64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
|::::: Địa Lôi Phục (復 fù)
Quẻ Địa Lôi Phục, đồ hình |::::: còn gọi là quẻ Phục (復 fu4), là quẻ thứ 24 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☳ (|:: 震 zhen4) Chấn hay Sấm (雷).
* Ngoại quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).
Giải nghĩa: Phản dã. Tái hồi. Lại có, trở về, bên ngoài, phản phục. Sơn ngoại thanh sơn chi tượng: tượng ngoài núi lại còn có núi nữa.
Vật không bao giờ tới cùng tận; quẻ Bác, hào dương ở trên cùng thì lại quay trở xuống ở dưới cùng (cùng thượng phản hạ); cho nên sau quẻ Bác tới quẻ Phục. Phục là trở lại (phát sinh ở dưới). Như vậy là đạo tiểu nhân thịnh cực thì phải tiêu, đạo quân tử suy cực thì lại thịnh lần.
Thoán từ
復: 亨, 出入无疾, 朋來无咎.
反復其道, 七日來復, 利有攸往
Phục: Hanh, Xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu.
Phản phục kì đạo, thất nhật lai phục, lợi hữu du vãng.
Dịch: Trở lại: Hanh thông. Ra vào không gặp tai nạn, bạn bè sẽ lần lượt tới, không lầm lỗi nữa. Vận trời phản phục (tráo đi trở lại), cứ bảy ngày thì trở lại, hành động việc gì cũng có lợi.
Giảng: Khí dương bây giờ trở lại, cho nên hanh thông. Người quân tử (dương) ra vào tự do, không bị tai nạn; rồi sẽ có các hào dương khác kéo nhau tới, cũng như bạn bè tới, không còn lầm lỗi nữa (ý muốn nói; sau quẻ này sẽ tới quẻ Lâm, có hai hào dương ở dưới, rồi tới quẻ Thái, có ba hào dương ở dưới, tới quẻ Đại tráng (4 hào dương) quẻ Quải, (5 hào dương) quẻ Càn (cả 6 hào đều dương), thế là sáu quẻ dương cứ tăng lần. đó là vận phản phục của trời đất, cứ bảy ngày thì trở lại. Chữ nhật (ngày) ở đây thay cho chữ hào; bảy ngày mới trở lại vì sau quẻ Càn, tới quẻ Cấu, một hào âm sinh ở dưới 5 hào dương, ngược lại với quẻ Phục (một hào dương ở dưới 5 hào âm), lúc đó mới hết một vòng (1).
Thoán truyện giảng thêm: Sở dĩ ra vào không bị tai nạn, bạn bè kéo tới, không còn lầm lỗi, vì tượng của quẻ: nội quái Chấn là động, ngoại quái Khôn là thuận; hoạt động mà thuận theo đạo trời thì tốt. Cái đạo của trời đó là tĩnh lâu rôi thì động, ác nhiều rồi thì thiện, có vậy vạn vật mới sinh sôi nẩy nở. Xem quẻ Phục này thấy một hào dương bắt đầu trở lại, tức là thấy cái lòng yêu, nuôi dưỡng vạn vật của trời đất (kiến thiên địa chí tâm).
Đại tượng truyện bảo các vua đời xưa tới ngày đông chí, ngày mà dương bắt đầu sinh (tượng của quẻ Phục: sấm nấp ở dưới đất) thì đóng các cửa ải, không cho khách đi đường và con buôn qua lại mà vua cũng không đi xem xét các địa phương, là có ý muốn yên lặng để nuôi cái khí dương mới sinh.
Hào từ
1. 初九: 不遠復, 无祇悔, 元吉.
Sơ cửu: Bất viễn phục, vô kì hối, nguyên cát.
Dịch: Hào 1, dương. Tuy lầm lỗi nhưng thời gian chẳng xa, trở lại tốt lành ngay, thì không đến nỗi ăn năn lớn; rất tốt (chữ Kì ở đây có nghĩa là lớn).
Giảng: Hào 1, dương cương, ở đầu quẻ Phục, có nghĩa là người đầu tiên trở lại đạo, biết tu thân, nên rất tốt.
