(VƯƠNG ĐÌNH CHI ĐÀM TINH)
(Dịch và bình chú: Hà Phong)
Trong “Tử Vi đẩu số toàn thư” thì Tham Lang được gọi là “Thần giải ách của chòm Bắc Đẩu” (称贪狼为北斗解厄之神), nhưng khi bình luận và giải thích, lại chỉ chú trọng phương diện tửu sắc bay bổng của Tham Lang (酒色浮荡一面), và còn chẳng phải là bình luận tốt, vậy thì cái gọi là Thần giải ách là gì vậy?
Cái gọi là “giải ách” của Tham Lang, chính là nhấn mạnh vào phương diện giao tế ứng thù vậy (交际应酬那方面). Nếu như có người khôn khéo linh hoạt (八面玲珑), tam giáo cửu lưu không gì không biết, giả như nếu có sự việc/sự cố gì phát sinh, liền có thể ra mặt để sắp xếp sao cho chu toàn (出面周旋便可以摆平一件事) (Hà Phong: người này lại luôn có cái tài nhờ đúng người đúng lúc), chính vì điều này mà Tham Lang mới được xem là Thần giải ách vậy.
Lại thêm một phương diện khác, phàm là người Mệnh Tham Lang, (chỉ cần) gặp một ít cát tinh, thì sẽ chủ cho trường thọ, lại cũng thích tu luyện, thích học thuật thần tiên (ở xã hội hiện đại thì có thể coi đó là sự ưa thích tín ngưỡng và tôn giáo), cho nên từ điểm này suy ra được ý nghĩa của Thần giải ách.
Thậm chí Tham Lang ưa thích đồng cung với Linh Tinh ở Thìn Tuất Sửu Mùi tứ mộ cung, hay như Tham Lang gặp Kình Dương ở cung Ngọ, đều chủ cho việc từ chỗ có quyền thế mà lấy được phú quí. Từ phương diện quyền thế mà nói, thì xưng Tham Lang là Thần giải ách có gì mà không được? Tất cả những phần trên là để giải thích về ý nghĩa giải ách của Tham Lang.
Tham Lang ưa thích ở Thìn Tuất Sửu Mùi tứ mộ cung, mà không ưa thích đóng ở Tý Ngọ Mão Dậu tứ vượng cung.
Có một cách giải thích cho rằng, Tham Lang hóa khí là Đào Hoa, Tý Ngọ Mão Dậu là nơi vượng địa, đồng thời cũng chính là đất Mộc Dục, cho nên khi Tham Lang đóng vào, tính Đào Hoa (của Tham Lang) sẽ rất lớn (便桃花太重), cho nên không cát.
Theo Vương Đình Chi thì cách nhìn và giải thích này không hợp lý, Tham Lang chủ cho người có nhiều dục/dục vọng (欲重), khi ở tứ vượng địa, thì tính ham muốn hưởng thụ vật chật càng trọng (则其物欲更重), cho nên không cát. Nếu Tham Lang ở Tý Ngọ Mão Dậu, hoặc đồng cung hoặc đối cung với Tử Vi, tạo thành tinh hệ Tử Tham, không chỉ nhiều ham muốn vật chất, mà còn lắm ham muốn sắc dục, cho nên cổ nhân cho rằng là mẫu người “nam trộm cắp nữ xướng ca”, cách nhìn này khó tránh khỏi võ đoán và phóng đại, (chẳng qua là) Tham Lang trong kết cấu này thể hiện (nhiều) về mặt ham muốn vật dục, sắc dục mà thôi.
Cổ ca lại có câu, Tử Tham đồng độ, cần có Tả Hữu Xương Khúc tới giáp chế. Cái gọi là giáp chế, tuyệt không phải là tới giáp hai bên, mà là trong tam hợp hội chiếu, bởi vì Tả Hữu Xương Khúc vĩnh viễn không thể giáp hai bên tinh hệ Tử Tham.
Mệnh Tham Lang tại Sửu Mùi, có thể tạo thành cách cục lớn. Bởi vì tại Sửu Mùi thì Vũ Khúc Tham Lang đồng độ, hội Tử Vi Thất Sát và Liêm Trinh Phá Quân, 3 sao Sát Phá Tham đều có chính diệu đồng cung (Hà Phong: tức là chỉ Tử Vũ Liêm), tính chất của tinh hệ sẽ biến đổi phức tạp, tính chất cũng cường liệt, cho nên sự biến hóa là rất lớn và nhiều lần.
