Chương 26: Quẻ SƠN ĐỊA BÁC

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh DịchĐạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Qu%E1%BA%BB 23 S%C6%A1n %C4%90%E1%BB%8Ba B%C3%A1c
Quẻ SƠN ĐỊA BÁC

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

:::::| Sơn Địa Bác (剝 bō)

Quẻ Sơn Địa Bác, đồ hình :::::| còn gọi là quẻ Bác (剝 bo1), là quẻ thứ 23 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).

* Ngoại quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn hay Núi (山).

Giải nghĩa: Lạc dã. Tiêu điều. Đẽo gọt, lột cướp đi, không có lợi, rụng rớt, đến rồi lại đi, tản lạc, lạt lẽo nhau, xa lìa nhau, hoang vắng, buồn thảm. Lục thân băng thán chi tượng: tượng bà con thân thích xa lìa nhau.

Bí là trang sức, trau giồi; trau giồi tới cực điểm thì mòn hết. Cho nên sau quẻ Bí tới quẻ Bác. Bác là mòn, là bóc, lột bỏ cho tiêu mòn lần đi.

Thoán từ

剝: 不利有攸往.

Bác: Bất lợi hữu du vãng.

Dịch: Tiêu mòn: Hễ tiến tới (hành động) thì không lợi.

Giảng: Theo tượng quẻ, năm hào âm chiếm chỗ của dương, âm tới lúc cực thịnh, dương chỉ còn có một hào, sắp đến lúc tiêu hết. Do đó gọi là quẻ thịnh, dương, chỉ còn một hào sắp đến lúc tiêu hết. Do đó gọi là quẻ Bác. Ở thời tiểu nhân đắc chí hoành hành, quân tử (hào dương ở trên cùng) chỉ nên chờ thời, không nên hành động. Chờ thời vì theo luật tự nhiên, âm thịnh cực rồi sẽ suy, mà dương suy cực rồi sẽ thịnh . (Lão Tử khuyên: “đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp, đại xảo nhược chuyết (vụng)“ nghĩa là phải tạm giấu cái khôn, cái khéo, cái dũng của mình để được yên thân đợi chờ cơ hội).

Thoán truyện: giảng thêm: nên thuận đạo trời mà ngưng mọi hoạt động vì nội quái là Khôn, có nghĩa là thuận, ngoại quái là Chấn có nghĩa là ngưng; mà đạo trời là hết hao mòn (tiêu) thì sẽ phát sinh (tức) – nói về các chào dương; mà hết đầy (doanh) thì sẽ trống không (hư) – nói về các hào âm trong quẻ này.

Đại tượng truyện: chỉ xét tượng của quẻ mà đưa ra một nghĩa khác: ngoại quái là núi, nội quái là đất; núi ở trên đất, đất là nền móng của núi; đất có dày thì núi mới vững; vậy người trên (nhà cầm quyền) phải lo cho dân an cư lạc nghiệp thì địa vị của người trên mới vững. Ý đó thêm vào, không có trong thoán từ.

Hào từ

1. 初六: 剝床以足, 蔑貞, 凶.

Sơ lục: Bác sàng dĩ túc, miệt trinh, hung.

Dịch: Hào 1, âm: như cắt (phá hoại) chân giường, dần dần sẽ làm tiêu diệt đạo chính của người quân tử, xấu.

Giảng: âm (tiểu nhân) bắt đầu tiêu diệt dương (quân tử ), cũng như bắt đầu phá cái giường từ dưới chân trở lên.

2. 六二: 剝床以辨, 蔑貞, 凶.

Lục nhị: bác sàng dĩ biện, miệt trinh, hung.

Dịch: Hào 2, âm: như phá tới then giường (có người dịch là thành giường, hay sườn giường), tiêu diệt đạo chính của người quân tử, xấu.

Giảng: Nghĩa hào này cũng như hào 1: bọn tiểu nhân đã tiến thêm một bước nữa, phá tới then giường rồi, chưa tới mặt giường.

3. 六三: 剝之, 无咎.

