Chương 63: Quẻ THỦY TRẠCH TIẾT

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh DịchĐạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Qu%E1%BA%BB 60 Th%E1%BB%A7y Tr%E1%BA%A1ch Ti%E1%BA%BFt
Quẻ THỦY TRẠCH TIẾT

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

||::|: Thủy Trạch Tiết (節 jié)

Quẻ Thủy Trạch Tiết, đồ hình ||::|: còn gọi là quẻ Tiết (節 jie2), là quẻ thứ 60 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☱ (||: 兌 dui4) Đoài hay Đầm (澤).

* Ngoại quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).

Giải nghĩa: Chỉ dã. Giảm chế. Ngăn ngừa, tiết độ, kiềm chế, giảm bớt, chừng mực, nhiều thì tràn. Trạch thượng hữu thủy chi tượng: trên đầm có nước.

Không thể để cho ly tán hoài được, tất phải chặn bắt lại, tiết chế lại, cho nên sau quẻ Hoán tới quẻ Tiết.

Thoán từ

節: 亨.苦節不可貞.

Tiết: Hanh. Khổ tiết bất khả trinh.

Dịch: Tiết chế thì hanh thông. Nhưng tiết tiết chế đến mức cực khổ thì không ai chịu được lâu.

Giảng: Theo tượng quẻ, trên chằm có nước; bờ chằm hạn chế số nước chứa trong chằm, cho nên đặt tên là quẻ Tiết.

Cái gì cũng vừa phải thì mới tốt, thái quá cũng như bất cập đều xấu cả. Quẻ này có ba hào cương, ba hào nhu, không bên nào quá; lại thêm hào 2 và hào 5 đều là dương cương mà đắc trung, như vậy là xử sự đươc trúng tiết, cho nên việc gì cũng hanh thông. Nhưng tiết chế qúa, bắt người ta khổ cực thì không ai chịu được lâu, như vậy không còn hanh thông nữa.

Thoán truyện khuyên nhà cầm quyền nên theo luật tiết chế của trời đất: bốn mùa thay đổi, nắng mưa, nóng lạnh đều có chừng mực, mà trị dân: hạn chế lòng ham muốn, tính xa xỉ của con người, bắt dân làm việc vừa sức thôi, như vậy không tốn của cải, không hại dân (tiết dĩ chế độ, bất thương tài, bật hại dân). Lời đó giống lời khuyên trong Luận ngữ: “Tiết dụng nhi ái dân” (dè dặt trong việc tiêu dùng mà yên dân).

Đại tượng truyện khuyên người quân tử (quân tử ở đây trỏ hạng người trị dân) đặt ra số, độ, nghĩa là hạn định một chừng mực nào đó trong sự làm việc và hưởng thụ của dân, tùy đạo đức, tài nghệ của mỗi người. (Quân tử, dĩ chế số độ, nghị đức hạnh). Như vậy là Đại tượng truyện đã cho chữ tiết một tác dụng rất lớn: tiết chế có nghĩa gần như kế hoạch hoá ngày nay và có mục đích thi hành sự công bằng trong xã hội, như lời Đại tượng truyện quẻ Khiêm (xứng vật bình thí: cho sự vật được cân xứng, quân bình).

Hào từ

1. 初九: 不出戶庭, 无咎.

sơ cửu: Bất xuất hội đình, vô cữu.

Dịch: Hào 1, dương: không ra khỏi sân ngõ, không có lỗi.

Giảng: Hào này dùng chữ tiết với nghĩa tự mình tiết chế mình, tức dè dặt. Ở với tời Tiết chế, làm việc gì cũng phải đúng mức (trung tiết) mới tốt. Hào, 1 dương cương , đắc chính, ở đầu thời Tiết chế, biết thận trọng, không ra khỏi sân ngõ, vì biết là thời chưa thông, hãy còn tắc, như vậy là đúng với đạo tiết chế, không có lỗi. Hai chữ “hộ đình chúng tôi dịch theo nghĩa “ngoại chi đình” của Chu Hi. J legge dịch là không ra khỏi cái sân ở ngoài cái cửa (door): R. Wilhelm dịch là không ra khỏi cái sân và cái cửa (door).

2. 九二: 不出門庭, 凶.

Cửu nhị: Bất xuất môn đình, hung.

Dịch: Hào 2, dương: không ra khỏi cái sân ở trong cửa, xấu.

Giảng: Hào này đáng lẽ ra giúp việc được, vì thời đã khác thời của hào 1 đã thông rồi không tắc nữa mà lại được hào 5 ở trên cũng dương như mình giúp sức cho; vậy mà đóng cửa không ra cũng như 1, hành vi đó xấu (hung).