Hơn nữa khi Vũ Tham đồng cung tại Sửu Mùi tất sẽ có Cự Nhật và Đồng Âm tới giáp 2 bên, phàm Nhật Nguyệt giáp Mệnh, giả như lại có Tả Phù Hữu Bật, hoặc Văn Xương Văn Khúc tới giáp (Hà Phong: giáp ở đây mang nghĩa hỗ trợ, vì Tả Hữu và Xương Khúc sẽ đồng cung tại Sửu Mùi), sẽ tạo thành cách cục Vũ Tham đồng hành, chủ phú quí uy quyền. Nếu lại thêm Hỏa Tinh hoặc Linh Tinh đồng độ, chủ phú quí khó dùng lời mà miêu tả cho hết, duy là cần/phải trước tiên kinh qua gian khổ mà về sau phát tích, cho nên (cổ nhân) mới nói rằng “Vũ Tham bất phát thiếu niên nhân” vậy.
Nếu như Vũ Tham không gặp Tả Hữu Xương Khúc, và cũng không có cát tinh tới hỗ trợ, lại cũng không có kết cấu Tham Hỏa/Tham Linh, thì thiếu niên có được sự hưởng thụ, nhưng tất sinh việc phá tài, rồi sau đó dựa vào nghề khéo mà an thân. Nếu như lại gặp sát kị, thì Vũ Tham trở thành mẫu người người tự tư tự lợi.
Tham Lang chủ đào hoa, nhưng cũng chủ cho sự phát triển về xảo nghệ, cổ ca có câu: “Tham Vũ tứ sinh tứ mộ cung, Phá Quân kị sát bách công thông” (贪武四生四墓宫, 破军忌煞百工通), chính là ý này vậy.
Kết cấu cụ thể của (các) tinh diệu là như sau: Vũ Tham Sửu Mùi gặp Kình Đà, mà không gặp Tả Hữu Xương Khúc; Tham Lang độc tọa tại Thìn Tuất đối cung với Vũ Khúc, không gặp Tả Hữu Xương Khúc. Hai cách cục này nếu như lại phùng sát kị, thì chủ cho đương số dựa vào xảo nghệ mà mưu sinh.
Hoặc giả, Tham Lang độc tọa tại Dần Thân đối cung với Liêm Trinh, hoặc Liêm Tham đồng cung tại Tị Hợi, gặp sát kị mà không gặp cát tinh, cũng chủ cho người lấy xảo nghệ mà cầu tài.
Đại thể mà nói, Tham Lang/Liêm Trinh/Vũ Khúc đồng độ hoặc tương hội, tức là đã cấu thành điều kiện căn bản của xảo nghệ, thuộc vào loại xảo nghệ nào, tất cần phải xem kĩ các tinh diệu nào tới hội hợp để nhận định, như là: gặp Xương Khúc thì giỏi về thiết kế/trù tính (设计); gặp Hỏa Tinh Thiên Trù thì nên theo lĩnh vực ẩm thực hoặc thực phẩm; gặp Đà La thì giỏi về máy móc cơ giới; vô cùng nhiều loại, biến hóa tương đối phức tạp.
Cổ quyết lại có câu: Tham Nguyệt đồng sát hội Cơ Lương, tham tài không mệt mỏi (mà) theo nghiệp kinh thương (贪月同煞会机梁, 贪财无厌作经商). Lại nói: Cơ Lương Tham Nguyệt đồng sát hội, dạ bán kinh thương vô miên thụy (机梁贪月同煞会, 夜半经商无眠睡). Hai câu này chính là một, tức cách cục Tham Lang, Cơ Nguyệt Đồng Lương, và sát diệu đồng triền. Giả như 3 điều kiện này tổ hợp thành một tinh hệ, thì chủ cho người đêm ngày kinh thương, vất vả cực nhọc vì tài.
Nhưng người ngày nay nghiên cứu đẩu số, đối với 2 câu ca quyết này đều hoài nghi, bởi vì trong các tổ hợp tinh hệ, Cơ Nguyệt Đồng Lương không thể cùng Tham Lang hội chiếu. Nên người thời nay đa phần tưởng là in lầm, hoặc giả lại có ý đồ đem 2 câu cổ quyết này mà sửa chữa/xuyên tạc.
Vương Đình Chi có thể nói rằng, 2 câu ca quyết này tuyệt không nhầm lẫn, tuyệt không là do in lầm, mà cũng không phải do cổ nhân bày ra nghi trận, hoặc cố tình nói sai. Trong cổ quyết về đẩu số, nhiều kết cấu không thể tương hội mà cổ nhân lại đem ra nói rằng các kết cấu này tương hội là không ít trường hợp, kì thực là cùng một đạo lý, nếu đã đọc qua “Tử Vi đẩu số tinh quyết” của Ngô Cảnh Loan đời Tống tuyển soạn (tương truyền ông là đệ tử của Trần Hi Di tiên sinh), thì đều có thể hiểu rõ ràng (nguyên cớ). (若读过 (宋吴景鸾撰, 相传他是陈希夷的弟子), 便当可明白一切).