Lục tam: Bác chi, vô cữu.

Dịch: Hào 3 âm: Phá bỏ bè đảng của mình, không có lỗi.

Giảng: Hào này cũng là âm nhu, tiểu nhân, nhưng vì ứng với hào dương, quân tử, ở trên cùng, cho nên theo hào đó mà bỏ các hào âm ở trên và dưới nó (tức các hào 1, 2, 4) chịu mất lòng với các hào âm này (lời Tiểu tượng truyện) mà theo đạo chính, cho nên không có lỗi.

4. 六四: 剝床以膚, 凶.

Lục tứ: Bác sàng dĩ phu, hung.

Dịch: hào 4, âm: phá giường mà xẻo tới da thịt người nằm trên giường nữa, xấu.

Giảng: Hào âm này đã lên tới ngoại quái, thế là tiểu nhân đã hoành hành, quân tử bị hại quá đau, tai họa bức thiết quá rồi; xấu.

5. 六五: 貫魚, 以宮人寵, 无不利.

Lục ngũ: Quán ngư, dĩ cung nhân sủng, vô bất lợi.

Dịch: Hào 5, âm: Dắt bầy cung nhân như một xâu cá (ám chỉ bầy tiểu nhân), để lên hầu vua (tức theo người quân tử, hào dương ở trên cùng), như vậy là tiểu nhân biết thuận tòng quân tử, không có gì là không lợi.

Giảng: Hào này làm thủ lãnh bầy âm. Theo nghĩa mấy hào trên, chúng ta tưởng hào này càng phá mạnh hạng quân tử hơn nữa; nhưng ngược lại. Hào từ lấy lẽ rằng hào 5, ở sát hào dương ở trên cùng thân cận với 6, chịu ảnh hưởng tốt của 6, nên dắt cả bầy âm (ví như một xâu cá – cá thuộc loài âm) để theo hào 6 quân tử cũng như bà hậu dắt bầy cung phi lên hầu vua. Thế là theo đạo chính, cho nên không gì là không lợi.

Theo Phan Bội Châu, sở dĩ cổ nhân tới hào này bỏ cái nghĩa âm tiêu diệt dương, mà cho cái nghĩa âm thuận theo dương, là để khuyến khích tiểu nhân cải tà qui chánh, mà giúp đỡ quân tử. Kinh dịch “Vị quân tử mưu” (lo tính cho quân tử) là nghĩa đó. Có thể như vậy. Lý do chính thì coi hào sau ta sẽ thấy.

6. 上九: 碩果不食, 君子得輿, 小人剝廬.

Thượng cửu: thạc quả bất thực,

Quân tử đắc dư, tiểu nhân bác lư.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Còn một trái lớn trên cây, không hái xuống ăn (ý nói dương tức quân tử không bao giờ hết). Quân tử ở hào này được quần chúng (dư) theo; còn tiểu nhân thì biết rằng nếu diệt hết quân tử tức lá phá đổ nhà chúng ở (chúng cũng không còn).

Giảng: Cả quẻ chỉ có mỗi hào này là dương cho nên ví với trái cây lớn còn lại trên cây, không hái xuống ăn thì có ngày nó sẽ rụng mà mọc mầm, như vậy là đạo quân tử không bao giờ hết. Hào 3 và 5 kéo các hào âm khác theo hào dương này, cho nên bảo là quân tử được dân chúng theo. Hào dương này ở trên cùng, cũng như cái nhà che cho tất cả các hào âm ở dưới. Nếu bọn tiểu nhân phá nhà đó cho sập – nghĩa bóng là không còn quân tử thì quốc gia suy vong, chủng tộc tiêu diệt- thì chúng cũng không sống được, không có chốn dung thân.

Vậy ta thấy sở dĩ Chu Công, người viết Hào từ, cho hào 5 theo hào trên cùng (âm theo dương) là vì lẽ có thế xã hội mới tồn tại được, không khi nào người tốt bị diệt hết.

