Chương 52: Quẻ TRẠCH HỎA CÁCH

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Qu%E1%BA%BB 49 Tr%E1%BA%A1ch H%E1%BB%8Fa C%C3%A1ch
Quẻ TRẠCH HỎA CÁCH

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

|:|||: Trạch Hỏa Cách (革 gé)

Quẻ Trạch Hỏa Cách, đồ hình |:|||: còn gọi là quẻ Cách (革 ge2), là quẻ thứ 49 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☲ (|:| 離 li2) Ly hay Hỏa (火).

* Ngoại quái là ☱ (||: 兌 dui4) Đoài hay Đầm (澤).

Giải nghĩa: Cải dã. Cải biến. Bỏ lối cũ, cải cách, hoán cải, cách tuyệt, cánh chim thay lông. Thiên uyên huyền cách chi tượng: tượng vực trời xa thẳm.

Nước giếng tích trữ lâu ngày, bụi cát và các vật dơ mỗi ngày mỗi nhiều, không còn trong sạch nữa, phải tát hết nước cũ để nước mạch mới chảy vào thay, cho nên sau quẻ Tỉnh tới quẻ Cách. Cách nghĩa là thay đổi, như trong từ ngữ cải cách, biến cách, cách mạng.

Thoán từ

革: 已日乃孚, 元亨 利貞.悔亡.

Cách: Dĩ nhật nãi phu, nguyên hanh lợi trinh. Hối vong.

Dịch: Thay đổi: Phải lâu ngày người ta mới tin được; phải rất hanh thông, hợp chính đạo (thì người ta mới phục). Ðược vậy thì không phải ăn năn.

Giảng: Theo tượng quẻ, chằm (Đoài) ở trên, lửa (Ly) ở dưới; lửa đốt thì nước cạn, nước xối vào thì lửa tắt; hai thứ đo tranh nhau thì có sự thay đổi, cho nên gọi là quẻ Cách.

Lại có thể giảng: Đoài là con gái út, Ly là con gái giữa, họ có xu hướng khác nhau (con gái út nghĩ tới cha mẹ, con gái giữa nghĩ tới chồng), phải có sự thay đổi, không thể như vậy mà ở chung với nhau được.

Thay cũ đổi mới là một việc khó, ngược với thói quen thủ cựu của con người, cho nên mới đầu người ta không tin, cho là đa sự. Muốn cho người ta tin thì phải một thời gian lâu để người ta thấy kết quả.

Mà muốn có kết quả, sự cải cách phải hợp thời hợp chính đạo, phải sáng suốt, soi xét rạch ròi và có tính hoà duyệt thoả thuận với lòng người (văn minh dĩ duyệt: lời thoán truyện), có vậy mới đắc nhân tâm mà người ta không phản kháng. Sáng suốt là đức của nội quái Ly, hoà duyệt là đức của ngoại quái Đoài. Có đủ những điều kiện đó: hợp thời, hợp chính đạo (tức là thích đáng, chính đáng) sáng suốt và hoà duyệt thì không phải ăn năn.

Vua Thang diệt Kiệt, vua Võ diệt Trụ, hai cuộc cách mạng đó đều thuận với đạo Trời (chính đạo) và ứng với lòng người (hợp thời, hợp nguyện vọng nhân dân) cho nên thành công. Trời đất phải thay đổi mới có mùa, mà vạn vật mới sinh sinh hoá hoá, việc đời lâu lâu cũng phải cải cách, để trừ những tệ hại cũ mà thích hợp với hoàn cảnh mới.

Hào từ

1. 初九: 鞏用黃牛之革.

Sơ cửu: củng dụng hoàng ngưu chi cách.

Dịch: Hào 1, dương: bó chặt bằng da con bò vàng.

Giảng: người nào muốn làm việc cải cách lớn thì phải có thời (hợp thời), có địa vị có tài. Hào 1 này mới ở vào buổi đầu của thời Cách (thay đổi), còn lỡ dở, thế là chưa có thời, địa vị lại thấp, tuy dương cương nhưng bất trung thế là tài đức còn kém, trên không có người ứng viện (hào 4 cũng là dương); làm việc cải cách tất hỏng; chỉ nên giữ vững (bó chặt bằng) đạo trung (tượng trưng bằng màu vàng); thuận (đức của loài bò), thì mới khỏi bị lỗi.

2. 六二: 已日乃革之, 征吉, 无咎.

Lục nhị: Dĩ nhật nãi cách chi, chinh cát, vô cữu.

