàn bà thì tốt, đàn ông thì xấu.

Giảng: Hào 5, âm nhu, đắc trung, ứng với hào 2 dương cương cũng đắc trung, nếu cứ thuận tòng từ trước tới sau thì là bền mà chính đáng. Nhưng đó chỉ là đạo của đàn bà như hào 5, âm này thôi; không hợp với đàn ông, vì theo quan niệm thời xưa, phu xướng phụ tùy.

Tiểu tượng truyện giảng thêm, đàn ông phải tìm ra cái gì đáng làm thì làm (phu tử chế nghĩa), chứ cứ một mực theo vợ thì xấu.

6.

上六: 振恆, 凶.

Thượng lục: chấn hằng, hung.

Dịch: Hào trên cùng, âm: cử động hoài, không chịu yên thì xấu.

Giảng: Ở trên cùng quẻ Hằng và ngoại quái Chấn, cho nên nói là ham động quá, lại âm nhu, không bền chí, ở yên không được sẽ thất bại.

*

Quẻ này quan trọng ở hào 5: đạo phu xướng phụ tùy của Trung Hoa thời xưa. Một lời khuyên là theo lý mà làm, đừng hành động càn. 

33. QUẺ THIÊN SƠN ĐỘN

Trên là Càn (Trời), dưới là Cấn (núi)

Hể ở lâu thì phải rút lui, lánh đi, hết ngày thì tới đêm, hết đông tới xuân, ngồi lâu phải đứng dậy, già rồi nên về hưu . . , cho nên sau quẻ Hằng (lâu) tới quẻ động (là trốn lánh đi).

Thoán từ:

遯: 亨, 小利貞.

Độn: Hanh, tiểu lợi trinh.

Dịch: Trốn lánh đi thì hanh thông; trong các việc nhỏ, giữ được điều chính thì có lợi.

Giảng: Trên là trời, dưới là núi: ở chân núi thì thấy đỉnh núi là trời, nhưng càng lên càng thấy trời lùi lên cao nữa, tới đỉnh núi thấy trời mù mịt tít vời, như trời trốn lánh núi, cho nên đặt tên quẻ là Độn.

Quẻ này hai hào âm ở dưới đẩy bốn hào dương lên trên, có cái tượng âm (tiểu nhân) mạnh lên, đuổi dương (quân tử) đi, trái hẳn với quẻ Lâm. Độn thuộc về tháng 5, Lâm thuộc về tháng 12.

Ở thời Động, âm dương tiến mạnh, dương nên rút lui đi là hợp thời, được hanh thông (có thể hiểu là : đạo quân tử vẫn hanh thông). Tuy nhiên âm mới có 2, dương còn tới 4, chưa phải là thời Bĩ (cả 3 âm đều tiến lên), nên chưa đến nỗi nào, trong các việc nhỏ, giữ được điều chính thì còn có lợi, còn làm được.

Sở dĩ chưa đến nỗi nào, còn hanh thông vì trong quẻ có hào 5, dương, ứng với hào 2, âm; cả hai đều trung chính. Vậy ở thời đó, chưa nên trốn hẳn, nên tính xem việc nào còn làm được thì làm, tùy cơ ứng biến, cho nên Thoán truyện bảo lẽ tùy thời trong quẻ Độn này rất quan trọng.

Đại tượng truyện khuyên trong thời này quân tử nên xa lánh tiểu nhân, cứ giữ vẻ uy nghiêm, đừng dữ dằn với chúng quá.

Hào từ:

1

初六: 遯尾, 厲, 勿用有攸往.

Sơ lục: độn vĩ, lệ, vật dụng hữu du vãng.

Dịch: Hà 1, âm: Trốn sau cùng, như cái đuôi, nguy đấy, đừng làm gì cả.

Giảng: Hào ở dưới cùng, nên ví với cái đuôi ở lại sau cùng. Nó là âm, nhu nhược, hôn ám, không trốn theo kịp người, còn rù rờ ở sau, nên bảo là nguy.

2.

六二: 執之用黃牛之革, 莫之勝說.

Lục nhị: chấp chi dụng hoàng ngưu chi cách, mạc chi thăng thoát.

Dịch: Hào 2, âm: Hai bên (hào 5 và hào 2) khăng khít (bền chặt) với nhau như buộc vào nhau bằng da bò vàng, không thể nào cởi được.

Giảng: hào 2 âm, đắc trung đắc chính, ứng với hào 5 dương cũng đắc trung đắc chính, cho nên tương đắc, khắng khít với nhau, không thể rời nhau được, 2 không thể bỏ 5 mà trốn được.

Màu vàng (da bò vàng) là màu trung, ám chỉ hai hào đó đều đắc trung.

3.

九三: 係遯, 有疾厲, 畜臣妾, 吉.

Cửu tam: Hệ độn, hữu tật lệ, súc thần thiếp, cát.

Dịch: Hào 3, dương, lúc phải trốn mà bịn rịn tư tình thì nguy; nhưng nuôi kẻ tôi tớ trai gái thì tốt.

Giảng: Hào dương này ở gần hào 2 âm, có vẻ bịn rịn tư tình với hào đó, không thể trốn mau được, như bị bệnh mà nguy; có tư tình đó thì không làm được việc lớn, chỉ nuôi bọn tôi tớ trai gái mình tốt với họ thì họ vui lòng mà dễ sai khiến, được việc cho mình.

Bốn chữ “súc thần thiếp, cát” tôi hiểu theo Phan Bội Châu; Chu Hi giảng rất mù mờ, lúng túng; J. Legge giảng là: nếu 3 đổi hào 2, như nuôi tôi tớ trai gái thì tốt. R. Wilhem giảng là 3 vẫn giữ được sự tự quyết, đừng để cho hào 2 sai khiến mình thì tốt.

4.

九四: 好遯, 君子吉, 小人否.

Cửu tứ: Hiếu độn, quân tử cát, tiểu nhân phủ.

Dịch: Hào 4 dương: Có hệ lụy với người, nhưng trốn được, quân tử thì tốt, tiểu nhân thì không.

Giảng: Hào này cũng tối nghĩa; chữ 好 có người đọc là hảo , chữ 否 có người đọc là bĩ, vì vậy có nhiều cách hiểu, với hào 1 âm nhu, có tình thân thiết (hệ lụy) với nhau; nhưng 4 là quân tử, 1 là tiểu nhân , 4 cắt được tư tình mà trốn đi, theo lệ phải (chính nghĩa); chỉ hạng quân tử mới làm vậy được, tiểu nhân thì không .

5.

九五: 嘉遯, 貞吉.

Cửu ngũ: gia độn, trinh cát.

Dịch: Hào 5, dương, trốn mà theo điều chính cho nên tốt.

Giảng: Hà 5, dương có đức trung chính, ứng với hào 2 cũng trung chính, ở thời Độn, cả 2 hào trung chính dắt nhau trốn bọn tiểu nhân, giữ được điều chính, cho nên tốt.

6.

上九: 肥遯, 无不利.

Thượng cửu: Phi độn, vô bất lợi.

Dịch: Hào trên cùng, dương: trốn mà ung dung, đàng hoàng, không có gì là không lợi.

Giảng: Vào lúc cuối thời Độn, càng trốn được xa càng được tự do. Hào này dương cương quân tử, không bịn rịn với hào nào cả (vì hào 3 cũng là dương), có thể ung dung, đàng hoàng trốn được, không nghi ngại gì cả.

*

Ý nghĩa quẻ Độn: trốn phải hợp thời; trốn sau cùng là trễ, thì nguy (hào 1) trốn mà còn vương tư tình thì xấu (hảo 3); trốn một cách trung chính thì tốt (hào 5); trốn mà không bịn rịn thì được ung dung (hào 6) . Lại có trường hợp vì hoàn cảnh mà không được trốn đi (hào 2). 

34. QUẺ LÔI THIÊN ĐẠI TRÁNG

Trên là chấn (sấm), dưới là Càn (trời)

Hết thời lui rồi thì tới thời tiến lên, tiến lên thì lớn mạnh, cho nên sau quẻ Độn tới quẻ đại tráng (lớn mạnh).

Thoán từ:

大壯: 利貞.

Đại tráng, lợi trinh.

Dịch: Lớn mạnh, theo điều chính thì lợi.

Giảng: Quẻ này có 4 nét dương ở dưới, hai nét âm ở trên; dương đã lớn mạnh mà âm sắp bị diệt hết. Quẻ Càn ở trong, quẻ Chấn ở ngoài, thế là có đức dương cương mà động. Lại có thể giảng là sấm vang động ở trên trời, tiếng rất lớn, vang rất xa.

Lớn mạnh thì dĩ nhiên là tốt rồi, nhưng thường tình, gặp thời thịnh, người ta kiêu căng, làm điều bất chính, cho nên thoán từ phải dặn: giữ điều chính, lúc đắc ý nghĩ đến lúc thất ý, thì mới có lợi.

Đại tượng truyện bảo muốn giữ điều chính thì đừng làm cái gì phi lễ. (Quân tử phi lễ phất lí)

Thoán truyện bàn thêm: có chính thì mới có lớn (đại), chính đại là cái “tình” của trời đất, tức cái công dụng hiện ra ngoài của trời đất, (chính đại nhi thiên địa chi tình khả kiến hĩ). Chúng ta để ý: quẻ Phục mới có một nét dương hiện ở dưới cùng, cho nên bảo chỉ thấy cái lòng của trời đất (kiến thiên địa chi tâm), quẻ Đại tráng này, dương đã lớn, được 4 nét rồi, thì thấy được cái tình của trời đất.

Hào từ:

1.

初九: 壯于趾, 征凶, 有孚.

Sơ cửu: Tráng vu chỉ, chinh hung, hữu phu.

Dịch: Hào 1, dương: mạnh ở ngón chân, đi lên thì xấu, có thể tin chắc như vậy (hữu phu ở đây không có nghĩa là có đức tin như những nơi khác).

Giảng: Hào này ở dưới cùng, dương cương, cho nên ví với ngón chân, ở địa vị thấp mà hăng hái muốn tiến, sẽ vấp, xấu.

2.

九二: 貞吉.

Cửu nhị: Trinh cát.

Dịch: Hào 2, dương : có đức chính ,tốt.

Giảng: Hào này dương cương, ở vị nhu, tuy không đắc chính, nhưng đắc trung, mà trung thì không bao giờ bất chính, vậy cũng là tốt.

3.

九三: 小人用壯, 君子用罔.貞厲, 羝羊觸藩, 羸其角.

Cửu tam: Tiểu nhân dụng tráng, quân tử dụng võng.

Trinh lệ, đề dương xúc phiên, luy kì giác.

Dịch: Hào 3, dương: tiểu nhân dùng sức mạnh, quân tử không; dù giữ điều chính cũng nguy, như con cừu đực húc vào cái dậu, bị thương cái sừng.

Giảng: Hào này dương cương, ở vào vị dương (lẻ) trong quẻ Đại tráng, lại ở cuối nội quái Càn, thế là cực kì hung mạnh, dù giữ được chính đáng cũng nguy; quân tử biết vậy mà không hành động, chỉ tiểu nhân mới hung hăng như con cừu đực, húc vào cái dậu.

Bốn chữ “quân tử dụng võng”, Chu Hi, J. Legge,R. Wilhem đều giảng như vậy. Duy Phan Bội Châu bảo “võng” là gan liều, không sợ gì, và “quân tử dụng võng” là “quân tử hữu dũng mà vô nghĩa thì làm loạn”. Chữ at ở đây không phải là người có đức (như Chu Hi hiểu) mà là người trị dân.

4.

九四: 貞吉, 悔亡, 藩決不羸.壯于大輿之輹.

Cửu tứ: Trinh cát, hối vong, phiên quyết bất luy, tráng vu đại dư chi phúc.

Dịch: Hào 4, dương : theo điều chính thì tốt, hối hận mất hết; dậu đã mở không khốn nữa, mạnh mẽ tiến lên, như ngồi cỗ xe lớn mà trục xe vững vàng.

Giảng: Hào này dương cương, qua khỏi nội quái là Càn, mà lên ngoại quái là Chấn, là tráng thịnh đến cực điểm; nó ở trên hết các hào dương, làm lãnh tụ đám quân tử, sợ nó hăng quá mà lầm đường nên dặn kĩ: giữ điều chính thì mới tốt, khỏi ân hận.

Ở trên nó là hai hào âm, âm đã đến lúc suy, dễ đánh đổ; như cái dậu ở trước mặt hào 4 đã mở, không còn bị khốn nữa; nó có thể dắt ba hào dương ào ào tiến lên dễ dàng, cơ hội thuận lợi như ngồi cỗ xe lớn mà trục xe vững vàng.

5.

六五: 喪羊于易, 无悔.

Lục ngũ: táng dương vu dị, vô hối.

Dịch: Hào 5, âm: làm mất sự hung hăng của bầy cừu bằng cách vui vẻ dễ dại, thì sẽ không ân hận.

Giảng: Hào này ở vị chí tôn, nhưng vốn âm nhu, ogthể áp đảo được 4 hào dương ở dưới, phải vui vẻ dễ dãi với họ thì họ sẽ hết hung hăng. Bốn hào dương đó ví như bầy dê hung hăng. Sở dĩ phải có thái độ đó vì ngôi của 5 quá cao đối với tư cách âm nhu của nó.

6.

上六: 羝羊觸 藩, 不能退, 不能遂, 无攸利, 艱則吉.

Thượng lục: đề dương xúc phiên, bất năng thoái, bất năng toại, vô du lợi, gian tắc cát.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Cừu đực húc vào dậu, mắc kẹt, lui không được, tiến cho toại ý cũng không được, không có lợi gì cả; chịu khó nhọc thì tốt.

Giảng: hào này ở trên cùng quẻ Đại tráng là hết thời lớn mạnh, mà cũng ở trên cùng ngoại quái Chấn, là rất ham động mà bất lực (âm nhu); như con cừu đực hung hăng húc vào dậu, mắc kẹt, lui không được, tiến lên cho toại ý cũng không được, không lợi ở chỗ nào cả. Nếu bỏ tính hung hăng húc quàng đi mà chịu khó nhọc thì tốt.

*

Quẻ này là thời âm suy, dương lớn mạnh lên, đáng lẽ tốt; mà sáu hào không có hào nào thật tốt, chỉ tốt với điều kiện là giữ đạo chính của quân tử; cổ nhân khuyên muốn gặp vận hội tốt thì phải coi chừng hoạ nấp ở đâu đó, nên đề phòng. 

35. QUẺ HỎA ĐỊA TẤN

Trên là Ly (lửa) dưới là Khôn (đất)

Đã tráng thịnh thì tất nhiên phải tiến lên, cho nên sau quẻ Đại tráng tới quẻ Tấn [晉], Tấn có nghĩa là tiến [進] lên.

Thoán từ:

晉: 康侯用錫馬蕃庶, 晝日三接.

Tấn: Khang hầu dụng tích mã phồn thứ, trú nhật tam tiếp.

Dịch: tiến lên, bậc hầu có tài trị nước được thưởng ngựa nhiều lần, ban ngày được tiếp tới ba lần.

Giảng: Quẻ này có tượng mặt trời (ly) lên khỏi mặt đất (Khôn), càng lên cao càng sáng, tiến mạnh.

Lại có thể hiểu là người dưới có đức thuận (Khôn) dựa vào bậc trên có đức rất sáng suốt (☲); cho nên ví với một vị hầu có tài trị dân (Khang hầu) được vua tín nhiệm, thưởng (tích) ngựa nhiều lần, nội một ngày mà được vua tiếp tới ba lần.

Thoán truyện giảng thêm: quẻ này hào 5 có cái tượng một hào âm nhu tiến lên địa vị vua chúa: nhu tiên nhi thượng hành. Theo Chu Hi, như vậy là vì quẻ Tấn do quẻ Quán biến thành: hão quẻ Quán là âm, nhảy lên trên, thành 5 quẻ Tấn. Phan Bội châu hiểu khác: hào 5 vốn là hào dương giữa quẻ Càn, biến thành hào âm ở giữa ngoại quái Ly của quẻ Tấn. Theo tôi, cách hiểu của Chu Hi dễ chấp nhận hơn.

Đại tượng truyện khuyên người quân tử xem tượng quẻ Tấn này nên tự làm cho đức của mình càng ngày càng sáng như mặt trời hiện lên khỏi mặt đất rồi tiến mãi lên.

Hào từ:

1.

初六: 晉如, 摧如, 貞吉, 罔孚, 裕. 无咎.

Sơ Lục: tấn như, tồi như, trinh cát, võng phu, dụ, vô cữu.

Dịch: Hào 1 âm: : muốn tiến lên mà bị chắn lại, giữ đạo chính thì tốt; mếu người chẳng tin mình thì nên khoan thai, bình tĩnh, như vậy sẽ không có lỗi.

Giảng: Âm nhu ở dưới cùng, ứng với hào 4, mà 4 lại bất trung, bất chính, nên chẳng giúp mình được gì, mình muốn tiến lên mà như thể bị chặn lại. Trong hoàn cảnh đó, nếu có người không tin mình thì mình chỉ nên khoan thai, bình tĩnh tu thân là sẽ không có lỗi.

2.

六二: 晉如, 愁如, 貞吉; 受茲介福于其王母.

Lục nhị: Tấn như, sầu như, trinh cát;

Thụ tư giới phúc vu kì vương mẫu.

Dịch: Hào 2, âm: Tiến lên mà rầu rĩ, giữ đạo chính thì tốt; sẽ được nhờ phúc lớn của bà nội.

Giảng: Hào này có đức trung chính, đáng lẽ tiến lên được nhưng trên không có người ứng viện (vì hào 5 cũng âm nhu như 2), phải tiến một mình, nên rầu rĩ. Nhưng cứ giữ đạo chính thì chẳng bao lâu sẽ gặp cơ hội tốt: hào 5 ở trên, cũng là hào âm như mình, tuy không giúp được mình trong công việc, nhưng cũng đắc trung như mình, sẽ ban phúc lớn cho mình, và mình sẽ được nhờ hào 5 như được nhờ phúc của bà nội (vương mẫu tức như tổ mẫu) mình vậy.

Sở dĩ ví hào 5 với bà nội vì 5 là âm mà ở trên cao, cách 2 khá xa.

3.

六三: 眾允, 悔亡.

Lục tam: chúng doãn, hối vong.

Dịch: hào 3, âm: mọi người tin cẩn, thì mọi sự hối tiếc sẽ mất đi.

Giảng: hào âm này ở trên cùng nội quái Khôn, bất trung chính, đáng lẽ có điều hối hận, nhưng có hai hào âm ở dưới đều muốn tiến lên với mình, đều tin mình, mình được lòng họ, thì còn gì phải hối tiếc nữa đâu?

4.

九四: 晉如, 鼫鼠, 貞厲.

Cửu tứ: Tấn như, thạch thử, trinh lệ.

Dịch: hào 4, dương : tiến lên, tham lam như con chuột đồng, cứ giữ thói đó thì nguy.

Giảng: Hào này bất chính, bất trung, ở địa vị cao, tham lam muốn giữ ngôi mà lại sợ một bầy âm ở dưới dương hăng hái dắt nhau tiến lên, nên ví với con chuột đồng, vừa tham vừa sợ người .

Nếu nó giữ thói đó (trinh ở đây là bền vững chứ không phải là chính đáng, vì hào 4 vốn bất chính) thì sẽ nguy, bị tai hoạ mà mất ngôi.

5.

六五: 悔亡, 失得勿恤, 往吉, 无不利.

Lục ngũ: hối vong, thất đắc vật tuất, vãng cát, vô bất lợi.

Dịch: Hào 5, âm: không có gì ân hận cả; nếu đừng lo được hay mất, mà cứ tiến thì tốt, không gì là không lợi.

Giảng: Hào này làm chủ quẻ Tấn, có đức sáng suốt (vì ở giữa ngoại quái Ly), lại được ba hào âm ở dưới thuận giúp mình, nên không có gì phải ân hận.

Nhưng nó là âm nhu, e có lòng ham được, sợ mất, cho nên Hào từ khuyên thành bại chẳng màng, cứ giữ đức sáng suốt thì sẽ thành công.

6.

上九: 晉其角, 維用伐邑, 厲吉, 无咎, 貞吝.

Thượng cửu: Tấn kì giác, duy dụng phạt ấp, lệ cát, vô cữu, trinh lận.

Dịch: Hào trên cùng, dương: chỉ tiến cặp sừng thôi, lo trị cái ấp riêng của mình thôi thì dù có nguy, kết quả cũng tốt, không tội lỗi, nhưng dù được điều chỉnh thì cũng đáng thẹn.

Giảng: Dương cương mà ở trên cùng quẻ Tấn, có nghĩa là cứng đến cùng cực, mà ham tiến cũng cùng cực, không khác con thú hung hăng chỉ húc bằng cặp sừng. Như vậy không làm được việc lớn, chỉ giữ được cái vị của mình, như trị được cái ấp riêng của mình thôi, dù có nguy thì cũng vẫn thành công đấy. Có điều là ở thời đại Tiến lên mà chỉ làm được vậy, chứ không thành sự nghiệp lớn thì cũng đáng thẹn đáng tiếc. 

36. QUẺ ĐỊA HỎA MINH DI

Trên là Khôn (đất), dưới là ly (lửa)

Tiến lên thì tất có lúc bị thương tổn, cho nên sau quẻ Tấn tiếp tới Minh di. Di [夷] nghĩa là thương tổn.

Thoán từ.

明夷: 利艱貞.

Minh di: Lợi gian trinh.

Dịch: Ánh sáng bị tổn hại, chịu gian nan, giữ điều chính thì lợi.

Giảng: Quẻ này ngược với quẻ Tấn ở trên; mặt trời (ly) lặn xuống dưới đất (Khôn) ánh sáng bị tổn hại, tối đi (Minh di).

Người quân tử ở thời u ám này, gặp nhiều gian nan, chỉ có cách giữ đức chính trinh của mình thì mới có lợi. Muốn vậy thì ở trong lòng giữ đức sáng mà ở ngoài thì nhu thận để chống với hoạn nạn như tượng của quẻ Ly là sáng văn minh ở nội quái, Khôn là nhu thuận ở ngoại quái. Vua Văn Vương bị vua Trụ nghi ngờ, giam vào ngọc Dữu Lý, tỏ vẻ rất nhu thuận, không chống đối Trụ, mà để hết tâm trí vào việc viết Thoán từ giảng các quẻ trong Kinh Dịch, nhờ vậy Trụ không có cớ gì để giết, sau thả ông ra.

Không những ở ngoài phải tỏ vẻ nhu thuận, mà có khi còn nên giấu sự sáng suốt của mình đi nữa mà trong lòng vẫn giữ chí hướng, như Cơ tử một hoàng thân của Trụ. Trụ vô đạo, Cơ Tử can không được, giả điên, làm nô lệ, để khỏi bị giết, mong có cơ hội tái tạo lại nhà Ân; khi nhà Ân mất, ông không chết với Trụ, cũng không bỏ nước ra đi. Võ vương – con Văn Vương – diệt Trụ rồi, trọng tư cách Cơ Tử, mời ra giúp nước, ông không chịu; sau Võ vương cho ra ở Triều Tiên, lập một nước riêng. Như vậy là Cơ Tử giấu sự sáng suốt của mình để giữ vững chí, không làm mất dòng dõi nhà Ân (Hối kì minh, nội nạn nhi năng chính kě chí – Thoán truyện).

Đại tượng truyện bảo quân tử gặp thời Minh di, muốn thống ngự quần chúng nên dùng cách kín đáo mà lại thấy được rõ (dụng hối nhi minh), nghĩa là dùng thủ đoạn làm ngơ cho kẻ tiểu nhân , đừng rạch ròi, nghiêm khắc quá mà se bị hại, tóm lại là làm bộ như không biết để chúng không nghi ngờ mình và để lộ hết dụng tâm của chúng ra mà mình sẽ biết được. Cơ hồ tác giả Đại tượng truyện muốn dùng thuật của Hàn Phi.

Hào từ.

1.

初九: 明夷, 于飛 垂其翼.君子于行, 三日不食, 有攸往, 主人有言.

Sở cửu: Minh di, vu phi thùy kì dực. Quân tử vu hành,

tam nhật bất thực, hữu du vãng, chủ nhân hữu ngôn.

Dịch: Hào 1, dương : ở thời u ám (ánh sáng bị tổn hại), hào này như con chim muốn bay mà cánh rũ xuống. Người quân tử biết thời cơ thì bỏ đi ngay, dù (không có tiền) phải nhịn đói ba ngày, mà đi tới đâu, gặp chủ cũ, cũng bị chủ cũ chê trách.

Giảng: Hào dương ở đầu thời Minh di, là người quân tử gặp thời hắc ám, có thể bị hại như con chim rũ cánh xuống. Cách xử thế là nên bỏ đi ngay, như Phạm Lãi bỏ nước Việt vì biết vua Việt là Câu Tiễn sẽ nghi ngờ mà hại các công thần, nhờ vậy tránh được cái hoạ bị giết như đại phu Chủng.

2.

六二: 明夷, 夷于左股, 用拯馬壯, 吉.

Lục nhị: Minh di, di vu tả cổ, dụng chửng mã tráng, cát.

Dịch: Hào 2, âm: Ở thời ánh sáng bị tổn hại, hào này như bị đau ở đùi bên trái, nhưng cũng mau khỏi, sẽ như con ngựa mạnh mẽ tiến lên, tốt.

Giảng: Hào này làm chủ nội quái Ly (sáng suốt), đắc trung, đắc chính , là bậc quân tử có tài, nhưng ở thời Minh di, hôn ám nên bị tiểu nhân làm hại ít nhiều, như bị thương ở đùi bên trái, nhưng rồi sẽ mau khỏi (dụng chửng), mà như con ngựa mạnh mẽ.

Tốt vì hào 2 trung, chính, lại vẫn thuận theo (vì là hào âm) phép tắc.

“dụng chửng mã tráng” R. Wilhem giảng là : sẽ dùng sức con ngựa mạnh mà giúp đỡ người khác khỏi cơn nguy, J. Legge dịch là: tự cứu mình bằng sức một con ngựa mạnh. Chúng tôi theo Chu Hi và Phan Bội Châu.

3.

九三: 明夷, 于南狩, 得其大首, 不可疾, 貞.

Củu tam: Minh di, vu nam thú, đắc kì đại thủ, bất khả tật, trinh.

Dịch: Hào 3, dương: ở thời ánh sáng bị tổn hại, đi tuần về phương Nam, bắt được kẻ đầu sỏ, nhưng đừng hành động gấp, phải bền chí.

Giảng: Hào này ở trên cùng nội quái Ly là cực sáng suốt; nó là dương cương , ở vị dương, vậy là rất cương kiện, nó ứng với hào âm ở trên cùng quẻ Khôn (ngoại quái), hào này cực hôn ám. Nó sẽ đánh đổ hào âm đó. Nó cứ đem binh đi tuần về phương Nam (Nam thú: Phan Bội Châu giảng là đem quân tiến lên phía trước để trừ loạn) sẽ bắt được tên đầu sỏ phản loạn. Nhưng nó cương cường nóng nảy, nên phải khuyên: đừng gấp, phải bền chí giữ đạo chính.

4.

六四: 入于左腹, 獲明夷之心, 于出門庭.

Lục tứ: Nhập vu tả phúc, hoạch minh di chi tâm, vu xuất môn đình.

Dịch: Hào 4, âm: như vô phía bên trái của bụng (ý nói chỗ u ám); tấm lòng ở thời u ám (minh di) là nên bỏ nhà mà ra đi.

Giảng: Hào này âm nhu, ở vào thời Minh di, mà lại vượt quẻ Ly, sang quẻ Khôn rồi, tức bỏ chỗ sáng sủa, bước vào chỗ tối tăm, cho nên ví như vô phía bên trái của bụng. Nhưng hào này đắc chính (âm ở vị âm) nên có thể rút chân ra khỏi cảnh khốn nạn ấy được: cứ bỏ nhà ra đi, tức tránh cho xa cảnh đó, mặc nó.

Đó là hiểu theo Phan Bội Châu. Chu Hi nhận rằng không thấy được nghĩa hào này.

5.

六五: 箕子之明夷, 利貞.

Lục ngũ: cơ tử chi Minh di, lợi trinh.

Dịch: Hào 5, âm: như ông Cơ Tử ở thời u ám (Minh di), cứ bền giữ đạo chính thì lợi.

Giảng: Thường các quẻ khác, hào 5 là ngôi chí tôn, quẻ Minh di này hào trên cùng mới là ngôi chí tôn, hào 5 là người thân cận với ngôi chí tôn. Hào trên cùng là ông vua rất hôn ám như vua Trụ, hào 5 là người thân cận có đức trung, như ông Cơ Tử; ông giả điên để khỏi bị Trụ hại mà sau giữ được dòng dõi nhà Ân, như vậy là giữ vững đạo chính, ở ngoài làm ra vẻ hôn mê, mà trong lòng vẫn sáng suốt.

6.

上六: 不明晦, 初登于天, 後入于地.

Thượng lục: Bất minh di, sơ đăng vu thiên, hậu nhập vu địa.