Quẻ này nói về thời âm thịnh dương suy, tiểu nhân tàn hại quân tử, tiểu nhân tuy rất đông, nhưng vẫn có một số (hào 3 và 5) hiểu đạo cải quá, đứng về phe quân tử, và khi xã hội lâm nguy thì ủng hộ quân tử. Người quân tử mới đầu chỉ nên im hơi lặng tiếng mà chờ thời, chuẩn bị cho lúc thịnh trở lại.

Đó là luật âm dương trong vũ trụ; vũ trụ luôn luôn có đủ cả âm, dương ; khi âm cực thịnh, vẫn còn dương, khi dương cực thịnh cũng vẫn còn âm, âm dương cứ thay nhau lên xuống, thế thôi.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

23. 山 地 剝 SƠN ĐỊA BÁC

Bác Tự Quái剝  
Bí giả sức dã.賁 者 飾 也
Chí sức nhiên hậu致 飾 然 后
Hanh tắc tận hỹ.亨 則 盡 矣
Cố thụ chi dĩ Bác.故 受 之 以 剝
Bác giả Bác dã.剝 者 剝 也

Bác Tự Quái

Khi mà văn vẻ đàng hoàng,

Quá hay, rồi cũng sẽ tàn, sẽ suy.

Cho nên Bác tiếp chu kỳ.

Bác là bác lạc, suy vi, điêu tàn.

 Quẻ Bác là một trong 12 quẻ dùng để chỉ sự vận chuyển tuần hoàn của guồng máy Âm Dương, của tiết khí, cũng như dùng để mô tả sự doanh hư, tiêu tức, sự thịnh suy, thăng trầm, tụ tán của vũ trụ và vạn vật.

 Mười hai quẻ ấy là: 

– Cấu, Độn, Bĩ, Quan, Bác, Khôn,

– Phục, Lâm, Thái, Đại Tráng, Quải, Kiền.

Ta nhận thấy:

Nơi 6 quẻ trên (Cấu… Khôn), Âm là chủ, và Dương biến dần thành Âm.

Nơi 6 quẻ dưới ( Phục … Kiền), Dương là chủ, và Âm biến dần thành Dương.

Đó là sự biến hoá hai chiều, hai mặt của một thực thể là Thái Cực.

CấuĐộnQuanBácKhôn
      
Âm trưởng, Dương tiêu 
PhụcLâmTháiĐạiTrángQuảiKiền
      
Dương trưởng, Âm tiêu

 Mười hai quẻ Dịch tiêu tức của đồ hình trên:

Vòng Âm trưởng, Dương tiêu:

Cấu (tháng 5), Độn (tháng 6), Bĩ ( tháng 7)

Quan (tháng 8), Bác (tháng 9), Khôn (tháng 10). 

Vòng Dương trưởng, Âm tiêu:

Phục (tháng 11), Lâm (tháng12), Thái (tháng 1)

Đ.Tráng (tháng 2), Quải (tháng 3), Kiền (tháng 4) 

Thấu triệt đồ hình của 12 quẻ trên, ta sẽ hiểu lẽ biến dịch, tiết tấu của vũ trụ, của lịch sử nhân quần, và của vạn vật.

A. Về vũ trụ: Ta thấy rằng vũ trụ có tụ, có tán. Vũ trụ của chúng ta còn đang ở trong thời kỳ tán, và ngày nay đang tiến về phía biên. Nhờ phương pháp thâu quang phổ (Spectroscopy), và dựa vào định luật Dopper-Fizeau, các nhà Thiên văn học khám phá ra rằng các giải ngân hà đang đua nhau tiến về miền biên viễn, và vũ trụ y như là cái bọt xà phòng của trẻ con chơi đang được thổi phồng lên, theo lý thuyết của Georges Lemaître, đã được Hubble và Eddington xác nhận (Pierre Rousseau, Histoire de la Science, page.769).