Dịch: Hào 2, âm: chuẩn bị lâu ngày rồi cải cách, tiến đi thì tốt, không lỗi.

Giảng: Hào này nhu thuận, đắc trung đắc chính, ở giữa nội quái Ly là sáng suốt, ở trên có hào 5 dương cương, trung chính, vị cao, ứng viện cho, đủ tư các, hoàn cảnh thuận tiện để cải cách (vì vị 2 này là cơ hội cải cách đã tới) cho nên cứ việc mà đi miễn là chuẩn bị cho kỹ, để cho người trên kẻ dưới đều tin mình.

3. 九三: 征凶, 貞厲, 革言三就, 有孚.

Cửu tam: chính hung, trinh lệ, cách ngôn tam tựu, hữu phu.

Dịch: hảo, dương: hăng hái tiến liều thì xấu, bền vững giữ đạo và thận trọng lo lắng, tính toán sắp đặt kế hoạch tới 3 lần thì kết quả mới chắc chắn.

Giảng: Hào này dương cương , bất trung, có tính nóng nảy, muốn làm liều, hăng hái tiến tới, hỏngviệc (chinh hung). Phải giữ vững (trinh) đạo chính, thận trọng, lo lắng(lệ); phải sắp đặt, tính toán kế hoạch đến 3 lần, chắc không có gì khuyết điểm, thì kết quả mới chắc chắn (phu ở đây nghĩa là chắc chắn).

4. 九四: 悔亡, 有孚, 改命, 吉.

Cửu tứ: Hối vong, hữu phu, cải mệnh, cát.

Dịch: Hào 4, dương: Hối hận tiêu hết, có lòng chí thành, trên dưới đều tin theo, đổi mệnh (cải cách lớn) được, tốt.

Giảng: Hào này dương ở vị âm, đáng lẽ có điều ăn năn, nhưng ở vào thời cải cách, không nên cương quá, cho nên tính cương mà vị nhu, vừa cương vừa nhu là tốt, không phải ân hận. Nếu có đủ lòng chí thành khiến người trên kẻ dưới đều tin mình, thì cứ việc tiến hành việc cách mệnh, tốt.

5. 九五: 大人, 虎變.未占有孚.

Cửu ngũ: Đại nhân, hổ biến; vị chiêm hữu phu.

Dịch: Hào 5 dương: Bậc đại nhân làm cho xã hội thay đổi như con hổ thay lông (mướt, đẹp hơn) chưa bói cũng đã tin như vậy rồi.

Giảng: Hào này có đủ cả thời (công cuộc cải cách đã được tám chín phần mười rồi, vị ở ngôi chí tôn), tài đức (dương cương, trung chính, đúng là một đại nhân) cho nên thành công mỹ mãn, làm cho xã hội thay đổi, tốt đẹp, mới mẻ lên như con hổ thay lông, dân chúng sẳn lòng in như vậy từ khi chưa bói.

6. 上六: 君子豹變, 小人革面. 征凶, 居貞, 吉.

Thượng lục: Quân tử báo biến, tiểu nhân cách diện. Chính hung, cư trinh, cát.

Dịch: Người quân tử (thực hiểu và theo sự cải cách như) con báo thay lông; kẻ tiểu nhân miễn cưỡng theo ngoài mặt. Công việc cải cách đến đây đã xong, nên ngừng lại, tiến nữa thì xấu, cứ giữ vững chính đạo thì tốt.

Giảng: Hào này ở cuối cùng thời cách, công việc cải cách đã xong. Kết quả là hạng người từ bậc trung trở lên, sáng suốt (quân tử) thực tâm tự thay cũ mà theo mới, còn người tư cách thấm kém (tiểu nhân) chỉ thay đổi bề ngoài thôi. Như vậy là kết quả tốt đẹp rồi, đừng cải cách hoài nữa mà sinh hậu hoạn, nên giữ chính đạo.

Phan Bội Châu chê Nã phá Luân khi lật nền quân chủ của Pháp, khai quốc hội, lập hiến pháp rồi, không chịu ngừng lại, còn xưng đế, rồi muốn chinh phục Châu Âu nữa, kết quả thân bị đày, danh bị hủy.

***

Sáu hào quẻ này diễn đúng những giai đoạn từ bước đầu khó khăn đến lúc cải cách thành công.