Chữ môn J.Legge và R Wilhelm đều dịch là gate, cửa ngõ, tức cửa ở ngoài cùng. Từ Hải chỉ giảng: cửa có một cánh gọi là hộ, hai cánh gọi là môn, tối không biêt cái nào là cửa ngõ, cái nào là cửa nhà. Phan Bội Châu không phân biệt thế nào là môn, là hộ, dịch là cửa hết. Ðiểm đó không quan trọng; chỉ cần hiểu đại khái là không ra khỏi nhà, không đi đâu.

3. 六三: 不節若, 則嗟若,无咎.

Lục tam: Bất tiết nhược, tất ta nhược, vô cữu.

Dịch: Hào 3, âm: không dè dặt (tự tiết chế mình) mà phải than vãn, không đổ lỗi cho ai được.

Giảng: Âm nhu, bất trung bất chính, lại cưỡi lên hai hào dương, mà muốn tiến tới cõi nguy hiểm (quẻ Khảm ở trên), như vậy là không biết dè dặt, tự chế, rước vạ vào thân, còn đổ lỗi cho ai được nữa.

4. 六四.安節,亨.

Lục tứ: An tiết, hanh.

Dịch: Hào 4, âm: Vui vẻ tự tiết chế (không miễn cưỡng) hanh thông.

Giảng: Nhu thuận, đắc chính, vâng theo hào 5, thực tâm dè dặt, tự tiết chế đúng thời, cho nên hanh thông.

5. 九五: 甘節, 吉.往有尚.

Cửu ngũ: Cam tiết, cát. Vãng hữu thượng.

Dịch: Hào 5, dương: Tiết chế mà vui vẻ (cho là ngon ngọt) thì tốt. Cứ thế mà tiến hành thì được người ta trọng, khen.

Giảng: Hào này ở vị chí tôn, làm chủ quẻ Tiết, có đủ các đức dương cương trung chính tự tiết chế một cách vui vẻ, thiên hạ noi gương mà vui vẻ tiết chế, cho nên tốt; và cứ thế mà tiến hành thì có công lớn, đáng khen.

6. 上六: 苦節, 貞凶, 悔亡.

Thượng lục: Khổ tiết, trinh hung. Hối vong.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Tiết chế mà tới mức cực khổ, nếu cứ giữ mãi (trinh) thôi đó thì xấu. Nếu biết hối hận, bớt thái quá đi thì hết xấu.

Giảng: Hào này trái với hào trên, vì ở trên cùng quẻ Tiết, có nghĩa là tiết chế thái quá, tới cực khổ, không ai chịu được hoài như vậy.

Hai chữ “hối vong” ở đây không có nghĩa thường dùng là hối hận tiêu tan đi, mà có nghĩa là nếu hối hận thì cái xấu (hung) sẽ tiêu tan đi.

Sau một cuộc ly tán, phong tục suy đồi, kinh tế cùng quẩn, cho nên phải tiết dục, tiết chế nhu cầu. Nhưng tiết chế một cách vừa phải thôi (không nên thái quá) mà hợp thời thì mới tốt. Chúng ta nhận thấy 6 hào chia làm 3 cặp: 1 và 2 liền nhau mà 1 tốt, 2 xấu; 3 với 4 liền nhau mà 3 xấu, 4 tốt; 5 và 6 liền nhau mà 5 tốt 6 xấu; chỉ do lẽ hoặc hợp thời hay không, đắc trung, đắc chính hay không.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

60. 水 澤 節 THỦY TRẠCH TIẾT

Tiết Tự Quái節 序 卦
Hoán giả ly dã.渙 者 離 也
Vật bất khả dĩ chung ly.物 不 可 以 終 離
Cố thụ chi dĩ Tiết.故 受 之 以 節

Tiết Tự Quái

Hoán là xẻ nghé, tan đàn, phôi pha.

Chia ly, ly mãi ru mà.

Cho nên đến Tiết, Tiết là chừng thôi. 

Hoán là ly tán. Sự đời không thể ly tán mãi, cần phải được tiết chế. Vì thế sau quẻ Hoán là quẻ Tiết. Tiết là điều hòa, là tiết chế. Điều hòa để con người chúng ta hòa điệu cùng hoàn cảnh xã hội, nhân quần và vũ trụ. Tiết chế để cuộc đời chúng ta sống trong kỷ luật, mực thước hợp với lẽ thiên nhiên. Riêng đối với con người, muốn có một đời sống hợp tình, hợp lý, hợp cảnh, hợp thời, một đời sống thảnh thơi, hạnh phúc, cần phải hiểu rõ quẻ Tiết. 

I. Thoán.

Thoán từ.

節 . 亨 . 苦 節 不 可 貞 .

Tiết. Hanh. Khổ tiết bất khả trinh.

Dịch.

Tiết là có độ, có chừng,

Có chừng, có mực hanh thông êm dầm.

Tiết mà cay đắng cho thân,

Thì đâu phải chuyện thế nhân thường lề.