Dịch: Hào trên cùng, âm: không còn là ánh sáng bị tổn thương nữa, lên cao tới trời mà rồi sụp xuống đất.

Giảng: Hào trên cùng, âm; ở cuối cùng thời Minh di, lại ở trên cùng ngoại quái Khôn, tức như người có địa vị tối cao mà lại hôn ám cùng cực; như vậy là tối mù mù, chứ không phải chỉ là ánh sáng bị tổn hại (Minh di), nữa, cho nên Hào từ bảo là “bất minh di”. Có cái tượng lên cao tới trời (địa vị tối cao) mà rồi sụp xuống đất.

*

Quẻ này khuyên người quân tử ở thời hắc ám quá thì có thể bỏ nhà, nước mà đi; hoặc muốn ở lại thì giấu sự sáng suốt của mình mà giữ vững đạo chính để chờ thời. 

37. QUẺ PHONG HỎA GIA NHÂN

Trên là Tốn (gió), dưới là Ly (lửa).

Di là bị thương; hễ ra ngoài bị thương thì trở về nhà, cho nên sau quẻ Minh di tới quẻ Gia nhân. Gia nhân là người trong một nhà.

Thoán từ :

家人: 利女貞.

Gia nhân : Lợi nữ trinh.

Dịch: người trong nhà: hễ đàn bà mà chính đáng thì có lợi.

Giảng: Nội quái là Ly, sáng suốt; ngoại quái là Tốn thuận. Ở trong thì suốt, xử trí không hồ đồ, ở ngoài thì thuận, như vậy việc tề gia sẽ tốt đẹp. Nói rộng ra việc nước cũng vậy, vì người trong một nước lấy nước làm nhà; mà việc thế giới cũng vậy, vì mỗi nước như một người, cả thế giới như một nhà.

Quẻ này, nội quái Ly là trung nữ, ngoại quái Tốn là trưởng nữ (1); hào 2, âm làm chủ nội quái, hào 4, âm làm chủ ngoại quái, hai hào đó đều đắc chính cả, cho nên nói đàn bà mà chính đáng thì có lợi.

Tuy chỉ nói “nữ” trinh thôi, nhưng phải hiểu nam cũng cần chính đáng nữa, vì nếu nam không chính đáng thì nữ làm sao chính đáng được. Cho nên Thoán truyện giải thích: Đàn bà chính đáng ở trong (ám chỉ hào 2, âm ở vị âm trong nội quái), mà đàn ông chính đáng ở ngoài (hào 5, dương, ở vị dương trong ngoại quái); đàn bà lo việc nhà, đàn ông lo việc ở ngoài, cả hai đều giữ đạo chính, đó là hợp với nghĩa lớn của trời đất (nữ chính vị hồ nội, nam chính vị hồ ngoại; nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã). Nam nữ là nói chung, gồm cả cha mẹ, con cái, anh chị em, vợ chồng, ai nấy đều phải giữ đạo chính hết, chứ không phải chỉ có người trên, chồng không phải giữ đạo. Cha mẹ cũng có đúng đạo cha mẹ thì con mới đúng đạo con, anh em cũng vậy, chồng vợ cũng vậy. Thời xưa chẳng riêng ở Trung Hoa mà ở khắp các nước theo chế độ phụ quyền như phương Tây cũng vậy, không có bình đẳng giữa nam nữ; nhưng về tư cách, đạo đức, thì nam nữ đều có bổn phận, trách nhiệm ngang nhau.

Đại tượng truyện khuyên: coi tượng quẻ này, gió từ trong lửa phát ra (điều này khoa học đã giảng rồi), người quân tử hiểu rằng trong thiên hạ, việc gì ở ngoài cũng phát từ ở trong; muốn trị nước thì trước phải trị nhà, muốn trị nhà thì trước phải tu thân; mà việc tu thân cốt ở hai điều: nói phải có thực lý; thực sự, không nói suông, vu vơ; làm thì thái độ phải trước sao sau vậy, triệt để từ đầu tới đuôi, đừng thay đổi hoài (quân tử dĩ ngôn hữu vật, như hạnh hữu hằng).

Hào từ:

1.

初九: 閑有家, 悔亡.

Sơ cửu: nhàn hữu gia, hối vong.

Dịch: Hào 1, dương: phòng ngừa ngay từ khi mới có nhà thì không hối hận gì cả.

Giảng: Hào này dương cương ở đầu quẻ Gia nhân, chính là lúc mới có nhà, nếu biết đề phòng, ngăn ngừa ngay các tật như lười biếng, xa xỉ thì không có gì phải ăn năn. Ý hào này cũng như tục ngữ của ta: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.

2.

六二: 无攸遂, 在中饋, 貞吉.

Lục nhị: vô du loại, tại trung quĩ, trinh cát.

Dịch: Hào 2, âm: không việc gì mà tự chuyên lấy thành công (nắm hết trách nhiệm), cứ ở trong nhà lo việc nấu nướng, giữ đạo chính thì tốt.

Giảng: Hào này âm nhu mà ở vị âm, đắc trung đắc chính là người dâu hay con gái thuận tòng, nhún nhường, nhưng bất tài, ở địa vị thấp, nên không gánh vác nổi việc trị gia, không lãnh trách nhiệm lớn được, chỉ nên lo việc nấu nướng ở trong nhà thôi.

3.

九三: 家人嗃嗃, 悔厲, 吉.婦子嘻嘻, 終吝.

Cửu tam: Gia nhân hác hác, hối lệ, cát; phụ tử hi hi, chung lận.

Dịch: Hào 3, dương: người chủ nhà nghiêm khắc, tuy hối hận, có nguy nhưng lại tốt; (nếu quá khoan để cho) dâu con nhí nhảnh chơi đùa tì lại hối tiếc.

Giảng: Hào này là dương ở vị dương, đắc chính nhưng không đắc trung, quá nghiêm khắc, tuy có lúc phải hối hận, gặp nguy, nhưng kết quả lại tốt vì nhà có trật tự, trái lại nếu quá dễ dãi để cho dâu con luông tuồng, thì nhà sẽ suy loạn mà phải hối tiếc.

4.

六四: 富家, 大吉.

Lục tứ: phú gia, đại cát.

Dịch: Hào 4, âm: Làm giàu thịnh cho nhà, rất rốt.

Giảng: Hào này âm nhu, đắc chính ở vào ngoại quái Tốn, ở địa vị cao, như bà mẹ có trách nhiệm làm cho nhà giàu thịnh lên.

Theo Phan Bội Châu, chữ “phú” ở đây không có nghĩa là làm giàu, mà có nghĩa là gia đạo hưng thịnh lên, mọi người hoà hợp nhau, trên ra trên, dưới ra dưới.

5.

九五: 王假有家, 勿恤, 吉.

Cửu ngũ: Vương cách hữu gia, vật tuất, cát.

Dịch: Hào 5 dương : vua (hoặc gia chủ) rất khéo về việc trị gia (cách là rất tốt không có gì phải lo, tốt.

Giảng: Chữ vương ở đây có thể hiểu là vua trong nước hay gia chủ, nếu hiểu là vua thì “trị gia” phải hiểu là “trị quốc”

Hào này dương cương, đắc trung, đắc chính, lại có hào 2, âm ở dưới ứng với mình, cũng trung, chính; như có người nội trợ hiền giúp đỡ mình, không còn lo lắng gì nữa, tốt.

6.

上九: 有孚, 威如, 終吉.

Thượng cửu: Hữu phu, uy như, chung cát.

Dịch: Hào trên cùng, dương: (người trên) có lòng chí thành và thái độ uy nghiêm (không lờn) thì cuối cùng sẽ tốt.

Giảng: Hào này ở trên cùng quẻ Gia nhân, tức lúc gia đạo đã hoàn thành. Người trên chỉ cần thành tín là người dưới tin, lại nghiêm trang thì đạo được tốt đẹp lâu dài.

*

Quẻ này dạy cách tề gia, cần nhớ ba điều này:

– Phải ngăn ngừa ngay từ lúc đầu.

– Bất kỳ người nào trong nhà, nhất là những người trên, phải giữ chánh đạo, giữ bổn phận, trách nhiệm của mình.

– Người chủ phải nghiêm, nếu nghiêm thì có điều hối hận đấy, nhưng còn hơn là quá dễ dãi.

Chúng ta để ý: sáu hào không có hào nào xấu; nhưng ba hào dưới thuộc về bước đầu, có lời răn bảo (hào 1: phải phòng ngừa từ lúc đầu, hào 2: phải giữ đạo chính ; hào 3: coi chừng nghiêm quá thì hối hận, nguy); tới hào 4 và 5; kết quả rất tốt, hào cuối chỉ cách giữ được sự tốt đẹp đó tới cùng. 

38.QUẺ HỎA TRẠCH KHUÊ

Trên là Ly (lửa), dưới là Đoài (chằm)

Gia đạo đến lúc cùng thì có người trong nhà chia lìa, chống đối nhau, cho nên sau quẻ Gia nhân tới quẻ Khuê. Khuê nghĩa là chống đối, chia lìa.

Thoán từ

睽.小事吉.

Khuê: Tiểu sự cát.

Dịch: Chống đối: việc nhỏ thì tốt.

Giảng: đoài (chằm) ở dưới Ly (lửa). chằm có tính thấm xuống, lửa có tính bốc lên, trên dưới không thông với nhau mà càng ngày càng cách xa nhau.

Quẻ này xấu nhất trong Kinh dịch, ngược hẳn lại với quẻ Cách. Chỉ làm những việc nhỏ cá nhân thì hoạ may được tốt.

Thoán truyện giảng thêm: Đoài là thiếu nữ, Ly là trung nữ, hai chị em ở một nhà mà xu hướng trái nhau (em hướng về cha mẹ, chị hướng về chồng), chí hướng khác nhau, cho nên gọi là khuê.

Tuy nhiên Ðoài có đức vui, Ly có đức sáng, thế là hòa vui mà nương tựa vào đức sáng. Lại thêm hào 5, âm nhu mà tiến lên ở ngôi cáo, đắc trung mà thuận ứng với hào 2, dương dương ở dưới, cho nên bảo việc nhỏ thì tốt.

Xét trong vũ trụ, trời đất, một ở trên cao, một ở dưới thấp, vốn là khác nhau, chia lìa nhau, vậy mà công hoá dục vạn vật là của chung trời đất. Trai gái, một dương, một âm, vẫn là trái nhau, vậy mà cảm thông với nhau. Vạn vật tuy khác nhau mà việc sinh hào cùng theo một luật như nhau. Thế là trong chỗ trái nhau vẫn có chỗ giống nhau, tìm ra được chỗ “đồng” đó trong cái “dị”, là biết được cái diệu dụng (công dụng kỳ diệu) của quẻ Khuê, của thời Khuê.

Thoán truyện khuyên ta như vậy. Đại tượng truyện ngược lại khuyên ta ở trong chỗ “đồng” có khi nên “dị”. Ví dụ người quân tử bình thường hành động cũng hợp thiên lý, thuận nhân tình như mọi người (đó là đồng); nhưng gặp thời loạn, đại chúng làm những việc trái với thiên lý thì không ùa theo họ, mà tách riêng ra, cứ giữ thiên lý, dù bị chê bai, bị gian khổ cũng chịu (đó là dị). Vậy không nhất định là phải đồng mới tốt, dị (chia lìa) cũng có lúc tốt.

Hào từ

1.

初九: 悔亡, 喪馬, 勿逐, 自復. 見惡人.无咎.

Sơ cửu: Hối vong, táng mã, vật trục, tự phục kiến ác nhân, vô cữu.

Dịch: Hào 1, dương: hối hận tiêu hết; mất ngựa đừng tìm đuổi, tự nó sẽ về: gặp kẻ ác rồi mới tránh được lỗi.

Giảng: Hào này có tính cương , ở địa vị dưới, torng thời chống đối nhau, thì tất ít kẻ hợp với mình, hành động thì sẽ bị hối hận; nhưng may ở trên có hào 4 cũng dương cương , ứng với mình, tức như có bạn đồng chí, cứ chờ 9dợi rồi sẽ gặp mà bao nhiêu khó khăn, ân hận sẽ tiêu hết. đối với kẻ ác thì tuy không ưa cũng đừng nên tỏ ra, cứ làm bộ vui vẻ giao thiệp họ, để họ khỏi thù oán.

2.

九二: 遇主于巷, 无咎.

Cửu nhị: Ngộ chủ vu hạng, vô cữu.

Dịch: Hào 2, dương: gặp chủ trong ngõ hẹp (do đường tắt) không có lỗi.

Giảng: Hào này dương cương đắc trung, ứng với hào 5, âm nhu đắc trung, nếu ở trong quẻ Thái (thời thông thuận) thì rất tốt; nhưng ở trong quẻ Khuê (thời chống đối nhau) thì kém vì hào 5 âm nhu có ý kiêng nể hào 2 dương cương, do đó, 2 muốn gặp 5 thì phải dùng đường tắt, rình 5 trong ngõ hẹp như tình cờ gặp nhau vậy. Không có lỗi gì cả, vì thái độ đó chỉ là quyền biến thôi.

3.

六三: 見輿曳, 其牛掣; 其人天且劓.无初有終.

Lục tam: Kiến dư duệ, kì ngưu xệ (hay xiệt);

Kì nhân thiên thả nghị, vô sơ hữu chung.

Dịch: Hảo, âm: Thấy xe dắt tới, nhưng con bò bị (hão) cản, không tiến được; như người bị xâm vào mặt, xẻo mũi, mới đầu cách trở, sau hòa hợp với nhau.

Giảng: Hào 3 bất chính (dương mà ở vị âm), ứng với hào trên cùng cũng bất chính. Vì ứng với nhau nên cầu hợp với nhau, 3 muốn tiến lên gặp hào ứng với nó, nhưng bị hào 4 ở trên ngăn chặn, như cỗ xe đã dắt tới rồi mà con bò bị cản, không tiến được. Lại thêm bị hào 2 ở dưới níu kéo lại. Hào 3 phải chống lại 4 và 2, xô xát với chúng mà bị thương ở mặt ở tai (chữ thiên [天 ] ở đây có nghĩa là bị tội xâm vào mặt, chữ nghị [劓] có nghĩa là bị tội xẻo mũi). Nhưng rốt cuộc là (2 và 4) vẫn không thắng được chính (3) và 3 vẫn hòa hợp được với hào trên cùng.

4.

九四: 睽孤, 遇元夫, 交孚, 厲无咎.

Cửu tứ: Khuê cô, ngộ nguyên phu, giao phu, lệ vô cữu.

Dịch: Hào 4, dương: ở thời chia lìa chống đối mà cô lập; nếu gặp được người trai tốt (nguyên phu), mà chí thành kết hợp với nhau (giao phu) thì dù có gặp nguy, kết quả cũng không có lỗi.

Giảng: hào 4 này cô lập vì là dương mà bị hai hào âm bao vây, người trai tốt đây là hào 1, cùng đức (dương) với 4.

5.

六五: 悔亡, 厥宗噬膚, 往, 何咎.

Lục ngũ: hối vong, quyết tôn phệ phu, vãng, hà cữu.

Dịch: Hào 5 âm, hối hận tiêu hết; nếu người cùng phe với mình cắn vào da mình (hết sức giúp đỡ mình) thì tiến đi, không có lỗi gì cả.

Giảng: Hào này không đắc chính (âm mà ở vị dương), ở vào thời chống đối, đáng lẽ xấu, mà nhờ có đức trung, lại có hào 2 dương cương ứng với mình, nên không xấu nữa, hối hận tiêu tan hết. Được vậy là nhờ hào 2 chịu đứng vào một phe với mình, rất thân thiết với mình, như cắn chặt vào da mình.

6.

上九: 睽孤, 見豕負塗, 載鬼一車.先張之弧, 後說之弧, 匪寇, 婚媾.往遇雨則吉.

Thượng cửu: Khuê cô, kiến thỉ phụ đồ, tải quỉ nhất xa. Tiên trương chi hồ, hậu thoát chi hồ, phỉ khấu, hôn cấu. Vãng ngộ vũ tắc cát.

Dịch: Hào trên cùng, dương: ở thời chia lìa mà cô độc (sinh nghi kỵ), thấy con heo đội đầy bùn, thấy chở quỉ đầy một xe. Mới đầu giương cung để bắn, sau buông cung xuống, xin lỗi rằng mình không muốn làm hại hào 3 mà muốn cầu hôn. (Hai bên hòa hợp nhau, vui vẻ) như sau khi nắng lên, gặp cơn mưa, tốt lành gì hơn?

Giảng: Ở vào thời chia lìa, người ta hay nghi kỵ nhau, hào cuối cùng này, dương cương ở địa vị tối cao, không tin ai ở dưới cả, cho nên bị cô độc. Ngay hào 3 âm, chính ứng với mình mà cũng bị mình nghi kỵ, vì 3 ở kẹt vào giữa 2 hào dương, cho rằng 3 theo phe 2 hào dương đó mà chống với mình. Vì nghi kỵ, nên thấy 3 như con heo đội bùn, lại tưởng xe mình chở một bầy quỉ muốn hại mình. Do đó mà đâm hoảng, giương cung muốn bắn 3, nhưng nhờ vẫn còn chút minh mẫn (vì ở trên cùng ngoại quái Ly) nên sau nghĩ lại, buông cung xuống, xin lỗi 3: “Tôi không phải là giặc (kẻ thù) muốn làm hại em đâu, mà trái lại muốn cầu hôn với em” Hết nghị kỵ rồi, hai bên hòa hợp vui vẻ như sau khi nắng lâu gặp trận mưa rào, và cùng giúp nhau cứu đời.

Văn thật là bóng bẩy, tâm lý cũng đúng: Phan Bội Châu khen là “đạo lý rất tinh thâm mà văn tự cũng ly kỳ biến hoá”.

*

Quẻ Khuê là quẻ xấu nhất trong Kinh Dịch nhưng kết quả lại không có gì xấu. Sáu hào thì có ba hào “vô cửu”, một hào “hối vong” một hào “hữu chung” (hòa hợp với nhau), nhất là hào cuối lại “cát nữa. Như vậy thì trong cái hoạ vẫn có mầm phúc. 

39. QUẺ THỦY SƠN KIỂN

Trên là Khảm (nước), dưới là Cấn (núi)

Ở thời chia lìa chống đối thì tất gặp nỗi gian nan, hiểm trở, cho nên sau quẻ Khuê tới quẻ Kiển (gian nan)

Thoán từ;

蹇: 利西南, 不利東北, 利見大人, 貞吉.

Kiển: Lợi Tây Nam, bất lợi đông Bắc, lợi kiến đại nhân, trinh cát.

Dịch: Gian nan: đi về Tây nam thì lợi, về đông Bắc thì bật lợi. Gặp đại nhân giúp cho thì lợi; bền giữa đạo chính thì mới tốt.

Giảng: Trước mặt là sông (Khảm), sau lưng là núi(Cấn), tiến lui đều gian nan hiểm trở nên gọi là quẻ Kiển. Phải bỏ đường hiểm trở mà kiếm đường bằng phẳng dễ đi, ở hướng Tây Nam, hướng quẻ Khôn, đừng đi hướng đông Bắc, hướng quẻ Cấn. Dĩ nhiên chúng ta không nên hiểu đúng từng chữ Tây Nam và Đông Bắc, chỉ nên hiểu ý thôi.

Ở thời gian nan này, phải nhờ có người có tài, đức (đại nhân) giúp cho thì mới thoát nạn (lợi kiến đại nhân), và phải bền giữ đạo chính.

Đại tượng truyện khuyên phải tự xét mình mà luyện đức (phản thân tu đức).

Hào từ:

1.

初六: 往蹇, 來譽.

Sơ lục: vãng kiển, lai dự.

Dịch: Hào 1, âm: tiến lên thì gặp nạn, lui lại (hoặc ngừng) thì được khen.

Giảng: Vào đầu thời gian nan, hào 1 này âm nhu, không có tài, tiến lên hay hành động thì xấu, chỉ nên chờ thời.

2.

六二: 王臣蹇蹇, 匪躬之故.

Lục nhị: Vương thần kiển kiển, phỉ cung chi cố.

Dịch: Hào 2 âm: bậc bề tôi chịu gán hết gian nan này tới gian nan khác là vì vua, vì nước, chứ không phải vì mình.

Giảng: hào này cũng âm nhu, kém tài, nhưng đắc trung đắc chính, có đức, được vua (hào 5, dương mà cũng trung chính) phó thác việc nước, nên phải chống chỏi với mọi gian nan, không dám từ, mặc dầu tự biết không chắc gì cứu nước, cứu dân được trong thời khó khăn này. Hoàn toàn không vì mình, đáng khen.

3.

九三: 往蹇, 來反.

Cửu tam: Vãng kiển, lai phản.

Dịch: Hào 3, dương: Tiến tới thì mắc nạn, nên trở lại.

Giảng: hào này dương cương đắc chính, nhưng vẫn còn ở nội quái, tức chưa hết nửa thời gian nan, lại thêm hào trên cũng âm nhu, ứng với nó mà không giúp được gì, nên Hào từ khuyên đừng tiến, cứ quay lại với hào âm thì vui vẻ hơn; bề gì cũng là bạn cũ rồi.

4.

六四: 往蹇, 來連.

Lục tứ: Vãng kiển, lai liên.

Dịch: Hào 4, âm: tiến tới thì mắc nạn, nên trở lại mà liên hiệp với các hào dưới.

Giảng: Hào này âm nhu, kém tài, đã tiến lên ngoại quái, quá nữa thời gian nan, nhưng lại gặp hiểm trở (ngoại quái là Khảm) cũng không nên tiến lên, mà nên lùi lại với hào 3, liên hợp với ba hào ở dưới, để thêm thế lực.

5.

九五: 大蹇, 朋來.

Cửu ngũ: Đại kiển, bằng lai.

Dịch: Hào 5, dương: cực kỳ gian nan, nhưng có bạn tới giúp.

Giảng: Ở giữa ngoại quái khảm (hiểm) cho nên cực kỳ gian nan. Hào này như ông vua có tài, nhưng cũng khó thoát được hiểm. May có hào 2 đắc trung, đắc chính ứng với mình, sẳn lòng dắt các bạn tức các hào 1, 3, 5 tới giúp mình. Nhưng các hào ấy đều ít tài, trừ hào 3; như vậy là tay chân của 5 tầm thường cả, không làm nên việc lớn, nên Hào từ không khen là tốt. Cũng không dùng chữ lai, không bảo nên lùi vì địa vị nguyên thủ của 5 không cho phép 5 lùi được, lùi thì trút trách nhiệm cho ai?

6.

上六: 往蹇, 來碩, 吉.利見大人.

Thượng lục: Vãng kiển, lai thạc, cát, lợi kiến đại nhân.

Dịch: Hào trên cùng ,âm; tiến tới thì gian nan, lùi lại thì làm được việc lớn, tốt; nên tìm gặp đại nhân thì có lợi.

Giảng: ở cuối thời gian nan, có cảnh tượng đáng mừng; hào này âm nhu, không một mình mạo hiểm được nên quay lại giúp hào 5, bậc đại nhân (có tài đức), thì lập được công lớn (thạc), tốt.

*

Gặp thời gian nan, nên thận trọng đợi thời. Riêng vị nguyên thủ phải tìm người tốt giúp mình, liên kết mọi tầng lớp để cùng mình chống đỡ. 

40. QUẺ LÔI THỦY GIẢI

Trên là Chấn (sấm), dưới là Khảm (nước)

Không thể bị nạn hoài được, thế nào cũng tới lúc giải nạn, vì vậy sau quẻ Kiển tới quẻ Giải. Giải là cởi, tan.

Thoán từ

解: 利西南, 无所往, 其來復吉. 有攸往, 夙, 吉.

Giải : Lợi Tây nam, vô sở vãng, kì lai phục, cát. Hữu du vãng, túc, cát.

Dịch: tan cởi: đi về Tây nam thì lợi, đừng đa sự, cứ khôi phục lại như cũ thì tốt. Nhưng cũng có điều đáng làm, làm cho chóng thì tốt.

Giảng: Tượng quẻ là âm dương giao hoà với nhau, sấm (Chấn) động và mưa (Khảm) đổ, bao nhiêu khí u uất tan hết, cho nên gọi là Giải. Cũng có thể giảng: Hiểm (Khảm) sinh ra nạn, nhờ động (Chần) mà thoát nạn nên gọi là Giải.

Khi mọi hoạn nạn đã tan rồi, thì dân chỉ mong an cư lạc nghiệp, người trị dân nên có chính sách khoan đại, giản dị (Tây Nam thuộc Khôn là đường lối khoan đại, bình dị); đừng đa sự, cứ khôi phục trật tự cũ cũng đủ tốt rồi. Tuy nhiên cũng phải trừ những tệ đã gây ra những hoạn nạn trước kia, cũng phải sửa đổi cho sự bình trị được lâu dài, công việc đó nên làm cho mau xong (vẫn là ý đừng đa sự) thì tốt.

Đại tượng truyện khuyên sau khi giải nạn rồi, nên tha tôi cho những kẻ lầm lỗi trước, nếu không tha được thì cũng nên giảm án cho nhẹ đi (quân tử dĩ xá quá, hựu tội).

Hào từ.

1.

初六: 无咎.

Sơ lục: Vô cữu.

Dịch: Hào 1, âm: không lỗi.

Giảng: Mới bắt đầu vào thời cởi mở, hào này âm nhu, mà có dương cương (hào 4) ở trên ứng, cứ lặng lẽ ở yên không sinh sự thì không có lỗi gì cả.

2.

九二: 田獲三狐, 得黃矢, 貞, 吉.

Cửu nhị: Điền hoạch tam hồ, đắc hoàng thỉ, trinh, cát.

Dịch: Hào 2, dương: Đi săn được ba con cáo, được mũi tên màu vàng, giữ đạo chính thì tốt.

Giảng: Không ai biết “ba con cáo” ám chỉ những hào nào, Chu Hi ngỡ là hào âm 1, 3 và trên cùng (trừ hào âm 5). Chỉ có thể đoán ý rằng: hào này dương cương, ứng với hào 5 âm, vị nguyên thủ, cho nên thế khá mạnh, có trách nhiệm với quốc gia trừ bọn tiểu nhân (ba con cáo), mà không mất mũi tên màu vàng (tức đạo trung trực – vàng là màu của trung ương, mũi tên tượng trưng cho việc ngay thẳng: trực). Hào từ khuyên phải giữ vững (trinh) đạo trung đó thì mới tốt.

3.

六三: 負且乘, 致寇至.貞吝.

Lục tam: Phụ thả thừa, trí khấu chí; trinh lận.

Dịch: Hào 3, âm: kẻ mang đội đồ vật mà lại ngồi xe là xui bọn cướp tới, nếu cứ giữ cái thói đó (trinh ở đây nghĩa khác trinh ở hào trên ) thì phải hối hận.

Giảng: Hào này âm nhu, bất chính, bất trung mà ở trên cùng nội quái, tức như kẻ tiểu nhân ở ngôi cao, không khác kẻ vừa mang đội (người nghèo) mà lại ngất ngưởng ngồi xe (như một người sang trọng), chỉ tổ xui cướp tới cướp đồ của mình thôi.

Theo Hệ từ thượng truyện, Chương VIII, Khổng tử bàn rộng ra như sau: ‘người thường mà ngồi xe của người sang là xui kẻ cướp tới cướp đoạt của mình. Người trên khinh nhờn kẻ dưới tàn bạo thì kẻ cướp (giặc) tìm cách đánh đuổi ngay. Giấu cất không kín đáo là dạy cho bọn gian vào lấy của nhà mình; trau giồi nhan sắc là dạy cho bọn gian dâm tới hiếp mình”.

4.

九四: 解而拇, 朋至斯孚.

Cửu tứ: Giải nhi mẫu, bằng chí tư phu.

Dịch: Hào 4, dương: Bỏ ngón chân cái của anh đi (chữ nhi ở đây là đại danh từ) thì bạn (tốt) mới tới và tin cậy anh.

Giảng: Hào này là dương, tuy không chính (vì ở ngôi âm) nhưng ở gần hào 5, vị nguyên thủ, là có địa vị cao. Nó ứng với hào 1 âm, tiểu nhân ở dưới, nên bị nhiều người chê, nếu nó biết tuyệt giao với hào 1 (tượng trưng bằng ngón chân cái, ở chỗ thấp nhất trong cơ thể) thì người tốt mới vui tới mà tin cậy ở nó.

5.

六五: 君子維有解, 吉.有孚于小人.

Lục ngũ: Quân tử duy hữu giải, cát; hữu phu vu tiểu nhân

Dịch: Hào 5, âm: người quân tử phải giải tán bọn tiểu nhân đi thì mới tốt; cứ xem bọn tiểu nhân có lui đi không thì mới biết chắc được mình có quân tử hay không.

Giảng: hào này âm nhu, chưa chắc đã là quân tử, nhưng ở địa vị chí tôn, làm chủ quẻ, cho nên Hào từ khuyên phải tuyệt giao với bọn tiểu nhân (tức ba hào âm kia) thì mới tỏ rằng mình là quân tử được.

6.

上六: 公用射隼于高墉之上.獲之, 无不利.