Phải có đủ những điều kiện: hợp thời, hợp đạo, có địa vị, có tài đức, sáng suốt rất thận trọng (tính toán, sắp đặt kế hoạch kỹ lưỡng ba lần), có lòng chí thành, tính hoà duyệt, được nhiều người tin thì làm công việc cải cách lớn mới được. Cần nhất là được lòng tin, chí công vô tư.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

49. 澤 火 革 TRẠCH HỎA CÁCH

Cách Tự Quái革 序 卦
Tỉnh đạo bất khả bất cách井 道 不 可 不 革
Cố thụ chi dĩ Cách.故 受 之 以 革

Cách Tự Quái

Giếng thời chẳng thể gót đầu chẳng thay.

Cho nên Cách tiếp theo ngay. 

Giếng đã để lâu ngày, bùn đất sẽ ứ đọng, nên cần phải vét, phải khơi cho sạch. Chính quyền lâu ngày cũng có lắm điều hủ hoại, cần đổi thay. Vì thế sau quẻ Tỉnh là quẻ Cách.

Cách là cách mạng, là đổi thay những gì cũ kỹ, hủ bại. Chữ Cách theo nguyên nghĩa là da, là thay da, lột xác. Loài vật còn có lúc thay da, lột xác, thì chính quyền, thì xã hội loài người cũng có lúc phải thay da, lột xác, phải đổi mới hoàn toàn. Đổi mới để cho hết ù lì, để trở nên sống động, đổi mới để tiến tới một đời sống hoàn hảo hơn.

Quẻ Cách, trên là Đoài, là hồ, là nước; dưới là Ly là lửa. Nước đổ xuống, lửa bốc lên, thời sự xung đột, khủng hoảng đã đến tột độ, thế là đôi bên đã ở vào thế một mất, một còn. Đã khủng hoảng tột độ, ắt phải có sự đổi thay.

Quẻ Cách, trên là Đoài, là thiếu nữ, dưới là Ly là trung nữ. Hai chị em gái ở chung nhau một nhà, đã lắm chuyện xích mích rồi, nay em nhỏ chơi chèo lấn át chị, thời làm sao tránh khỏi sự xung đột. Vì thế nên sẽ có cuộc cách mạng. 

I. Thoán.

Thoán từ.

革 . 己 日 乃 孚 . 元 亨 利 貞 . 悔 亡 .

Cách. Dĩ nhật nãi phu. Nguyên hanh lợi trinh. Hối vong.

Dịch.

Cách là đổi lốt, đổi đời, 

Đổi thay xong xả, rồi đời mới tin.

Đổi thay tốt đẹp mới nên,

Hợp thời, hợp lý, chu tuyền hanh thông.

Hợp tình, hợp lý nên công,

Mới không hối hận, mới không phàn nàn.

Thoán từ: Cách là đả phá những gì lạc hậu, lỗi thời, hủ hoá, để thay đổi những gì thích hợp hơn, hữu ích hơn. Tuy nhiên, làm cách mạng bất kỳ ở trong lãnh vực nào, cũng không được dân tin ngay, vì con người thường ù lì, không muốn thay đổi lề lối sống đã quen, lại không muốn phiêu lưu. Cho nên, cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi một thời gian, mới được dân chúng tin (Cách dĩ nhật nãi phu). Dĩ nhật là trải nhiều ngày; nãi phu là mới được tin cậy. Cuộc Cách mạng nào cũng đưa đến binh cách, đến đổ máu không ít, thì nhiều. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Ví dụ: Cuộc Cách mạng Pháp năm 1879 lật đổ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ dân chủ. Cuộc Cách mạng Nga năm 1917, lật đổ Nga Hoàng, thiết lập chế độ Cộng sản. Ở nước ta, thì những cuộc Cách mạng 1945 (Việt Minh cướp chính quyền), 1955 Ngô Đình Diệm lật đổ Bảo Đại, 1963 Dương Văn Minh lật đổ Ngô Đình Diệm.v.v… Cho nên làm cách mạng, muốn cho khỏi hối hận, phàn nàn về sau, thời phải thực hiện được những tôn chỉ sau:

Cách mạng phải đưa đến một chế độ đẹp đẽ hơn (Nguyên).  Cách mạng phải làm cho đời sống dân chúng sung sướng hơn (Hanh).  Cách mạng phải mang lại lợi ích thực sự (Lợi). Cách mạng phải có chính nghĩa (Trinh).

Vì thế Thoán từ nói: Nguyên hanh lợi trinh. Hối vong. 

Thoán Truyện.