Tiết tức là biết tiết chế, biết điều khiển, chỉ huy cuộc đời mình. Như vậy, cuộc đời mình sẽ được xong xả (Tiết hanh). Còn như không hiểu chữ Tiết cho phải, lại tưởng Tiết là chịu khổ, chịu cực (Khổ Tiết), rồi cứ thế gò bó mình vào những khuôn khổ chật hẹp, những kỷ luật khắt khe, như thế làm sao mà chịu cho lâu được (Bất khả trinh).

Nói đến hai chữ Khổ Tiết, làm ta liên tưởng đến những người vì muốn tu trì, mà đã đi vào con đường khổ hạnh; nhin đói, nhịn khát, chịu nóng, chịu lạnh, thức đêm, thức hôm, gia dĩ còn đánh đập thân xác, coi thân xác như là thù địch. Những sự vi phạm định luật của Trời đất ấy đã làm cho nhiều người trở thành những tội nhân, những tù nhân, sống một cuộc đời khổ sai chung thân, mua chuốc bệnh hoạn cho thể chất, điên loạn cho tâm trí. Chính vì vậy, Dịch chê Khổ tiết. Bất khả trinh. 

Thoán Truyện. Thoán viết.

彖 曰 . 節 亨 . 剛 柔 分 . 而 剛 得 中 . 苦 節 不 可 貞 . 其 道 窮 也 . 說 以 行 險 . 當 位 以 節 . 中 正 以 通 . 天 地 節 而 四 時 成 . 節 以 制 度 . 不 傷 財 . 不 害 民 .

Tiết hanh. Cương nhu phân. Nhi cương đắc trung. Khổ Tiết bất khả trinh. Kỳ đạo cùng dã. Duyệt dĩ hành hiểm. Đáng vị dĩ tiết. Trung chính dĩ thông. Thiên địa tiết nhi tứ thời thành. Tiết dĩ chế độ. Bất thương tài. Bất hại dân.

Dịch.

Thoán rằng: Tiết độ hanh thông,

Cứng mềm, đều đặn, cương trung thêm phần.

Tiết mà cay đắng cho thân,

Thời đâu phải chuyện thế nhân thường lề.

Tiết mà cay đắng, ê chề,

Rồi ra bế tắc, khó bề tới lui.

Trong nguy, lòng vẫn sướng vui,

Ở ăn chừng mực, vị ngôi đàng hoàng.

Chính trung, vẹn nhẽ cương thường,

Tiền trình rộng mở, lối đường hanh thông.

Đất trời có tiết, có chừng,

Bốn mùa mới được nên công thành toàn.

Cầm cân, nẩy mực dân gian,

Biết đường tiết chế, sửa sang mới hào.

Của dân sẽ bớt phí hao.

Đời dân sẽ bớt hư hao, điêu tàn.

Thoán Truyện. Mực thước, tiết độ, sống theo định luật của trời đất, sẽ tạo cho mình một đời sống thung dung, thanh thản, xong xả, thông suốt (Tiết hanh). Tiết tức là biết biện phân rành rẽ các nấc thang giá trị tinh thần, vật chất (Cương nhu phân), lòng sắt son, nhưng vẫn hòa nhịp được với những định luật tự nhiên (Nhi cương đắc trung). Nói là Cương nhu phân, vì quẻ Tiết, trên là Khảm là quẻ Dương cương, dưới là Đoài là quẻ Âm nhu. Nói là Cương đắc trung vì hai Hào Cửu nhị và Cửu ngũ đều là Cương đắc trung.

Không phóng dật, biết tự kiềm chế mình, tự điều khiển mình là một chuyện, nhưng hành hạ, dằn vặt, làm khổ mình lại là chuyện khác. Đi vào đường Khổ Tiết, Khổ ải ấy thì làm sao mà hay được. Thế là đi vào con đường tắc nghẽn vậy (Khổ Tiết bất khả trinh. Kỳ đạo cùng dã).

Còn như biết sống một cuộc đời có mực thước, tiết độ, thời lúc nào cũng được ung dung, thư thái. Gặp gian nguy, cũng vẫn vui (Duyệt dĩ hành hiểm). Đoài là duyệt, Khảm là hiểm. Sống tiết chế, tức là biết sống hòa hợp với mọi địa vị, mọi hoàn cảnh (Dáng vị dĩ tiết), là đi theo đường nghĩa lý, đường trung chính, để tạo cho mình một cuộc đời thông suốt thong thả (Trung chính dĩ thông).

Trời đất vì có mực thước, tiết độ, định luật hẳn hoi, cho nên mới tạo được bốn mùa đẹp đẽ (Thiên địa tiết như tứ thời thành). Cùng một lẽ, nếu ta cai trị dân, mà có tổ chức, có chế độ, có định tắc, thì sẽ chẳng làm hao hụt của dân, làm thiệt hại cho dân (Tiết dĩ chế độ. Bất thương tài. Bất hại dân). Bài học trên của Thoán đã quá rõ rệt vậy. 

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết:

象 曰 . 澤 上 有 水 . 節 . 君 子 以 制 數 度 . 議 德 行 .