Theo Hệ từ hạ truyện chương V, thì Khổng tử cho rằng Nhan Hồi có đức của hào 1 này, vì Nhan có lỗi lầm gì thì biết ngay mà biết rồi thì sửa liền không mắc lần thứ nhì nữa.
2. 六二: 休復, 吉.
Lục nhị: Hưu phục, cát.
Dịch: Hào 2, âm: Trở lại đẹp đẽ (hữu), tốt.
Giảng: Hào này âm nhu đắc trung, chính, vốn tốt rồi, mà lại ở gần hào 1 là người quân tử, tức là người biết khắc kỉ, trở lại đạo nhân nghĩa; cho nên tuy là âm mà tốt lành.
3. 六三: 頻復, 厲, 无咎.
Lục tam: Tần phục, lệ, vô cửu.
Dịch: hào 3, âm (Mắc lỗi nhưng) sửa lại nhiều lần, tuy đáng nguy, mà kết quả không có lỗi.
Giảng: Hào này bất trung, bất chính, lại ở thời cuối cùng của nội quái Chấn (có nghĩa là động), ví như người không bền chí, theo điều thiện không được lâu, sửa lỗi rồi lại mắc lỗi trở lại, như thế là đáng nguy (lệ), nhưng lại biết phục thiện sửa đi sửa lại nhiều lần, nên rốt cuộc không có lỗi.
4. 六四: 中行, 獨復.
Lục tứ: Trung hành, độc phục.
Dịch: Hào 4, âm: ở giữa các tiểu nhân (các hào âm: 2,3 và 5,6 ) mà một mình trở lại theo quân tử (hào 1), tức theo đạo.
Giảng: hào này âm nhu, đắc chính ở giữa các hào âm, nhưng chỉ một mình nó ứng với hào 1 là dương, quân tử, cho nên Hào từ khen là một mình nó biết theo người thiện.
5. 六五: 敦復, 无悔.
Lục ngũ: Đôn phục, vô hối.
Dịch: Hào 5, âm: Có đức dày trở lại điều thiện, không có gì hối hận.
Giảng: Hào này nhu thuận, đắc trung lại ở vị tôn quí, như một người có đức dày phục thiện (trở lại điều thiện), biết tự sửa mình, cho nên không hối hận.
6. 上六: 迷復, 凶.有災眚.用行師, 終有大敗, 以其國君凶, 至于十年, 不克征.
Thượng lục: Mê phục, hung, hữu tai sảnh,
Dụng hành sư, chung hữu đại bại, dĩ kì quốc quân hung, chí vu thập niên, bất khắc chính.
Dịch: Hào trên cùng, âm: Mê muội, không trở lại, sẽ bị tai vạ từ ngoài đưa đến (tai) và tự mình gây nên (sảnh); đã vậy lại cậy võ lực mà dùng quân đàn áp người, rốt cuộc sẽ đại bại, làm cho quốc quân cũng bị khốn nạn (hung), tới mười năm (tới chung cục) cũng không khá được.
Giảng: hào này ở trên cùng, như kẻ tiểu nhân hôn mê đến cùng cực, không biết trở lại, cho nên bị đủ thứ tai vạ. Nó có thế lực nhất trong các hào âm (đám tiểu nhân ) vì ở trên cùng, muốn dùng võ lực đàn áp người, rốt cuộc sẽ đại bại, gây vạ lây cho nước nó, không bao giờ khá được. Chữ thập (số 10) là số cuối cùng (số 1 là số đầu) cho nên thập niên ở đây có nghĩa là tới cùng, chớ không nhất định là 10 năm.
Tiểu tượng truyện bảo hào trên cùng này sở dĩ hung là vì làm trái đạo vua (phản quân đạo), tức đạo của hào 1. Hào 1 này là hào dương duy nhất trong quẻ, làm chủ cả quẻ cho nên gọi là vua.
***
Quẻ này xét về sự sửa lỗi để trở về đường chính. Tốt nhất là hạng người tự nhận thấy lỗi rồi sửa liền, không mắc phải lần nữa, rồi tới hạng ở gần người tốt, mà bắt chước vui vẻ làm điều nhân, nghĩa; sau tới hạng có đức dày trở lại điều thiện, hạng ở giữa kẻ xấu mà một mình theo đạo; hạng không bền chí, giữ điều thiện được lâu, nhưng biết phục thiện thì cũng không lỗi.