B. Mười hai quẻ Dịch tiêu tức, (từ quẻ Cấu = tháng 5 ta, tới quẻ Khôn là tháng 10 ta, tức là Âm trưởng, Dương tiêu. Từ quẻ Phục = tháng 11 ta, tới quẻ Kiền là tháng 4, tức là Dương trưởng Âm tiêu) nói trên, còn được dùng để phác họa lại bộ mặt biến thiên của tiết khí, của bốn mùa. Quẻ Bác là quang cảnh từ tháng 9 ta trở đi, lúc mà Trời đem sương pha, tuyết phủ lên cỏ cây, làm cho cây trơ trụi lá, cành xơ xác cành. Lúc ấy, may mắn lắm, mới còn được một vài quả lủng lẳng trên những cành cao, còn lại được là vì người muốn ăn, mà ngại hái.

 C. Xét về trào lưu Lịch sử: Bác là lúc mà vật đạo thịnh, thiên đạo suy; bao nhiêu cái hay, cái đẹp đều chạy ra ngoài bì phu, đều dồn cả vào vật chất. Đó là thời kỳ mà nhân loại chạy theo dục vọng, tiền tài, bỏ cái gốc là đức hạnh, mà chạy theo cái ngọn là danh lợi.

Xét về phương diện vật chất, thì đó là thời kỳ huy hoàng nhất, nhưng xét về phương diện tinh thần, thì đó là thời kỳ sa đọa nhất. Đó là thời kỳ tiểu nhân đánh trống, phất cờ, còn quân tử thì lao đao, lận đận, chạy được miếng ăn đã khó, giữ được thân là may.

Bác là bác lạc, suy tàn, Âm khí tăng, Dương khí giảm, tà thuyết thịnh, chính đạo suy. Đó là thời kỳ mà nơi kinh thành, thì thiếu lãnh tụ anh minh, ngoài đồng nội vắng hiền nhân, quân tử. 

I. Thoán.

Thoán Từ. 

剝:不 利 有 攸 往。

Bác. Bất lợi hữu du vãng.

Dịch. Thoán Từ.

Bác là rạn nứt, suy vi.

Làm gì, cũng chẳng ra chi nữa rồi. 

Thoán Truyện. Thoán viết.

彖 曰: 剝,剝 也,柔 變 剛 也。 不 利 有 攸 往,小 人 長 也。順 而 止 之,觀 象 也。 君 子 尚 消 息 盈 虛,天 行 也。

Bác. Bác dã. Nhu biến cương dã. Bất lợi hữu du vãng. Tiểu nhân trưởng dã. Thuận nhi chỉ chi. Quan tượng dã. Quân tử thượng tiêu tức doanh hư. Thiên hành dã.

 Dịch.

Bác là rạn nứt, suy vi.

Nhu toan thay đổi trọn bề Dương cương.

Làm gì cũng sẽ dở dang.

Tiểu nhân đang lúc nghêng ngang gặp thời.

Theo thời, dừng lại đi thôi,

Nhìn vào Tượng quẻ, cũng ngơi, cũng ngừng.

Hiền nhân, xin chớ băn khoăn,

Doanh hư, tiêu tức lẽ hằng xưa nay.

Lẽ trời có lúc vơi đầy,

Cũng khi tăng giảm, cũng ngày thịnh suy.

Thoán cho rằng: đó là thời kỳ tiểu nhân hoành hành, còn quân tử thì chẳng làm ăn dở dói gì được. Dịch kinh an ủi người quân tử hãy nên nhẫn nhục, hãy nên biết cơ trời, thời Trời vì: Sông có khúc, người có lúc. 

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰: 山 附 地 上,剝﹔ 上 以 厚 下,安 宅。

Tượng viết: Sơn phụ ư địa. Bác. Thượng dĩ hậu hạ an trạch.

Dịch. Tượng rằng: 

Bác là núi tựa đất dày,

Người trên hãy xử đặn đầy với dân.

Với dân đầy đặn ở ăn,

Rồi ra địa vị tư thân vững vàng.