Trạch thượng hữu thủy. Tiết. Quân tử dĩ chế số độ. Nghị đức hạnh.

Dịch. Tượng rằng: 

Tiết là có nước trên hồ,

Cho nên quân tử phải cho rạch ròi.

Lập ra số độ hẳn hoi,

Biện phân đức hạnh, cơ ngơi tỏ tường.

Trong trời đất, mọi sự đã được tổ chức, có độ, có số, có lượng hẳn hoi. Sách Minh Triết viết: Nhưng Chúa đã tổ chức mọi sự bằng độ, bằng số và bằng trọng lượng. (Livre de la Sagesse 11, 20). Người quân tử bắt chước Trời, bắt chước thiên nhiên, cũng chế ra số độ để cân nhắc, đoán định về vạn vật; và cũng nghị luận xem thế nào là đức hạnh thật.

Thế nào là một người đức hạnh? Đó là một người có:

-Tâm thần sáng suốt, thông minh, thanh thản.

-Tâm hồn cao đẹp, ưa chuộng những điều cao quí.

-Phẩm hạnh cao khiết.

-Là một người thành khẩn, hòa nhã với mọi người.

1. Xác chất có ăn uống mới sống, tinh thần cũng vậy có ăn uống mới sống. Lương thực của tinh thần, chính là những tư tưởng cao đẹp của Thánh hiền, mọi nơi, mọi đời. Vậy ta nên đọc sách Thánh hiền.

2. Ngọc ngà có chau chuốt mới trở nên đẹp đẽ được. Tâm hồn có tu luyện mới trở nên cao quí. Tu luyện tâm thần là dùng thời gian, hoàn cảnh, để phát triển hết tiềm năng, tiềm lực mình, để tiến tới tinh hoa cao đại, thực hiện lý tưởng hoàn thiện đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mình, làm phóng phát, triển dương Đạo Thể đã có sẵn trong lòng mình. Phật giáo gọi là Phật tính, hay Pháp thân. Lão giáo gọi đó là Thánh thai. Thánh Justin xưa gọi đó là Logos spermatikos (Apologia 11, 13). Vậy ta cố thực hiện cái Đạo tâm, Đạo thể đó.

3. Ánh sáng cũng như Sức lực, nếu tản mạn thì yếu, nếu tập trung lại được thì mạnh. Tinh thần ta cũng theo một định luật đó. Tất cả những phương pháp tham thiền, nhập định xưa nay, là cốt tập trung tinh thần mà thôi.

4. Nhịn ăn, nhịn tình, hành hạ xác thân, thực ra cũng có thể kích thích trí não như những loại ma túy, nhưng cũng có thể làm con người trở nên điên loạn như ma túy.

Dùng những phương pháp nhân tạo ấy để đi vội vào đời sống tinh thần, đạo đức, làm cho Tinh thần, Thần Linh sớm xuất hiện, thường không mang lại kết quả mong muốn, mà lại gây ra cho con người những thác loạn tâm thần chẳng hay.

 Tinh thần…Thần linh…phải có thời gian mới xuất hiện được. Cũng như hoa trái phải có thời gian mới xuất sinh. Nơi con người, phải tới một lứa tuổi nào, đời sống đạo hạnh mới trở nên tự nhiên được. Hiểu như vậy, mới đỡ thân làm tội đời.

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Cửu. 

初 九 . 不 出 戶 庭 . 無 咎 .

象 曰 . 不 出 戶 庭 . 知 通 塞 也 .

Sơ Cửu. 

Bất xuất hộ đình. Vô cữu.

Tượng viết:

Bất xuất hộ đình. Tri thông tắc dã.

Dịch. 

Chẳng ra khỏi cửa, khỏi nhà,

Thế mà chẳng lỗi, thế mà vẫn hay.

Tượng rằng:

Chẳng ra khỏi cửa, khỏi nhà,

Biết chiều thông tắc, biết đà tiến lui.

Sơ Cửu. Sinh ra đời, phải biết thủ thân, tự trọng. Khi thấy thời cơ không thuận tiện, thời chẳng xuất đầu lộ diện mà chi. (Hộ là cửa nhà, Đình là sân). Thế là biết nhẽ cùng thông vậy (Bất xuất hộ đình. Tri thông tắc dã).

2. Hào Cửu nhị.

九 二 . 不 出 門 庭 . 凶 .

象 曰 . 不 出 門 庭 凶 . 失 時 極 也 .

Cửu nhị.

Bất xuất môn đình. Hung.

Tượng viết:

Bất xuất môn đình hung. Thất thời cực dã.

Dịch.

Chẳng ra khỏi cổng, khỏi nhà,

Ẩn khi phải hiện, thế là chẳng hay.

Tượng rằng:

Chẳng ra khỏi cổng, chẳng hay,

Lỗi thời quá mức, thế này còn chi.