Xấu nhất là hạng mê muội không biết trở lại đường chính. Ý nghĩa không có gì đặc biệt.
“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
24. 地 雷 復 ĐỊA LÔI PHỤC
Phục Tự Quái | 復 序 卦 |
Bác giả bác dã. | 剝 者 剝 也 |
Vật bất khả dĩ chung tận. | 物 不 可 以 終 盡。 |
Bác cùng thượng phản hạ. | 剝 窮 上 反 下, |
Cố thụ chi dĩ Phục. | 故 受 之 以 復。 |
Phục Tự Quái
Sự đời đâu mãi tan hoang,
Bác cùng trên dưới, đôi đàng trở trăn.
Cho nên Phục đã theo chân…
Quẻ Phục là một trong những quẻ quan trọng của Dịch kinh; nói lên được lẽ Âm Dương tiêu trưởng, lẽ phản phục của Trời Đất và của tâm lý con người. Từ xưa tới nay, các nhà bình giải cũng đã nhận định được rằng: Quẻ Phục đề cập đến 2 vấn đề:
– Sư hồi phục của khí Dương.
– Sự hồi phục của nhân tâm về cùng đạo lý.
Ngày nay, với sự tiến triển của Khoa Học, với sự phổ biến của các Triết thuyết Âu. Á, ta có thể bàn rộng hơn về lẽ phản phục của Đất, Trời, cũng như của Lịch sử.
A. Phục đánh dấu 1 thời kỳ mà vũ trụ sẽ bắt đầu co lại. Vì nếu vũ trụ khuếch tán được, triển dương được, thì cũng có thể co lại được, phản phục được. (M. Sénard , Le Zodiaque, Le Capricorne, p. 376).
Cũng một nhẽ, thời gian cũng có thể phản phục được, vì thời gian gắn liền với không gian. Cho tới ngày nay, ít ai nghĩ được rằng thời gian cũng có hai chiều, hai hướng, cũng có thể vãng phục như không gian.
B. Phục đứng về phương diện tiết khí, là lúc mà sinh khí phục hồi. Trong ngày Đông Chí, khi mà vạn vật trên mặt đất như đang muốn chết cóng vì gió sương, băng tuyết, thì ở dưới lòng đất, Dương khí phục sinh, để chuẩn bị cho gian trần một mùa Xuân mới, để đem lại cho muôn loài một luồng sinh khí mới.
C. Phục cũng vẽ lại con đường phiêu lãng của vừng Dương. Phục xét về phương diện Lịch số là ngày Đông Chí, là ngày mà vừng Dương như dừng gót lại, để trở về sống gần gũi với Trái Đất & Vạn vật hơn.
Các dân tộc xưa thường ăn mừng ngày Đông chí, để đáng dấu sự phục sinh của Mặt Trời, của thần Mithra.
Từ thế kỷ thứ Tư, Giáo Hội La Mã cũng theo tục lệ của dân gian, mà ăn mừng Lễ Sinh Nhật vào ngày 25 tháng chạp, tức là vài ngày sau tiết Đông Chí.
D. Xét về phương diện Lịch sử, thì khi tới quẻ Phục, nhân loại đã đạt tới một mức độ văn minh vật chất tuyệt đích.
E. Đối với con người. Quẻ Phục là lúc con người trở nên minh giác, giác ngộ, biết được Thiên Mệnh, biết được rằng trong lòng mình vốn có sẵn Lòng Trời:
Phục kỳ kiến Thiên địa chi tâm hồ?
Theo Toán Học cổ truyền, con người có thể giác ngộ năm 42, 43 tuổi.
G. Về Triết Lý & Đạo Giáo. Quẻ Phục nêu lên mấy vấn đề:
1) Con người khi nào sẽ kiến Thiên địa chi tâm?
2)Và làm sao biết mình đã kiến Thiên địa chi tâm?
Các nhà bình giải thường cho rằng: chỉ khi nào tâm hồn con người chí hư, chí tĩnh, mới thấy được Thiên địa chi tâm.