Thượng lục: Công dụng xạ chuẩn vu cao dung chi thượng. Hoạch chi, vô bất lợi.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Một vị công nhắm bắn con chim chuẩn ở trên bức tường cao. Bắn được, không gì là không lợi.

Giảng: đã tới lúc cuối cùng thời giải, nội loạn đã an rồi, nếu còn kẻ ở ngoài dám gây loạn (tượng trưng là con chim chuẩn ở trên bức tường cao). Thì cứ diệt đi, sẽ thành công. Vị “công” ở đây là hào trên cùng.

Theo Hệ từ hạ truyện, Khổng tử giải thích hào này như sau: “chuẩn là một loài chim, cung tên là đồ dùng, kẻ bắn là người. Người quân tử chứa sẳn đồ dùng (tài, đức) ở trong mình, đợi thời mà hoạt động thì có gì chẳng lợi?

*

Ý nghĩa quẻ này ở trong Thoán từ: dẹp loạn xong thì nên khoan hồng với kẻ lỡ lỗi lầm, đừng đa sự, chỉ cần khôi phục trật tự cũ, và củng cố nó bằng một số công việc, nhưng phải làm cho mau để khỏi phiền nhiễu dân.

Hào 3 cũng có một lời khuyên nên nhớ: giấu cất không kín đáo là dạy cho kẻ trộm vào lấy của nhà mình; trau giồi nhan sắc là dạy cho bọn tà dâm tới hiếp mình. (Mạn tàng hối đạo, dã dung hối dâm). 

41. QUẺ SƠN TRẠCH TỔN

Trên là Cấn (núi), dưới là Đoài (chằm)

Khoan nới thì tất có điều sơ ý mà bị thiệt hại, cho nên sau quẻ Giải tới quẻ Tổn. Tổn là thiệt hại mà cũng có nghĩa là giảm đi.

Thoán từ:

損: 有孚, 元吉, 无咎, 可貞, 利有. 攸往.曷之用 ? 二簋可用享.

Tổn: Hữu phu, nguyên cát, vô cữu, khả trinh, lợi hữu.

Du vãng. Hạt chi dụng? Nhị quĩ khả dụng hưởng.

Dịch: Giảm đi: nếu chí thành thì rất tốt, không có lỗi, giữ vững được như vậy thì làm việc gì cũng có lợi. Nên dùng cách nào? (ví dụ) dùng hai cái bình (hay bát) đồ cúng thôi để dâng lên, cũng được.

Giảng: Quẻ này nguyên là quẻ Thái, bớt ở nội quái Càn hào dương thứ 3 đưa lên thêm vào hào cuối cùng của quẻ Khôn ở trên, nên gọi là Tốn: bớt đi.

Lại có thể hiểu: khoét đất ở dưới (quẻ Đoài) đắp lên trên cao cho thành núi, chằm càng sâu, núi càng cao, càng không vững phải đổ, nên gọi là Tổn (thiệt hại).

Giảm đi, không nhất định là tốt hay xấu. Còn tùy mình có chí thành, không lầm lỡ thì mới tốt. Ví dụ việc cúng tế, cần lòng chí thành trước hết, còn đồ cúng không quan trọng, dù đạm bạc mà tâm thành thì cũng cảm được quỉ thần. Giảm đi như vậy để tiết kiệm, thì không có lỗi.

Thoán truyện giảng thêm: phải biết tùy thời; nếu cương quá thì bớt cương đi nếu nhu quá thì bớt nhu đi, nếu vơi quá thì nên làm cho bớt vơi đi, nếu văn sức quá thì bớt đi mà thêm phần chất phác vào; chất phác quá thì thêm văn sức vào, dân nghèo mà bốc lột của dân thêm vào cho vua quan là xấu; nhưng hạng dân giàu thì bắt họ đóng góp thêm cho quốc gia là tốt; tóm lại phải tùy thời; hễ quá thì giảm đi cho được vừa phải.

Đại tượng truyện thường đứng về phương diện tu thân, khuyên người quân tử nên giảm lòng giận và lòng dục đi ( quân tử dĩ trừng phẫn, trất dục).

Hào từ:

1.

初九: 已事遄往, 无咎, 酌損之.

Sơ cửu: Dĩ sự thuyên vãng, vô cữu, chước tổn chi.

Dịch: Hào 1, dương: nghỉ việc của mình mà tiến lên gấp, giúp (cho hào 4) như vậy thì không có lỗi, nhưng nên châm chước cái gì nên rút bớt của mình để giúp cho 4 thì hãy rút.

Giảng: hào 1 dương cương, ứng với hào 4 âm nhu ở trên, theo nghĩa thì nên giúp ích cho 4, nhưng cũng dừng nên để thiệt hại cho mình quá; như vậy là cũng hợp chí với người trên ở thời Tổn (rút bớt).

2.

九二: 利貞, 征凶, 弗損益之.

Cửu nhị: lợi trinh, chính hung, phất tổn ích chi.

Dịch: Hào 2, dương: giữ đạo chính thì lợi, nếu vội tiến ngay (bỏ đức cương trung của mình), để chiều bạn thì xấu; đừng làm tổn hại đức của mình cũng là ích cho bạn đấy.

Giảng : quẻ này có nghĩa tổn dương cương (quẻ Càn ở dưới) để làm ích cho âm nhu (quẻ Khôn ở trên); cho nên hào này là dương cương, nên giúp ích cho hào 5 âm nhu, cũng như hào 1 giúp ích cho hào 4. Nhưng hào 5 bất chính (âm mà ở vị dương), hay đòi hỏi những điều bất chính, nếu hào 2 bỏ đức cương và trung của mình đi mà vội vàng chiều lòng 5 thì sẽ xấu; phải giữ đức cương trung đó mới lợi (lợi trinh). Không làm tổn hại đức cương trung của mình, cũng là một cách khuyên hào 5 phải bỏ tính bất chính đi, như vậy là giúp ích cho 5 đấy.

3.

六三: 三人行則損一人, 一人行則得其友.

Lục tam: tam nhân hành tắc tổn nhất nhân,

nhất nhân hành tắc đắc kì hữu.

Dịch: Hào 3, âm: Ba người đi thì bớt một người, một người đi thì được thêm bạn.

Giảng: Theo tượng của quẻ, nội quái Càn có ba hào dương bớt đi một để đưa lên trên; ngoại quái Khôn có ba hào âm, bớt đi một để đưa xuống dưới, thành quẻ trùng tổn. Hào 3 dương đi lên, hào trên cùng âm xuống dưới, tương đắc với nhau, thế là tuy tách ra, đi một mình mà hoá ra có bạn.

Xét trong vũ trụ thì một dương một âm là đủ, nếu thêm một âm hay một dương nữa, thành ba thì thừa; mà nếu chỉ có một âm hay một dương thì thiếu, phải thêm một dương hay một nữa mới đủ.

Việc người cũng vậy, hai người thành một cặp, thêm một người thì dễ sinh chuyện, mà nếu chỉ có một người thôi thì lẻ loi quá, phải kiếm thêm bạn (coi Hệ từ hạ truyện, Ch. V số 13).

4.

六四: 損其疾, 使遄, 有喜, 无咎.

Lục tứ: tổn kì tật, sử thuyên, hữu hỉ, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: làm bớt cái tật (âm nhu) của mình cho mau hết, đáng mừng, không có lỗi.

Giảng: Hào này có tật âm nhu, được hào 1 dương cương sửa tật đó cho mau hết, tốt.

5.

六五: 或益之十朋之龜, 弗克違, 元吉.

Lục ngũ: Hoặc ích chi thập bằng chi quí, phất khắc vi, nguyên cát.

Dịch: Hào 5, âm: thình lình có người làm ích cho mình, một con rùa lớn đáng giá mười “bằng”, không từ chối được, rất tốt.

Giảng: Hào này ở vị tối cao, nhu mà đắc trung, được hào 2 dương tận tình giúp ích cho, như cho mình một con rùa rất lớn. Sở dĩ vậy là vì hào này, đắc trung mà hiền (nhu) nên được lòng người, cũng như được trời giúp cho vậy (tự thượng hữu chí – lời Tiểu tượng truyện).

Chữ “bằng” mỗi nhà hiểu một cách: có người cho hai con rùa là một bằng; có người cho mười bằng là chu vị lớn tới 2.160 thước, có người bảo mỗi bằng là 10 “bối” [貝] (vỏ sò, ngao quí, hồi xưa dùng làm tiền, khi chưa có lụa, đồng) 10 hằng tức là 100 bối. Không biết thuyết nào đúng. Chúng ta chỉ nên hiểu con rùa 10 bằng là một vật rất quí thôi.

6.

上九: 弗損益之, 无咎.貞吉.利有攸往, 得臣无家.

Thượng cửu: phất tổn ích chi, trinh cát.

Lợi hữu du vãng, đắc thần vô gia .

Dịch: Hào trên cùng, dương: làm ích cho người mà chẳng tổn gì của mình, không lỗi, chính đáng thì tốt, làm việc gì cũng vô lợi, vì được người qui phu, chẳng phải chi nhà mình mới là nhà (ý nói đâu cũng là nhà mình, ai cũng là người nhà mình)

Giảng: Hào này tối nghĩa, mỗi sách giảng một khác, chúng tôi châm chước theo Phan Bội Châu. Dương cương ở trên cùng quẻ tổn, nên đem cái cương của mình giúp cho nhiều hào âm nhu, chính đáng như vậy thì tốt, mà chẳng hại gì cho mình, vì mọi người sẽ quí mến, qui phụ mình. Có người hiểu là đừng làm hại, mà làm ích cho người thì tốt. Lẽ ấy dĩ nhiên rồi.

*

Đại ý quẻ này là Tổn chưa chắc đã xấu, ích (tăng) chưa chắc đã tốt; còn tùy việc tùy thời, hễ quá thì nên tổn để được vừa phải, thiếu thì nên ích, và mình nên chịu thiệt hại cho mình mà giúp cho người . 

42. QUẺ PHONG LÔI ÍCH

Trên là Tốn (gió), dưới là Chấn (sấm).

Tổn đến cùng rồi thì phải tăng lên, cho nên sau quẻ Tổn đến quẻ Ích. Ích là tăng lên, làm ích cho nhau.

Thoán từ:

益: 利有攸往, 利涉大川.

Ích: lợi hữu du vãng, lợi thiệp đại xuyên.

Dịch : Tăng lên: tiến lên thì lợi làm (làm việc ích) thì lợi, qua sông lớn thì lợi (có gian nan nguy hiểm gì cũng vượt được).

Giảng: Quẻ này trái với quẻ Tổn. Ngoại quái vốn là Càn, bớt một hào dương, thành quẻ Tốn; nội quái vốn là quẻ Khôn, được một hào dương quẻ Càn thêm vào, thành quẻ Chấn. Vậy là bớt ở trên thêm (ích) cho dưới; còn quẻ Tốn là bớt ở dưới thêm cho trên.

Xét về tượng quẻ thì sấm (Chấn) với gió (Tốn) giúp ích cho nhau vì gió mạnh thì tiếng sấm đi xa, mà sấm lớn thì gió mới dữ. Vì vậy goi là quẻ Ích.

Mình ở địa vị cao mà giúp cho người ở thấp, càng làm càng có lợi, khó khăn gì rồi kết quả cũng tốt.

Thoán truyện giải thích thêm: Xét hào 2 và hào 5, đều đắc trung đắc chính cả; lấy đạo trung chính mà giúp ích cho dân, dân sẽ vui vẻ vô cùng mà đạo càng sáng sủa.

Nhưng quẻ này cũng như quẻ Tổn, tốt hay xấu còn tùy cách thức làm và tùy thời nữa (ích chi đạo, dữ thời gia hành): dân đói không có gạo ăn mà cưỡng bách giáo dục; dân rét không có áo bận mà cấp cho xà bông thì việc giúp ích đó chỉ có hại.

Đại tượng truyện đứng về phương diện tu thân, khuyên: Thấy điều thiện thì tập làm điều thiện,

Thấy mình có lỗi thì sửa lỗi (kiến thiện tác thiện, hữu quá tắc cải).

Hào từ:

1.

初九: 利用為大作, 元吉, 无咎.

Sơ cửu: Lợi dụng vi đại tác, nguyên cát, vô cữu.

Dịch: Hào 1, dương: Lợi dụng (sự giúp đỡ của người) mà làm việc lớn; nhưng phải khéo tính toán, hành động cho đúng, hoàn thiện (nguyên cát) thì mới không có lỗi. Sở dĩ khuyên như vậy vì hào này ở địa vị thấp, không nên lãnh việc nặng nề quá (hạ bất hậu sự dã, lời Tiểu Tượng truyện).

2.

六二: 或益之十朋之龜 弗克違, 永貞吉.王用享于帝, 吉.

Lục nhị: Hoặc ích chi thập bằng chi qui, phất khắc vi, vĩnh trinh cát. Vương dụng hưởng vu đế, cát.

Dịch: Hào 2, âm: Thình lình có người giúp cho mình một con rùa lớn đáng giá mười “bằng”, không từ chối được, rất tốt. Nếu là vua dùng đức để tế Thượng Ðế, Thượng Đế cũng hưởng, mà được phúc, tốt.

Giảng: Hào này âm, nhu thuận, trung chính, nên được người trên giúp ích cho nhiều (như cho mình một con rùa quí – coi hào 5 quẻ Tổn ở trên), không từ chối được, cứ giữ vững đức trung chính thì tốt. Ví dụ: là nhà vua mà có được đức trung chính để cầu Trời, thì Trời cũng giúp cho.

3.

六三: 益之用凶事, 无咎.有孚中行, 告公用圭.

Lục tam: Ích chi dụng hung sự, vô cữu.

Hữu phu trung hành, cáo công dụng khuê.

Dịch: Hào 3, âm: giúp ích cho bằng cách bắt chịu hoạn nạn (hay trừng phạt) thì không có lỗi. Nếu chân thành sửa lỗi, giữ đạo trung (ví với ngọc khuê) thì được người trên (ví với vị công) chấp nhận.

Giảng: Hào này âm nhu, bất trung, bất chính, đáng lẽ không dược giúp ích, nhưng ở vào thời ích thì cũng được giúp; có điều là giúp cho bằng cách bắt chịu hoạn nạn (dụng hung sự) để mà mở mắt ra thành người tốt; cũng như trừng trị để sửa lỗi cho vậy.

Nhưng 3 phải thật chân thành sửa mình theo đúng đạo trung thì rồi sự cải quá của nó sẽ được bề trên biết, sự chân thành quá ấy như chiếc ngọc khuê (ngọc trắng mà trong) nó dâng lên bậc “công” (vương công) sẽ được nhận.

4.

六四: 中行, 告公從.利用為依遷國.

Lục tứ: Trung hành, cáo công tòng; lợi dụng vi y thiên quốc.

Dịch: Hào 4, âm: Rán theo đạo trung mà thưa với bậc “công” thì bậc “công” sẽ theo; lợi dụng đạo trung đó làm chỗ tựa thì dù việc lớn như dời đô cũng làm nỗi.

Giảng: Hào này lên tới ngoại quái rồi, có địa vị cao, trách nhiệm quan trọng, thân cận với vua, nhưng kém đức trung nên Hào từ khuyên rán theo đạo trung mà cáo với bề trên (bậc vương công) thì bề trên sẽ nghe mà có thể làm được việc như dời quốc đo.

5.

九五: 有孚, 惠心, 勿周, 元吉.有孚, 惠我德.

Cửu ngũ: Hữu phu, huê tâm, vật vấn, nguyên cát.

Hữu phu, huệ ngã đức.

Dịch: Hào 5, dương: có lòng chí thành làm ân đức, thì chẳng cần hỏi, cũng biết là rất tốt rồi. Thiên hạ ai cũng tin vào đức ban ân huệ của 5.

Giảng: Hào này là ông vua có tài đức, vừa trung vừa chính, có lòng chí thành ban ơn đức cho dân, cho nên rất tốt. Dân do đó rất tin vào đức của vua (chữ ngã ở đây trỏ hào 5).

6.

上九: 莫益之或擊之.立心勿恆, 凶.

Thượng cửu: Mạc ích chi hoặc kích chi. Lập tâm vật hằng, hung.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Không ai làm ích cho mình mà có kẻ đả kích mình nữa, là vì không giữ được hằng tâm (lòng luôn luôn tốt), xấu.

Giảng: Hào này dương cương, ở cuối quẻ ích, là có lòng cầu ích đến cùng cực, tất bị nhiều người oán; như vậy chỉ vì không giữ được hằng tâm.

Theo Hệ từ hạ truyện, Chương V, Khổng tử áp dụng hào này vào phép xử thế, khuyên người quân tử làm cho thân mình được yên ổn rồi sau mới hành động; lòng mình được bình dị rồi sau mới thuyết phục người khác; làm cho giao tình được bền rồi sau mới yêu cầu mà khỏi bị dân từ chối.

Khổng tử hiểu “hằng tâm”: là như vậy chăng?

*

Quẻ Tốn vốn xấu mà hào cuối lại tốt, được chữ “cát, lợi hữu du vãng” quẻ Ích này vốn tốt mà hào cuối lại rất xấu, bị chê là “hung”.

Cũng chỉ là luật “mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích”, tràn thì cuối cùng sẽ đổ (cuối quẻ Ích), vơi thì cuối cùng được thêm vào (cuối quẻ Tổn). Ðó là luật thiên nhiên mà Nho, Lão, Dịch học phái đều coi là qui tắc xử thế. 

43. QUẺ TRẠCH THIÊN QUẢI

Trên là Đoài (chằm), dưới là Càn (trời)

Tăng lên đến cùng cực thì tới lúc tràn đầy, nứt vỡ nên sau quẻ Ích tới quẻ Quải. Quải có nghĩa là nứt vỡ, lại có nghĩa là quyết liệt.

Thoán từ:

夬: 揚于王庭, 孚號. 有厲, 告自邑.不利即戎, 利有攸往.

Quải: Dương vu vương đình, phu hiệu. Hữu lệ, cáo tự ấp, bất lợi tức nhung, lợi hữu du vãng.

Dịch: Quyết liệt: phải tuyên cáo tội ác của nó ở sân vua, lấy lòng chí thành mà phát hiệu lệnh. Có điều như sợ đấy, phải tự răn phe mình đã, đừng chuyên dùng võ lực, được như vậy thì sự nghiệp của mình càng tiến tới, có lợi.

Giảng: Chằm (Đoài) ở trên, trời (Càn) ở dưới, là nước chằm dân lên ngập trời, tất nhiên các đê ngăn nước phải nứt vỡ khắp nơi.

Lại thêm 5 hào dương tiến lên, quyết tâm trừ một hào âm ở trên cùng. Vì hai lẽ đó mà quẻ này đặt tên là Quải.

Quẻ này thuộc về tháng 3, âm sắp tiêu hết, suy đến cực rồi. Tuy nhiên vẫn phải đề phòng, phải tuyên bố tội ác của tội nhân trước công chúng, rồi lấy lòng chí thành để ban lệnh.

Mặc dầu vậy, vẫn có thể gặp nguy được (cổ nhân thật dè dặt! ) cho nên phải răn phe mình đoàn kết, hành động đàng hoàng, mà đừng nên chuyên dùng võ lực, vì ngoại quái là Đoài có nghĩa là hoà thuận, vui vẻ. Bốn chữ “lợi hữu du vãng” có sách giảng là “cứ như vậy – tức không dùng võ lực – mà tiến tới thì có lợi?

Thoán truyện giảng là: cứ tiến tới, đến khi trừ xong hào âm, chỉ còn toàn quân tử, thì mới là hoàn thành (cương trưởng nãi chung dã).

Đại tượng truyện khuyên nên ban phát lợi lộc cho dân, cũng do cái ý của ngoại quái là đoài: vui vẻ, thuận hoà.

Hào từ:

初九: 壯于前趾, 往, 不勝為咎.

Sơ cửu: Tráng vu tiên chỉ, vãng, bất thắng vi cữu.

Dịch: Hào 1, dương: mạnh (thăng ở ngón chân bước lên trước (tức hăng tiến lên trước), tiến lên mà không chắc thăng được là có lỗi.

Giảng: Hào này dương cương, hăng lắm, ở địa vị thấp nhất, tài còn non mà muốn tiến lên trước để diệt hào âm ở trên cùng, chưa chắc đã thắng mà cứ tiến lên là có lỗi (vì không lượng sức mình, không chuẩn bị kỷ).

2.

九二: 惕, 號, 莫夜有戎, 勿恤.

Cửu nhi: Dịch, hao, mạc dạ hữu nhung, vật tuất.

Dịch: Hào 2, dương: lo lắng mà hô hào các bạn (đề phòng) như vậy dù đêm khuya giặc có tới cũng chẳng sợ.

Giảng: Hào này dương cương, quyết tâm diệt tiểu nhân, mà đắc trung là biết lo lắng, đề phòng, cảnh cáo các bạn luôn luôn, khi vô sự mà như vậy thì khi giặc tới thình lình nữa đêm, cũng chuẩn bị sẳn sàng rồi, nên không sợ.

3.

九三: 壯于頄.有凶.君子夬夬.獨行遇雨, 若濡有慍, 无咎.

Cửu tam: Tráng vu quì (cừu), hữu hung, quân tử quải quải,

Độc hành ngộ vũ, nhược nhu hữu uẩn, vô cữu.

Dịch: Hào 3, dương: Cường bạo ở gò má (hiện trên mặt), có điều xấu. Người quân tử cương quyết (bỏ tiểu nhân): trước kia đã lỡ đi riêng một đường gặp mưa ướt và lấm, bị bạn bè giận, bây giờ cải quá, sẽ không có lỗi.

Giảng: Hào này là dương cương nhưng bất trung, lại ứng với hào âm (tiểu nhân), thì kẻ tiểu nhân đó không ưa mà ngay các bạn quân tử của 3 cũng không ưa, (vì cho là giả dối?), có điều xấu đấy – Câu đầu: “Tráng vu quì, hữu hung” tối nghĩa, mỗi sách giảng một cách mà đều lúng túng.

Hào từ khuyên cứ thật cương quyết bỏ hào trên cùng đi, đánh đổ nó đi; trước kia lỡ thân với nó mà xa các bạn, như một người đi riêng một đường, gặp mưa, ướt và lấm (ý nói mắc tội lỗi), bị bạn bè giận, bây giờ hợp lực với bạn, diệt xong hào âm đó rồi, sẽ rửa sạch được lỗi.

4.

九四: 臀无膚, 其行次且, 牽羊悔亡, 聞言不信.

Cửu tứ: Đồn vô phu, kì hành tư thư, khiên dương hối vong, văn ngôn bất tín.

Dịch: Hào 4, dương: Như bàn toạ mà không có da (có người cho là không hợp có lớp thịt sau da), đi chập chững (khó khăn); chỉ nên đi sau người ta như người lùa bầy cừu, thì hết ân hận; (nhưng e rằng) nghe (ta) nói mà chẳng tin đâu.

Giảng: Hào dương này bất trung bất chính, ở vào vị âm, thấy mấy hào dương kia tiến nó không lẽ ngồi im, nhưng thiếu tài, tiến chập chững (như người bàn toạ không có da), chỉ có cách tốt nhất là nhường cho các hào dương kia tiến trước, nó đi sau cùng như người lùa bầy cừu, như vậy không ân hận.

Nhưng nó ở vị nhu, không sáng suốt, cho nên khuyên nó vậy mà không chắc nó đã nghe.

5.

九五: 莧陸, 夬夬, 中行, 无咎.

Cửu ngũ: Nghiễn lục, quải quải, trung hành, vô cữu.

Dịch: Hào 5, dương (Hào trên cùng) như rau sam (được nhiều âm khí), nếu hào 5 cương quyết, đào tận gốc nó, cứ theo đạo trung mà đi thì không lỗi.

Giảng: Hào này ở gần hào trên cùng, gần tiểu nhân (âm, ví như rau sam), như vậy không tốt; nhưng may nó là dương cương , đắc trung đắc chính, nên không bịn rịn với hào trên cùng mà quyết tâm trừ đi. Hào từ khuyên phải giữ đạo trung thì mới không có lỗi (vì 5 vốn có tư tình với hào trên)

6.

上六: 无號, 終 有凶.

Thượng lục: vô hào, chung hữu hung.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Đừng kêu gào, không ai giúp đâu, cuối cùng sẽ bị hoạ.

Giảng: Hào âm ở trên cùng quẻ Quải, bị 5 hào dương tấn công, nguy cơ tới rồi, không có hào nào giúp nó cả, cho nên khuyên nó đừng kêu gào vô ích, cuối cùng sẽ chết thôi.

*

So sánh quẻ Quải này với quẻ Phục chúng ta thấy dụng ý của cổ nhân. Quẻ Phục có 5 tiểu nhân kình với một quân tử trong số đó có một tiểu nhân (hào 4) làm nội ứng cho quân tử cho nên được khen là một mình biết trở lại điều phải. Quẻ Quải, trong số 5 quân tử đuổi một tiểu nhân, cũng có một quân tử (hào 3) thân thiện với tiểu nhân, cho nên khuyên là phải cương quyết tuyệt giao với tiểu nhân đi thì sẽ không có lỗi; còn hào 5 tuy không chính ứng với tiểu nhân, nhưng vì là ngôi chí tôn, cầm đầu phe quân tử, mà lại ở gần tiểu nhân (hào 6) cho nên cũng khuyên phải cương quyết diệt tiểu nhân thì sẽ không có lỗi. “Dịch vị quân tử mưu” là vậy. 

44. QUẺ THIÊN PHONG CẤU

Trên là Càn (trời), dưới là Tốn (gió)

Lời giảng của Tự quái truyện rất ép: Quải là quyết, phán quyết; phán quyết xong rồi thì biết được lành hay dữ, tất có người để gặp gỡ, cho nên sau quẻ Quải tới quẻ Cấn (gặp gở).

Thoán từ

姤: 女壯, 勿用取女.

Cấu: Nữ tráng, vật dụng thú nữ.

Dịch: Gặp gỡ: Con gái cường tráng, đừng cưới nó (cũng có nghĩa là tiểu nhân đương lúc rất mạnh, đừng thân với nó).

Giảng: Trời (Càn) ở trên, gió (Tốn) ở dưới, gió đi dưới trời, tất đụng chạm vạn vật, cho nên gọi là Cấu (gặp gỡ).

Quẻ này một hào âm mới sinh ở dưới (thuộc về tháng 5), đụng với 5 hào dương ở trên, cũng như một người con gái rất cường tráng, đụng với (Cấn) năm người con trái, chống được với 5 người còn trai, hào đó lại bất đắc chính (âm ở vị dương), như người con gái bất trinh, không nên cưới nó.

Thoán truyện đưa thêm một nghĩa khác, trái hẳn, tương truyền là của Khổng tử; một hào âm xuất hiện ở dưới năm hào dương, là âm dương bắt đầu hội ngộ (gặp nhau: cấu), vạn vật nhờ đó sinh trưởng, các phẩm vật đều rực rỡ. Tốt. Lại thêm hào 5 dương cương , trung chính , thế là đạo quân tử được thi hành khắp thiên hạ (cương ngộ trung chính, thiên hạ đại hành dã). Cho nên ý nghĩa chữ “Cấu” này thật lớn lao. Đại tượng truyện chỉ coi tượng quẻ, không để ý tới nghĩa gặp gỡ của quẻ, mà đưa ra lời khuyên người quân tử nên thi hành mệnh lêệnh, báo cáo, hiểu dụ khắp bốn phương, như gió thổi vào khắp vạn vật ở dưới trời.

Hào từ

1.

初六: 繫于金柅, 貞吉.有攸往見凶.羸豕孚蹢躅.

Sơ lục: Hệ vu Kim nê, trinh cát; hữu du vãng kiến hung. Luy thỉ phu trịch trục.

Dịch: Hào 1, âm: chặn nó lại bằng cái hãm xe bằng kim khí, thì đạo chính mới tốt; nếu để cho nó (hào 1) tiến lên thì xấu. Con heo ấy tuy gầy yếu, nhưng quyết chắc có ngày nó sẽ nhảy nhót lung tung.

Giảng: Hào âm (tiểu nhân) này mới xuất hiện, phải chặn ngay nó mới được, đừng cho nó tiến lên thì đạo chính của người quân tử mới tốt; nếu để nó tiến lên thì xấu. Vì bây giờ nó tuy còn non, yếu, nhưng một ngày kia nó sẽ mạnh, nhảy nhót lung tung. Đừng nên coi thường nó.

Đó là cách trừ kẻ tiểu nhân mà cũng là cách trừ những tật mới phát sinh.

2.

九二: 包有魚, 无咎.不利賓.

Cửu nhị: Bao hữu ngư, vô cữu; bất lợi tân.

Dịch: Hào 2, dương: nhốt con cá (hào 1) vào trong bọc, không có lỗi; nhưng đừng cho nó (hào 1) gặp khách.

Giảng: Hào 2 này tuy ở sát hào 1, nhưng có đức dương cương , lại đắc trung , cho nên chế ngự được 1, như nhốt lỏng nó trong cái bao (ví hào 2 với con cá vì cá thuộc âm), như vậy không có tội lỗi.