Cửu nhị. Những khi đáng giúp nước, giúp đời mà mình lại ẩn cư, thời lại là xấu. Nhan Hồi không gặp thời, mà ẩn cư, thời đã đành. Chứ như Đại Võ, hay Ích Tắc, đương được vua Thuấn giao cho trọng trách mà đòi rút lui, thì đâu có phải. Mới hay quân tử phải Tri thời, thức biến để hành xử cho phải.

Tượng cho rằng: Sự qui ẩn ở đây, sở dĩ dở là vì trái thời tiết (Bất xuất môn đình hung. Thất thời cực dã).

Ta có thể dùng sự tích Bá Lý Hề và Kiển Thúc để minh giải cả hai Hào Sơ Cửu và Cửu nhị trên. Tần Mục Công biết tài Bá Lý Hề rồi, bèn muốn phong làm thượng khanh. Bá Lý Hề từ chối mà rằng: Tài tôi chẳng bằng bạn hữu của tôi, người ấy tên là Kiển Thúc, lấn hơn tôi thập bội. Nếu Chúa công muốn cho nước nhà thịnh trị, thì xin dùng Kiển Thúc, còn tôi thì để phụ theo, như vậy thì nghiệp bá mới nên. Mục Công hỏi lý do, Bá Lý Hề đáp: Kiển Thúc là người hiền… Lúc trước tôi trôi nổi qua Tề, ý muốn ra phò Công Tôn Vô Tri, Kiển Thúc cản tôi rằng chẳng nên. Tôi nghe lời, nên mới khỏi hoạ với Vô Tri. Kế tôi sang qua Châu, cũng muốn ra phò Vương Tử Thoát, Kiển Thúc cũng cản tôi rằng không nên, tôi cũng nghe theo lời, nên mới khỏi cái hoạ với Tử Thoát. Sau tôi trở về nước Ngu, muốn ra phò Ngu Công, Kiển Thúc cũng cản tôi rằng chẳng nên. Lúc ấy, tôi bị cùng khốn quá đỗi, nên vì tham tước lộc mà cãi lời người, ở lại phò đỡ Ngu Công, nên sau bị nước Tấn bắt. Đã hai phen, tôi nghe theo lời người, đều được khỏi hoạ; mới cãi có một phen, mà thân bị hại. Vậy thì người ấy có trí hơn tôi xa lắm, nay về ẩn nơi làng Minh Lộc bên nước Tống. Chúa Công hãy mời về cho sớm mà dùng.

Tần Mục Công liền cho người đi mời Kiển Thúc về, đều phong cho Kiển Thúc và Bá Lý Hề làm Thừa tướng.

Quả nhiên, Kiển Thúc và Bá Lý Hề giúp Tần Mục Công lập nên nghiêp bá (Võ Minh Trí dịch, Đông Châu Liệt quốc, trang 342- 352). Ta thấy Bá Lý Hề, lúc không nên xuất chính, mà xuất chính, nên bị tai hoạ. Còn Kiển Thúc, lúc không nên xuất chính thì qui ẩn, lúc nên xuất chính thì ra làm Thừa tướng, giúp Tần Mục Công lập được nghiệp bá. Như vậy, chẳng là Tri thời thức biến hay sao? Nếu khi Tần Mục Công mời, mà Kiển Thúc cứ khăng khăng đòi ẩn cư, thì thất thời biết là bao.

3. Hào Lục tam.

六 三 . 不 節 若 . 則 嗟 若 . 無 咎 .

象 曰 . 不 節 之 嗟 . 又 誰 咎 也 .

Lục tam.

Bất Tiết nhược. Tắc ta nhược. Vô cữu.

Tượng viết:

Bất Tiết chi ta. Hựu thùy cữu dã.

Dịch.

Sống không có mực, có chừng,

Rồi ra than thở, hỏi rằng lỗi ai.

Tượng rằng:

Buông tung, đến phải thở than,

Mình làm, mình chịu phàn nàn làm chi.

Lục tam Âm nhu bất trung, bất chính, cưỡi lên trên hai Hào Dương, sắp lâm vào Khảm hiểm, mà lại không biết tiết chế, điều khiển mình (Bất Tiết nhược), thì tránh sao mà khỏi phàn nàn (Tắc ta nhược). Suy rộng ra, nếu con người sống buông tung, bỏ vãi, phóng túng dục tình, rồi ra rước lấy bệnh tật, hoạ tai, thì làm sao tránh khỏi phàn nàn được. Mình làm mình chịu, hỏi còn trách ai (Vô Cữu).

Không tiết chế, điều khiển được mình, để rồi phải phàn nàn, thời còn đổ lỗi cho ai? (Bất Tiết chi ta. Hựu thùy cữu dã).

4. Hào Lục tứ.

六 四 . 安 節 . 亨 .

象 曰 . 安 節 之 亨 . 承 上 道 也 .

Lục tứ.

An Tiết. Hanh.  

Tượng viết:

An Tiết chi hanh Thừa thượng đạo dã.

Dịch.