Thiên tâm, đạo tâm là nguồn năng lực, là nguồn sinh hóa, cho nên khi đã kiến Thiên Địa chi tâm, ta sẽ thấy tâm hồn chuyển động, nguồn sống trở nên dạt dào, cảm hứng trở nên sôi động, trí tuệ trở nên mẫn tiệp. Nói tóm lại, ta đã trở thành con người mới.
Phục chính là bước đầu của con đường trở lại. Dịch Kinh đề cập quẻ Phục một cách đơn giản.
*Nơi Thoán thì dùng cho sự hồi phục của Dương khí.
* Nơi Tượng thì nói đến tục lệ đời xưa đã theo trong ngày Đông chí.
* Nơi các Hào thì bình luận cung cách con người trở về cùng Đạo Lý.
I. Thoán.
Thoán Từ.
復:亨。 出 入 無 疾,朋 來 無 咎。 反 復 其 道,七 日 來 復,利 有 攸 往。
Phục. Hanh. Xuất nhập vô tật. Bằng lai vô cữu. Phản phục kỳ đạo. Thất nhật lai phục. Lợi hữu du vãng.
Dịch.
Dương về, vận đã hanh thông,
Cho nên xuất nhập thong dong, nhẹ nhàng.
Có thêm bè bạn lo toan,
Rồi ra sẽ hết vấn vương, lỗi lầm.
Đạo Trời phản phục, cùng thông,
Đường đi bảy độ, lại vòng về ngay.
Đường về, vận đã hoá hay.
Làm đi, rồi sẽ có ngày thành công.
Phục là Dương khí mới trở về (Phục), và sẽ hứa hẹn một vận hội hanh thông mới (Hanh). Người quân tử tuy biết rằng: Cơ phục hồi đạo lý đã trở lại, nhưng chớ nên vội vàng, chớ nên hấp tấp mà hại cho đạo lý, cho lý tưởng (Xuất nhập vô tật). Hãy ráng chờ cho thêm đồng tâm, đồng chí (Bằng lai), rồi mới tránh khỏi được những chuyện lỗi lầm (Vô cữu).
Cơ Trời muốn phục hồi, phải qua hết 6 giai đoạn biến hóa, đó là: Cấu ( tháng 5), Độn (tháng 6), Bĩ (tháng 7), Quan (tháng 8), Bác (tháng 9), Khôn (tháng 10). Thiên vận, thế vận, phải đi cho cùng đường biến hoá, từ tinh thần ra đến vật chất, rồi mới có thể quay ngược trở lại được. Trở về đến quẻ Phục, tức là giai đoạn thứ bảy. Lúc ấy người quân tử mới có cơ hội hoạt động (Phản phục kỳ đạo thất nhật lai phục. Lợi hữu du vãng).
Thoán truyện.
彖 曰 : 復 亨 ﹔ 剛 反,動 而 以 順 行,是 以 出 入 無 疾,朋 來 無 咎。反 復 其 道,七 日 來 復,天 行 也。 利 有 攸 往,剛 長 也。 復 其 見 天 地 之 心 乎?
Thoán viết:
Phục hanh. Cương phản. Động nhi dĩ thuận hành. Thị dĩ xuất nhập vô tật.
Bằng lai vô cữu. Phản phục kỳ đạo. Thất nhật lai phục. Thiên hành dã.
Lợi hữu du vãng. Cương trưởng dã. Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ.
Dịch.
Thoán rằng: Vận Phục mà hay,
Là vì Dương cứng tới nay phục hồi,
Động mà vẫn thuận cơ Trời,
Cho nên lui tới thảnh thơi, nhẹ nhàng.
Có thêm bè bạn lo toan,
Xây nền đạo lý, ai than, ai cười.
Vãng lai, phản phục đạo Trời,
Đi đà bảy độ, lại hồi, lại quay.
Làm gì cũng sẽ mắn may,
Là vì Dương vận tới ngày hanh thông,
Phục rồi, được thấy Thiên tâm,
(Vì lòng Trời đất cũng trong lòng người.)
Thoán Truyện đã đưa ra 2 nhận định:
1.) Người quân tử tuy nay gặp hoàn cảnh thuận tiện hơn để hoạt động, nhưng phải hành động cho khéo léo, cho hợp với đạo lý, như vậy mới không chiêu hại cho mình (Động nhi dĩ thuận thị dĩ xuất nhập vô tật.)