Nhưng 1 chính ứng với hào 4; 4 muốn làm thân với 1 lắm, nó bất trung bất chính, không có đức như 2, sẽ bị 1 mê hoặc mất, cho nên Hào từ khuyên hào 2 phải ngăn không cho 1 gặp 4 (chữ tân là khách, trỏ hào 4).

3.

九三: 臀无膚, 其行次且, 厲, 无大咎.

Cửu tam: Đồn vô phu, kì hành tư thư, lệ, vô đại cữu.

Dịch: Hào 3, dương: như bàn toạ không có da (ngồi không yên mà đứng dậy) đi thì chập chững, có thể nguy đấy, nhưng không có lỗi lớn.

Giảng: Hào 3 này quá cương (dương ở vị dương) , bất trung, muốn có bạn là 1, nhưng hào 2 đã là bạn của 1 rồi; ngó lên trên có hào trên cùng ứng với 3, nhưng cũng là dương như 3, thành thử có vẻ ngồi không an, mà đi thì chập chững, có thể nguy đấy. Nhưng nó đắc chính (dương ở vị dương) nên biết giữ đạo, không mắc lỗi lớn.

4.

九四: 包无魚, 起凶.

Cửu tứ: Bao vô ngư, khởi hung.

Dịch: Hào 4, dương: Trong bọc của mình không có cá, hoạ sẽ phát.

Giảng: Hào này ứng với 1, nhưng bị 2 ngăn không cho gặp (coi lại hào 2), 1 đã như ở torng cái bọc của 2 rồi, cho nên cái bọc của 4 không cógì cả. Sở dĩ vậy cũng do lỗi của 4, bất trung, bất chính, làm mất lòng 1. Người trên mà mất lòng kẻ dưới, thì hoạ sẽ phát.

5.

九五: 以杞包瓜, 含章, 有隕自天.

Cửu ngũ: Dĩ kỉ bao qua, hàm chương, hữu vẫn tự thiên.

Dịch: Hào 5, dương: dùng cây kỉ mà bao che cây dưa, ngậm chứa đức tốt, (sự tốt lành) từ trên trời rớt xuống.

Giảng: Hào này ở địa vị tối cao, dương cương , trung chính, có đức tốt mà không khoe khoang (ngậm chứa đức tốt), bao bọc cho kẻ tiểu nhân ở dưới (hào 1) như cây kỉ, cao, cành lá xum xuê che cây dưa (thuộc loài âm). Như vậy là hợp đạo trời, sẽ được trời ban phúc cho.

6.

上九: 姤其角, 吝, 无咎.

Thượng cửu: Cấu kì giác, lận, vô cữu.

Dịch: Hào trên cùng, dương: gặp bằng cái sừng, đáng hối tiếc, không đổ lỗi cho ai được.

Giảng: Hào này ở trên cùng, thời Cấu (gặp gỡ) cho nên ví với cặp sừng. Gặp nhau mà bằng cặp sừng (đụng nhau bằng sừng) ý nói quá cương – đáng hối tiếc. Mọi sách đều dịch “vô cữu” là không có lỗi mà không giảng tại sau quá cương mà không có lỗi. Riêng Phan Bội Châu hiểu là: không đổ lỗi cho ai được.

*

Quẻ Cấu này khuyên ta:

– Phải chế ngự tiểu nhân (và tật của ta) từ khi nó mới xuất hiện hào 1).

– Muốn chế ngự tiểu nhân thì nên có độ lượng bao dụng có đức trung chính như hào 2, hào 5); nếu quá cương (như hào 3) bất trung bất chính (như hào 4) thì tiểu nhân sẽ không phục mình. 

45. QUẺ TRẠCH ĐỊA TỤY

Trên là Đoài (chằm), dưới là Khôn (đất)

Gặp nhau rồi thì thành bầy, thành bầy thi phải nhóm họp , cho nên sau quẻ Cấu tới quẻ Tụy (nhóm họp)

Thoán từ:

萃 : 亨, 王假有廟.利見大人.亨, 利貞.用大牲, 吉, 利有攸往.

Tụy: hanh, vương cách hữu miếu. Lợi kiến đại nhân,

Hanh, lợi trinh. Dụng đại sinh, cát, lợi hữu du vãng.

Dịch: Nhóm họp: hanh thông. Vua đến nhà Thái miếu, ra mắt kẻ đại nhân thì lợi, hanh thông, giữ vững đạo chính thì lợi. Lễ vật (để cúng) lớn (hậu hĩ) thì tốt, tiến đi (sự nghiệp) được lâu dài.

Giảng: chằm (Đoài ở trên đất (Khôn), là nước có chỗ nhóm, tụ, cho nên gọi là quẻ Tụy.

Nội quái là Khôn có tính thuận, ngoại quái là Đoài có nghĩa vui vẻ, hoà thuận; mà hào 5 ở trên được hào 2 ở dưới ứng trợ cho, tất nhóm họp được đông người, cho nên hanh thông, tốt.

Nhóm họp cần long trọng và tỏ lòng chí thành, có thần linh chứng giám, cho nên vua tới nhà Thái miếu để dâng lễ, thề.

Người đứng ra nhóm họp một đảng phải là bậc đại nhân có tài, đức, được người tin, trọng thì mới tốt; người đó phải giữ vững đạo chính, đường lối chính đáng thì mới tốt (lợi trinh).

Nhóm họp ở thái miếu thì tế lễ phải long trọng, những con vật để cúng phải lớn, thì mới tốt. Nhóm họp để cùng nhau mưu tính mọi việc cho sự nghiệp được lâu dài (lợi hữu du vãng).

Đại Tượng truyện khuyên khi nhóp họp nên có tinh thần hoà thuận vui vẻ như quẻ Khôn, quẻ Đoài, cất khí giới đi để ngừa những sự biến bất ngờ xảy ra.

Hào từ

1.

初六: 有孚, 不終, 乃亂乃萃.若號, 一握為笑勿恤, 往, 无咎.

Sơ lục: hữu phu, bất chung, mãi loạn nãi tụy;

Nhược hào, nhất ác vi tiếu vật tuất, vãng, vô cữu.

Dịch: Hào 1, âm: có người tin mình mà mình không thể đến cùng, rồi làm rối loạn nhóm của mình; nên biết lầm mà kêu gọi người tin mình kia, dù có bị một bầy (tiểu nhân) cười cũng mặc, cứ theo lên (vãng) với người tin mình, thì không có lỗi.

Giảng: Hào 1 này có chính là hào 4 dương cương, tức là có bạn tin mình, nhưng 1 âm nhu, giữ đạo chính không được vững (không theo 4 đến cùng) mà nhập bọn với 2, 3 đều là âm nhu tiểu nhân, làm rối loạn nhóm của mình. Nếu có biết như là lầm mà kêu gọi 5, theo 4, dù có bị 2, 3 cười cũng mặc, thì sẽ không có lỗi.

2.

六二: 引, 吉, 无咎, 孚, 乃利用禴

Lục nhị: Dẫn, cát, vô cữu, phu, nãi lợi dụng thược.

Dịch hào 2, âm: dẫn bên lên nhóm với hào 5 thì tốt, không có lỗi, phải chí thành, chí thành thì như trong việc tế lễ, dùng lễ mọn cũng tốt.

Giảng: Hào này âm nhu nhưng trung chính, ứng với hào 5 dương cương trung chính ở trên, là một nhóm rất tốt. Nhưng vì nó xen vài giữa hai hào âm 1 và 3, mà cách xa hào 5, nên Hào từ khuyên nó kéo hai hào âm đó lên nhóm họp với 5, thì tốt, không có lỗi, và nhớ phải chí thành (phu) mới được, chí thành thì như trong việc cúng tế, dùng lễ mọn (thược) cũng tốt) .

3.

六三: 萃如, 嗟如, 无攸利, 往, 无咎, 小吝.

Lục tam: Tụy như, ta như, vô du lợi, vãng, vô cữu, tiểu lận.

Dịch: Hào 3, âm: Muốn họp mà không được nên than thở, chẳng có gì tốt cả; tiến lên mà họp với hào thượng, tuy hơi bất mãn đấy, nhưng không có lỗi.

Giảng: Hào 3 này âm nhu, ứng với hào trên cùng, nhưng không thích (vì hào này cũng âm nhu), muốn họp với 4 và 5 là dương kia, nhưng 4 có bạn là 1, 5 có bạn là 2 rồi, chê 3 là bất trung ,bất chính không thèm; 3 nhìn xuống dưới, muốn họp với 2,1 cũng không được vì họ có bạn là 5, 4 rồi; vì vậy 3 than thở, chẳng có gì tốt cả. Ðành phải tiến lên mà họp với hào trên cùng vậy, bất như ý đấy, nhưng không có lỗi.

4.

九四: 大吉, 无咎.

Cửu tứ: đại cát, vô cữu.

Dịch: Hào 4, dương: nếu được rất tốt thì mới không có lỗi.

Giảng: Hào này dương cương, tốt, chỉ hiềm bất chính; nó thân với hào 5, dương cương ở trên, mà lại gần với một bầy âm nhu ở dưới tình thế khó khăn, phải làm sao thuyết phục được bầy âm theo 5, như vậy mới khỏi có lỗi.

5.

九五: 萃有位, 无咎, 匪孚元永貞, 悔亡.

Cửu ngũ: tụy hữu vị, vô cữu, phi phu nguyên vĩnh trinh, hối vong.

Dịch: Hào 5, dương: Nhờ có vị cao mà nhóm họp được người, không có lỗi, nếu người chưa tin mình thì phải giữ tư cách nguyên thủ, giữ người được lâu, giữ đạo chính được bền, như vậy mới không hối hận.

Giảng: Bốn hào âm trong quẻ này đều muốn họp với hai hào dương, mà trong hai hào dương này, hào 5 có địa vị cao nhất, đức lại thịnh hơn hào 4, đủ cả trung, chính, cho nên các hào âm đều hướng vào (tụy hữu vị), tốt, không có lỗi. Nhưng còn e có người vẫn chưa tin hẳn 5 (phỉ nhu); muốn cho mọi người tin thì phải làm sao xứng đáng là vị nguyên thủ (nguyên), giữ người được lâu (vĩnh) giữ đạo chính (trinh) được bền, như vậy sẽ không hối hận.

6.

上六 : 齎咨, 涕洟, 无咎.

Thượng lục: tế tư, thế di, vô cữu.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Than thở, sụt sùi, không trách lỗi ai được.

Giảng: Hào này âm nhu, kém tư cách, lại ở cuối thời nhóm họp (tụy) muốn họp với ai cũng không được, tới nỗi than thở, sụt sùi, cứ an phận thì không có lỗi. Phan Bội Châu hiểu “vô cữu” là không trách lỗi ai được, cũng như hào trên cùng quẻ Cấu ở trên.

*

Đại ý quẻ này là muốn họp người, lập một đảng chẳng hạn thì phải là bậc đại nhân: có địa vị cao, có tài, có đức, phải có lòng chí thành, một chủ trương chính đáng. 

46. QUẺ ĐỊA PHONG THĂNG,

Trên là Khôn (đất), dưới là tốn (gió)

Nhóm họp lại thì tất nhiên chồng chất mãi lên, cho nên sau quẻ tụy đến quẻ Thăng (lên).

Thoán từ:

升: 元亨, 用見大人, 勿恤, 南征, 吉.

Thăng: nguyên hanh, dụng kiến đại nhân, vật tuất, nam chinh, cát.

Dịch: Lên: rất hanh thông, phải dùng người có tài đức (đại nhân), không có gì là lo ngại, cứ tiến về phía trước thì tốt.

Giảng: Tốn là gió mà cũng là cây. Ở đây hiểu là cây. Cây mọc ở dưới đất, mỗi ngày mỗi đâm lên cao, cho nên gọi là quẻ Thăng.

Cũng có thể hiểu: Khốn vôn là âm nhu mà tiến lên ngoại quái là vì thời tiến lên thì nên như vậy chứ bình thường thì dương mới thăng mà âm thì giáng. Tốn có tính nhún, khôn có tính thuận; lại thêm hào 5 âm có đức nhu và trung , ứng với hào 2 có đức dương cương, cho nên rất hanh thông. Phải dùng người có tài đức (hào 2) thì mới không có gì lo ngại. “Nam chinh” là tiến về phía trước mặt, chứ không có nghĩa là tiến về phía Nam.

Đại Tượng truyện khuyên xem quẻ này nên thuận đạo mà sửa đức, mỗi ngày một chút, lần lần sẽ rất cao (tích tiểu dĩ cao đại).

Hào từ

1.

初六: 允升, 大吉

Sơ lục: Doãn thăng, đại cát.

Dịch: Hào 1, âm : có lòng tin mà tiến lên, rất tốt.

Giảng: Hào này âm nhu, ở dưới cùng, làm chủ nội quái Tốn, là có đức khiêm tốn, nhu thuận, theo sau hai hào dương (2 và 3) mà nhờ 2 hào đó dắt lên, rất tốt. “Doãn” nghĩa là tin, 1 tin 2 và 3, mà 2 và 3 cũng tin 1. Tiểu tượng truyện gọi như vậy là hợp chí nhau.

2.

九二: 孚, 乃利用禴, 无咎.

Cửu nhị: Phu, nãi lợi dụng thược, vô cữu.

Dịch: Hào 2, dương: tin nhau có lòng chí thành thì dùng lễ nhỏ cũng được, không có lỗi.

Giảng: Hào 2, này dương cương mà ở dưới, hào 5 âm nhu mà ở vị cao, hai bên khác nhau như vậy mà ứng với nhau là rất tin nhau bằng lòng chí thành, hợp tác với nhau làm nên sự nghiệp ở thời “Thăng”. Đã có lòng chí thành thì lễ vật rất đơn sơ cũng được, không có lỗi.

3.

九三: 升, 虛邑.

Cửu tam: Thăng, như ấp.

Dịch: Hào 3, dương: lên dễ dàng như vào cái ấp không người .

Giảng: Hào này đắc chính, có tài, ở trên cùng nội quái là Tốn, có đức thuận theo ba hào âm ở trên, được 3 hào dắt lên một một cách dễ dàng, như vào một ái ấp không có ai ngăn cản, không có gì ngại cả.

4.

六四: 王用亨于岐山, 吉, 无咎.

Lục tứ: Vương dụng hanh vu Kì sơn, cát, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: vua Văn Vương dùng đạo mà hanh thịnh ở núi Kì sơn, tốt, không có lỗi.

Giảng: Hào này nhu thuận, đắc chính, ở ngay dưới hào 5, như vua một nước chư hầu, giúp thiên tử, dắt các người hiền cùng tiến lên; đó là trường hợp vua Văn Vương, một chư hầu dưới thời nhà Ân, lập nên sự nghiệp ở Kì Sơn.

5.

六五, 貞吉, 升階.

Lục ngũ: Trinh cát, thăng giai.

Dịch: Hào 5, âm: giữ được đạo chính thì tốt, dễ dàng lên thềm.

Giảng: Hào này tuy âm nhu nhưng đắc trung, ở dưới có hào 2 là hiền thần giúp, nên dễ dàng đắc chí, lên thềm cao một cách dễ dàng (lập được sự nghiệp)

6.

上六: 冥升, 利于不息之貞.

Thượng lục: Minh thăng, lợi vu vật tức chi trinh.

Dịch: Hào trên cùng, âm:Hôn ám cứ muốn lên hoài, nếu sửa đức cho hợp đạo chính, không bao giờ nghỉ thì có lợi.

Giảng : Hào này âm nhu, hôn ám, ở dưới thời “thăng”, đã lên đến cùng cực rồi mà còn muốn lên nữa; nếu đổi lòng ham lên đó thành lòng tự cường , sửa đức cho hợp đạo chính, không bao giờ nghỉ, thì lại tốt.

*

Năm hào dưới đều tốt, chỉ có hào trên cùng là xấu vì quá tham, cứ muốn tiến lên hoài về danh lợi, địa vị. 

47. QUẺ TRẠCH THỦY KHỐN

Trên là Đoài (chằm), dưới là Khảm (nước).

Lên cao mãi thì có lúc sẽ té mà khốn, cho nên sau quẻ Thăng tới quẻ Khốn.

Thoán từ:

困: 亨, 貞, 大人吉, 无咎. 有言不信.

Khốn: Hanh, Trinh, đại nhân cát, vô cữu. Hữu ngôn bất thân (chữ [nhân đứng kế ngôn 信] ở đây dùng như chữ [伸]

Dịch : Khốn: Hanh thông. Chính đính như bậc đại nhân (có đức) thì tốt, không lỗi. Dù nói gì cũng không bày tỏ được lòng mình (không ai nghe mình)

Giảng: Quẻ Kham là dương ở cuối, quẻ đoài là âm ở trên , dương cương (quân tử) bị âm nhu (tiểu nhân) che lấp, cho nên gọi là Khốn.

Lại thêm: nội quái một hào dương bị kẹt giữa hai hào âm; ngoại quái hai hào dương ở dưới một hào âm, cùng là cái tượng quân tử bị tiểu nhân làm khốn.

Một cách giảng nữa: Chằm (Đoài) ở trên mà Khảm (nước) ở dưới, nước trong chằm chảy xuống dưới, tiết mất hết, chằm sẽ khô, thành ra cái tượng Khốn.

Tuy nhiên, Khảm là hiểm, đoài là hoà duyệt, vậy tuy gặp hiểm mà vẫn vui vẻ hanh thông. Hanh thông chỉ là đối với bậc đại nhân, có đức cương, trung, giữ đạo chính thôi; vì hạng người đó càng gặp cảnh khốn, tài càng được luyện; đức càng được trau, chí càng vững dù có phải hy sinh tính mệnh để thỏa chí nguyện cũng không ngại, thân tuy khốn mà vẫn vui vẻ, đạo của họ vẫn hanh thông, cho nên Hào từ cho là tốt, không có lỗi.

Ở vào thời Khốn, chỉ có cường quyền, không có công lý, nên đừng nói gì cả, càng nói chỉ càng thêm vạ miệng, không biện bạch được gì đâu. Đây là lời khuyên chung, còn bậc quân tử có thể “sát thân dĩ thành nhân” thì lại khác.

Hào từ:

1.

初六: 臀困于株木, 入于幽谷, 三歲不覿.

Sơ lục: Đồn khốn vu châu mộc, nhập vu u cốc, tam tuế bất dịch.

Dịch: Hào 1, âm: Bàn toạ bị khốn ở gốc cây, lại sụp vào trong hang tối, ba năm không thấy ai.

Giảng: Hào này ở đầu quẻ Khốn, âm nhu, mê muội; hào 3 , dương ứng với nó, bất trung bất chính không giúp gì được nó; như một người ngồi trên cây trụi trồi gốc ra (ý nói ở hào đầu, thấp nhất), rồi lại sụp vào hang tối (hào này âm, nhu mê muội) mà không thấy ai lại cứu (ai đây trỏ hào 4).

2.

九二: 困于酒食, 朱紱方來.利用享祀, 征凶, 无咎.

Cửu nhị: Khốn vu tửu thực, chu phất lai.

Lợi dụng hưởng tự, chinh hung, vô cữu.

Dịch: Hào này dương cương, đắc trung, đáng lẽ tốt, nhưng ở thời Khốn thì cũng vẫn bị khốn vì ăn uống, do ơn vua lộc nước; được ở trên ứng hợp lại nhờ giúp (ở đây tượng trưng bằng việc đem cái “phất” đỏ, một bộ phận lễ phục để che đầu gối); nên đem lòng tinh thành để tế thần linh mà xử sự trong thời khốn này; nếu cứ tiến hành thì không gặp thời xấu; giữ đạo thì không có lỗi.

3.

六三: 困于石, 據于蒺蔾, 入于其宮, 不見其妻, 凶.

Lục tam: Khốn vu thạch, cứ vu tật lê, nhập vu kì cung, bất kiến kì thê, hung.

Dịch: Hào 3, âm: như người bị khốn vì đá, mà lại dựa vào cây tật lê, vô nhà thì không thấy vợ, xấu.

Giảng: Hào này bất trung ,bất chính, âm nhu ở vào thời khốn, ở trên cùng nội quái là Khảm, tức ở cảnh cực hiểm, tấn thoái đều không được nên ví với người bị đá dằn ở trên (tức hào 4) mà lại dựa vào một loại cây có gai (tật lê – tức hào 2) , vô nhà lại không thấy vợ (tức hào trên cùng cũng âm nhu, không giúp 3 được gì). Rất xấu.

Theo Hệ từ truyện Chương v, Khổng tử thích nghĩa thêm như sau:

“Không phải chỗ đáng bị khốn mà mình bị khốn thì danh ắt bị nhục, không phải chỗ đáng dựa mà mình dựa vào thì thân tất bị nguy; đã bị nhục lại bị nguy thì sắp chết tơi nơi rồi, còn thấy sao được vợ nữa?”

4.

九四: 來徐徐, 困于金車, 吝, 有終.

Cửu tứ: Lai từ từ, Khốn vu kim xa, lận, hữu chung.

Dịch: Hào 4, dương : (Bạn mình) lại chậm vì bị cỗ xe bằng kim khí chặn (khốn) có điều ân hận, nhưng được trọn vẹn về sau.

Giảng: Hào này dương cương, nhưng bất trung, bất chính, ở vào Khốn, trong vào hào 1 (ứng với nó) tới giúp; nhưng 1 không tới mau được vì bị hào 2 chặn ở giữa (hào 2 này ví với cỗ xe bằng kim khí, có lẽ vì 2 dương cương, mà kim khí là chất cứng chăng cho nên có điều đáng ân hận, xấu hổ; nhưng cuối cùng vẫn liên hợp được với I vì hai bên đều dốc lòng ứng với nhau (4 là dương, 1 là âm)

5.

九五: 劓刖, 困于赤紱.乃徐有說, 利用祭祀.

Cửu ngũ: tị nguyệt, khốn vu xích phất,

Nãi từ hữu duyệt, lợi dụng tế tự.

Dịch: Hào 5, dương: Bị xẻo mũi, cắt chân, khốn vì cái “phất” đỏ; thủng thẳng sẽ vui, nên dùng lòng chí thành lúc cúng tế (mà xử vào thời Khốn).

Giảng: Hào dương ở vị chí tôn, có tài đức, nhưng ở vào thời Khốn, người chung quanh mình và ở dưới mìmh đều bị khốn cả, lại thêm hào trên cùng là âm muốn dè ép quanh mình, hào 4 dương cương ở dưới tình làm hại mình, ngay đến hào 2 đã đem cái “phất” đỏ cho nó, nhờ nó giúp, nó cũng chỉ làm cho mình thêm khốn’ như vậy mình không khác gì kẻ bị thương ở mũi (xẻo mũi), ở chân (cắt chân); nhưng 5 và 2 cùng có đức cương trung thì rồi sẽ hợp với nhau, cứ chí thành thì sẽ hanh thông, vui.

6.

上六: 困于葛藟, 于臲卼.曰: 動悔, 有悔, 征吉.

Thượng lục: Khốn vu cát lũy, vu niết ngột.

Viết động hối, hữu hối, chinh cát.

Dịch: Hào trên cùng ,âm: Bị khốn vì dây sắn dây leo, khập khễnh, gập ghềnh; tự hỏi rằng; hoạt động thì ân hận chăng? Biết suy nghĩ như vậy thì hành động sẽ tốt.

Giảng: Hào này ở cuối thời Khốn, như người bị buộc chằng chịt trong đám dây sắn dây leo mà lại đi đứng trong chỗ khập khễnh, gập ghềnh; nhưng khốn tới cùng cực rồi thì sẽ thông, cho nên nếu thận trọng, biết ăn năn thì sẽ tốt.

So sánh ba quẻ Truân, Kiển, Khốn.

Quẻ Truân là đầu thời khó khăn, còn có thể hành động chút ít để cứu vãn thời thế được. Quẻ Kiển là giữa thời có khó khăn, nên chờ thời, không làm gì hết, hoặc có vì bổn phận mà làm thì cũng khó có kết quả.

Tới Quẻ Khốn, thời khó khăn lên tới tột điểm, 5 hào xấu (Khốn, lận) chỉ có hào cuối cùng mới tốt, đành phải chờ thời, giữ đức trung, chính, lòng chí thành mới qua được cơn khốn. 

48. THỦY PHONG TỈNH

Trên là Khảm (nước), dưới là Tốn (gió)

Lên (Thăng) tới cùng thì bị khốn, mà té xuống dưới, cho nên sau quẻ Khốn tới quẻ Tỉnh (giếng, tức chỗ thấp hơn hết).

Thoán từ:

井: 改邑不改井, 无喪无得, 往來井井.汔至, 亦未繘井, 羸其瓶, 凶.

Tỉnh: Cải ấp bất cải tỉnh, vô táng vô đắc, vãng lai tỉnh tỉnh.

Ngật chí, diệc vị duật tỉnh, luy kì bình, hung.

Dịch: giếng: đổi ấp chứ không đổi giếng, nước giếng không kiệt mà cũng không thêm; người qua người lại để múc nước giếng. Gần đến nơi (đến giếng), chưa kịp thòng dây gàu xuống mà bể cái bình đựng nước, thì xấu.

Giảng: Theo tượng quẻ, trên là nước (Khảm), dưới là gỗ (Tốn ở đây không hiểu là gió mà hiểu là cây, là đồ bằng gỗ – trỏ cái gàu), có nghĩa là thòng cái gàu xuống nước để múc lên.

Theo hình của quẻ: dưới cùng là một âm, như mạch nước, rồi tiến lên là hai hào dương, như lớp đất ở đáy giếng; tiến lên nữa là hào âm, tức nước giếng, lòng giếng: trên nữa là một vạch liền, tức cái nấp giếng, trên cùng là một vạch đứt, tức miệng giếng.

Đại tượng truyện giảng một cách khác: nước (Khảm) ở trên cây (Tốn), tức là nhựa (nước từ dưới đất theo thân cây lên) ở ngọn cây, cũng như mạch nước ở trong giếng, chảy ra, cho nên gọi là quẻ Tỉnh.

Bản thể của cái giếng là ở đâu thì ở đấy, ấp còn có khi thay đổi, chứ giếng thì cố định; có nước mạch chảy vô giếng hoài, nên nước giếng không kiệt, nhưng nước giếng chỉ lên tới một mực nào đó, không khi nào tràn ra. Công dụng của giếng là ai cũng lại giếng để lấy nước (tỉnh tỉnh: chữ tỉnh trên là động từ, chữ tỉnh dưới là danh từ), kẻ qua người lại thường, người nào cũng nhờ nó mà có nước, nó giúp đỡ mọi người mà như vô tâm.

Nói về nhân sự thì người đi lấy nước, đã gần tới rồi, chưa kịp thòng dây gàu (duật) xuống, mà đánh vỡ cái bình đựng nước thì thật uổng công; vậy làm việc gì cũng phải cẩn thận, đến nơi đến chốn để khỏi thất bại nửa chừng.

Thoán truyện bảo giếng ở đâu ở đấy, không thay đổi như ấp, vậy là có đức cương trung của hào 2 và hào 5.

Đại tượng truyện khuyên người quân tử nên coi tượng cái giếng mà nuôi dân và chỉ cho dân cách giúp đỡ lẫn nhau.

Hào từ:

1.

初六: 井泥不食.舊井无禽.

Sơ lục: tỉnh nê, bất thực, cựu tỉnh vô cầm.

Dịch: Hào 1, âm: Giếng lầy bùn, không ai lại lấy nước; không có con vật nào lại một giếng cũ.

Giảng: Hào 1 âm nhu, ở địa vị thấp nhất, hào 4 ở trên cũng không giúp gì nó, chính là hạng người vô dụng, bất tài, nên ví như cái giếng không có mạch, bị bùn, không ai lại lấy nước, chim muông cũng không tới.

2.

九二: 井谷, 射鮒, 甕敝漏.

Cửu nhị: Tỉnh cốc, xạ phụ, ủng tệ lậu.

Dịch: Hào 2, dương: giếng ở trong hang (có người hiểu là giếng có cái hang), nước chỉ lách tách ít giọt bắn vào con giếc, như cái chum nứt, nước dỉ ra.

Giảng: Hào này dương cương, có tài hơn hào 1, nhưng địa vị cũng thấp, trên cũng không có người ứng viện cho, nên cũng không làm nổi việc đời, ví như cái giếng nước tuy trong, nhưng nước mạch ít, chỉ dỉ ra đủ nuôi con giếc, chứ không có người tới múc. Hào này khác hào 1 ở chỗ 1 vì bất tài mà vô dụng, hào này vì hoàn cảnh mà hoá vô dụng.

3.

九三: 井渫不食, 為我心惻.可用汲. 王明, 並受其福.

Cửu tam: tỉnh tiết bất thực, vi ngã tâm trắc.

Khả dụng cấp; vương minh, tịnh thụ kì phúc.

Dịch: Hào 3, dương: giếng trong mà chẳng ăn, để lòng ta thương xót, có thể dùng mà múc lên được; gặp ông vua sáng suốt thì mọi người đều được phúc.

Giảng: Hào dương này đắc chính, là người có tài, muốn giúp đời, nhưng địa vị còn ở thấp (nội quái), không được dùng, ví như cái giếng nước trong mà không ai múc. Nếu được ông vua sáng suốt dùng, thì người đó sẽ giúp cho mọi người được nhờ.