Tượng từ tạm quên những chuyện phôi pha, bác lạc mà dạy ngược lại rằng: Khi người quân tử ở trên mà cầm quyền trị dân, phải biết chăm sóc cho dân, vì dân là nền tảng cho quốc gia. Dân có mạnh, thì nước mới bền; dân có hay thì mình mới vững. Mình mà mất dân thì cũng như là núi mất đất, sẽ không còn có nơi nương tựa, và cảnh suy vong, bác lạc sẽ đến.

 Xét về Tượng quẻ: Quẻ Bác trên là 1 hào Dương liền, dưới là 5 Hào Âm, trông giống như cái giường có chân, có mặt; hay cái nhà có mái, có vách. Vì thế, Hào Sơ, Hào nhị, Hào tứ vẽ ra một cảnh phá giường. Trước tiên chặt chân giường (hào1), rồi phá khung giường (hào 2), Kế đến thang giường, rồi lại xoay tới cả đến người nằm ngủ trên giường (hào 4).

 III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện 

1. Hào Sơ Lục.

初 六: 剝 床 以 足,蔑 貞 凶。 

象 曰: 剝 床 以 足,以 滅 下 也。

Sơ lục. Bác sàng dĩ túc. Miệt trinh hung.

Tượng viết.

Bác sàng dĩ túc. Dĩ diệt hạ dã.

Dịch

Sơ lục. Chân giường phá hủy,

Phá Cương thường, đạo lý xấu thay.

Tượng rằng:

Phá hủy chân giường,

Tiêu hao gốc rễ, Cương thường, mới nghe.

2. Hào Lục nhị.

六 二 : 剝 床 以 辨,蔑 貞 凶。 

象 曰: 剝 床 以 辨,未 有 與 也。

Lục nhị. Bác sàng dĩ biện. Miệt trinh hung. 

Tượng viết:

Bác sàng dĩ biện. Vị hữu dữ dã.

Dịch.

Hào Lục nhị: Thang giường bị phá,

Phá cương thường thêm nữa, xấu thay.

Tượng rằng:

Bác mà không bị chê bai,

Là vì đã biết xa rời dưới trên.

Hào Sơ & Hào Nhị có ý nói: Tiểu nhân có nhiều thủ đoạn để hãm hại người quân tử. Khi họ đắc thế, có bày có bọn, mà quân tử thời lẻ bạn, lẻ bày, cô thân, cô thế, họ sẽ tìm cách hãm hại người quân tử. Họ làm cho người quân tử mất công, mất việc, mất cơ sở sinh nhai, mất cả môi trường hoạt động, mất sự an lạc tĩnh lãng, hồn nhiên. Ví như người quân tử có cái giường, mà tiểu nhân đến chặt chân cho khập khiễng, đến phá thang, cho hư, cho gẫy (hào 1 & 2). 

3. Hào Lục tam.

六 三 : 剝 之,無 咎。 

象 曰:剝 之 無 咎,失 上 下 也。

Lục tam. Bác chi vô cữu.

Tượng viết:

Bác chi vô cữu. Thất thượng hạ dã.

Dịch

Không xu phụ với tiểu nhân,

Thế nên tránh được mọi phần chê bai.

Tượng rằng:

Bác mà không bị chê bai,

Là vì đã biết xa rời dưới trên.

Tuy nhiên, không phải là ai cũng xấu. Có những người tuy bề ngoài về phe phái với tiểu nhân, nhưng trong lòng vẫn hướng về người quân tử, vẫn muốn ám trợ người quân tử. Đó là như Trần Bình không nỡ chuốc rượu cho Bái Công nơi Hồng Môn hội yến, để Bái Công khỏi bị say sưa mà thất thế; sau lại còn giúp cho Bái Công đào tẩu (Tây Hán Chí, Thanh Phong dịch, trang 131). 

4. Hào Lục tứ.

六 四 : 剝 床 以 膚,凶。 

象 曰: 剝 床 以 膚,切 近 災 也。

Lục tứ. Bác sàng dĩ phu. Hung.

Tượng viết:

Bác sàng dĩ phu. Thiết cận tai dã.

Dịch.