2.) Lúc này là lúc con người trở về để tìm cho ra được Thiên địa chi tâm. Tìm ra được Thiên địa chi tâm, chẳng qua là tìm ra được Đạo tâm vi tế trong lòng mình, và nói lên được như Thánh Phao Lồ rằng: Tôi nghĩ tôi có Thần Chúa trong tôi (I Cor. J. 39)
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰 : 雷 在 地 中,復 ; 先 王 以 至 日 閉 關,商 旅 不 行,后 不 省 方。
Tượng viết:
Lôi tại địa trung. Phục. Tiên vương dĩ chí nhật bế quan.
Thương lữ bất hành. Hậu bất tỉnh phương.
Dịch. Tượng rằng:
Phục là lòng đất sấm ran,
Tiên vương Đông chí, cửa quan bế tàng.
Ngược xuôi, vắng bóng khách thương.
Nhà vua tránh chẳng lên đường tuần du.
Tượng Truyện nhắc lại hành động của những vị quân vương xưa trong ngày Đông Chí: Đông chí là ngày Nhất Dương sơ động, chính là lúc ứng vào Hào Sơ quẻ Kiền: Tiềm long vật dụng = Rồng ẩn chớ dùng. Cho nên ngày ấy, đóng cửa quan ải, ngăn cấm khách thương đi lại, và nhà vua cũng không đi tuần thú. Nguyên tắc của các vị quân vương xưa là : Theo Trời mà hành sự, cho nên ngày Thu phân thì truyền cho sửa sang lại cân lạng,(vì là ngày tượng trưng cho sự quân bằng mọi sự = ngày, đêm dài bằng nhau), ngày Đông chí là ngày hàm dưỡng, nghỉ ngơi.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện
Các Hào bàn về sự trở về cùng đạo lý. Nguyên tắc tu thân xưa là: Tu thân dĩ đạo. Tu đạo dĩ nhân = Dùng đạo để tu thân. Lấy sự hoàn thiện để tu đạo.
Tu thân là đi vào con đường hoàn thiện, là để trở nên hoàn thiện, là để tìm cho ra được Thiên địa chi tâm = tìm cho ra được đạo tâm.
1. Hào Sơ Cửu.
初 九. 不 復 遠,無 只 悔,元 吉。
象 曰: 不 遠 之 復,以 修 身 也。
Sơ Cửu: Bất viễn phục. Vô kỳ hối. Nguyên cát.
Tượng viết:
Bất viễn chi phục. Dĩ tu thân dã.
Dịch.
Chưa xa đã biết phục hồi,
Thế thời khỏi hối, thế thời rất may.
Tượng rằng:
Chưa xa đã biết phục hồi,
Tu thân ấy chính cơ ngơi mối giường.
Hào Sơ là nhất Dương sơ động, ám chỉ những hạng người như Nhan Hồi, hăng hái theo đường đạo lý. Tuy chưa phải là Thánh Hiền, tuy hãy còn có những điều lầm lỗi, nhưng lỗi thời biết, biết thời không tái phạm nữa.
Tóm lại, Hào Sơ là những người đã sống gần tới mức lý tưởng, dầu chưa được mười phân vẹn mười, thì cũng đã gần Trời, gần Đạo. Mỗi khi có một tà niệm, một mầm mống bất thiện nào vừa muốn nhô lên trong tâm hồn họ, là họ cố tiêu diệt ngay, vì vậy tâm hồn họ thời thường là như ngọc trắng, gương trong chẳng bợn trần ai, tục lụy. Vì vậy, Hào Sơ này nói lên hai chữ tu thân, tức là đặt căn bản cho công cuộc tu thân vậy.
2. Hào Lục Nhị.
六 二 : 休 復,吉。
象 曰: 休 復 之 吉,以 下 仁 也。
Lục nhị. Hưu phục. Cát.
Tượng viết:
Hưu phục chi cát. Dĩ hạ nhân dã.
Dịch.
Phục hồi đẹp đẽ biết bao!
Tượng rằng:
Phục hồi đẹp đẽ biết bao.
Là vì đã biết nương vào đức nhân.