4.

六四: 井甃, 无咎.

Lục tứ: Tỉnh trứu, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Giếng mà thành và đáy xếp đá, không có lỗi.

Giảng: Hào này âm nhu, tài tầm thường, nhưng đắc chính, ở gần hào 5 chí tôn, nên nhờ 5 mà làm được việc nhỏ, không có lỗi, ví như cái giếng mạch không nhiều, nhưng xếp đá ở thành và đáy, thì nước mạch thấm vào, lóng lại, cũng tạm dùng được.

5.

九五: 井洌, 寒泉食.

Cửu ngũ: Tỉnh liệt, hàn tuyền thực.

Dịch: Hào 5, dương: Nước giếng trong, lạnh, múc lên ăn được.

Giảng: Hào nay dương cương, đắc trung, ở ngôi chí tôn, có ân trạch với dân chúng, nên ví với nước giếng vừa trong, vừa mát, lại múc lên được.

6.

上六: 井收, 勿幕, 有孚, 元吉.

Thượng lục: Tỉnh thu, vật mạc, hữu phu, nguyên cát.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Nước giếng múc lên rồi, đừng che đậy, cứ mãi mãi như vậy, không thay đổi thì rất tốt.

Giảng: Hào trên cùng này tuy là âm nhu, nhưng ở cuối cùng quẻ Tỉnh, nó có cái tượng nước giếng đã múc lên rồi, nên để cho mọi người dùng, chứ đừng che đậy, và cứ như vậy giúp đời mãi thì không gì tốt bằng.

*

Chúng ta để ý, quẻ Tỉnh này có điểm đặc biệt là các hào càng lên cao càng tốt, tốt nhất là hào trên cùng.

Thường các quẻ khác, hào trên cùng có nghĩa là cùng cực: hễ là quẻ tốt như quẻ Càn, quẻ thái thì hào trên cùng xấu; nếu là quẻ xấu như quẻ Bĩ, quẻ khốn thì hào trên cùng tốt, vì luật: cực thì phải biến, tốt biến ra xấu, xấu biến thành tốt. quẻ Tỉnh này với quẻ Đỉnh (và một số quẻ nữa như quẻ Tiêm . . .), hào trên cùng không có nghĩa cùng cực, mà có nghĩa là lúc cuối (chung), lúc nước đã múc lên (Tỉnh) hoặc thức ăn đã chính (đỉnh), tức là lúc thành công, cho nên đều tốt cả. 

49. QUẺ TRẠCH HỎA CÁCH

Trên là Đoài (chằm), dưới là Ly (lửa)

Nước giếng tích trữ lâu ngày, bụi cát và các vật dơ mỗi ngày mỗi nhiều, không còn trong sạch nữa, phải tát hết nước cũ để nước mạch mới chảy vào thay, cho nên sau quẻ Tỉnh tới quẻ Cách. Cách nghĩa là thay đổi, như trong từ ngữ cải cách, biến cách, cách mạng.

Thoán từ.

革: 已日乃孚, 元亨 利貞.悔亡.

Cách: Dĩ nhật nãi phu, nguyên hanh lợi trinh. Hối vong.

Dịch: Thay đổi: Phải lâu ngày người ta mới tin được; phải rất hanh thông, hợp chính đạo (thì người ta mới phục). Ðược vậy thì không phải ăn năn.

Giảng: Theo tượng quẻ, chằm (Đoài) ở trên, lửa (Ly) ở dưới; lửa đốt thì nước cạn, nước xối vào thì lửa tắt; hai thứ đo tranh nhau thì có sự thay đổi, cho nên gọi là quẻ Cách.

Lại có thể giảng: Đoài là con gái út, Ly là con gái giữa, họ có xu hướng khác nhau (con gái út nghĩ tới cha mẹ, con gái giữa nghĩ tới chồng), phải có sự thay đổi, không thể như vậy mà ở chung với nhau được.

Thay cũ đổi mới là một việc khó, ngược với thói quen thủ cựu của con người, cho nên mới đầu người ta không tin, cho là đa sự. Muốn cho người ta tin thì phải một thời gian lâu để người ta thấy kết quả.

Mà muốn có kết quả, sự cải cách phải hợp thời hợp chính đạo, phải sáng suốt, soi xét rạch ròi và có tính hoà duyệt thoả thuận với lòng người (văn minh dĩ duyệt: lời thoán truyện), có vậy mới đắc nhân tâm mà người ta không phản kháng. Sáng suốt là đức của nội quái Ly, hoà duyệt là đức của ngoại quái Đoài. Có đủ những điều kiện đó: hợp thời, hợp chính đạo (tức là thích đáng, chính đáng) sáng suốt và hoà duyệt thì không phải ăn năn.

Vua Thang diệt Kiệt, vua Võ diệt Trụ, hai cuộc cách mạng đó đều thuận với đạo Trời (chính đạo) và ứng với lòng người (hợp thời, hợp nguyện vọng nhân dân) cho nên thành công. Trời đất phải thay đổi mới có mùa, mà vạn vật mới sinh sinh hoá hoá, việc đời lâu lâu cũng phải cải cách, để trừ những tệ hại cũ mà thích hợp với hoàn cảnh mới.

Hào từ.

1.

初九: 鞏用黃牛之革.

Sơ cửu: củng dụng hoàng ngưu chi cách.

Dịch: Hào 1, dương: bó chặt bằng da con bò vàng.

Giảng: người nào muốn làm việc cải cách lớn thì phải có thời (hợp thời), có địa vị có tài. Hào 1 này mới ở vào buổi đầu của thời Cách (thay đổi), còn lỡ dở, thế là chưa có thời, địa vị lại thấp, tuy dương cương nhưng bất trung thế là tài đức còn kém, trên không có người ứng viện (hào 4 cũng là dương); làm việc cải cách tất hỏng; chỉ nên giữ vững (bó chặt bằng) đạo trung (tượng trưng bằng màu vàng); thuận (đức của loài bò), thì mới khỏi bị lỗi.

2.

六二: 已日乃革之, 征吉, 无咎.

Lục nhị: Dĩ nhật nãi cách chi, chinh cát, vô cữu.

Dịch: Hào 2, âm: chuẩn bị lâu ngày rồi cải cách, tiến đi thì tốt, không lỗi.

Giảng: Hào này nhu thuận, đắc trung đắc chính, ở giữa nội quái Ly là sáng suốt, ở trên có hào 5 dương cương, trung chính, vị cao, ứng viện cho, đủ tư các, hoàn cảnh thuận tiện để cải cách (vì vị 2 này là cơ hội cải cách đã tới) cho nên cứ việc mà đi miễn là chuẩn bị cho kỹ, để cho người trên kẻ dưới đều tin mình.

3.

九三: 征凶, 貞厲, 革言三就, 有孚.

Cửu tam: chính hung, trinh lệ, cách ngôn tam tựu, hữu phu.

Dịch: hảo, dương: hăng hái tiến liều thì xấu, bền vững giữ đạo và thận trọng lo lắng, tính toán sắp đặt kế hoạch tới 3 lần thì kết quả mới chắc chắn.

Giảng: Hào này dương cương , bất trung, có tính nóng nảy, muốn làm liều, hăng hái tiến tới, hỏngviệc (chinh hung). Phải giữ vững (trinh) đạo chính, thận trọng, lo lắng(lệ); phải sắp đặt, tính toán kế hoạch đến 3 lần, chắc không có gì khuyết điểm, thì kết quả mới chắc chắn (phu ở đây nghĩa là chắc chắn).

4.

九四: 悔亡, 有孚, 改命, 吉.

Cửu tứ: Hối vong, hữu phu, cải mệnh, cát.

Dịch: Hào 4, dương: Hối hận tiêu hết, có lòng chí thành, trên dưới đều tin theo, đổi mệnh (cải cách lớn) được, tốt.

Giảng: Hào này dương ở vị âm, đáng lẽ có điều ăn năn, nhưng ở vào thời cải cách, không nên cương quá, cho nên tính cương mà vị nhu, vừa cương vừa nhu là tốt, không phải ân hận. Nếu có đủ lòng chí thành khiến người trên kẻ dưới đều tin mình, thì cứ việc tiến hành việc cách mệnh, tốt.

5.

九五: 大人, 虎變.未占有孚.

Cửu ngũ: Đại nhân, hổ biến; vị chiêm hữu phu.

Dịch: Hào 5 dương: Bậc đại nhân làm cho xã hội thay đổi như con hổ thay lông (mướt, đẹp hơn) chưa bói cũng đã tin như vậy rồi.

Giảng: Hào này có đủ cả thời (công cuộc cải cách đã được tám chín phần mười rồi, vị ở ngôi chí tôn), tài đức (dương cương, trung chính, đúng là một đại nhân) cho nên thành công mỹ mãn, làm cho xã hội thay đổi, tốt đẹp, mới mẻ lên như con hổ thay lông, dân chúng sẳn lòng in như vậy từ khi chưa bói.

6.

上六: 君子豹變, 小人革面. 征凶, 居貞, 吉.

Thượng lục: Quân tử báo biến, tiểu nhân cách diện. Chính hung, cư trinh, cát.

Dịch: Người quân tử (thực hiểu và theo sự cải cách như) con báo thay lông; kẻ tiểu nhân miễn cưỡng theo ngoài mặt. Công việc cải cách đến đây đã xong, nên ngừng lại, tiến nữa thì xấu, cứ giữ vững chính đạo thì tốt.

Giảng: Hào này ở cuối cùng thời cách, công việc cải cách đã xong. Kết quả là hạng người từ bậc trung trở lên, sáng suốt (quân tử) thực tâm tự thay cũ mà theo mới, còn người tư cách thấm kém (tiểu nhân) chỉ thay đổi bề ngoài thôi. Như vậy là kết quả tốt đẹp rồi, đừng cải cách hoài nữa mà sinh hậu hoạn, nên giữ chính đạo.

Phan Bội Châu chê Nã phá Luân khi lật nền quân chủ của Pháp, khai quốc hội, lập hiến pháp rồi, không chịu ngừng lại, còn xưng đế, rồi muốn chinh phục Châu Âu nữa, kết quả thân bị đày, danh bị hủy.

*

Sáu hào quẻ này diễn đúng những giai đoạn từ bước đầu khó khăn đến lúc cải cách thành công.

Phải có đủ những điều kiện: hợp thời, hợp đạo, có địa vị, có tài đức, sáng suốt rất thận trọng (tính toán, sắp đặt kế hoạch kỹ lưỡng ba lần), có lòng chí thành, tính hoà duyệt, được nhiều người tin thì làm công việc cải cách lớn mới được. Cần nhất là được lòng tin, chí công vô tư. 

50. QUẺ HỎA PHONG ĐỈNH

Trên là Ly (lửa), dưới là Tốn (gió)

Cách là biến đổi, có công dụng “cách vật” (biến đổi các vật ) dễ thấy nhất là cái đỉnh (vạc) vì nó dùng để nấu ăn, biến đồ sống thành đồ chín; cho nên sau quẻ Cách tới quẻ Ðỉnh.

Thoán từ:

鼎: 元吉, 亨.

Ðỉnh: Nguyên cát, hanh.

Dịch: Vạc (nấu ăn): rất tốt, hanh thông.

Giảng: Nhìn hình của quẻ , ta thấy vạch đứt ở dưới cùng như cái chân vạc, ba vạch liền ở trên như cái thân vạc trong chứa thức ăn, vạch đứt ở trên nữa như hai tai vạc vạch liền ở trên cùng là cái đòn để khiêng vạc, vì vậy gọi là quẻ đỉnh.

Theo nghĩa thì nội quái Tốn là cây, gỗ (ở đây không nên hiểu tốn là gió), ngoại quái Ly là lửa; đút cây vào lửa để đốt mà nấu thức ăn.

Ở trên đã xét quẻ Tỉnh, về việc uống; ở đây là quẻ Đỉnh, về việc ăn. Cổ nhân trong việc nấu nướng, trước hết để tế Thượng đế, rồi để nuôi bậc thánh hiền. Tế Thượng đế thì cốt thành tâm, nuôi thánh hiền thì cốt trọng hậu. Đó là ý nghĩa câu trong Thoán truyện.

“thánh nhân phanh (chữ ở đây đọc là phanh như chữ dĩ hưởng Thượng đế, nhi đại phanh (đại ở đây là trọng hậu dưỡng thánh hiền”. Vì vậy quẻ Ðỉnh có cái nghĩa rất tốt.

Quẻ Ly có đức thông minh, sáng suốt; quẻ Tốn có đức vui thuận; hào 5, âm nhu mà được ngôi chí tôn, đắc trung, ứng với hào 2 dương cương ở dưới ; vậy quẻ Đỉnh có đủ những đức sáng suốt, vui thuận, đắc trung, cương (hào 2) nhu (hào 5) ứng viện nhau để làm việc đời, thì có việc gì mà không hanh thông?

Hào từ:

1.

初六: 鼎顛趾, 利出否, 得妾, 以其子, 无咎.

Sơ lục: Đỉnh điên chỉ, lợi xuất bĩ, đắc thiếp, dĩ kì tử, vô cữu

Dịch: Hào 1, âm :Vạc chống chân lên, trút những đồ dơ bụi bặm (bĩ) ra thì lợi; (ngẫu nhiên gặp may) như gặp được người thiếp để sinh con cho mình, không lỗi.

Giảng: Hào này là cái chân vạc, âm nhu mà ứng với hào 4 dương cương ở trên có cái tượng chống chân lên trên, tuy xấu, nhưng vì vạc chưa đựng thức ăn, chưa đặt lên bếp thì nhân nó chống chân lên mà trút hết các dơ bẩn ra, rốt cuộc hoá tốt; ngẫu nhiên gặp may như người đàn ông có vợ rồi, gặp một người thiếp thấp hèn nhưng sinh con cho mình, không có lỗi.

2.

九二: 鼎有實, 我仇有疾, 不我能即, 吉.

Cửu nhị: Đỉnh hữu thực, ngã cửu hữu tật, bất ngã năng tức, cát.

Dịch: Hào 2, dương: Vạc chứa thức ăn rồi; kẻ thù oán ta vì ghen tuông, nhưng không tới gần ta được. tốt.

Giảng: Hào này dương cương ở vị trung, hữu dụng rồi như cái vạc đã chứa thức ăn. Vì nó thân với hào 5 ở trên, mà không để ý đến hào 1 âm ở sát nó, nên nó bị 1 ghen tương mà oán nó. Nhưng nó quân tử, ứng với hào 5, nên 1 không tới gần mà hãm hại được nó. Nên cẩn thận thôi, vẫn là tốt.

3.

九三: 鼎耳革, 其行塞, 雉膏不食.方雨, 虧悔, 終吉.

Cửu tam: Đỉnh nhĩ cách, kì hành tắc, trĩ cao bất thực; phương vũ, khuy hối, chung cát.

Dịch: Hào 3, dương: như cái tai vạc dương thay đổi, chưa cất vạc lên được, thành thử mỡ chim trĩ (mỡ ngon) chưa đem ra cho người ta ăn; nhưng sắp mưa rồi, không còn ăn năn nữa, kết quả sẽ tốt.

Giảng: Hào này ở giữa lòng vạc, dương cương, là hạng người tốt, có hào trên cùng ứng với nó, nhưng bị hào 5 ngăn cách (cũng như cái tai vạc hào 5 còn dương sửa, chưa cất vạc lên được) thành thử chưa đắc dụng, cũng như món ăn (hào 3) chưa đem ra cho người ta ăn được. Nhưng 3 có tài, lại chính đáng (dương ở vị dương) thì chẳng bao lâu 5 vả sẽ hợp nhau, âm(5) dương (3) giao hào, tượng như trời sắp mưa, không còn gì ân hận nữa; lúc đó 3 sẽ đắc dụng, kết quả sẽ tốt.

4.

九四: 鼎折足, 覆公餗其形渥, 凶.

Cửu tứ: Đỉnh chiết túc, phúc công tốc (túc) kì hình ốc, hung.

Dịch: Hào 4, dương: Chân vạc gẫy, đánh đổ thức ăn của nhà công hầu, mà bị hình phạt nặng, xấu.

Giảng: Hào này ở vị cao, gần ngôi chí tôn, vậy là có trách nhiệm lớn, nhưng ứng hợp với 1, âm nhu ở dưới, nên không gánh nỗi trách nhiệm, như cái vạc gẩy chân, đánh đổ thức ăn, mà bị tội.

Theo Hệ từ hạ truyên Chương v, Khổng tử cho rằng hào này cảnh cáo những kẻ đức mỏng mà ngôi tôn, trí nhỏ mà mưu lớn, sức yếu mà gánh nặng.

5.

六五: 鼎黃耳, 金鉉, 利貞.

Lục ngũ: Đỉnh hoàng nhĩ, kim huyễn, lợi trinh.

Dịch: Hào 5, âm: Vạc có tai màu vàng, có đòn xâu bằng kim khí; giữ được đạo chính thì bền.

Giảng: Hào này là cái quai vạc, đắc trung cho nên tượng bằng màu vàng; ở trên nó là hào dương cương, tượng bằng cái đòn xâu bằng kim khí (chất cứng), vậy là người có tài, đức, chỉ cần giữ được đạo chính thôi.

6.

上九: 鼎玉鉉, 大吉, 无不利.

Thượng cửu: Đỉnh ngọc huyễn, đại cát, vô bất lợi.

Dịch: Hào trên cùng dương: vạc có cái đòn xâu bằng ngọc rất tốt, không gì là không lợi.

Giảng: Hào trên cùng này là cái đòn để xâu vào tai vạc mà khiêng; nó dương cương mà ở vị âm (chẳn), vừa cương vừa nhu, nên ví nó với chất ngọc vừa cứng vừa ôn nhuận. Ở cuối thời Đỉnh, như vậy là rất tốt.

*

Quẻ này cũng như quẻ Tỉnh, hào trên cùng tốt nhất vì tới lúc thành công. 

51. QUẺ THUẦN CHẤN

Trên dưới đều là Chấn (sấm, động).

Vạc là một đồ dùng quan trọng trong nhà, làm chủ giữ nó, không ai bằng con trai trưởng, cho nên sau quẻ Ðỉnh tới quẻ Chấn. Chấn là sấm mà cũng là trưởng nam.

Thoán từ:

震, 亨.震來虩虩, 笑言啞啞.震驚百里, 不喪匕鬯.

Chấn hanh. Chấn lai hích hích, tiểu ngôn ách ách.

Chấn kính bách lý, bất táng chuỷ xướng.

Dịch: Sấm động thì hanh thông. Lúc sấm nổ ầm ầm mà nớp nớp lo sợ thì sau sẽ cười nói ha ha. Sấm động trăm dặm mà không mất muỗng và rượu nghệ (đồ tế thần)

Giảng: Sấm phát động thì vạn vật mới nảy nở, cho nên bảo là hanh thông.

Khi có điều gì kinh động mà nớp nớp lo sợ, giữ gìn sửa mình thì không bị tai hoạ mà sau sẽ được vui vẻ. Sấm vang động xa đến trăm dặm, mà tinh thần vẫn vững, không đến nỗi đánh mất đồ tế thần (cái muỗng và rượu làm bằng lúa mạch hoà với nghệ) thế là tốt, hanh thông. Nói đến việc tế thần là để diễn cái ý: giữ được tôn miếu, xã tắc.

Hào từ:

1.

初九: 震來虩虩, 後笑言啞啞, 吉.

Sơ cửu: chấn lai hích hích, hậu tiếu ngôn ách ách, cát.

Dịch: Hào này ở đầu thời sấm động. Hào từ y hệt Thoán từ, chỉ thêm hai chữ “hậu” (sau) và “cát” tốt.

2.

六二: 震來, 厲.億喪貝, 躋于九陵, 勿逐七日得.

Lục nhị: Chấn lai, lệ; ức táng bối, tê vu cửu lăng, vật trục, thất nhật đắc.

Dịch: Hào 2, âm: Sấm nổ, có cơ nguy, e mất của chẳng (sợ hãi) chạy lên chín từng gò để tránh; dù mất của những đừng đuổi theo, bảy ngày sẽ được.

Giảng: Hào này âm nhu lại cưỡi lên hào 1 dương cương, nhút nhát, sợ 1 áp bức, e có cơ nguy, lại ngại mất của, nên phải tránh xa (lên chín tầng gò); nhưng nó vốn trung, chính, khéo xử nên đừng quá lo mà khiếp sợ, cứ bình tĩnh, dù có mất tiền, sau cũng lấy lại được.

3.

六三: 震蘇蘇, 震行无眚.

Lục tam: Chấn tô tô, chấn hành vô sảnh.

Dịch: Sấm động mà sinh thác loạn; cứ tránh đi, bỏ điều bất chính thì không bị hoạ.

Giảng: Hào âm, ở vị dương, là hạng người bất chính, nên lo sợ tới thác loạn; nếu trở về đường chính thì không bị tai hoạ.

4.

九四: 震, 遂泥.

Cửu tứ: chấn, toại nê.

Dịch: Hào 4, dương: sấm động, bi say mê chìm đắm.

Giảng: Hào dương này, bất trung, bất chính, mà lại bị hãm vào giữa bốn hào âm, hai ở trên, hai ở dưới, nên gặp việc chấn động, lo sợ, không tự thoát được, chỉ chìm đắm thôi.

5.

六五: 震往來, 厲.意无喪, 有事.

Lục ngũ: Chấn vãng lai, lệ; ức vô táng, hữu sự.

Dịch: Hào 5, âm: Sấm tới hay lui cũng đều thấy nguy; cứ lo (ức) sao cho khỏi mất đức trung (vô táng), thì làm được công việc.

Giảng: Hào âm, hay lo sợ, chỉ thấy toàn là nguy, nhưng ở vị 5, có đức trung; cứ giữ đức đó thì sấm tới hay lui (vãng lai cũng có thể hiểu là hào 5 này tới hay lui) cũng không sao mà còn làm được công việc nữa.

6.

上六: 震索索, 視矍矍, 征凶.震不于其躬, 于其鄰, 无咎, 婚媾有言.

Thượng lục: Chấn tác tác, thị quắc quắc, chinh hung.

Chấn bất vu kì cung, vu kì lân, vô cữu, hôn cấu hữu ngôn.

Dịch: Hào trên cùng: Sấm động mà kinh hoảng, mắt nhớn nhác, nếu đi tới (hành động) thì xấu. Nếu đề phòng trước từ khi sự chấn động chưa tới bản thân mình, mới tới hàng xóm, thì không lầm lỗi, mặc dầu bà con có kẻ chê cười mình.

Giảng: Hào này âm nhu, gặp hoàn cảnh cực kỳ chấn động (vì ở trên cùng quẻ Chấn) cho nên có vẻ quá sợ sệt, mà không có tài nên không nên hành động gì cả, chỉ nên đề phòng trước thôi. Bốn chữ: “hôn cấu hữu ngôn” Chu Hi hiểu là nói về việc gả cưới, không khỏi có lời ngờ vực; các sách khác đều hiểu là bị bà con (hôn cấu) chê cười. Tại sao lại chê cười? Tại hào này nhút nhát: Tại không dám hành động chăng? 

52. QUẺ THUẦN CẤN

Trên dưới đều là Cấn (núi)

Không thể động hoài được, sẽ tới lúc phải ngưng, cho nên sau quẻ Chấn tới quẻ Cấn. Cấn có nghĩa là núi, núi đứng yên một chỗ, cho nên cũng có nghĩa là ngừng lại.

Thoán từ.

艮其背, 不獲其身, 行其庭, 不見其人, 无咎.

Cấn kì bối, bất hoạch kì thân, hành kì đình, bất kiến kì nhân, vô cữu.

Dịch: Ngừng ở cái lưng (tĩnh như cái lưng) không thấy được thân mình, đi ở trước sân, không thấy có người, không có lỗi.

Giảng: Quẻ này vốn là quẻ Khôn, lấy nét thứ ba, dương của quẻ Càn thay vào nét thứ ba, âm của Khôn mà thành một nét dương ở trên, hai nét âm ở dưới; nét dương ngưng lại ở trên, hai nét âm cũng bị chặn ở dưới, cho nên đặt tên là quẻ Cấn (ngừng)

Trong thân thể người ta, đầu, cổ tay chân thường động đậy, chỉ có lưng là thường tĩnh; đó là nghĩa ba chữ: “Cấn kỳ bối”

Hễ tĩnh thì không bị tình dục chi phối, không làm điều ác; tĩnh thì không nghĩ tới mình (bất hoạch kỳ thân), mà cũng quên cả người khác (như đi ở trước sân mà không thấy có người), tức là không phân biệt mình với người, như vậy thì không có lỗi.

Thoán truyện giảng thêm: Lúc đáng ngừng thì ngừng, đáng đi thì đi (đi tức là biết tiến tới chỗ phải ngừng lại), động tĩnh đều hợp thời. Lại phải biết ngừng ở chỗ đáng ngừng, ví dụ cư xử với người cố đạt cho được đức nhân, đức tín, như vậy là biết ngừng ở chỗ đáng ngừng. Không phân biệt mình với người, coi nhân ngã chỉ là nhất thể (cũng như nội quái là Cấn, ngoại quái cũng là Cấn, cùng một thể với nhau, theo cách giải của Thoán truyện), đó là nghĩa sâu sắc của quẻ Cấn.

Đại Tượng truyện khuyên người quân tử chỉ nên ngừng ở chỗ làm trọn bổn phận của mình và đừng trật ra ngoài bổn phận của mình (bất xuất kỳ vị)

Hào từ.

1.

初六: 艮其趾, 无咎, 利永貞.

sơ lục: Cấn kỳ chỉ, vô cữu, lợi vĩnh trinh.

Dịch: Hào 1, âm: Biết ngừng ở ngón chân thì không có lỗi, giữ bền được chính đạo thì có lợi.

Giảng: hào âm này ở dưới cùng quẻ Cấn ví như ngón chân; lúc mới bắt đầu động mà biết cẩn thận, ngưng lại thì không có lỗi. Sở dĩ khuyên như vậy vì hào 1 bất chính (âm ở vị dương. Mà phải kiên nhẫn giữ chính đạo thì mới có lợi.

2.

六二: 艮其腓, 不拯其隨, 其心不快.

Lục nhị: Cấn kỳ phì, bất chứng kỳ tùy, kỳ tâm bất khoái.

Dịch: Hào 2, âm: Ngăn ở bắp chân, không cứu được bắp vế mà mình phải theo nó, lòng không vui.

Giảng: hào này ở trên hào 1, như bắp chân; nó đắc trung đắc chính, biết lúc nào nên ngưng, nhưng nó tùy thuộc hào 3 ở trên nó, như bắp vế ở trên bắp chân (vế cử động thì bắp chân cử động theo), mà 3 thì lầm lỗi không sửa được, phải theo một kẻ lầm lỗi thì lòng không vui.

3.

九三: 艮其限, 列其夤, 厲薰心.

Cửu tam: Cấn kỳ hạn, liệt kỳ di (cũng đọc là dần), lệ huân tâm.

Dịch: Hào 3, dương: Ngăn ở lưng quần (ngang thận), như bị đứt ở giữa xương sống, nguy khốn, lo như cháy cả ruột.

Giảng: Hào này ở trên cùng nội quái, như ở chỗ lưng quần, nơi phân cách trên và dưới. Nó là dương cương, bất trung, tiến lên thì người trên không nghe, lui xuống cũng không được, như bị đứt ở giữa xương sống, rất nguy khốn.

4.

六四: 艮其身, 无咎.

Lục tứ: Cấn kỳ thân, vô cữu.

Dịch: Hào 3, âm: Ngăn phần thân mình, không có lỗi.

Giảng: Hào này lên đến giữa thân mình, nó đắc chính (âm ở vị âm) biết lúc nên ngừng thì ngừng, tuy không làm được việc gì, nhưng không có lỗi.

5.

六五: 艮其輔, 言有序, 悔亡.

Lục ngũ: Cấn kỳ phụ, ngôn hữu tự, hối vong.

Dịch: Hào 5, âm: Ngăn cái mép lại (có sách dịch là xương hàm), ăn nói có thứ tự, hối hận mất đi.

Giảng: Hào này lên tới mép, đắc trung, biết thận trọng lời nói, lúc nào không đáng nói thì không nói, nên không có gì hối hận.

6.

上九: 敦艮, 吉.

Thượng cửu: Đôn cấn, cát.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Đôn hậu về đạo biết ngưng phải lúc, tốt.

Giảng: Hào này ở trên cùng, làm chủ quẻ dương cương, có tính đôn hậu, biết lúc nào nên ngừng thì ngừng tốt.

*

Phan Bội Châu nhận rằng trong Kinh Dịch có tám quẻ mà ngoại quái là Cấn, tức các quẻ : Bĩ, Bác, Ðại Súc, Cổ, Di, Tổn, Mông và quẻ Thuần Cấn này. Mà hào trên cùng của tám quẻ đó đều tốt.

Như vậy Kinh Dịch rất trọng núi, vì núi có đức “trọng hậu”.