Thoán viết:

彖 曰 . 革 . 水 火 相 息 . 二 女 同 居 . 其 志 不 相 得 . 曰 革 . 己 日 乃 孚 . 革 而 信 之 . 文 明 以 說 . 大 亨 以 正 . 革 而 當 . 其 悔 乃 亡 . 天 地 革 而 四 時 成 . 湯 武 革 命 . 順 乎 天 而 應 乎 人 . 革 之 時 大 矣 哉 .

Cách. Thủy hoả tương tức. Nhị nữ đồng cư. Kỳ chí bất tương đắc. Viết cách. Dĩ nhật nãi phu. Cách nhi tín chi. Văn minh dĩ duyệt. Đại hanh dĩ chính. Cách nhi đáng. Kỳ hối nãi vong. Thiên địa cách nhi tứ thời thành. Thang Võ cách mạng. Thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân. Cách chi thời đại hỹ tai.

Dịch.

Cách là nước lửa đương đầu,

Là hai cô gái chung nhau một nhà.

Đôi bên chí hướng khác xa,

Nên là chống đối, nên là đổi thay.

Đổi thay ròng rã nhiều ngày,

Rồi ra mới được đó đây tin lòng.

Trong thời sáng láng, tinh thông,

Ngoài thời vui vẻ, bao dong mọi người.

Y theo trung chính, đạo trời,

Thế nên mọi sự xong xuôi thành toàn,

Cách mà chính đáng, mới ngoan,

Cách mà chính đáng, phàn nàn nỗi chi.

Đất trời thay đổi suy di,

Bốn mùa nhờ thế đúng kỳ luân lưu.

Vua Thang, vua Vũ thay triều,

Thuận trời, vả cũng ứng theo lòng người,

Đổi thay, mà lại hợp thời,

Thật là vĩ đạị, trên đời chi hơn.

Thoán Truyện: Cách sở dĩ sinh ra là vì có một sự xung khắc, mâu thuẫn, một cuộc khủng hoảng giữa hai phe đối lập, mâu thuẫn nhau như nước với lửa, như hai chị em gái ở chung một nhà, và bất đồng chí hướng với nhau (Cách. Thủy hỏa tương tức. Nhị nữ đồng cư. Kỳ chí bất tương đắc).

Tiếp theo Thoán Truyện giải những câu của Thoán từ. Thoán từ nói: Dĩ nhật nãi phu, nghĩa là làm sao? Thưa đó là làm cách mạng, rồi sẽ được người ta tin theo.

Dĩ nhật nãi phu. Cách nhi tín chi. Tại làm sao làm cách mạng mà không phải phàn nàn? Thưa vì người làm cách mạng, có một khối óc sáng suốt, nhìn xa, trông rộng, thấu hiểu được sự thể, quán triệt được tình hình, khéo lấy lòng người, lại hoạch định được một chương trình có thể khai thông được mọi bế tắc, hứa hẹn một ngày mai tươi sáng. Tóm lại, làm cách mạng một cách xứng đáng, sẽ không phải phàn nàn hối hận về sau (Văn minh dĩ duyệt. Đại hạnh dĩ chính. Cách nhi đáng. Kỳ hối nãi vong). 

Vả lại sự canh cải trong trời đất, cũng như cuộc cách mạng trong lịch sử không thể không có. Trời đất nhờ canh cải, nên có bốn mùa. Vua Thành Thang, vua Vũ đã làm được những cuộc cách mạng, trên thuận lẽ trời, dưới hợp ý dân. Canh cải mà hợp thời, cách mạng mà đúng lúc, thực là cao cả vậy (Thiên địa cách nhi tứ thời thành. Thang Vũ cách mạng. Thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân. Cách chi thời đại hỹ tai).

Ta có thể trích một đoạn trong sách Mạnh Tử, mà giải Thoán từ, Thoán Truyện quẻ Cách như sau: Trong Kinh Thư có chép rằng: Vua Thành Thang (chết năm 1753 trước Dương Lịch), khi khởi cuộc chinh phục, trước hết đánh lấy nước Cát. Thiên hạ đều tin tưởng ngài. Ngài đương chinh phục miền Đông, thì những đoàn rợ Di miền Tây phiền trách, tới chừng ngài chinh phục miền Nam, thì những đoàn rợ Địch miền Bắc phiền trách. Họ trách rằng: Sao ngài chẳng sớm đến nước ta? Dân chúng khắp thiên hạ mong chờ ngài đến, như lúc trời hạn hán, người ta trông thấy mây và mống trời. Đến chừng ngài kéo binh vào xứ họ, họ vẫn tự nhiên chẳng sợ sệt gì cả. Người đi chợ vẫn đi, người đương cầy vẫn cầy. Ngài giết những vì vua hung bạo mà giải cứu cho nhân dân. Bá tánh đều mừng rỡ, dường như được mưa tuôn phải lúc. Kinh Thư chép: Chúng ta trông vua, ngài đến, chúng ta như sống lại. (Kinh Thư, Trọng Hủy chi cáo, tiết 6). 