Tham Lang thủ Mệnh, tối hiềm Thân gặp Thất Sát hoặc Phá Quân. Chủ cho một đời nhiều phù động (trôi nổi biến động) vô căn, sự nghiệp nhiều biến cố/biến đổi.
Cổ nhân cho rằng Thất Sát thủ Thân Mệnh, nam thì đào tường khoét vách, nữ thì thâu hương trộm phấn (男有穿窬之体, 女有偷香之态), các cát tinh tới áp chế cũng không thành phúc, các sát tinh hội thì càng gian trá (诸吉压不能为福, 众凶聚愈其奸). Làm việc thì tàng cơ mưu, hư hoa không thật (虚花无实), giao tế với người thì bạc bẽo với người tốt, mà lại tốt với người bạc bẽo (厚者薄, 薄者厚), cho nên cổ nhân nói rằng “Thất Sát thủ Thân, rốt cuộc là yểu; Tham Lang nhập Mệnh, tất là xướng ca/con hát/kỹ nữ/gái điếm” (七杀守身终是夭, 贪狼入命必为娼). Nếu Thân Mệnh là Phá Quân ở đất sinh vượng, nam thì rượu chè mà cờ bạc trôi nổi, nữ thì không có mai mối (lại) dâm bôn mà thành thân/gia thất, ưa gặp Không Vong thì ngược lại trở nên đoan chính. (若身命与破军同居, 更居三合之乡, 生旺之地, 男好饮而赌博游荡, 女无媒而自嫁淫奔, 喜见空亡, 返主端正).
Cổ quyết khi nói nam trộm cắp nữ xướng ca, cũng khó tránh khỏi cường điệu/quá đà, nhưng nếu như nặng lòng ham muốn sắc dục, vật dục mà lại còn thích thay đổi công việc/sự nghiệp, hoặc thiếu đi nghị lực kinh qua gian khổ, thì cũng dễ lỡ bước mà trở thành kẻ hạ lưu.
Tham Lang gặp sát, sẽ không nên gặp Văn Khúc đồng độ, nếu Tham Lang thủ Thân, Thất Sát Phá Quân thủ Mệnh, gặp sát mà lại đồng cung với Văn Khúc, tất chủ một đời nhiều việc hung hiểm ngoài dự liệu.
Tham Lang không ưa thích đồng cung với Văn Xương Văn Khúc. Đồng cung với Văn Khúc mà gặp sát, chủ một đời nhiều việc ngoài ý; về mặt tính cách thì bất luận đồng cung với Văn Xương hay Văn Khúc, đều chủ cho việc làm người đa hư thiểu thực. Nữ mệnh càng chủ thông minh mà bạc mệnh, nếu đóng tại cung Phúc Đức, cần đề phòng sa chân lỡ bước.
Tham Lang cũng không ưa gặp Kình Dương Đà La đồng độ. Tại cung Hợi Tý, gọi là “Phiếm thủy đào hoa”; (nếu) tại các cung khác, thì chủ là đồ tể; đại hạn lưu niên mà gặp thì chủ làm thủ thuật (mổ xẻ phẫu thuật). Chỉ có tại cung Ngọ, Tham Lang Kình Dương đồng cung gọi là “Mã đầu đới tiễn”; tại cung Dần, đồng độ với Đà La, gọi là “Phong Lưu thái trượng”.
“Phiếm thủy đào hoa” và “Phong lưu thái trượng” đều chủ vì sắc mà rước họa, nhưng gặp cát tinh, thì chỉ chủ cho là người thơ tửu phong lưu, phong hoa tuyết nguyệt (Hà Phong: ngắm hoa thưởng tuyết mê trăng), tịnh không chủ vì sắc vì rượu và táng thân (并不主花酒丧身).
Tham Lang hóa Lộc hoặc hóa Quyền, thì lấy việc gặp Hỏa Linh đồng độ làm sự tốt đẹp, Hóa Lộc chủ phú, Hóa Quyền chủ quí. Tất cả phần trên thuộc về cách cục của Tham Lang, cát hung biến hóa rất lớn.
Chủ đề: THAM LANG
Biên tập / Tác giả: Hoc.Kabala.vn