Chúng tôi nghĩ có thể cũng vì lẽ núi có đức “tĩnh” nữa. Dịch học phái như Khổng giáo chủ trương hữu vi (hành động để giúp đời), nhưng cũng trọng đức tĩnh, tĩnh như núi. Tĩnh là không bị thị dục dao động mà ít lỗi, tĩnh thì mới sáng suốt. Đạo Lão rất trong đức tĩnh. Dịch học phái trọng động mà cũng trọng tĩnh, là dung hoà được hai triết lý lớn nhất của Trung Hoa.

Chúng tôi lại nhớ tới câu: “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn” trong Luận ngữ (VI 20) Khổng và Lão dễ dung hoà với nhau là phải. 

53. QUẺ PHONG SƠN TIỆM

Trên là Tốn (gió), dưới là Cấn (núi).

Ngừng rồi thì có lúc phải tiến lần lần, cho nên sau quẻ Cấn tới quẻ Tiệm. Tiệm là tiến lần lần.

Thoán từ:

漸: 女歸, 吉, 利貞.

Tiệm: Nữ qui, cát, lợi trinh.

Dịch: tiến lần lần; Như con gái về nhà chồng, tốt; giữ vững đạo chính thì lợi.

Giảng: Quẻ này trên là Tốn (ở đây có nghĩa là cây), dưới là Cấn (núi). Trên núi có cây, có cái tượng dưới thấp lần lần lên cao, nên đặt tên là Tiệm.

Cấn còn có nghĩa là ngăn, Tốn còn có nghĩa là thuận, ngăn ở dưới mà thuận ở trên, để cho tiến, nhưng không cho tiến vội, mà tiến lần lần thôi. Như trường hợp con gái về nhà chồng, việc gả con, phải thận trong, thung dung, không nên hấp tấp, có vậy mới tốt.

Xét bốn hào ở giữa quẻ, từ 2 tới 5, từ dưới tiến lên, hào nào cũng đắc chính ( hào âm ở vị âm, hào dương ở vị dương), nhất là cũng đắc chính, đắc trung ; cho nên Thoán từ khuyên giữ vững đạo chính như những hào đó thì tốt.

Tiến mà lần lần, không nóng nảy, vẫn tĩnh như nội quái Cấn, vẫn hoà thuận như ngoại quái Tốn thì không vấp váp, không bị khốn cùng.

Đại Tượng truyện Khuyên người quân tử nên theo tượng quẻ này mà tu thân, tiến lần lần cho được thành người hiền, rồi thành bậc thánh, để cải thiện phong tục cho dân (Quân tử dĩ cư hiền đức, thiện tục).

Hào từ:

1.

初六: 鴻漸于干, 小子厲, 有言, 无咎.

Sơ lục: Hồng tiệm vu can, tiểu nhân lệ, hữu ngôn, vô cữu.

Dịch: Hào 1, âm: Con chim hồng tiến đến bờ nước, nhỏ dại (hoặc tiểu nhân) cho là nguy, than thở, nhưng không có lỗi.

Giảng: Hồng là loài chim sống ở mặt nước, di thê, mùa lạnh thì bay xuống phương Nam, mùa nóng trở về phương Bắc, bay từng đàn, có thứ tự; sáu hào quẻ Tiệm đều tượng trưng bằng chim hồng.

Hào 1 âm nhu, ở dưới cùng, như chim hồng mới tiến được tới bờ nước, than thở không tiến được mau, cho là nguy, vì còn nhỏ, chưa hiểu biết (tiểu tử), sự thực thì tuy chưa tiến được mấy, nhưng vẫn không tội lỗi gì.

2.

六二: 鴻漸于磐, 飲食衎衎, 吉.

Lục nhị: Hồng tiệm vu bàn, ẩm thực khản khản, cát.

Dịch: Hào 2 âm: Chim hồng tiến đến phiến đá lớn, ăn uống thảnh thơi, tốt.

Giảng: Hào này đắc trung, đắc chính, âm nhu mà ứng với hào 5 dương cương ở trên, nên tiến được một cách dễ dàng, tới đậu ở phiến đá lớn, vui vẻ, ung dung.

Tiểu tượng truyện khuyên hào này được hào 5 giúp đỡ thì phải làm gì đáp lại, chứ đừng ăn không.

3.

九三: 鴻漸于陸, 夫征不復, 婦孕不育, 凶. 利禦寇.

Cửu tam: Hồng tiệm vu lục, phu chinh bất phục, phụ dựng bất dục, hung, lợi ngự khấu.

Dịch: Hào 3, dương: Chim hồng tiến tới đất bằng, chồng đi xa không về, vợ có mang (đẻ con mà) không nuôi, xấu; đuổi cướp thì có lợi.

Giảng:Hào này đã tiến lên đất bằng, nó dương cương còn muốn tiến nữa, mà không muốn ngó lại; nó ở sát hào 4 âm nhu, thân với 4 nhưng không chính ứng với nhau, mà cả hai đều bất trung, ví như cặp vợ chồng không chính đáng; chồng (hào 3) bỏ vợ mà đi không ngó lại, vợ (hào 4), có mang đẻ con mà không nuôi, xấu. Nếu hoà thuận với nhau mà giữ đạo chính (trừ cái bất chính đi như trừ cướp) thì có lợi.

4.

六四: 鴻漸于木, 或得其桷, 无咎.

Lục tứ: Hồng tiệm vu mộc, hoặc đắc kỳ giốc, vô cữu.

Dịch: Hào 4 âm: Chim hồng nhảy lên cây, may tìm được cành thẳng mà đậu, không có lỗi.

Giảng: Hào 4 âm nhu mà ở trên hào 3 dương cương, như chim hồng bay lên cây cao, không phải chỗ đậu của nó (vì nó vốn ở trên nước), nhưng may được cành thẳng, thì cũng yên ổn. Hào này bản chất âm, nhu thuận mà lại ngoại quái Tốn cũng có nghĩa thuận, nên được yên ổn.

5.

九五: 鴻漸于陵, 婦三歲不孕.終莫之勝, 吉.

Cửu ngũ: Hồng tiệm vu lăng, phụ tam tuế bất dựng. Chung mạc chi thắng, cát.

Dịch: Hào 5, dương: chim hồng lên gò cao; vợ ba năm không sinh đẻ, nhưng cuối cùng không gì thắng nổi điều chính, tốt.

Giảng: Hào dương này ở ngôi cao, chính ứng với hào 2, âm ở dưới, như vợ chồng muốn ăn nằm với nhau, nhưng hào 5 bị hào 4 ngăn cản (ghen với 2); hào 2 lại bị hào 3 ngăn cản (ghen với 5) thành thử ba năm vợ chồng bị cách trở, mà vợ không có mang được. Nhưng 3 và 4 không thắng được 2 và 5 vì 2 và 5 đều đắc trung, mà việc 5 với 2 kết hợp với nhau là chính đáng, nên rốt cuộc chúng phải chịu thua.

6.

上九: 鴻漸于陸 , 其羽可用為儀, 吉.

Thượng cửu: Hồng tiệm vu quì (chữ 陸 dùng như chữ 逵 quì là đường mây), kì vũ khả dụng vi nghi, cát.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Chim hồng bay bổng ở đường mây, lông nó (rớt xuống) có thể dùng làm đồ trang điểm, tốt.

Giảng: Theo thường lệ, hào trên cùng, ở trên hào 5 chí tôn, không có “vị” gì cả, vô dụng. Trong quẻ này, nó ở cao hơn cái gò cao, tức ở trên không trung, trên đường mây (vân lộ). Nó là hạng xuất thế, khí tiết thanh cao, khác phàm; tùy không trực tiếp giúp đời, nhưng tư cách làm gương cho đời, xã hội có họ thì mới văn minh, cũng như lông con hồng không dùng vào việc ăn uống cất nhà, cày ruộng, chở đồ . . được, nhưng làm đồ trang điểm như cờ, quạt, mũ, thì lại quí. 

54. QUẺ LÔI TRẠCH QUI MUỘI

Trên là Chấn (sấm), dưới là Đoài (chằm)

Đã tiến lên thì phải tới, về một nơi nào đó (nơi đó là mục đích); cho nên sau quẻ Tiệm tới quẻ Qui muội. Qui là về, muội là em gái; qui muội là em gái về nhà chồng.

Thoán từ:

歸妹: 征凶, 无 攸利.

Qui muội: chinh hung, vô du lợi.

Dịch: Con gái nhỏ về nhà chồng, tiến lên thì xấu, không có gì lợi cả.

Giảng: Nội quái là Đoài (con gái nhỏ), ngoại quái là Chấn (con trai lớn); chấn lại có nghĩa là động, Đoài có nghĩa là vui vẻ, thuận theo; con gái nhỏ về với trưởng nam, cho nên gọi là qui muội.

Trai gái phối hợp nhau vốn là “cái nghĩa lớn của trời đất” vì có vợ chồng rồi mới có gia đình, xã hội. Vậy mà Thoán từ bảo là xấu, vì lẽ:

– Cặp trai gái này không xứng nhau: trai lớn quá (trưởng nam) gái nhỏ quá (muội).

– Tình của họ không chính đáng: gái chỉ vì vui (hoà duyệt, đức của nội quái Ðoài) mà tự động (Chấn) theo trai; cũng có thể giảng là vì gái cầu trai mà trai đã bị động theo gái; như vậy là bất chính. Sự bất chính đó còn thấy trên bốn hào ở giữa nữa; không một hào nào ở vị chính đáng.

– Lại thêm hào 3 và 5 đều là âm mà cưỡi lên dương: 4 và 2 có cái tượng vợ ăn hiếp chồng.

Ngay từ buổi đầu, sự phối hợp đó không được chính đáng thì biết trước được về sau không có gì lợi, chỉ tệ hại thôi (Lời Đại Tượng truyện).

Hào từ:

1 .

初九: 歸妹以娣, 跛能履, 征吉.

Sơ cửu: Qui muội dĩ qui đệ, bả năng lý, chinh cát.

Dịch: Hào 1, dương: Em gái về nhà chồng làm vợ bé, chân thọt mà đi được, tiến đi thì tốt.

Giảng: Ý nghĩa chung của quẻ là xấu, nhưng mỗi hào xấu hay tốt tùy hoàn cảnh. Như hào này dương cương ở vị thấp nhất, không có chính ứng ở trên, nên ví với người con gái nhỏ có đức, nhưng không được làm vợ cả (không có chính ứng; hào 4 cũng là dương), chỉ làm vợ bé thôi, giúp đỡ vợ cả. Vì làm vợ bé, nên bảo là chân thọt, vì giỏi giúp việc nên bảo là đi được. Cứ tiến đi siêng năng giúp việc thì tốt.

Thời xưa các vua chúa cưới một người vợ chính thì có năm ba em gái hay cháu gái cô dâu đi phù dâu rồi ở luôn bên nhà trai, gọi là “đệ” như vợ bé.

2.

九二: 眇能視, 利幽人之貞.

Cửu nhị: Diểu (miểu) năng thị, lợi u nhân chi trinh.

Dịch : Hào 2, dương: chột mà thấy được âm thầm giữ đức trinh chính thì tốt.

Giảng: Hào này dương cương đắc trung, là người con gái hiền, trinh; nhưng chính ứng với hào 5 âm nhu, bất chính, tức như gặp người chồng dở, không dựng nổi cơ đồ, nên ví với người chột mắt. Cứ âm thầm giữ đức trung của mình thì tốt. Đây là hoàn cảnh một người không gặp thời.

3.

六三: 歸妹以須, 反歸以娣.

Lục tam: qui muội dĩ tu, phản qui dĩ đệ.

Dịch: Hào 3, âm: Em gái về nhà chồng, chờ đợi mãi, nóng lòng trở về làm vợ bé.

Giảng: Hào này ở trên cùng nội quái, có địa vị, đáng lẽ không phải làm vợ bé. Nhưng vì là âm nhu, bất trung bất chính, mà lại đa tình (ham vui là tính cách của nội quái đoài) tính nết như thế nên ế chồng, chờ đợi mãi không ai chịu lấy, đành phải trở về làm vợ bé vậy. Kẻ ham công danh, phú quí, cầu cạnh người, kết quả bị người khinh, coi như tôi tới, cũng giống cô gái trong hào này.

4.

九四: 歸妹, 愆期, 遲歸, 有時.

Cửu tứ: Qui muội, khiên kì, trì qui, hữu thời.

Dịch: Hào 4, dương: em gái về nhà chồng, lỡ thời; nhưng dù chậm gả ít lâu, rồi cũng sẽ có lúc gặp đựơc chồng tốt..

Giảng: Hào này dương cương, ở ngoại quái là người con gái đã hiền lại sang, nhưng không có hào chính ứng với nó (vì 1 cũng là dương), nên lỡ thời, không sao, cứ đợi giá cao, chậm trễ ít lâu rồi sẽ gặp duyên lành.

5.

六五: 帝乙歸妹, 其君之袂, 不如其娣之袂良, 月幾望, 吉.

Lục ngũ: Đế Ất qui muội, kì quân chi duệ, bất như kì đệ chi duệ lương, nguyệt cơ vọng, cát.

Dịch: Hào 5, âm: Vua Đế Ất (nhà Thương) cho em gái về nhà chồng, tay áo của công chúa (cô dâu) không đẹp bằng tay áo của cô phù dâu (vợ bé); như trăng đêm muời bốn (sắp đến rằm) tốt.

Giảng: Hào này âm nhu đắc trung, ở địa vị cao quí mà lại chính ứng với hào 2 dương, địa vị thấp, như nàng công chúa em vua Ðế Ất mà hạ giá với bình dân. Đã vậy mà khi rước dâu, y phục của nàng lại không đẹp bằng y phục mấy cô phù dâu (vợ bé). Như vậy là đức hạnh rất cao, không hợm mình địa vị cao quí, lại coi thường phục sức. Đức như vậy thật đẹp, như trăng mười bốn (trăng mười bốn tròn, đẹp mà chưa đầy hẳn; chưa đầy hẳn có nghĩa là Khiêm hư).

6.

上六: 女承筐, 无實.士刲羊, 无血, 无攸利.

Thượng lục: Nữ thừa khuông ,vô thực.

Sĩ khuê dương, vô huyết, vô du lợi.

Dịch: Hào trên cùng, âm: (Để cúng tổ tiên) người con gái (vợ) xách giỏ mà giỏ không có đồ cúng, người con trai (chồng) cắt cổ con cừu để lấy huyết mà (cắt giả vờ) không có huyết, không có gì lợi cả.

Giảng: Năm hào trên, các cô em gái đều về nhà chồng cả rồi, hào này là hào trên cùng, muộn nhất, mà lại không có chính ứng ( hào 3 ứng với nó cũng là âm), không thành vợ chồng chính thức được, chỉ sống bậy bạ với nhau, không có gì lợi cả.

Hồi xưa, khi cúng tổ tiên, bổn phận của vợ là dâng đồ cúng, của chồng là dâng huyết cừu; người con gái trong hào này xách giỏ dâng đồ cúng mà giỏ lại trống không, còn người con trai cắt cổ cừu để lấy huyết thì lại cắt giả vờ, không có huyết; như vậy thì tổ tiên nào chứng giám, trai gái không thành vợ chồng chính thức được. Vì hữu danh mà vô thực.

*

Hào đẹp nhất trong quẻ là hào 5. Việc kén dâu, kén vợ, trọng người có đức, không hợm mình cao sang, giàu có, coi thường phục sức, mà khiêm tốn. 

55. QUẺ LÔI HỎA PHONG.

Trên là Chấn (sấm), dưới là Ly (lửa)

Qui là về, là tới nơi, tới mục đích, đạt kết quả (qui kết), mà đạt được kết quả thì thịnh lớn, cho nên sau quẻ Qui (muội) tới quẻ Phong (thịnh lớn).

Thoán từ.

豐: 亨. 王假之, 勿憂, 宜日中.

Phong : hanh. Vương cách chi, vật ưu, nghi nhật trung.

Dịch: thịnh lớn thì hanh thông. Bậc vương giả tới được đừng lo, nên giữ đạo trung như mặt trời đứng giữa trời.

Giảng: Dưới là Ly (sáng suốt), trên là Chấn (động) sáng suốt mà hành động thì làm nên được sự nghiệp thịnh lớn. Chỉ bậc vương giả có quyền có vị mới làm tới nơi được. Khi đã thịnh lớn thì người sáng suốt biết rằng sẽ phải suy nên thường lo; nhưng đừng nên lo suông, cứ giữ được đạo trung như mặt trời (nội quái Ly có nghĩa là mặt trời) đứng ở giữa trời thì sẽ tốt.

Đại Tượng truyện áp dụng vào việc hình ngục, khuyên người trị dân nên sáng suốt mà soi xét tình dân mạnh mẽ xử đoán thì mau xong việc.

Hào từ.

1.

初九: 遇其配主, 雖旬, 无咎, 往有尚.

Sơ cửu: Ngộ kì phối chủ, tuy tuần, vô cữu, vãng hữu thượng.

Dịch: Hào 1, dương: Gặp được người chủ hợp với mình, tuy ngang nhau nhưng không có lỗi tiến đi thì có công nghiệp đáng khen.

Giảng: Hào này ở nội quái Ly, có đức sáng suốt, có tài (vì là dương), ở trên ứng với hào 4, thuộc ngoại quái Chấn, có đức hoạt động, mà cũng có tài (dương cương ) Bình thường thì ứng với nhau, phải một âm một dương mới tốt, ở hào này thì khác, cùng là dương cả mà cũng tốt, vì 1 sáng suốt, 4 hoạt động, hai hào dương thành, chứ không tương phản, giúp nhau làm nên sự nghiệp lớn được. Hai hào ngang nhau, biết châm chước ý kiến nhau là điều tốt cho sự hợp tác; nếu một bên cầu thắng, một bên chỉ nhường, thì không còn là hợp tác nữa, khó mà thành công lớn được.

2.

六二: 豐其蔀, 日中見斗.往, 得疑疾, 有孚發若, 吉.

Lục nhị: phong kì bộ, nhật trung kiến đẩu;

Vãng, đắc nghi tật, hữu phu phát nhược, cát.

Dịch: Hào 2, âm: Bị màn che lớn, dày quá, như ban ngày (mặt trờ bị che lấp) mà thấy sao Bắc đẩu; tiến đi thì bị ngờ và ghét, cứ lấy lòng chí thành mà cảm hoá được người trên thì tốt.

Giảng: Hào âm này ở giữa quẻ Ly, đắc trung đắc chính; nhưng kẻ ứng với nó là hào âm, âm nhu bất chính, không giúp được nó, không tin nó; nó như một hiền thần gặp một ám chúa, nên ví với mặt trời (quẻ Ly) bị mây mù che dày. Có muốn theo 5 thì bị 5 nghi kỵ và ghét; chỉ có cách giữ vững đức trung trinh, lấy lòng chí thành mà đối xử với 5, rồi sau 5 sẽ tỉnh ngộ. Chữ 若 nhược ở đây trỏ hào 5.

3.

九三: 豐其沛, 日中見沬.折其右肱, 无咎.

Cửu tam: Phong kỳ bái, nhật trung kiến muội.

Chiết kì hữu quăng, vô cữu.

Dịch: Hào 3 dương: bị màn che kín mít, ban ngày mà thấy sao nhỏ (muội) gẩy cánh tay phải, không có lỗi.

Giảng: Hào này dương cương, ở trên cùng quẻ Ly là người sáng usốt, có tài; nhưng hào trên cùng ứng với nó lại bất tài (âm nhu), không giúp gì được nó; đã vậy nó còn bị hào 4 che ám, hoàn cảnh còn tệ hơn hào 2 nữa, cho nên bảo là bị tấm màn che kín mít, ban ngày mà tối như đêm, thấy được cả những vì sao nhỏ. Như vậy hào 3 như người bị gẩy cánh tay phải (trỏ hào 5 không giúp gì được nó), nó không có lỗi vì hoàn cảnh khiến vậy.

4.

九四: 豐其蔀, 日中見斗, 遇其夷主, 吉.

Cửu tứ: Phong ki bộ, nhật trung kiến đẩu, ngộ kì di chủ, cát.

Dịch: Hào 4, dương: Bị màn che lớn dày quá, như ban ngày mà thấy sao Bắc Ðẩu gặp được bạn bằng vai vế, tốt.

Giảng: Hào này dương cương, ở địa vị cao, có thể lập được sự nghiệp, nhưng bất trung, bất chính lại bị hào 5 âm nhu, hôn ám che lấp hoàn cảnh cũng như hào 2, cũng ban ngày mà thấy sao Bắc đẩu, nhưng nay được hào 1 ở dưới đồng đức (cũng dương cương ) bằng vai vế ứng với nó, cũng coi là tốt được.

5.

六五: 來章, 有慶, 譽, 吉.

Lục ngũ: Lai chương, hữu khánh, dự, cát.

Dịch: Hào 5, âm: Mời những nhân tài giúp mình thì được phúc, có tiếng khen, tốt.

Giảng: Hào này ở địa vị chí tôn, âm nhu, không có tài tạo được sự nghiệp thịnh lớn, nhưng khá là có đức trung (ở giữa ngoại quái), và có hào 3, 4 dương cương , hiền tài ở dưới mình, nếu biết mời họ giúp mình thì có phúc và được tiếng khen, tốt.

6.

上六: 豐其屋, 蔀其家, 闚其戶.闃其无人,三歲不覿, 凶.

Thượng lục: Phong kì ốc, bộ kì gia, khuy kì hộ,

Huých kì vô nhân, tam tuế bất địch, hung.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Cất nóc nhà rất cao lớn mà phòng mình ở lại nhỏ hẹp, bị bưng bít (tự mình không muốn ai lui tới với mình), cho nên nhìn vào cửa, lặng tanh không thấy bóng người, ba năm không thấy ai (hoặc không giác ngộ) xấu.

Giảng: Hào này khó hiểu, mỗi sách giảng một khác, chúng tôi theo cách hiểu của Phan Bội Châu vì hợp với Tiểu Tượng truyện hơn cả.

Hào này âm nhu, như người hôn ám, mà ở trên cùng, có địa vị rất cao, y như người cất nhà, nóc rất cao (địa vị cao), mà buồng mình ở lại thấp hẹp (bản tính âm nhu), thế là tự mình che lấp mình, nên không ai lui tới với mình, do đó mà đứng ở cửa nhìn vào, không thấy bóng người, ba năm không thấy ai (hoặc ba năm vẫn không giác ngộ: địch là thấy rõ). Không gì xấu hơn.

*

Tên quẻ là thịnh lớn, rất tốt mà không có hào nào thật tốt, hào nào cũng có lời răn đe. Cổ nhân muốn cảnh cáo chúng ta ở thời thịnh lớn, có phúc thì cũng có sẵn mầm hoạ, phải cẩn thận lắm mới được.

Các quẻ khác, thường hào dương ứng với âm, âm ứng với dương mới tốt; quẻ này trái lại, dương ứng với dương (như 1 và 4) mới tốt. Đó cũng là một lời khuyên nữa: ở thời thịnh, người ta thường vì quyền lợi chia rẽ nhau mà hoá suy, phải biết đồng đức, đồng tâm với nhau, thì mới tránh được hoạ. 

56. QUẺ HỎA SƠN LỮ

Trên là Ly (lửa), dưới là Cấn (núi)

Thịnh lớn đến cùng cực thì phải suy, đến nỗi mất chỗ ở, phải đi ở đậu đất khách, cho nên sau quẻ Phong tới quẻ Lữ. Lữ là bỏ nhà mà đi tha phương.

Thoán từ:

旅: 小亨. 旅貞, 吉.

Lữ: tiểu hanh, Lữ trinh, cát.

Dịch: Ở đậu; hơi hanh thông. Đi ở đậu mà giữ đạo chính thì tốt.

Giảng: chỗ ở của lửa là mặt trời hay lò, chứ không phải ở trên núi: trên núi lâu lâu vẫn có đám lửa cháy rừng hay đốt rừng, nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi. Cho nên dùng các tượng lửa (ly) ở trên núi Cấn để chỉ cảnh bỏ nhà mà đi ở đậu quê người.

Cảnh đó là cảnh bất đắc dĩ, nhiều lắm chỉ có thể hơi hanh thông được thôi, nếu người đi ở đậu biết giữ đức trung, thuận, như hào 5, yên lặng như nội quái Cấn, sáng suốt như ngoại quái Ly. Hào 5 đắc trung mà lại là âm ở giữa hai hào dương, biết thuận theo dương. Cái đạo ở đậu là mềm mỏng, đừng làm cao để người ta khỏi ghét; nhưng mặt khác, cũng phải yên lặng sáng suốt giữ tư cách, đạo chính của mình để người ta khỏi khinh. Giữ cho đạo được nghĩa lý trong hoàn cảnh đó thật là khó (lữ chỉ thời nghĩa, đại hĩ tai: lời Thoán truyện).

Đại tượng truyện cũng lại áp dụng vào việc hình pháp, khuyên phải xử đoán sáng suốt (Ly) và thận trọng (như Cấn) đừng giam tội nhân quá lâu trong ngục (quân tử dĩ minh thận dụng hình, như bất lưu ngục)

Hào từ.

1.

初六: 旅瑣瑣, 斯其所取災.

Sơ lục: Lữ toả toả, tư kì sở thủ tai.

Dịch: Hào 1, âm: Ở đậu mà tư cách nhỏ nhen, tẳn mẳn tức là tự chuốc lấy hoạ.

Giảng: hào này âm nhu, ở vị thấp nhất, ví với người chí đã cùng, tư cách hèn hạ đối với chủ nhà mình ở đậu mà tham lam, tẳn mẳn, khiến người ta ghét, như vậy là tự rước hoạ vào mình.

2.

六二: 旅即次, 懷其資, 得童僕, 貞.

Lục nhị: Lữ tức thứ, hoài kì tư, đắc đồng bộc, trinh.

Dịch: Hào 2, âm: Ở đất khách, được chỗ trọn an lành, giữ được tiền bạc, lại có đầy tớ tín cẩn.

Giảng: Ở đất khách nên nhu thuận, mà hào này âm nhu, đắc trung, đắc chính, trên lại ứng với hào 5, cũng âm nhu, đắc trung mà lại văn minh (ở ngoại quái Ly), như gặp được chủ nhà tốt, mình có chỗ trọn an lành, lại giữ được tiền, có đầy tớ tín cẩn, mọi việc đều tốt cả.

3.

九三: 旅, 焚其次, 喪其童僕, 貞, 厲.

Cửu tam: Lữ, phần kì thứ, táng kì đồng bộc, trinh, lệ.

Dịch: Hào 3, dương: Ở đất khách, mà (tự mình) đốt chỗ trọ, mất đầy tớ, dù chính đáng cũng nguy.

Giảng: Hào này quá cương (dương ở vị dương), bất trung, ở đất khách như vậy không tốt, vị lại khá cao, có ý tự cao, bị chủ nhà trọ đuổi, như vậy không khác gì tự đốt chỗ trọ của mình, đầy tớ cũng không ưa mình, mất lòng cả người trên kẻ dưới, dù mình có chính đáng, cũng nguy.

4.

九四: 旅于處, 得其資斧, 我心不快.

Cửu tứ: Lữ vu xử, đắc kì tư phủ, ngã tâm bất khoái.

Dịch: Hào 4, dương: tới đất khách, được chỗ ở tạm, có tiền của và đồ hộ thân (tượng trưng bằng cái búa), nhưng trong lòng không vui.

Giảng: tuy dương cương nhưng ở vị âm, lại ở dưới cùng ngoại quái, là biết mềm mỏng, tự hạ, tức biết xử thế, cho nên được chỗ ở tạm, có tiền của, vật liệu để phòng thân, nhưng ở trên, hào 5 âm nhu không giúp đỡ gì được 4, ở dưới, hào 1, ứng với 4 âm nhu, lại thấp hèn, cũng chẳng giúp đỡ 4 được gì, vì vậy là lòng 4 không vui.

Các sách cho “tư phủ” là cái búa sắc bén, và giảng là : lữ khách tới nơi, không có quán trọ, chỉ có mảnh đất gai góc, phải dùng búa bén để phá bụi bờ mà làm chỗ ở, nên trong lòng không vui.

5.

六五: 射雉, 一矢亡, 終以譽命.

Lục ngũ: Xạ trĩ, nhất thỉ vong, chung dĩ dự mệnh.

Dịch : Hào 5, âm : Bắn con trĩ, mất một mũi tên, sau được khen và phúc lộc (hoặc chức vị: mệnh) .

Giảng: Thường hào 5 trỏ ngôi vua, nhưng nếu vua là làm lữ khách thì là vua mất nước, cho nên chỉ nên coi là một lữ khách thôi, một lữ khách văn mình (ở ngoại quái ly), nhũn nhặn, mềm mỏng (âm nhu) được lòng mọi người (đắc trung) , như vậy tất được tốt đẹp như bắn được con trĩ (một loài chim đẹp – tượng quẻ Ly) tốn hao không mấy mà được tiếng khen, và phúc lộc.

6.

上九: 鳥焚其巢, 旅人先 笑, 後號咷, 喪牛于易, 凶.

Thượng cửu: điểu phần kì sào, lữ nhân tiên tiếu, hậu hào đào, táng ngưu vu dị, hung.