Đẽo giường, đẽo cả đến da,

Đã đành rằng xấu, biết là mấy mươi.

Tượng rằng:

Đẽo giường, đẽo cả đến da,

Thế là tai họa, nguy cơ gần kề.

Chẳng những hại cho mất công ăn việc làm không thôi, kẻ tiểu nhân còn muốn vạc da, đẽo thịt người quân tử, làm cho lầm than, điêu đứng, mới vui, mới thỏa. 

5. Hào Lục ngũ.

六 五 : 貫 魚,以 宮 人 寵,無 不 利。 

象 曰: 以 宮 人 寵,終 無 尤 也。

Lục ngũ. Quán ngư. Dĩ cung nhân sủng. Vô bất lợi.

Tượng viết:

Dĩ cung nhân sủng. Chung vô cữu dã.

Dịch.

Thống lĩnh quần Âm, thuận phục Dương,

Y như Vương Hậu dẫn cung nương,

Lũ là, lũ lượt, in sâu cá,

Được chuộng, lại không lỗi đạo thường.

Tượng rằng:

Hướng dẫn cung phi được sủng ân.

Cơ sự rồi ra chẳng lỗi lầm.

Hơn thế nữa, có những người đã lên tới bậc lãnh tụ quần Âm, đã thống xuất cả bầy, cả đảng tiểu nhân, mà có khi còn biết xướng xuất giắt nhau trở về cùng chính nghĩa. Đó là trường hợp vua A- Dục đem dân trở về cùng Phật giáo, vua Constantin, vua Clovis đem dân trở về cùng Công Giáo… 

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 : 碩 果 不 食,君 子 得 輿,小 人 剝 廬。 

象 曰: 君 子 得 輿,民 所 載 也。 小 人 剝 廬,終 不 可 用 也。

Thượng Cửu. Thạc quả bất thực. Quân tử đắc dư. Tiểu nhân bác lư.

Tượng viết:

Quân tử đắc dư. Dân sở tải dã. Tiểu nhân bác lư. Chung bất khả dụng dã.

Dịch:

Chưa ăn, quả lớn vẫn treo cây.

Quân tử được xe, thế mới hay,

Tiểu nhân ví thử manh tâm hại,

Mái nhà giật sập, ở đâu đây?

Tượng rằng: Quân tử được xe,

Vì dân mến chuộng, chẳng hề đổi thay,

Mái nhà giật đổ nào hay,

Cuối cùng tay trắng, trắng tay, bẽ bàng.

Gặp thời Bác, tức thời đảo điên, ly loạn, thì số người quân tử còn lại rất là thưa thớt, y như vài quả may ra còn sót lại đầu cành. Tuy ít, nhưng đó chính là hứa hẹn cho sự phục sinh tinh thần sau này, và chính cũng là bằng chứng chính nghĩa, chẳng bao giờ có sức gì làm suy vong, tiêu diệt được. Mà lạ hơn nữa, người quân tử khi ấy vẫn được dân kính, dân tôn, vẫn có thể còn được lên xe, xuống ngựa. Kẻ tiểu nhân nếu cố tâm hủy diệt cho tận tuyệt quân tử, cho tận tuyệt chính nghĩa và đạo lý. thì có khác chi con người ngu dại, tự nhiên đem kéo sập nhà mình đang ở, rồi ra sẽ lấy gì che nắng, che mưa, Thế chính là Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu (Ngậm máu phun người, trước bẩn miệng mình). 

ÁP DỤNG QUẺ BÁC VÀO THỜI ĐẠI

Trời đất, quốc gia, cũng như con người chúng ta luôn tuần hoàn, đầy rồi lại vơi, vơi rồi lại đầy, thịnh rồi lại suy, suy rồi lại thịnh, nhưng đến thời kỳ Bác là thời kỳ suy tàn nhất.

 Về Trời đất, Bác thuộc tháng 9, lúc đó Âm khí tăng, Dương khí giảm, thời tiết bắt đầu sang mùa đông, cây cỏ bắt đầu  Cây trơ trụi lá, cành sơ xác cành. Nơi miền Cực Bắc, thì sương tuyết đầy đường, năng lực Trời Đất tiêu hao, vạn vật như không còn sức để triển dương.