Ung dung, chừng mực, thời hay,

Tượng rằng:

Ung dung, chừng mực thời hay,

Với trên theo được đường ngay, nẻo lành.

Lục tứ. Tiết chế được mình một cách tự nhiên, như vậy mới thung dung, xong xả. Theo được định luật thiên nhiên một cách an nhiên, tự tại, thời tốt đẹp biết mấy mươi. Cái hay của Lục tứ ở đây, chính là theo được con đường trung chính mà Cửu ngũ đã vạch ra (Thừa thượng đạo dã). 

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 . 甘 節 . 吉 . 往 有 尚 .

象 曰 . 甘 節 之 吉 . 居 位 中 也 .

Cửu ngũ. 

Cam Tiết. Cát. Vãng hữu thượng.

Tượng viết:

Cam Tiết chi cát. Cư vị trung dã.

Dịch.

Tiết mà thanh thản, mới hay

Làm gì cũng được mắn may, an lành.

Tượng rằng:

Tiết mà thanh thản mới hay,

Vị ngôi xứng đáng, xứng tày ấm êm.

Ở ngôi Cửu ngũ, mà tạo cho mình được một đời sống hạnh phúc, khuôn theo những định luật đất trời, thì hay biết bao nhiêu (Cam Tiết. Cát). Nếu đem thực thi, áp dụng cho người nữa, thì thực đáng khen (Vãng hữu thượng dã).

Sống hay, sống giỏi, sống thuận theo những điều kiện thiên nhiên, lý tưởng nhất, cho nên tốt lành (Cam Tiết chi cát. Cư vị trung dã).

6. Hào Thượng Lục. 

上 六 . 苦 節 . 貞 凶 . 悔 亡 .

象 曰 . 苦 節 貞 凶 . 其 道 窮 也 .

Thượng Lục.

Khổ Tiết. Trinh hung. Hối vong.

Tượng viết:

Khổ Tiết trinh hung. Kỳ đạo cùng dã.

Dịch.

Tiết mà Khổ Tiết ê chề,

Khư khư Khổ Tiết, nhiều bề hung tai.

Biết điều hối lỗi, sửa sai.

Rồi ra may mắn, thoát bài họa hung.

Tượng rằng: Tiết mà khổ sở, ê chề

Khư khư Khổ Tiết, nhiều bề họa hung.

Thế là gặp bước đường cùng.

Thượng Lục. Đi vào con đường khổ hạnh, gò bó mình vào trong những khuôn khổ chật hẹp, kỷ luật khắt khe, lại còn kéo dài đời sống mình trong tình trạng ấy, thì thật là xấu (Khổ Tiết. Trinh hung). Tại sao mình lại tự đầy đoạ mình như vậy, trong khi cánh hoa còn biết đón hơi sương, con chim còn biết hót, biết ca, còn biết tung bay thoải mái (Hối vong).

Làm khổ mình, mà tưởng làm theo ý Trời, tưởng thoát tục, thành Tiên, thì thực đã đi vào con đường cùng vậy. (Khổ Tiết trinh hung. Kỳ đạo cùng dã).

 ÁP DỤNG QUẺ TIẾT VÀO THỜI ĐẠI

Như Dịch kinh đã dạy ta: Hồ dù to mấy cũng chỉ chứa được một số nước nhất định. Nhiều quá sẽ tràn ra bên ngoài. Con người chúng ta cũng vậy. Con người sinh ra đời, phải sống theo nghĩa lý, sống theo định luật trời đất, không được làm gì thái quá, như vậy mới được sung sướng.

Xưa Đức Phật mới đi tu, cũng không biết phải tiết độ ra sao, nên đã đi vào con đường Khổ Tiết, nhịn đói, nhịn khát, ngày ăn vài hột cơm, nên đã suy nhược gần chết. May mà Ngài được thôn nữ dâng cho bình sữa. Ngài uống vào mới dần dần tỉnh lại. Ngài suy ra con đường khổ tiết là con đường cực đoan, không phải là Trung đạo, nên lập tức thay đổi cách sống, không theo con đường này nữa.

Nhiều dòng tu Công Giáo xưa, cũng chỉ lo ăn chay, đền tội, coi xác thân như là kẻ thù địch, nên đã đánh tội bằng cách đánh mình mỗi tuần 40, 50 roi đòn, lại mặc áo nhặm, hãm mình, ăn chay, nằm lạnh. Kết quả, là nhiều người đã bị lao, bị bệnh. Như vậy, có hay đâu.

Đạo Lão, trái lại dạy phải Tính Mệnh Song Tu, nghĩa là phải có một tâm hồn (Tính), và một xác thân khang kiện (Mệnh). Như vậy, mới là đúng cách tu luyện.

Người đời trái lại, nhiều khi rượu chè bí tỉ, hút sách, điếm đàng, chơi bời trác táng. Thật đáng thương thay!