Dịch: Hào trên cùng, dương: con chim cháy mất tổ, người lữ hành trước cười, sau kêu khóc, vì láu táu (vô ý) đánh mất con bò (đức nhu thuận), xấu.

Giảng: thân phận ở đậu mà lại ở trên chủ nhà, đã là nghịch cảnh rồi, đã vậy lại quá cương (hào dương), mất lòng người, tất bị đuổi đi, như con chim cháy mất tổ. Mới đầu hớn hở, vì được ở trên người, sau phải kêu khóc vì mất chỗ trọ. Sở dĩ vậy vì khinh dị đánh mất đức nhu thuận (tượng bằng con bò) rất cần ở thời ở đậu.

*

Cuối quẻ Lữ này, cụ Phan Bội Châu có ghi cảm tưởng:

“xử cảnh khốn nạn không gì bằng Lữ, thiệp thế rất khó khăn cũng không gì bằng Lữ. Tạp quái (truyện) nói rằng: “Lữ là ít người thân yêu, là đường cùng khốn của người vậy: Lữ quả thân dã, nhân chi cùng dã.

“Tuyền sáu hào không một chữ cát, chữ hanh nào cả . . Dở sinh gặp hồi đen rủi, gởi thân ở đất khách quê người . . may khỏi tai hoạ là hạnh phúc đã lớn rồi. Vậy nên trung chính như Lục Nhị (hào 2, âm), văn minh nhu trung như Lục ngũ (hào 5, âm) mà hào từ không có chữ cát hanh. Huống gì quá cương , bất trung như Cửu tam (hào 3, dương). Thượng cửu (hào trên cùng, dương) nữa ru? Vậy nên người ở vào thời Lữ, nên mang chặt lấy hai chữ nhu, trung làm bùa hộ thân”

Đọc lời của Cụ, chúng tôi vô cùng cảm thán. Trong mấy chục năm, vì quốc gia, dân tộc, Cụ gởi thân quê người, gặp biết bao cảnh tủi nhục, nỗi gian nguy, rốt cuộc cũng không tránh khỏi tai hoạ, nhưng lúc nào cũng giữ được tư cách, khí phách chí hướng. Ai hiểu được tình cảnh lữ thứ, hiểu được quẻ Lữ hơn Cụ? 

57.QUẺ THUẦN TỐN

Trên dưới đều là Tốn (gió, thuận)

Lâm vào cảnh ở quê người thì thái độ nên thuận tòng người, cho nên sau quẻ Lũ tới quẻ Tốn. Tốn là gió mà có nghĩa là thuận, là nhập vào.

Thoán từ.

巽: 小亨, 利有攸往, 利見大人.

Tốn: tiểu hanh, lợi hữu du vãng , lợi kiến đại nhân.

Dịch: Thuận thì hơi được hanh thông, tiến hành thì có lợi, lựa bậc đại nhân mà tin theo thì có lợi.

Giảng: Quẻ này có một hào âm ở dưới hai hào dương, là âm phục tòng dương, nên gọi là Tốn. tiểu nhân mà phục tòng quân tử thì có thể tốt, nhưng phải có việc để tíến hành, chứ không phải chỉ ở yên mà tốt, lại phải lựa bậc đại nhân (có tài, đức) mà tin theo. Đại nhân trỏ hào 2 và hào 5, cũng mà dth, tiểu nhân là hào 1 và hào 4. Nhất là hào 5, đắc trung lại đắc chính nữa, 1 và 4 đều phải theo hào đó.

Đại tượng truyện giảng: trên là gió, dưới là gió (Tốn), là có hai luồng gió tiếp tục theo nhau. Người quân tử tiếp tục xuất phát mệnh lệnh để thi hành chính sự, mà thiên hạ phục tòng, cũng như vạn vật ngả theo gió.

Hào từ:

1.

初六: 進退, 利武人之貞.

Sơ lục: tiến thoái, lợi vũ nhân chi trinh.

Dịch: Hào 1, âm: Tiến lui tự do, thêm vào cái chí hướng bền của hạng võ dũng thì có lợi.

Giảng: Hào này âm nhu ở dưới cùng quẻ Tốn là người nhu thuận thái quá, còn nghi ngờ, không cương quyết tiến hay lui, không thể làm gì được; Hào từ khuyên phải theo cái chí kiên cường của hạng người võ dũng thì mới trị được tật nghi hoặc.

2.

九二: 巽在床下, 用史巫 紛若, 吉,无咎.

Cửu nhị: Tốn tại sàng hạ, dụng sử vu phân nhược, cát, vô cữu.

Dịch: Hào 2, dương: Thuận nép ở dưới giường, dùng vào việc lễ bái, đồng cốt rối ren thì tốt, không có lỗi.

Giảng: Hào dương mà ở vào vị âm thời Tốn (thuận), nên quá thuận đến nỗi nép ở dưới giường. May àm đắc trung, không phải là kẻ siểm nịnh, mà lại có lòng thành; trong việc tế thần, mà như vậy thì tốt, không có lỗi. “sử” là chức quan coi việc tế, “Vu” là chức quan coi về việc trừ tai hoạ, như đồng cốt. “Phân nhược” (rối ren) dùng để tả việc cúng tế, cầu thần.

3.

九三: 頻巽吝.

Cửu tam: Tần tốn, lận.

Dịch: Thuận tòng quá nhiều lần (quá mức), đáng xấu hổ.

Giảng: Hào này quá cương (dương ở vị dương), bất đắc trung, vốn nóng nảy, kiêu căng, thất bại nhiều lần, sau mới làm bộ tự hạ, thuận tòng, nhưng lại thuận tòng quá mức, việc gì cũng thuận tòng dù không phải lúc, đáng xấu hổ, R. Wilhem giảng: suy nghĩ đi suy nghĩ lại nhiều lần kĩ quá, mà không quyết định hành động, xấu hổ.

4.

六四: 悔亡, 田獲三品.

Lục tứ: Hối vong, điền hoạch tam phẩm.

Dịch: Hào 4, âm: Hối hận mất đi; đi săn về, được chia cho ba phần.

Giảng: Hào này âm nhu, hào 1 ứng với nó cũng âm nhu, không giúp gì được nó, mà lại bị kẹt giữa 4 hào dương ở trên và dưới, xấu; nhưng nhờ nó đắc chính, địa vị cao (ở ngoại quái, sát hào 5) mà lại có đức tự khiêm, thuận tòng, nên được trên dưới mến, chẳng những không có gì hối hận mà còn được thưởng công. Thời xưa đi săn về, chia làm 3 phần (phẩm vật): một phần để làm đồ tế, một phần để đãi khách, một phần giao cho nhà bếp. Có công lớn mới được chia như vậy.

5.

九五: 貞吉, 悔亡, 无不利, 无初有終.

先庚三日, 後庚三日.吉.

Cửu ngũ: Trinh cát, hối vong, vô bất lợi, vô sở hữu chung.

Tiên canh tam nhật, hậu canh tam nhật, cát

Dịch: Hào 5, dương : giữ đạo chính thì tôt, hối hận mất đi, không có gì là không lợi, mới đầu không khá mà cuối cùng tốt; (đinh ninh như ) trước ngày canh ba ngày, (đắn đo như) sau ngày canh ba ngày, tốt.

Giảng: Hào này ở thời Tốn, phải thuận tòng, mà bản thể và vị đều là dương cả, mới đầu không tốt (vô sợ), e có điều hối hận, may mà đắc trung, đắc chính, hợp với tư cách một vị chủ, cứ giữ đức trung, chính ấy thì sau sẽ tốt (hữu chung), hối hận mất hết mà không có gì không lợi. Tuy nhiên, muốn kêt quả được tốt thì trước khi hành động, canh cải, phải đinh ninh cân nhắc cho kỹ, rồi sau khi canh cải phải khảo nghiệm chu đáo.

Trong thập can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Canh Tân, Nhâm, quí, Canh đứng hàng thứ 7, quá giữa, tới lúc phải thay đổi. (chữ Canh trong hào từ 庚cũng dùng như chữ Canh 更 là đổi) Ba ngày trước ngày Canh là ngày Đinh, chữ Đinh 丁 này mượn nghĩa chữ đinh 叮嚀 (đinh ninh); ba ngày sau ngày Canh là ngày Quí, chữ quí này 癸 mượn nghĩa chữ quĩ 揆度 (quĩ đạc là đo lường)

Cách dùng chữ ở đây cũng như cách dùng chữ trong Thoán từ quẻ Cổ.

6.

上九: 巽在床下, 喪其資斧, 貞凶.

Thượng cửu: Tốn tại sàng hạ, táng kì tư phủ, trinh hung.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Thuận nép ở dưới giường, mất đồ hộ thân, cứ giữ thói xấu đó thì càng bị hoạ.

Giảng: Ở trên cùng quẻ Tốn là thuận tòng đến cùng cực như kẻ nép ở dưới giường; tới nỗi đức dương cương – ví với đồ hộ thân (tư phủ) của mình cũng mất luôn. Cứ giữ thói xấu xa, đê tiện, siểm nịnh đó thì càng bị hoạ. 

58. QUẺ THUẦN ĐÒAI

Trên dưới đều là Đòai (chằm, hòa duyệt)

Tốn có nghĩa là nhập vào, hễ nhập được vào lòng nhau, hiểu lòng nhau, thì mới ưa nhau mà hòa duyệt, vui vẻ với nhau, cho nên sau quẻ Tốn tới quẻ Đòaii. Đòai là chằm mà cũng có nghĩa là hòa duyệt.

Thoán từ.

Đóai; Hanh. Lợi trinh.

Dịch: Vui thì hanh thông. Hợp đạo chính thì lợi.

Giảng: Đòai là chằm, cũng là thiếu nữ. nước chằm làm cho cây cỏ vui tươi, sinh vật vui thích; thiếu nữ làm cho con trai vui thích. Vui thích thì han thông,miễn là phải hợp với đạo chính; phải ngay thẳng, thành thực, đoan chính. Đòai có hai d dương ở phía trong, một hào âm ở ngòai, nghĩa là trong lòng phải thành thực rồi ngòai mặt nhu hòa, như vậy là hợp với đạo chính, tốt.

Thoán truyện – Giảng rộng ra: vui vẻ mà hợp với đạo chính thì là thuận với trời, hợp với người. Vui vẻ mà đi trứơc dân thì dân quên khó nhọc; vui vẻ mà xông vào chốn nguy hiểm thì dân quên cái chết mà cũng xông vào; đạo vui vẻ (làm gương cho dân) thật lớn thay; khuyến khích dân không gì bằng.

Đại Tượng truyên thiên về sự tu thân, khuyên người quân tử nên họp bạn cùng nhau giảng nghĩa lý, đạo đức, rồi cùng nhau thực hành (dĩ bằng hữu giảng tập), để giúp ích cho nhau mà hai bên cùng vui vẻ.

Hào từ.

1.

Sơ cửu: Hòa đóai, cát.

Dịch: Hào 1, dương: Hòa thuận, vuivẻ, tốt.

Giảng: dương ở dưới cùng quẻ đòai là quân tử mà khiêm hạ, ở trên lại không tư tình với ai (vì 4 cũng là dương, không phải là âm, tiểu nhân) , nên chỉ dùng đạo chính mà hòa thuận vui vẻ với mọi người, tốt.

2.

Cửu nhỉ: Phu đòai, cát, hối vong.

Dịch: Hào 2, dương: Trung trực mà vui vẻ, tốt, hối hận mất đi.

Giảng: Ở gần hào 3, âm nhu, tiểu nhân, nhưng hào 2 này đã dương cương mà lại đắc trung, cho nên có đức thành thực cương trung, không nhiễm xấu của hào 3, không bị hối hận.

3.

Lục tam: Lai đóai, hung.

Dịch: Hào 3, âm: Quay lại cầu vui với người ở dưới, xấu.

Giảng: Âm nhu, bất trung bất chính, là hạng tiểu nhân tìm vui mà không giữ đạo; là phận gái ở giữa bốn người con trai (4 hào dương, 2 ở trên, 2 ở dưới), cầu vui với 2 người ở trên, thì không dám vì phận thấp, phải quay lại cầu với 2 người ở dưới, nhưng họ cũng không thèm, vì hào 1 cương trực mà chính, hào 2 cương trực mà trung, kết quả là xấu.

4.

Cửu tứ; Thương đóai, vị ninh, giới tật, hữu hỉ.

Dịch: Hào 4, dương: cân nhắc xem nên cầu vui ở phía nào mà chưa quyết định được rồi sau theo chính bỏ tà, đáng mừng.

Giảng: Dương cương mà ở vị âm, chưa thật là quân tử, ở trên thừa tiếp hào 5 vừa trung vừa chính, nhưng ở dưới lại gần hào 3, tiểu nhân, cho nên mới đầu do dự, cân nhắc xem nên hướng về phía nào; nhưng nhờ có đức dương cương, đồng đức với 5, nên sau hướng về 5, quyết tâm bỏ tà theo chính, thật đáng mừng.

5.

Cửu ngũ : Phu vu bác, hữu lệ.

Dịch: Hào 5, dương: Nếu tin kẻ tiểu nhân mà tiêu mòn (bác) hết đức trung chính của mình thì nguy.

Giảng: Hào này dương cương, trung chính, địa vị chí tôn, ở vào thời Đóai mà thân cận với hào trên cùng âm nhu là kẻ tiêu nhân làm chủ sự vui, rồi ham vui bậy bạ thì nguy; đây là lời răn kẻ trị nước.

6.

Thượng lục: Dẫn đóai.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Đem sự vui thú tới.

Giảng: Ở trên cùng quẻ Đòai mà âm nhu là kẻ chuyên siểm nịnh, dụ dỗ người ta tìm vui một cách bất chính. Tất nhiên là xấu rồi, chẳng cần nói.

*

Chúng ta để ý; 6 hào thì 2 hào âm là tiểu nhân dụ dỗ 4 hào dương quân tử, và 4 hào này giữ được chính đạo cả, vì Kinh dịch tin như Khổng tử rằng muốn làm vui lòng người quân tử mà không dùng chính đạo thì không thành công (duyệt chi bất dĩ đạo, bất duyệt dã. Luận ngữ XIII 25). 

59. QUẺ PHONG THỦY HÓAN

Trên là Tốn (gió), dưới là Khảm (nước)

Hòa vui đến cực điểm rồi thì sẽ ly tán, vì vậy sau quẻ đòai đến quẻ Hóan. Hóan là lìa, tan tác.

Thóan từ.

Hóan; hanh. Vương cách hữu miếu,

Lợi thiệp đại xuyên, lợi trinh.

Dịch: Lìa tan: hanh thông. Vua tới nhà Thái miếu, vượt qua sông lớn thì lợi, giữ đạo chính thì lợi.

Giảng: Trên là gió, dưới là nước (KHảm cũng có thể hiểu là mây – như quẻ Thủy lôi Truân, cũng gọi là Vân Lôi truân); gió thổi trên nước (hay mây) làm nứơc tung tóe ra (hay mây tan rã ra), cho nên đặt tên quẻ là Hóan.

Thường thì nhóm họp mới hanh thông (như quẻ tụy), nhưng ly tán cũng có khi hanh thông, chẳng hạn sương mù tụ lại nhiều quá, nắng lên, nó tan đi thì tốt, hoặc thời nhiễu lọan, dân chúng tụ họp lại chống đối, phải giải tán đi v.v.. Hể hợp thời thì tốt, trái lại thì xấu. Muốn cho công việc giải tán hanh thông thì nhà cầm quyền phải có lòng chí thành, như một ông vua tới nhà Thái miếu; lại phải biết mạo hiểm như có gan vượt qua sông lớn; sau cùng phải giữ đạo chính, đừng làm những việc bất chính.

Thóan truyện giảng ý nghĩa hanh thông của quẻ này như sau: nội quái vốn là quẻ Khôn, một hào dương của quẻ Càn vào thay hào 2 quẻ Khôn mà thành quẻ Khảm; ngọai quái vốn là quẻ Càn, hào 1 a Khôn vào thay hào 1 quẻ Càn, thành quẻ Tôn. Vậy là trong trùng quái Hoán có một hào dương cương ở trong, một hào âm nhu ở ngòai, mà hào này đắc vị, thuận theo 2 hào dương ở trên nó để tiến lên, như vậy là tốt.

Vượt qua sông lớn mà có lợi vì quẻ có cái tượng gỗ (Tốn cũng là cây, gỗ) ở trên nước, tức thuyền ở trên nứơc, nhờ thuyền mà qua sông được. Nghĩa bóng làn hờ người có tài mà làm nên việc lớn.

Đại Tượng truyện bàn rộng ra, khuyên sau khi giải tán rồi lại nên nghĩ tới việc nhóm họp lại, mà muốn nhóm họp, thống nhất nhân tâm thì nên đặt lễ tế Thượng đế, tế Tổ tiên.

Hào từ.

1.

Sơ lục: Dụng chứng, mã tráng, cát.

Dịch: Hào 1, âm: Dùng con ngựa mạnh để cứu vớt, tốt.

Giảng: Ở đầu thơi ly tán, còn có thể gom lại được; hào này âm nhu, kém tài, không đủ sức, nhưng trên có hào 2 dương cương đắc trung, ỷ thác vào được, như đi đường xa có con ngựa khỏe, cho nên tốt.

2.

Cửu nhị: Hòan, bôn kì kỉ, hối vong.

Dịch: Hào 2, dương: Lúc ly tán, nên đựa vào hào 1 làm ghế ngồi thì hối hận mất đi.

Giảng : Thời này là thời ly tán rồi, dễ có việc ăn năn; hào này dương cương đã giúp đựơc cho hào 1, bây giờ nên dựa vào 1 làm ghế ngồi, đỡ đần nhau thì khỏi phải hối hận.

3.

Lục tam: Hoán kì cung, vô hối.

Dịch: Hào 3, âm:đánh tan lòng riêng tây của mình đi thì không hối hận.

Giảng: Hào này âm nhu, bất trung ,bất chính, là người có lòng vị kỉ, nhưng ở vị dương lại được hào trên cùng chính ứng với nó, mà có lòng lo việc đời (vì là dương cương); nếu 3 bỏ tính vị kỉ đi, lo gánh việc đời với hào trên cùng, thì sẽ không hối hận.

4.

Lục tứ: hóan kì quần, nguyên cát. Hóan kì khâu, phỉ di sở tư.

Dịch: Hào 4 âm: Giải tán bè phái của mình đi, rất tốt. Vì như vậy là giải tán cái nhỏ để tập hợp cái lớn lại thành gò đống; điều đó người thường không thể nghĩ tới được.

Giảng: Hào này âm nhu, thuận, giúp đỡ hào 5 vừa cương vừa đắc trung, như vị đại thần giúp một minh quân, mà biết giải tán bè phái của mình đi (sở di nói vậy vì hào 1 ở dưới không ứng viện với 4, cũng như 4 không còn bè phái), để đòan kết, tập hợp cả quốc dân mà cùng lo cứu nước; như vậy là giải tán cái nhỏ để gom cái lớn lại thành gò đống, rất tốt. người thường không hiểu được lẽ đó mà chê sao lại giải tán đảng của mình. Muốn vậy phải là người đắc chính (âm ở vị âm) , và đắc trung, cương cường như hào 5.

5.

Cửu ngũ: Hóan hãn kì đại hiệu, hóan vương cư,vô cữu.

Dịch: Hào 5, dương: Ban bố hiệu lệnh lớn khắp nước như mồ hôi phát ra ở khắp thân thể, phát hết kho lẫm của vua để chu cấp cho dân, không có lỗi.

Giảng: năm chữ “Hóan hãn kì đại hiệu” tối nghĩa. Chu Hi giảng là hủy bỏ các hiệu lệnh trước đi, những hiệu lệnh đó như mồ hôi, chảyra mà không trở lại”. Chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch như trên làban bố hiệu lệnh đi khắp nơi. J Legge và R. Wilhem cũng hiểu như vậy, nhưng giảng là những hiệu lệnh đó cứu nguy được cho dân như người bị bệnh mà phát tán, làm cho mồ hôi tóat ra vậy.

Ba chữ sau: “Hòan vương cư” nghĩa dễ hiểu: vua nên tán tài để tụ dân, cũng như hào 4, giải tán bè phái để tụ dân, đều là chính sách tốt ở thời ly tán cả.

6.

Thượng cửu: hóan kỳ huyết khử, địch xuất, vô cữu.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Tan (trừ) được máu )vết thương cũ), thóat khỏi kinh sợ (chữ [ ] oở đây nên đỗi làm chữ dịch [ ] là kinh sợ), không có lỗi.

Giảng: hào này ở ucối thời ly tán, sắp hết xấu; nó có tài (dương cương), lại được hào 3 ứng viện, cho nên nó thành công, trừ được vết thương ly tán và thóat khỏi cảnh lo sợ.

*

Phan Bội Châu so sánh quẻ này với quẻ Tụy, đại ý như sau:

Tụy và Hóan là hai thời trái ngược nhau, một thời nhóm họp một thời lìa tan, nhưng thời nào cũng hanh thông được cả, miễn là biết hành động hợp lúc và có lòng chí thành: Thoán từ hai quẻ đều có 4 chữ: “Vua tới Thái miếu”, nghĩa là phải chí thành như nhà vua khi vào tế ở Thái miếu.

Nhưng hai quẻ khác nhau ở chỗ. Tụy có 4 chữ: “lợi kiến đại nhân”, Hóan có 4 chữ: “Lợi thiệp đại xuyên” vì ở thời Tụy, thuận cảnh, chỉ cần có người tài đức là làm nên việc còn ở thời Hòan, nghịch cảnh, phải có tài đức mà lại phải mạo hểim nữa. Đó là thâm ý của cổ nhân.

Sáu hào quẻ Hóan ý nghĩa rất phân mình: hào 1, còn mong cứu chữa được; hào 2 ly tán đã nhềiu rồi, chưa cứu được; hào 3 có thể bắt tay làm việc, muốn vậy phải bỏ lòng vị kỹ đi; hào 4, phải giải tán bè phái để đòan kết tòan dân; hào 5 phải ra hiệu lệnh mới, ban phát của riêng, hào 6 thì thành công. Quan trọng nhất là lời khuyên hào 4 và 5. 

60. QUẺ THỦY TRẠCH TIẾT

Trên là Khảm (nước), dưới là Đòai (chằm)

Không thể để cho ly tán hòai được, tất phải chặn bắt lại, tiết chế lại, cho nên sau quẻ Hóan tới quẻ Tiết.

Thóan từ:

Tiết : Hanh. Khổ tiết bất khả trinh.

Dịch: Tiết chế thì hanh thông. Nhưng tiết tiết chế đến mức cực khổ thì không ai chịu được lâu.

Giảng: Theo tượng quẻ, trên chằm có nước; bờ chằm hạn chế số nước chứa trong chằm, cho nên đặt tên là quẻ Tiết.

Cái gì cũng vừa phải thì mới tốt, thái quá cũng như bất cập đều xấu cả. Quẻ này có ba hào cương , ba hào nhu, không bên nào quá; lại them hào 2 và hào 5 đều là dương cương mà đắc trung, như vậy là xử sự đươc trúng tiết, cho nên việc gì cũng hanh thông. Nhưng tiết chế qua, bắt người ta khổ cực thì không ai chịu được lâu, như vậy không còn hanh thông nữa.

Thóan truyện khuyên nhà cầm quyền nên theo luật tiết chế của trời đất: bốn mùa thay đổi, nắng mưa, nóng lạnh đều có chừng mực, mà trị dân: hạn chế lòng ham muốn, tính xa xỉ của con người, bắt dân làm việc vừa sức thôi, như vậy không tốn của cải, không hại dân (tiết dĩ chế độ, bất thương tài, bật hại dân). Lời đó giống lời khuyên trong Luận ngữ: “Tiết dụng nhi ái dân” (dè dặt trong việc tiêu dùng mà yên dân).

Đại tượng truyện khuyên người quân tử (quân tử ở đây trỏ hạng người trị dân) đặt ra số, độ, nghĩa là hạn định một chừng mực nào đó trng sự làm việc và hưởng thụ của dân, tùy đạo đức, tài nghệ của mỗi người. (Quân tử , dĩ chế số độ, nghị đức hạnh). Như vậy là Đại tượng truyện đã cho chữ tiết một tác dụng rất lớn: tiết chế có nghĩa gần như kế họach hóa ngày nay và có mục đích thi hành sự công bằng trong xã hội, như lời Đại tương truyện quẻ khiêm (xứng vật binh thí: cho sự vật được cân xứng, quân bình).

Hào từ:

1

sơ cửu: Bất xuất hội đình, vô cữu.

Dịch: Hào 1, dương: không ra khỏi sân ngõ, không có lỗi.

Giảng: Hào này dùng chữ tiết với nghĩa tự mình tiết chế mình, tức dè dặt. Ở với tời Tiết chế, làm việc gì cũng phải đúng mức (trung tiết) mớ itốt. Hào, 1 dương cương , đắc chính, ở đầu thời Tiết chế, biết thận trọng, không ra khỏi sân ngõ, vì biết là thời chưa thông, hãy còn tắc, như vậy là đúng với đạo tiết chế, không có lỗi. Hai chữ “hộ đình chúng tôi dịch theo nghĩa “ngọai chi đình” của Chu Hi. J legge dịch là không ra khỏi cái sân ở ngòai cái cửa (door): R. Wilhem dịch là không ra khỏi cái sân và cái cửa (door).

2.

Cửu nhị: Bất xuất môn đình, hung.

Dịch: Hào 2, dương: không ra khỏi cái sân ở trng cửa, xấu.

Giảng: Hào này đáng lẽ ra giúp việc được, vì thời đã khác thời của hào 1 đã thộng ồi không tắc nữa mà lại được hào 5 ở trên cũng dương như mình giúp sức cho; vậy mà đóng cửa không ra cũng như 1, hành vi đó xâu (hung).

Chữ môn J.Legge và R Wilhem đều dịch là gate, cửa ngõ, tức cửa ở ngòai cùng. Từ Hải chỉ giảng: cửa có một cánh gọi là hộ, hai cánh gọi là môn, tối không biêt cái nào là cửa ngõ, cái nào là cửa nhà. Phan Bội Châu không phân biệt thế nào là môn, là hộ, dịch là cửa hết. điểm đó không quan trọng; chỉ cần hiểu đại khái là không ra khỏi nhà, không đi đâu.

3.

Lục tam: Bất tiệt nhược, tất ta nhược, vô cữu.

Dịch: Hào 3, âm: không dè dặt (tự tiết chế mình) mà phải than vãn, không đổ lỗi cho ai được.

Giảng: Âm nhu, bất trung bất chính, lại cưỡi lên hai hào dương, mà muốn tiến tới cõi nguy hiểm (quẻ Khảm ở trên), như vậy là không biết dè dặt, tựchế, rước vạ vào thân, còn đổ lỗi cho ai được nữa.

4.

Lục tứ: An tiết, hanh.

Dịch: Hão, âm: Vui vẻ tự tiết chế (không miễn cưỡng) hanh thông.

Giảng: Nhu thuận, đắc chính, vâng theo hào 5, thực tâm dè dặt, tự tiết chế đúng thời, cho nên hanh thông.

5.

Cửu ngũ: Cam tiết, cát. Vãng hữu thượng.

Dịch: Hào 5, dương: Tiết chế mà vui vẻ (cho là ngon ngọt) thì tốt. Cứ thế mà tiến hành thì được người ta trọng, khen.

Giảng: Hào này ở vị chí tôn, làm chủ quẻ Tiết, có đủ cácđức dương cương trung chính tự tiết chế một cách vui vẻ, thiên hạ noi gương mà vui vẻ tiết chế, cho nên tốt; và cứ thế mà tiến hành thì có công lớn, đáng khen.

6.

Thượng lục: Khổ tiết, trinh hung. Hối vong.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Tiết chế mà tới mức cực khổ, nếu cứ giữ mãi (trinh) thôi đó thì xấu. Nếu biết hối hận, bớt thái quá đi thì hết xấu.

Giảng: Hào này trái với ha trên, vì ở trên cùng quẻ Tiết, có nghĩa là tiết chế thái quá, tới cực khổ, không ai chịu được hòai như vậy.

Hai chữ “hối vong” ở đây không có nghĩa thường dùng là hối hận tiêu tan đi, mà có nghĩa là nếu hối hận thì cái xấu (hung) sẽ tiêu tan đi.

Sau một cuộc ly tán, phong tục suy đồi, kinh tế cùng quẩn, cho nên phải tiết dục, tiết chế nhu cầu. Nhưng tiết chế một cách vừa phải thôi (không nên thái quá) mà hợp thời thì mới tốt. Chúng ta nhận thấy 6 hào chia làm 3 cặp: 1 và 2 liền nhau mà 1 tốt, 2 xấu; 3 với 4 liền nhau mà 3 xấu, 4 tốt; 5 và 6 liền nhau mà 5 tốt 6 xấu; chỉ do lẽ hoặc hợp thời hay không, đắc trung , đắc chính hay không. 

61. QUẺ PHONG TRẠCH TRUNG PHU

Trên là Tốn (gió), dưới là Đòai (chằm)

Đã định tiết chế thì người trên phải giữ đức tín để người dưới tin theo, cho nên sau quẻ Tiết tới quẻ Trung phu. Trung phu là có đức tin (phu) ở trong (trung) lòng.