 Đối với Quốc Gia, thì thiếu người tài giỏi chỉ huy, mọi người trở nên cao ngạo, nhố nhăng, sống gặp hay chăng chớ. Đó là thời kỳ nhiễu nhương, ly loạn, sẻ nghé, tan đàn. Đó là thời kỳ:

Trời làm một trận lăng nhăng,

Ông lại xuống thằng, thằng lại lên ông.

– Đối với cá nhân con người , thời quẻ Bác là thời khốn khổ, suy vi nhất. Trong cảnh tha hương này, số người gặp phải thời quẻ Bác không phải là ít. Thất nghiệp, không nhà ở, không thân thích, không tiền bạc, nếu lại gặp cảnh yếu đau nữa, thì sự khổ sở không sao tả xiết. Gặp hoàn cảnh này, họ rất dễ bị xa ngã, nếu họ chẳng may gặp phải kẻ chẳng ra gì, lợi dụng sự khốn khó của họ để đưa họ vào con đường bất chính. Những người không may này, nếu sớm biết hồi tỉnh, trở về chánh nghĩa, thì chẳng đáng bị chê trách. Còn những người, sống được sự giúp đỡ của bố mẹ, của chính quyền để ăn học, nhưng đã chơi bời phóng túng, bỏ bê học hành, lười biếng không chịu làm ăn, để đến nỗi thân tàn, ma dại; hoặc những người đã có gia đình, đã có công ăn, việc làm hẳn hoi, nhưng vì quá tự mãn, coi mình là nhất thiên hạ, không còn lo lắng gì về tương lai, sẵn có uy tín nên vay mượn dễ dàng, đâm ra bài bạc, lâu dần công nợ chồng chất, thậm chí còn đánh đập vợ để lấy tiền cờ bạc. Rốt cuộc, cửa nhà tan nát, vợ con ly tan.  Đó thật là thời Bác không tới mình, mà mình tự đi tìm thời Bác vậy. Những loại người kể trên này, nếu không kịp thời tỉnh ngộ, ăn năn, hối cải thì sớm muộn gì cũng sẽ đi đến tình cảnh tang thương, không gì cứu vãn nổi.

Đời sống của chúng ta, nếu TRỜI HẠI TA, thì ta còn cứu ta được, bằng sự cố gắng, cầu tiến, tiết kiệm, chịu khó. Nhưng nếu TA TỰ HẠI TA, thì không ai cứu nổi. Ta luôn luôn phải ghi nhớ câu này.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

23.Sơn Địa Bác

Ðại cương:

Tên quẻ: Bác là Lạc (rơi rụng, tan mất)

Thuộc tháng 9.

Lời tượng

Sơn phu ư địa: Bác. Thượng dĩ hậu hạ an trạch.

Lược nghĩa

Núi tựa vào đất là quẻ Bác (tan mất). Người trên lấy đấy mà làm cho dưới được dày thì mới yên chỗ ở.

Hà Lạc giải đoán

Được quẻ này phần nhiều là người làm lớn hay là quý nhân nhưng không tránh khỏi cô lập hình khắc.

Những tuổi Nạp Giáp

Ất hoặc Quý: Mùi, Tỵ, Mão

Bính: Tuất, Tý, Dần

Lại sanh tháng 9 là cách công danh phú quý. Sanh những tháng khác thì không khỏi anh em bất hòa, bôn ba vất vả.

THƠ RẰNG:

Bền dưới nhà ở mới yên

Đề phòng bất trắc lo phiền xảy ra

Hào 1:

Bắc sàng dĩ túc, miệt trinh, hung. Ý hào: Kẻ tiểu nhân làm hại đạo chính.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Vẫn là công tử, nhưng ý nông hẹp rồi.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Chân chẳng đứng yên, việc không nhất định, hoặc tiểu nhân làm hại, hoặc chính mình sinh chuyện tiểu tiết vụn vặt.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Thấy cơ hội thì tiến được. ngoài ra bệnh chân tay, nô bộc làm tổn hại, anh em bất hòa, chỉ lợi việc tu đạo. Xấu nữa thì thân nát nhà tan, doanh mưu thất bại.