Nhưng hễ ta làm gì quá trớn, thì Trời sẽ cảnh cáo ta ngay: như khi quá chén, thì Trời cho nôn mửa, nhức đầu. Nếu ta nghe theo mà hồi đầu, thì sẽ không sao. Còn cứ bất chấp, thói nào, tật nấy, thì sẽ cho bệnh hoạn. Như rượu chè quá độ thì sẽ cho bị cứng gan, sơ gan. Hút thuốc quá nhiều, sẽ cho bị ung thư phổi vv… Tức là, nếu không sớm rút lui, sẽ cho bị nhiều bệnh bất trị.

Quẻ Tiết dạy ta tiết độ, nhưng không dạy ta Khổ Tiết, mà chỉ dạy ta An Tiết, Cam Tiết, nghĩa là phải sống cho vui, cho đẹp. Thật là hết sức đẹp đẽ. Nếu ta biết áp dụng cho đúng quẻ Tiết vào cuộc đời ta, thì ta sẽ được an vui, thoải mái, và sẽ thấy thật sự Tu là cõi phúc.

Thật ra, chúng ta là những cân Tiểu Ly, hết sức bén nhậy, dùng để cân lường những gì đẹp đẽ, những gì vi tế của Trời Đất. Dùng sai, dùng bậy, là lỗi tại ta, không còn trách cứ ai được.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

60.Thủy Trạch Tiết

Tên quẻ: Tiết là Chỉ (hữu hạn nhi chỉ, đến một thời gian nào thì ngừng, có chừng mực, có tiết độ, tiết tháo, tiết chế .

Thuộc tháng 11

Lời tượng

Trạch thượng hữu thủy: Tiết, quân tử dĩ chế số độ, nghị đức hạnh

Lược nghĩa

Trên đầm có nước là quẻ Tiết (chừng mực Người quân tử lấy đấy mà chế ra độ số và nghị luận về đức hạnh.

Hà Lạc giải đoán

Những tuổi nạp giáp:

Đinh: Tỵ, Mão, Sửu

Mậu: Thân, Tuất, Tý

Lại sanh tháng 11 là cách công danh phú quý.

THƠ RẰNG:

Đường đi hiểm trở thì thôi,

Giữ mình tiết độ, an vui dễ dàng

Niềm vui cũng phải có chừng

Kiêu dâm vô độ sẵn sàng biến hung.

HÀO 1 DƯƠNG: Bất xuất hộ đinh, vô cửu

Lược nghĩa

Chẳng ra khỏi cổng sân, không lỗi gì

Hà Lạc giải đoán

Ý hào: Liệu thời mà tự thủ khỏi nhục.

Mệnh hợp cách: Học rộng cổ kim, thấu lẽ thông tắc giữ chức bên trong, hoặc việc công chính, lớn thì ở trung ương, nhỏ thì ở quận xã (hộ tịch, nhân khẩu

Mệnh không hợp: Cẩn thủ, không cạnh tranh, khỏi tai hại.

XEM TUẾ VẬN:

– Quan chức: Cứ ở trung ương, không ra ngoài

– Giới sĩ: Tiến thủ được

– Người thường: Nên thủ cựu

Số xấu có triệu chứng bị mắc kẹt, bế tắc.

THƠ RẰNG:

Ngồi nhà tên tuổi thơm hương,

Chờ ngày sáng sủa, đi phương Bắc Đoài

HÀO 2 DƯƠNG: Bất xuất môn đình, hung

Lược nghĩa

Chẳng ra khỏi cửa và sân thì xấu (Cư trung lại có ứng đồng đức thì nên lưu thông đừng bắt chước hào sơ, ngồi nhà .

Hà Lạc giải đoán

Ý hào: Thời đen tối mà thủ kỹ giữ mình quá cũng không hay.

Mệnh hợp cách: Có tài mà chẳng biết sử dụng, gặp thời mà chẳng biết tiến thủ, giữ châu báu để nước mê man, giữ thân trong sạch lúc đời loạn luân.

Mệnh không hợp: Quê mùa, thông đạt nhân tình, khốn khổ giữ tiết, chẳng dám làm gì.

XEM TUẾ VẬN:

– Quan chức và Giới sĩ: Mất thời cơ, không sáng suốt nên khó tiến thủ

– Người thường: Không thông thạo, có dự tính đáng làm lại không làm, đáng đi ra ngoài thì cứ ru rú ở nhà, đại khái nên hoạt động, không nên im lìm.

THƠ RẰNG:

Thời tiến nên tiến, chớ ngừng,

Có người giúp đỡ thôi đừng trì nghi

HÀO 3 ÂM: Bất tiết nhược, tắc ta nhược, vô cửu

Lược nghĩa

Chẳng giữ chừng mực như thế, thời than thở như thế, không biết trách lỗi ai

Hà Lạc giải đoán

Ý hào: Không giữ chừng mực đến nổi phải lo

Mệnh hợp cách: Tuy ngồi địa vị, ăn lộc nước, mà chẳng biết cách chế độ để tổn tài hại dân, buồn thảm.