Thóan từ:

Trung phu: Đồn ngư cát, lợi thiệp đại xuyên, lợi trinh.

Dịch: trong lòng có đức tin tới cảm được heo và cá, tốt như vậy thì lội qua sông lớn được, giữ đạo chính thì lợi.

Giảng: quẻ này ở giữa có hai hào âm (hai nét đứt), như trong lòng trống rỗng (hư tâm) không có tư dục, tư ý; còn 4 hào dương là nét liền, đặc, thực (trái với hư), mà hào 2 và hào 5 lại đắc trung (ở giữa nội và ngọai quái), vậy là có đức trung thực. do đó mà đặt tên quẻ là Trung phu.

Theo nghĩa thì trên là Tốn, thuận với người dưới; dưới là Đóai, phục tòng người trên; như vậy là cảm hóa được dân.

Lòng chí thành cảm được những vật ngu, không biết gì như heo và cá. Lấy lòng chí thành, hư tâm mà ứng phó với nguy hiểm thì vượt được hết, như qua sông lớn mà ngồi chiếc thuyền trống không (hư chu), không chở gì cả, thật là an toàn. Phải giữ chính đạo mới tốt.

Đại Tượng truyện giảng: gió ở trên, chằm ở dưới, là gió (làm ) động được nước như lòng thành thực cảm động được người. Nên tuy lòng trung thành mà xử việc thiên hạ; như xử tội thì sét đi xét lại, tìm cách cứu tội nhân, tha cho tội chết.

Hào từ:

1.

Sơ cửu: Ngu cát, hữu tha, bất yến.

Dịch:Hào 1, dương: liệu tính cho chắc chắn rồi mới tin thì tốt; có lòng nghĩ khác thì không yên.

Giảng: Hào này mới vào thời Trung phu, tuy ứng với hào 4, âm nhu, đắc chính là người đáng tin, nhương bước đầu, phải xét cho kỹ lưỡng xem 4 có đáng tin không, khi đã tin rồi thì đừng đổi chí hướng, lòng phải định rồi mới tĩnh mà yên được.

2.

Cửu nhị: Minh hạc tại âm, kỳ tử họa chi;

Ngã hữu hảu tước, ngô dữ nhĩ mĩ chi.

Dịch: Hào 2, dương: Như con hạc mẹ gáy ở bóng râm, con con nó họa lại; lại như tôi có chén rượu ngon, tôi cùng anh chia nhau.

Giảng: Hào này ứng với hào 5 ở trên, cả hai đều có đức dương cương , lại đắc trung đều có lòng thành thực, đều là những hào quan trọng trong quẻ Trung phu; hai bên cảm ứng, tương đắc với nhau như hạc mẹ gáy mà hạc con họa lại, hoặc như một người có chén rượu ngon mà chia với bạn.

Theo Hệ từ thượng truyện, Chương VIII, số 5, Khổng tử giải thích ý nghĩa hào này như sau:

“Người quân tử ở trong nhà mà nói ra, nếu lời nói hay thì người ngòai nghìn dằm cũng hưởng ứng, hống chi là người ở gần; . . hành vi từ gần phát ra thì ảnh hưởng hiện ngay ở xa . . như vậy chẳng nên thận trọng lắm ư?”

Khổng tử đã hiểu rộng “tiếng gáy của con hạc” là lời nói hay; và “chén rượu ngon’ là hành vi đẹp, mà khuyên chúng ta phải thận trọng về ngôn, hành.

3.

Lục tam: Đắc dịch, hoặc cổ, hoặc bái, hoặc khếp, hoặc ca.

Dịch: Hào 3, âm: gặp được bạn (địch) lúc thì đánh trống vui múa, lúc thì chán nản mà ngừng, lúc thì khóc, lúc thì hát.

Giảng: Hào này âm nhu bất chính, bất trung, ứng với hào ở trên cùng, dương cương mà bất trung, bất chính, như hai người ăn ở với nhau mà không thành thực, tính tình thay đổi luôn luôn, vui đó rồi khóc đó “Hoặc cổ hoặc bải”, (có người hiểu là: lúc thì cổ võ, lúc thì bỏ đi).

4.

Lục tứ: Nguyệt cơ vọng, mã thất vong, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Trăng mười bốn (gần tới rằm), con người bỏ bạn mà tiến lên, không lỗi.

Giảng : Hào này đắc chính, thân cận với hào 5, được vua tín nhiệm sự thịnh vượng đã gần tới tuyệt đỉnh rồi, như trăng mười bốn gần đến ngày rằm. Nó ứng với hào 1, hai bên cặp kè nhau như cặp ngựa, nhưng nó biết phục tòng đạo lý, nên sau bỏ 1, để chuyên nhất với 5, như vậy không có tội lỗi gì.

5.

Cửu ngũ: Hữu phu luyến như, vô cữu.

Dịch: Hào 5, dương: có lòng chí thành ràng buộc, không lỗi.

Giảng: Như trên đã nói, hào này ở ngôi chí tôn, có đủ đức trung chính, thành tín buộc được lòng thiên hạ.

6.

Thượng cửu: Hàn âm đăng vu thiên, trinh hung.

Dịch: Hào trên cùng, dương: tiếng gà lên tận trời, dù có chính đáng cũng xấu.

Giảng: Hào này dương cương , không đắc trung lại ở vào thời thành tín đã cùng cực, đức tin đã suy, vậy là có danh mà không có thực. Lại thêm không biết biến thông, muốn cố giữ đức tín (vì có tính dương cương , cho nên ví với con gà không là lòai bay cao được mà muốn lên tới trời.

Vậy lòng thành tín vẫn là tốt, nhưng phải đừng thái quá mà biết biến thông, Phan Bội Châu nhắc truyện ngụ ngôn anh chàng họ vĩ (có sách nói là họ Vi) thời Xuân Thu hẹn với một người con gái ở dưới cầu; người đó không tới, nước lên cao, anh ta cứ ôm cột cầu chịu chêt. Tín như vậy là ngu, không biết biến thông. 

62. QUẺ LÔI SƠN TIỂU QUÁ

Trên là Chấn (sấm), dưới là Cấn (núi)

Tin (Trung phu) mà làm ngay, không xét đều tin đó phải hay không , thì có thể mắc lầm lỗi, cho nên sau quẻ Trung phu tới quẻ Tiểu quá. Quá có hai nghĩa: lỗi; ra ngòai cái mức vừa phải thóan từ dưới đây dùng nghĩa sau.

Thóan từ:

Tiểu quá: Hanh, lợi trinh. Khả sự, bất khả đại sự.

Phi điểu di chi âm, bất nghi thượng, nghi hạ, đại cát.

Dịch: Cái nhỏ nhiều: Hanh thông hợp đạo chính thì lợi. Có thể làm việc nhỏ, không thể làm việc lớn. Con chim bay mà để tiếng kêu lại, không nên lên cao mà nên xuống thấp. Người quân tử biết được như vậy thì tốt.

Giảng: Quẻ này trái với quẻ Đại quá số 28. đại quá có 4 hào dương ở giữa, 2 hào âm ở dưới cùng và trên cùng, như vậy dương nhiều hơn âm, mà dương có nghĩa là lớn, âm là nhỏ, cho nên Đại quá có nghĩa là cái lớn (dương) nhiều hơn. Tiểu quá có 2 hào dương ở giữa, 4 hào âm ở trên và dưới, như vậy là âm – tức cái nhỏ – nhiều hơn dương tức cái lớn; cho nên đặt tên là Tiểu quá. Tiểu quá là cái nhỏ nhềiu hơn; nhưng cũng có nghĩa là quá chút ít.

Bình thường thì vừa phải là hay. Nhưng cũng có khi quá một chút lại hay, chẳng hạn trong nhà, chồng tiêu pha nhiều quá, vợ chắt bóp một chút để được trung bình; hoặc khi thiên về bên tả quá, muốn lấy lại mức trung htì lại nên thiên về bên hữu một chút. Nhưng việc gì cũng phải hợp lẽ, hợp thời, hợp đạo chính thě mới được. Đó là ý nghĩa câu đầu.

Câu thứ hai” “Chi nên “quá” trong việc nhỏ, không nên “quá trong việc lớn; vì việc nhỏ, lỡ có quá một chút, hậu quả không tai hại, còn việc lớn mà lỡ quá một chút, một li có thể đi một dặm hậu quả rât nặng nề, như việc nước, lỗi lầm một chút có thể gây chiến tranh hoặc sự suy sụp về kinh tế. . . .

Thóan truyện giảng: Các hào dương (lớn) đều không đắc trung, là quân tử nhất thời, không làm việc lớn được.

Câu thứ ba tối nghĩa, không hểiu swao lại dùng tượng con chim bay ở đây. Mỗi nhà giải thích một khác: Chu Hi bảo “trong thực, ngòai hư như con chim bay”, có lẽ vì cho hai hào âm ở dưới như hai chân chim, hai hào âm ở trên như hai cánh chim xòe ra? Còn về ý nghĩa thì có người giảng: người quân tử ở thời Tiểu quá nên khiêm tốn, không nên có tiếng tăm lớn, chỉ nên như tiếng chim kêu khi bay, thóang qua mà thôi; mà cũng không nên ở ngôi cao, như con chim không nên bay lên cao. Hai chữ “đại cát”, các sách đều dịch là rất tốt; Phan Bội Châu dịch là tốt cho người quân tử, nếu đừng có tiếng tăm, đừng ở ngôi cao “Đại” đó trỏ người quân tử.

Đại Tượng truyện giản: Chấn ở trên Cấn là tiếng sấm ở trên núi, bị nghẹt vì núi mà thu hẹp lại, nên gọi là Tiểu quá. Người quân tử ở thời này chỉ nên làm quá trong việc nhỏ, như có thể quá cung kính, quá thương cảm trong việc ma chay, quá tiết kiệm.

Hào từ:

1

sơ lục: Phi điểu di hung.

Dịch: Hào 1, âm: Chim (nên nấp mà lại) bay, nên xấu.

Giảng: Hào này âm nhu, bất tài, đựơc hào 4, dương; giúp, lại ở thời “hơi quá” (Tiểu quá), nên hăng hái muốn làm việc quá, e mắc vạ, cho nên xấu. Chỉ nên làm chim nấp, đừng làm chim bay.

2.

Lục nhị: Quá kì tổ, ngộ kì tỉ, bât cập kì quân.

Ngộ kì thần ,vô cữu.

Dịch: Hào 2, âm: Vượt qua ông mà gặp bà; không được gặp vua thì nên giữ phận bề tôi, như vậy không lỗi.

Giảng: Hào nay nhu thuận, trung chính ở vào thời Tiểu qua,1 có quá một chút mà không lỗi. nó là âm đáng lẽ cầu dương mà nó lại vượt hai hào dương (3 và 4 ) để gặp(ứng với 5) nghĩa là gặp âm nữa, cho nên Hào từ nói là vượt ông mà gặp bà. Hào từ khuyên hào này ở thấp, là phận làm tôi, không gặp được vua thì cứ giữ phận bề tôi (đứng vào hàng những bề tôi khác) .

Hào này tôi nghĩa, chúng tôi dịch theo Phan Bội Châu, Chu Hi giảng là: không gặp được vua thì gặp bề tôi, như vậy là giữ được trung, chính, tuy hơi quá (vì muống gặp vua) mà không lỗi (sau gặp bề tôi). Cả hai cách giảng đều không xuôi.

3.

Cửu tam: Phất quá phòng chi, tòng hoặc tường chi, hung.

Dịch: Hào 3, dương: Chẳng quá phòng bị (tiểu nhân) thì rồi sẽ bị chúng làm hại đấy.

Giảng: Thời Tiểu qua; tiểu nhân nhiều hơn quân tử, nên đề phòng quá cẩn thận thì tốt. Hào này dương cương đắc chính là quân tử, nhưng vì quá cương (dương ở vị dương), tự thị, không đề phòng cẩn thận nên bị vạ. Hào này xấu nhất trong quẻ vì bị 2 hào âm ở trên ép xuống, 2 hào âm ở dưới thúc lên, chỉ có mỗi hào 4 là bạn, mà chẳng giúp được gì.

4.

Cửu tứ: vô cữu, phất quá ngộ chi, vãng lệ, tất giới;

Vật dụng vĩnh trinh.

Dịch: Hào 4, dương: không lỗi vì không quá dương mà vừa đúng với đạo lý thời Tiểu quá; nếu tiến tới thì nguy, nên răn về điều đó, đừng cố giữ đức cương của mình, mà nên biến thông.

Giảng: hòan cảnh hào này y hệt hào 3; cũng bị 2 hào âm ép ở trên, 2 hào âm thúc ở dưới, và cũng ở chỗ chưa dứt được với nội quái, chưa lên hẳn được ngọai quái, đáng lẽ cũng xấu, nhưng nhờ 4 tuy dương mà ở vị âm, như vậy là hơi biết mềm dẻo, không quá cương như 3, đúng với đạo lý thời Tiểu quá, chi nên không có lỗi.

Tuy nhiên phải nhớ đừng tiến lên mà theo hai hào âm, như vậy là quá nhu mất, sẽ nguy; mà cũng đừng cố chấp giữ tính dương cương của mình, mà nên biến thông.

5.

Lục ngũ: Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao;

Công dặc, thủ bỉ tại huyệt.

Dịch: Hào 5, âm: mây kịt mà không mưa ở cõi tây của ta, ong bắn mà bắt lấy nó ở hang.

Giảng: Âm dương tiếp xúc với nhau thì mới thành mua, nay âm lên quá cao rồi (hào 5), dương ở dưới, âm dương bất hòa, có cái tượng mây kịt mà không mưa ở cõi tây của ta (như thóan từ quẻ Tiểu súc số 9), đại ý là không làm được gì cả; vì là âm nhu, bất tài lại ở vào htời âm nhiều quá. Chỉ có một cách là xuống tìm hào 2, cũng âm, mà làm bạn. Chữ “cộng” (ông) ở đây trỏ hào 5, “bỉ” (nó) trỏ hào 2; hào 2 ở vị âm, tối tăm cho nên ví với cái hang.

6.

Thượng lục: phất ngộ quá chi, phi điểu li chi.

Hung, thị vị tai sảnh.

Dịch: Hào trên cùng, âm: không đúng với đạo mà lại sai quá, như cánh chim bay cao quá, xa quá, sợ bị tai vạ.

Giảng: Hào này âm nhu, mà biến động vì ở ngọai quái Chấn (động), lại ở vào ucối thời Tiểu qua,1 là thái qua, cho nên bảo là sai đạo qua; có cái tượng con chim bay cao quá, xa quá rồi; khó kéo lại được mà còn sợ bị tai vạ nữa. Hào 6 này âm là tiểu nhân, tiểu nhân mà vượt lên trên quân tử (dương hào 4), cho nên răn là sẽ bị tai họa.

Quẻ này khuyên quân tử ở vào thời tiểu nhân quá nhiều thì đừng nên quá cương như hào 3, mà nên mềm mỏng một chút, biến thông như hào 4. 

63. QUẺ THỦY HỎA KÍ TẾ

Trên là Khảm (nước), dưới là ly (lửa)

Qúa là hơn, tài đức có chỗ nào hơn người trong một việc gì đó thì làm nên việc ấy, cho nên sau quẻ Tiểu quá tởi quẻ Kí tế. tế là vượt qua sông, là nên; kí tế là đã vượt qua, đã nên, đã thành.

Thoán từ.

Kí tế: Hanh tiểu, lợi trinh. Sơ cát, chung loan.

Dịch: đã xong: Hanh thông, nếu làm nốt các việc nhỏ, cố giữ được những việc đã thành rồi thì mới lợi. Mới đầu tốt, cuối cùng tHì lọan (nát bét).

Giảng: Trong thóan từ này, hai chữ ‘Hanh tiểu”, Chu Hi ngờ là “tiểu hanh” mới đúng; tiểu hanh nghĩa là việc nhỏ, được hanh thông. Chúng tôi cho cách hiểu của Phan Bội Châu (theo Thóan truyện) là đúng hơn, nên dịch như trên.

Quẻ này trên là nước, dưới là lửa. Lửa có tính bốc lên mà ở dưới nước , nước thì chảy xuống, thế là nước với lửa giao với nhau, giúp nhau mà thành công. Cũng như nồi nước để ở trên bếp lửa, lửa bốc lên mà nước mới nóng, mới sôi được.

Lại xét sáu hào trong 1 : hào dương nào cũng ở vị dương hào âm nào cũng ở vị âm; mà hào nào cũng có ứng viện: 1 dương có 4 âm ứng; 2, âm có 5 dương, ứng; 3, dương , có 6 âm ứng; đâu đó tốt đẹp cả, mọi việc xong xuôi, thế là hanh thông.

Ở vào thời Kí tế, việc lớn đã xong, còn những việc nhỏ cũng phải làm cho xong nữa, thì mới thật là hòan thành. Hòan thành rồi lại phải cố giữ được sự nghiệp; nếu không thì chỉ tốt lúc đầu thôi mà rốt cuộc sẽ nát bét. Nghĩa lúc trị phải lo trứơc tới lúc lọan.

Thóan truyện giảng mới đầu tốt vì hào 2 ở nội quái có đức nhu thuận mà đắc trung; và rốt cuộc sẽ lọan vì ngừng không tiến nữa, không đề phòng nữa (chung chỉ tắc lọan).

Đại Tượng truyện cũng căn dặn phải phòng trước lúc lọan, lúc suy.

Hào từ.

1.

Sơ cử: duê kì luận, nhu kì vĩ, vô cữu.

Dịch: Hào 1, dương: kéo lết bánh xe (chậm lại), làm ứơt cái đuôi thì không có lỗi.

Giảng: hào này là dương, có tài, ở tRong nội quái Ly (lửa) có tính nóng nảy, lại ở đầu quẻ Kí tế, có chí cầu tiến quá hăng. Nên hào từ khuyên phải thận trọng, thủng thẳng (kéo lết bánh xe lại), chưa qua sông được đâu (như con chồn ướt cái đuôi, không lội được), như vậy mới khỏi có lỗi .

2.

Lục nhị: Phụ táng kỳ phất, vật trục, thất nhật đắc.

Dịch : Hào 2, âm: Như người đàn bà đánh mất cái màn xe, đừng đuổi theo mà lấy lại cứ đợi bảy ngày sẽ được.

Giảng: Hào này ở giữa nội quái Ly, có đức văn minh, trung chính, có thể thực hiện được chí mình. Nó ứng với hào 5 dương cương, trung chính, ở địa vị chí tốn; nhưng ở thời Kí tế, đã xong việc, nên 5 không đóai hòai tới 2, thành thử 2 như người đàn bà có xe để đi. Mà đánh mất cái màn che bốn mặt xe, không đi được. tuy nhiên vì 2 trung chính mà đạo trung, chính không bị bỏ lâu bao giờ, nên đừng mất công theo đuổi, cứ đợi rồi tự nhiên sẽ được như ý.

3.

Cửu tam: Cao tôn phạt quỉ Phương tam niên,

Khác chi, Tiêu nhân vật dụng.

Dịch : Hào 3, dương: Vua Cao Tôn đánh nước Quỉ Phương, ba năm mới được, đừng dùng kẻ tiểu nhân.

Giảng: Hào này là dương ở vị dương, nên quá cương cường, hóa ra khinh suất, phải thận trong như vua Cao Tôn, tức Vũ đinh (1324-1264) nhà Ân, khi đánh một rợ nhỏ là quỉ Phương mà cũng mất ba năm mới được.

Đừng dùng kẻ tiểu nhân là lời khuyên chung, chứ không phải chỉ khuyên riêng hào 3 này.

4.

Lục tứ: chu hữu y như, chung nhật giới.

Dịch : Hào 4, âm: Thuyền bị nước vào, có giẻ để bít lỗ, phải răn sợ suốt ngày.

Giảng: Đã bắt đầu lên ngọa quái Khảm, nguy hiểm, phải phòng bị cẩn thận, như người ngồi chiếc thuyền bị nước vào , phải có giẻ để bít lỗ. Hào này âm như, ở vị âm, đác chính, là người thận trọng biết lo sợ.

5. Cửu ngũ: Đông lân sát ngưu, bất như tây lân

chi thược tế, thực thụ kì phúc.

Dịch: Hào 5, dương: Hàng xóm bên đông mổ bò (làm tế lễ lớn) mà thực tế không hưởng được phúc bằng hàng xóm bên tây chỉ tế lễ sơ sài.

Giảng: Hàng xóm bên đông là hào 5, bên tây là h2. Cả hai hào đều đắc trung, đắc chính, lòng chí thành ngang nhau; 5 ở địa vị chí tôn làm lễ lớn, nhưng được hưởng phúc thì 2 lại hơn 5, chỉ vì 2 gặp thời hơn; 2 ở vào đọan đầu Kí tế sức tiến còn mạnh, tương lại còn nhiều; 5 ở vào gần cuối Kí tế, lại ở giữa quẻ Khảm (hiểm), tiến tới mức chót rồi, sắp nguy, thịnh cực thì phải suy.

6.

Thượng lục: Nhu kì thủ, lệ.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Ướt cái đầu, nguy.

Giảng: tiểu nhân bất tài (hào này là âm) ở thời cuối cùng của Kí tê, lại ở trên hết quẻ kHảm, càng nguy nữa, như một người lội qua sông, nứơc ngập cả đầu.

*

Kí tế vốn là một quẻ tốt, nhưng chỉ ba hào đầu là khá tốt, còn ba hào sau thì càng tiến lên càng xấu: hào 5, kém phúc hào 2, mà hào trên cùng (ướt đầu) so với hào 1 (ướt đuôi) còn xấu hơn nhiều. Vẫn là lời khuyên gặp thời thịnh phải cẩn thận, đề phòng lúc suy. 

64. QUẺ HỎA THỦY VỊ TẾ

Trên là Ly (lửa), dưới là Khảm (nước).

Kí tế là qua sông rồi, cũng rồi, nhưng theo luật thiên nhiên, không có lẽ nào hết hẳn được, hết mùa này đến mùa khác, hết thời này đến thời khác, hết lớp này đến lớp khác, sinh sinh hóa hóa hòai, cứ biến dịch vô cùng, cho nên tuy xong rồi nhưng vẫn là chưa hết, chưa cùng ,do đó sau quẻ kí tế tới quẻ Vị tế: chưa qua sông, chưa xong, chưa hết.

Thóan từ:

Vị tế: Hanh. Tiểu hồ ngật tế, nhu kì vĩ, vô du lợi.

Dịch: chưa xong, chưa cùng: được hanh thông. Con chồ nhỏ sửa sọan vượt qua sông mà đã ướt cái đuôi, không qua được, không có gì lợi cả.

Giảng: Quẻ này trái hẳn quẻ trên: lửa ở trên nứơc, nước và lửa không giao nhau, không giúp được nhau; cả 5 hào đều ở trái ngôi cả; dương ở vị âm, mà âm ở vị dương, cho nên gọi là vị tế: chưa xong.

Vị tế chứ không phải là bất tế, chưa qua sông được chứ không phải là không qua được, sẽ có thời qua được, lúc đó sẽ hanh thông. Thời đó là thời của hào 5, có đức nhu trung, biết thận trọng mà ở giữa quẻ Ly (thời văn minh). Vả lại tuy 5 hào đều trái ngôi, nhưng ứng viện nhau cương nhu giúp nhau mà nên việc: thêm một lẽ hanh thông nữa.

Thóan từ khuyên đừng nên như con chồn con, nóng nảy hấp tấp, mới sửa sọan qua sông mà đã làm ướt cái đuôi, không qua được nữa, không làm được việc gì lợi cả, không tiếp tục được đến cùng.

Đại tượng khuyên phải xem xét kỹ càng mà đặt người, vật vào chỗ thích đáng, thì mới nên việc, đừng đặt lửa ở trên nứơc chẳng hạn như quẻ này.

Hào từ:

1.

Sơ lục: nhu kì vĩ, lận.

Dịch: Hào 1, âm: để ướt cái đuôi, đáng ân hận.

Giảng: Âm nhu, tài kém, ở vào đầu thời Vị tế, mà lại bước chân vào chỗ hiểm (khảm), như con chồn sắp sửa qua sông mà đã làm ướt cái đuôi, không biết tính trước phải ân hận.

2.

Cửu nhị: Duệ kì luận, trinh cát.

Dịch: Hào 2, dương: kéo lết bánh xe, giữ đạo trung chính thì tốt.

Giảng: dương cương là có tài, ở vị âm là bất chính, thấy hào 5 ở ngôi tôn, ứng với mình àm âm nhu, có ý muốn lấn lướt 5, như vậy sẽ hỏng việc, cho nên hào từ khuyên nên giảm tính cương của mình đi (như kéo lết bánh xe, hãm bớt lại) và giữ đạo trung của mình (hào 2 đắc trung) thì tốt, vì hễ trung thì có thể chính được.

3.

Lục tam: Vị tế: trinh hung, lợi thiệp đại xuyên.

Dịch: Hào 3, âm: chưa thành đâu, nếu cứ tiến hành thì bị họa, vượt qua sông lớn thì lợi.

Giảng: Âm nhu, vô tài, lại bất trung, bất chính, không làm nên việc đâu, nếu cứ tiến hành thì xấu. Nhưng đã cảnh cáo: tiến hành thì xấu mà sao lại bảo qua sông lớn thì lợi? Mâu thuẩn chăng? Vì vậy mà có người ngờ trứơc chữ lợi, thiếu chữ bất vượt qua sông lớn thì không lợi, mới phải.

Có thể giảng như vầy: xét về tài đức của 3 thì không nên tiến hành, nhưng xét về thời của 3: Ở cuối quẻ Khảm, là sắp có thóat hiểm, hơn nữa trên có hào 6 dương cương giúp cho, thì sắp có cơ hội vượt qua sông lớn được. Lúc đó sẽ có lợi.

4.

Cửu tứ: trinh cát, hối vong. Chấn dụng phạt

Quỉ Phương, tma niên, hữu thưởng vu đại quốc.

Dịch: Hào 4, dương: giữ đạo chính thì tốt, hối hận mất đi. Phấn phát (Chấn) tinh thần, cổ vũ dũng khi mà đánh nứơc quỉ Phương, lâu ba năm, nhưng rồi được nước lớn thưởng cho.

Giảng: Có tài dương cương, mà ở vào thời thóat khỏi hiểm (nội quái Khảm), tiến lên cõi sáng của văn minh (ngọai quái Ly), trên có hào 5, âm , là ông vua tin vậy mình ,thì đáng lẽ tốt. Chỉ vì hào 4 này bất chính (dương ở vị âm) nên khuyên phải giữ đạo chính. Lại khuyên phải phấn phát tinh thần và kiên nhẫn mới làm được việc lớn cho xã hội, như việc đánh nước quỉ phương thời vua Cao Tôn (coi hào 3, quẻ Kí tế) ba năm mới thành công.

5.

Lục ngũ: trinh, cát, vô hối. Quân tử chi quang hữu phu, cát.

Dịch: Hào 5, âm: Có đức trung chính, tốt, không có lỗi. Đức văn minh của người quân tử do chí thành mà rực rỡ , tốt.

Giảng: Hào này âm ở vị dương là bất chính, nhưng vì âm nhu, đắc trung (trung còn tốt hơn chính) ở vào giữa ngọai quái Ly, là có đức văn minh rực rỡ, lại ứng với hào 2 đắc trung, dương cương ở dưới, nên hai lần được khen là tốt; lần đầu vì có đức trung, văn minh lần sau vì có lòng chí thành, hết lòng tin ở hào 2.

6.

Thượng cữu: Hữu phu vu ẩm tửu, vô cữu

Nhu kì thủ, hữu phu, thất thị.

Dịch: Hào trên cùng, dương: tin tưởng chờ đợi như thong thả uống rượu chơi thì không lỗi, nếu quá tự tin mà chìm đắm trong rượu chè (ướt cái đầu) thì là bậy.

Giảng: Dương cương ở trên cùng quẻ là cương tới dùng cực, cũng ở cuối ngọai quái Ly là sáng đến cùng cực, đều là quá cả. Sắp hết thời Vị tế rồi, mà hào 4 và 5 đã làm được nhiều việc rồi, hào 6 này chỉ nên tự tín, lạc thiên an mệnh, vui thì uống rượu chơi mà chờ thời, như vậy không có lỗi. Nếu quá tự tín đến mức chìm đắm trong rượu chè (như con chồn ướt cái đầu), không biết tiết độ thì mất cái nghĩa, hóa bậy.

*

Kinh Dịch bắt đầu bằng hai quẻ Càn, Khôn, gốc của vạn vật; ở giữa là hai quẻ Hàm và Hằng, đạo vợ chồng, gốc của xã hội, tận cùng bằng hai quẻ Kí tế và Vị tế đã xong rồi lại chưa xong; như vậy là hàm cái nghĩa việc trời đất cũng như việc của lòai người, không bao giờ xong, cái gì tớt chung rồi lại tiếp ngay tới thủy. Mà đạo Dịch cũng vậy không bao giờ hết. Dịch cho ta niềm hy vọng ở tương lai. Thật là một triết lý lạc quan. 

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)