Hào Lục nhị là hạng người trung chính, lại có cái may mắn ở gần những người hiền đức. Họ là những người thành khẩn, muốn khắc kỷ, phục lễ, lấy sự hoàn thiện làm tiêu chuẩn cho đời mình, và công cuộc tu thân đối với họ cũng chẳng mấy khó khăn. Vì thế, dùng chữ Hưu phục.
Hào hai chỉ nói đến tu thân, đến sự hoàn thiện để làm tiêu chuẩn cho cuộc đời, nên đặc biệt có chữ Nhân.
3. Hào Lục tam.
六 三 : 頻 復,厲 無 咎。
象 曰: 頻 復 之 厲,義 無 咎 也。
Lục tam. Tần phục. Lệ. Vô cữu.
Tượng viết:
Tần phục chi lệ. Nghĩa vô cữu dã.
Dịch.
Trở đi, trở lại nhiều lần,
Tuy rằng nguy hiểm, lỗi lầm chi đâu.
Tượng rằng:
Trở đi, trở lại nhiều lần.
Xét theo nghĩa lý, thì lầm lỗi chi?
Hào Lục tam chỉ những hạng người thiếu nghị lực, nên tuy muốn bỏ điều xấu, mà vẫn không thể dứt bỏ, vẫn sa đi, ngã lại nhiều lần. Mặc dầu vậy, mỗi lần họ sa ngã, là một lần họ ăn năn, họ chỗi dậy. Nếu đã thực tâm hối quá, thì cũng không đáng chê bai.
4. Hào Lục tứ.
六 四 : 中 行 獨 復。
象 曰: 中 行 獨 復,以 從 道 也。
Lục tứ. Trung hành độc phục.
Tượng viết:
Trung hành độc phục. Dĩ tòng đạo dã.
Dịch.
Một mình giữa bọn tiểu nhân,
Thế mà đơn độc hồi tâm, hồi đầu.
Tượng rằng:
Một mình giữa bọn tiểu nhân,
Một mình trở lại theo chân đạo Trời.
Hào Lục tứ Độc Phục chính là những cánh sen trong bùn, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Tuy sống trong hoàn cảnh ngang trái, mà lòng vẫn hướng về lý tưởng, đaọ lý. Sống giữa bầy tiểu nhân, mà lòng vẫn hướng về phía chính nhân, quân tử.
5. Hào Lục ngũ.
六 五 : 敦 復,無 悔。
象 曰: 敦 復 無 悔,中 以 自 考 也。
Lục ngũ. Đôn Phục. Vô hối.
Tượng viết:
Đôn Phục vô hối. Trung dĩ tự khảo dã.
Dịch. Lục ngũ:
Đạo Trời thành khẩn phục luôn.
Hết còn hối hận, tâm xoang an bình.
Tượng rằng:
Đạo Trời thành khẩn phục luôn.
Một mình nghiền ngẫm sớm hôm đạo Trời.
Hào Lục ngũ là hạng người không có cái duyên may mắn gần được người Hiền Thánh, nhưng đã một mình tìm được ra Chân Lý (vì thế gọi là tự khảo), mà khi đã tìm ra được đạo lý rồi, thì nhất tâm giữ vẹn Đạo Trời.
6. Hào Thượng Lục.
上 六 : 爻 辭:迷 復,凶,有 災 眚。用 行 師,終 有 大 敗,
以 其 國 君,凶 ; 至 于 十 年,不 克 征。
象 曰: 迷 復 之 凶,反 君 道 也。
Thượng Lục. Mê Phục. Hung. Hữu tai sảnh. Dụng hành sư.
Chung hữu đại bại. Dĩ kỳ quốc quân hung. Chí vu thập niên bất khắc chinh.
Tượng viết:
Mê phục chi hung. Phản quân đạo dã.
Dịch. Thượng Lục:
Nếu mà mê mẩn, chẳng hồi tâm,
Thời thôi họa hại, thật vô ngần.
Điều động binh đao, âu cũng hỏng,
Dẫu làm vua chúa, vẫn gian truân.
Mê chi, mê mẩn tâm thần.
Suốt đời vẫn chẳng qui tâm, hồi đầu.
Tượng rằng: Mê chẳng phục hồi.
Ấy là phản lại đạo Trời trước sau.