Mệnh không hợp: Chuyên giao nịnh, đi quá kỷ phận mà cơm áo cũng chẳng dư, sau gặp nhiều trở ngại.

XEM TUẾ VẬN:

– Quan chức: Xa xỉ bê bối đến cùng nguy

– Giới sĩ: Kém đức hằng, nên xấu bỏ

– Người thường: Phí phạm, không từng trải.

THƠ RẰNG:

Than van rồi cười nói,

Nhà nát phải trùng tu

Có Mộc quân đầu đến

Đỡ đần của mùa thu

HÀO 4 ÂM: An tiết, hanh.

Lược nghĩa

An vui về việc giữ chừng mực nên hanh thông

Hà Lạc giải đoán

Ý hào: Yên phận phụ tá nên thành công sữa trị

Mệnh hợp cách: Nguyên thủ không quên hiến pháp, người cộng tác không quên thừa thuận tiết độ, phúc trạch được lâu bền.

Mệnh không hợp: Cũng suốt đời an ổn, không có việc đổ vỡ, phu nhân thì thuần chồng con để làm việc nhà.

XEM TUẾ VẬN:

– Quan chức: Trọng mệnh trời và vỗ về dân tình, mệnh làm việc ủy lạo tốt.

– Giới sĩ: Thành danh, nêu cao pháp luật.

– Người thường: Kính trên, thờ Tổ được phúc.

THƠ RẰNG:

Lộc tài kiệm ước nên thừa,

Giữ thân chừng mực bao giờ cũng hay

HÀO 5 DƯƠNG: Cam tiết, cát, vãng, hữu thượng

Lược nghĩa

Chừng mực một cách ngon ngọi, tiến đi còn có sùng thượng nữa

Hà Lạc giải đoán

Ý hào: Chừng mực tốt lành, vui vẻ

Mệnh hợp cách: Lập chế độ, nghị đức hạnh, thành công đương thời, lưu tiếng đời sau.

Mệnh không hợp: Cũng chẳng cạnh tranh, không xa hoa, an bần cẩu thả.

XEM TUẾ VẬN:

– Quan chức và giới sĩ: Có thăng chuyển, đạt được.

– Người thường: Mưu vọng toại ý

THƠ RẰNG:

Đầu cành thước đã báo tin,

Thang mây sẵn đó, hoa đèn đẹp kia

HÀO 6 ÂM: Khổ tiết, trinh trung, hối vong

Lược nghĩa

Khổ sở về việc giữ tiết (vì thái quá cứ cố giữ nữa thì xấu, biết hối hận thì khỏi xấu.

Hà Lạc giải đoán

Ý hào: Giữ tiết, quá đáng cho nên xấu

Mệnh hợp cách: Kiệm ước, liêm khiết, giảm phí, giản dị, cũng có vẻ không hợp nhân tình, nhưng cũng không tổn tài hại vật.

Mệnh không hợp: Quê, lận, sẻn, có tổ nghiệp mà không biết biến thông, ít hợp nhân tình, khó tránh hối hận.

XEM TUẾ VẬN:

– Quan chức: Cố chấp quá nên hối

– Giới sĩ: Quá nghi ngại, nên than van

– Người thường: Đi quá lố, cầu danh lợi chẳng ăn thua gì. Người già giảm thọ.

THƠ RẰNG:

Việc đời cũng biến, tắc thông

Đừng nên cố chấp chỉ hung ích gì.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)


Chương 63: Quẻ THỦY TRẠCH TIẾT (cập nhật 17/05/2024)


Tìm kiếm thêm bài có từ khóa:
Tuyên bố trách nhiệm từ Kabala: 1. Không nên coi những tính toán và nội dung bên trên làm cơ sở duy nhất cho mỗi quyết định. Cuộc đời còn phức tạp hơn nhiều những luận đoán này.
2. Hôm nay là huyền học, ngày mai là vật lí học. Mỗi môn khoa học đều chứa một phần sự thật và đều chứa một phần không chính xác.
3. Một ngày có thể là may, có thể là rủi, kết quả sẽ khác đi phụ thuộc vào việc ta làm gì và hành động như thế nào. Cái rủi dạy cho ta một bài học, cái may khiến ta lười biếng.
4. Sự lựa chọn mạnh hơn cả số phận. Sự lựa chọn chi phối số phận. Quên đi điều đó thật dễ dàng nên chúng ta thường tiếp tục bỏ qua. Đó chính là nguy hiểm và là nguy cơ tiềm ẩn trong các môn mệnh lí.
5. Không nên chờ đợi sự tiên đoán số phận nói với chúng ta điều gì về tương lai, vì tương lai trở thành những trang lịch sử khi chúng ta viết nên chúng. Số phận là sự có thể, lịch sử là cái chúng ta biến sự có thể thành hiện thực.
6. Kabala Huyền học sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)