Hào 2:

Bác sàng dĩ biện, miệt trinh hung. Ý hào: Cái họa tiểu nhân càng gần.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Người giầu sang trung trực bị dèm pha.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Nhà không yên, thân quyến hết nhờ, hôn nhân khó thành.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Phòng truất giáng. _Giới sĩ: Khó tiến thủ. _Người thường: Không toại nguyện, dưới ghét, trên ngờ.

Hào 3:

Bác chi Vô cữu, Ý hào: Tiểu nhân biết phục thiện (hào 6 ứng)

MỆNH – HỢP – CÁCH: Quý nhân biệt lập, khác người thường.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Phúc mỏng.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðược cấp trên quý mến. _Người thường: Khó gặp tri kỷ, tìm lối khác mà lập công danh. Hoặc có điều chi lo phiền về cha mẹ, vợ con.

Hào 4:

Bác sàng dĩ phu, hung. Ý hào: Âm họa sát người rồi.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Dù là quý nhân mà sau mất cả thể cách.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Mưu xấu hoạ xấu, tự mình hại mình.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Phòng bị dèm pha. _Giới sĩ: Khó gặp cơ hội. _Người thường: Gian nan hình khắc kiện tụng.

Hào 5:

Quán ngư, dĩ cung nhân sủng, vô bất lợi. Ý hào: Ðem đám đông ra quy thiện, được lợi lớn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Là đại qyú nhân kiêm văn võ.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Ðứng đầu đám đông, dựa vào phú hào, được cơm no áo ấm.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Gia quan tiến chức, giữ việc trọng yếu. _Giới sĩ: Ðứng đầu sổ, nên danh. _Người thường: Kinh doanh vượt người, hòa hợp. Nữ mạng tiền tài nhà của thăng tiến có phước.

Hào 6:

Thạch quả bất thực, Quân tử đác dư, Tiểu nhân bác lư. Ý hào: Ði cùng đường mà người quân tử vẫn thế.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Ngôi vị lớn, dẹp loạn, trị nước.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Bạc đức, dù có kỷ luật giỏi cũng vô dụng.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Có quyền binh. _Giới sĩ: Ðược tiến cử. _Người thường: Cẩn thận giữ luật pháp, được an toàn hoặc tu tạo cung thất.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)


Chương 26: Quẻ SƠN ĐỊA BÁC (cập nhật 04/05/2024)


Tìm kiếm thêm bài có từ khóa:
Tuyên bố trách nhiệm từ Kabala: 1. Không nên coi những tính toán và nội dung bên trên làm cơ sở duy nhất cho mỗi quyết định. Cuộc đời còn phức tạp hơn nhiều những luận đoán này.
2. Hôm nay là huyền học, ngày mai là vật lí học. Mỗi môn khoa học đều chứa một phần sự thật và đều chứa một phần không chính xác.
3. Một ngày có thể là may, có thể là rủi, kết quả sẽ khác đi phụ thuộc vào việc ta làm gì và hành động như thế nào. Cái rủi dạy cho ta một bài học, cái may khiến ta lười biếng.
4. Sự lựa chọn mạnh hơn cả số phận. Sự lựa chọn chi phối số phận. Quên đi điều đó thật dễ dàng nên chúng ta thường tiếp tục bỏ qua. Đó chính là nguy hiểm và là nguy cơ tiềm ẩn trong các môn mệnh lí.
5. Không nên chờ đợi sự tiên đoán số phận nói với chúng ta điều gì về tương lai, vì tương lai trở thành những trang lịch sử khi chúng ta viết nên chúng. Số phận là sự có thể, lịch sử là cái chúng ta biến sự có thể thành hiện thực.
6. Kabala Huyền học sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)