Hào Thượng Cửu: Tuy là ở trong hồi Phục Hưng đạo lý, hồi mà nhân tâm qui thuận thiên lý, cũng vẫn có những người mê lú, không chịu trở lại đường ngay. Họ không chịu phục thiện được vì nhiều lẽ:
1) Vì địa vị họ quá cao, nên họ không thể nhận chân lý, nhận đạo lý nơi người khác.
2) Họ xa những người hay, nên không có dịp trở về cùng đạo lý.
3) Bản chất họ tối tăm, dày đặc, nên họ không thể khai ngộ được.
4) Họ không đủ nghị lực để cải tà, qui chánh.
Khi mà họ đã một mực theo đường tà, mặc cho dục tình lôi cuốn, không đếm xỉa gì đến đạo lý nữa, thì dĩ nhiên họ sẽ lâm vào cảnh quốc phá, gia vong. Dẫu họ có làm vua, làm tướng chi nữa, nếu không theo chính nghĩa, thì cũng chỉ là hôn quân, bại tướng.
ÁP DỤNG QUẺ PHỤC VÀO THỜI ĐẠI
Có nhiều người, sau khi đã đi một quãng đường dài trong cuộc đời, đã từng thành công cũng như thất bại, đã sống trên nhung lụa, kẻ hầu người hạ, nhưng cũng có khi ăn tháng này, đã phải lo tháng sau liệu có đủ hay không? Chợt một lúc nào đó, họ cảm thấy đời sống thật là vô vị, không lẽ sinh ra đời chỉ là để lo làm sao cuộc sống được đầy đủ hay sao? Hay sinh ra đời chỉ để làm phân bón nuôi vợ con? Sáng sớm thức dậy đã phải lo đi làm việc, có nhiều người làm việc vất vả hơn trâu. Nhất là ở xứ Mỹ này, đàn ông cũng như đàn bà có người ngày làm hai, ba nơi. Làm mệt quên nghỉ, làm cốt chỉ để kiếm tiền cho thật nhiều, mặc dù họ không cần thiết phải vất vả như vậy họ vẫn đủ sống. Họ làm việc mà không có mục đích, không có lý tưởng, họ làm cho có nhiều tiền, để ăn tiêu huy hoàng hơn người khác, và để tỏ cho người ngoài thấy họ là người tài giỏi, thế thôi.
Nhưng có ai chịu hiểu sâu sa hơn, là Thượng đế sinh ra loài người đâu phải chỉ để nguyên có sống để mà hưởng thụ, như các loài động vật khác, mà Ngài sinh ra loài người là muốn họ phải tiến hóa về mọi mặt, tiến lên để giống Ngài.
Về mặt Vật chất, họ phải tiến cao để tạo cho thế giới ngày thêm tươi đẹp, đầy đủ tiện nghi, cho con người được thoải mái phần nào sau nhiều giờ làm việc trong ngày.
Về mặt Tinh thần, họ phải suy tư, tìm hiểu đâu là bản thể của mình, vì Thần của họ là gốc gác Thần minh, họ phải biết đường để quay về với Thần minh, nếu không sẽ có lúc họ cảm thấy đời vô ý nghĩa, và họ sẽ chán nản vô cùng, vì thế có nhiều người chẳng hiểu vì lý do gì mà lại tự tử.
Thật vậy, nếu chúng ta sinh ra đời, mà suốt cuộc đời sống không mục đích, không lý tưởng, thì quả thật cuộc sống thật là vô vị, và lúc lâm chung chẳng hiểu mình sẽ đi về đâu?
Theo thiển ý của tôi, khi còn nhỏ sống trong gia đình, ta hãy ăn ở sao cho cha mẹ, và thày giáo vui lòng. Khi khôn lớn, giữ sao cho hạnh kiểm đường hoàng, cho minh chính để mọi người nể trọng mình. Ta cứ lập gia đình, tạo sự nghiệp, để góp mặt với xã hội nhân quần. Nhưng khi tóc đã hoa râm, đã qua được quá nửa đời người (quãng 42- 43 tuổi), thì ta phải biết suy tư, học đạo để quay về với nguồn gốc của mình, nếu cứ mê đắm trong hoan lạc, e cuối đời ăn năn không kịp, như Hào Thượng Lục của quẻ Phục răn ta:
Chấp nê, một dạ sống trong mê,
Nghĩa lý, lìa xa chẳng chịu về.
Vương, tướng nghênh ngang, phường múa rối,
Đạo Trời chẳng biết, sống ra chi !
Quẻ Phục này đáng cho ta suy nghĩ vậy!
“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
24.Ðịa lôi phục
Ðại cương:
Tên Quẻ: Phục là Phản (trở lại)
Thuộc tháng 11
Lời tượng
Lôi tại địa trung: Phục. Tiên vương dĩ Chí Nhật bế quan, thương lữ bất hành, hậu bất tỉnh phương
Lược nghĩa
Sấm ở trong đất là quẻ Phục. Đấng Tiên Vương lấy ngày Đông Chí mà đóng cửa quan, lái buôn, khách xa không đi đâu, vua không đi xem xét địa phương.
Hà Lạc giải đoán
Những tuổi Nạp Giáp:
Canh: Dần, Thìn, Ngọ
Quý hoặc Ất: Sửu, Hợi, Dậu
Lại sanh tháng 11 là cách công danh phú quý.
THƠ RẰNG:
Một đời danh lợi thực hư
Quay đầu chỉ thấy thân cô mộng tàn
Hào 1:
Bất viễn phục vô kỳ hối, nguyên cát. Ý hào: Lòng ở việc thiện, tiến trên đường đạo.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Tài lớn, tiến thủ đều hợp lý, khai co sáng nghiệp phúc trạch to.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Tu tỉnh, không cần văn hoa, vui với đạo.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Vị cao, gần nguyên thủ. _Giới sĩ: Ðỗ cao. _Người thường: Kinh doanh đắc lợi.
Hào 2:
Hưu phục, cát. Ý hào: Người trở lại thiện là người thiện như mình.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Ngay thẳng, không kiêu, lập công hưởng phúc.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: An bần, đạt mệnh, thọ.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðược phục chức. _Người thường: Là phú hào, lâm nguy được an, bệnh khỏi, hưu nghỉ.
Hào 3:
Tần phục, Lệ, Vô cữu. Ý hào: Cải lỗi nhiều lần không hối thẹn.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Tuy sửa đổi theo điều thiện, nhưng chưa được là quý nhân, lúc tiến lúc thoái, hoặc thị hoặc phi.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Muốn cần cái dễ trong cái khó. Cần cái dài trong cái ngắn, uất ức.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Khó ổn định. _Giới sĩ: Ðầu sổ, thành danh. _Người thường: Muốn nhanh hóa chậm, trở đi trở lại, nghi hoặc lầm lẫn.
Hào 4:
Trung hành độc phục. Ý hào: Ðẹp ở chỗ không ám muội giữa đám tiểu nhân.
MỆNH – HỢP CÁCH: Tuy ở thời loạn ô trọc, mà một mình giữ được đạo trung, hưởng lộc trong lành.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Làm khách đường xa, lính đóng xa, cô độc.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðược phục chức. _Giới sĩ: Nổi danh. _Người thường: Hoạch lợi.
Hào 5:
Ðôn phục, vô hối. Ý hào: Trở lại đường thiện, với đạo là một.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Quân tử trung hậu.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Tuy không có cách quí, nhưng cũng có ruộng vườn to tát.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Thăng chuyển _Giới sĩ: Ðỗ đạt, được tiến cử. _Người thường: Tích trữ có lời, phòng có tang, lo cho phu thân.
Hào 6:
Mé phục hung: hữu tai sảnh, dụng hành sư, chung hữu đại bại, dĩ kỳ quốc quân hung, chi vu thập niên bất khắc chinh. Ý hào: Sau cùng hôn mê không biết trở lại là xấu.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Biết đổi lỗi hóa thiện thì vẫn phú quý.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Hôn mê mãi nên tật ách thương tàn, phá nhà hại nước.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Tham quyền cố vị, bị chê. _Giới sĩ: Bị nhục. _Người thường: Cứ mê nên khổ, tĩnh, lặng lẽ thì an lành, xáo động thì nguy.
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)
Chủ đề: Chương 27: Quẻ ĐỊA LÔI PHỤC
Biên tập / Tác giả: Hoc.Kabala.vn