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 . 澤 中 有 火 . 革 . 君 子 以 治 歷 明 時 .

Tượng viết:

Trạch trung hữu hỏa. Cách. Quân tử dĩ trị lịch minh thời.

Dịch. Tượng rằng:

Cách là lửa ở trong hồ,

Hiền nhân làm lịch để cho biết thời.

Trong hồ có lửa là  Cách, quân tử nhân đó làm lịch để biết rõ thời tiết. Lửa ở dưới, hồ ở trên, kình địch lẫn nhau, nên sinh biến hóa. Trong một năm, khí Âm, khí Dương kình địch lẫn nhau, nên sinh biến hóa. Con người có thể hiểu được sự biến hóa của trời đất ấy, vì thấy nó có tiết tấu, thứ tự, nên đã làm ra được lịch. Làm được lịch, tức là trông rõ được sự biến hoá của trời đất, tiên đoán được nó, để chuẩn bị trước được, mà sống theo đúng nhu cầu của mỗi thời tiết. 

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 . 鞏 用 黃 牛 之 革 .

象 曰 . 鞏 用 黃 牛 . 不 可 以 有 為 也 .

Sơ Cửu. 

Củng dụng hoàng ngưu chi cách.

Tượng viết:

Củng dụng hoàng ngưu. Bất khả dĩ hữu vi dã.

Dịch.

Bò vàng mà lột lấy da,

Mà thắt, mà bó chắc là mấy mươi.

Tượng rằng:

Bò vàng da lấy thắt bao,

Nghĩa là đừng vội tầm phào ra tay.

Hào Sơ Cửu: Muốn làm cách mạng, không phải ai cũng làm được. Phải có tài, có vị, có thời, có thế, mới làm cách mạng được. Sơ Cửu đây tuy là người có tài, nhưng chưa có địa vị, lại ở buổi sơ khai của thời Cách, nên thời cơ chưa được thuận tiện, trên lại không có người giúp đỡ, như vậy dĩ nhiên Sơ không nên vọng động. Lúc ấy chỉ nên kiềm chế mình bằng đường lối trung thuận. Trung thuận tức là cư xử cho hợp lý, cho mềm dẻo.

Củng là ràng buộc. Hoàng là vàng, là Trung; Ngưu là trâu là Thuận. Tượng Truyện bình rằng: Lúc này là lúc chưa nên hành động, dở dói gì hết (Củng dụng hoàng ngưu. Bất khả dĩ hữu vi dã).

2. Hào Lục nhị.

六 二 . 己 日 乃 革 之 . 征 吉 . 無 咎 .

象 曰 . 己 日 革 之 . 行 有 嘉 也 .

Lục nhị. 

Dĩ nhật nãi cách chi. Chinh cát. Vô cữu.

Tượng viết:

Dĩ nhật cách chi. Hành hữu gia dã.

Dịch.

Sửa sang, chuẩn bị nhiều ngày,

Bây giờ là lúc ra tay đổi đời.

Tiến hành sẽ tốt, sẽ xuôi,

Hết còn lo chuyện đơn sai, lỗi lầm.

Tượng rằng:

Sửa sang, chuẩn bị nhiều ngày,

Rồi ra mới dám ra tay đổi đời.

Tiến hành chuyện sẽ êm xuôi,

Thế thời là tốt, thế thời đáng khen.

Hào Lục nhị ám chỉ một người hội đủ điều kiện để làm cách mạng.

1. Có địa vị (Lục nhị là Hào của đại thần).

2. Nhu thuận, trung chính (Hào Lục nhị).

3. Sáng suốt, thông minh (Hào giữa quẻ Ly).

4. Trên có minh quân ủng hộ (Hào Cửu ngũ).

Tuy nhiên, muốn làm cách mạng, phải sửa soạn nhiều tháng, nhiều ngày, rồi mới có thể ra tay hành động (Dĩ nhật nãi cách chi).

 Khi đã hội đủ các điều kiện rồi, mà hành động, thời chắc chắn kết quả sẽ đẹp đẽ, tốt lành. (Chinh cát. Vô cữu).

Tượng Truyện bình rằng: Chuẩn bị chày tháng, chày ngày, đợi đúng thời cơ mới ra tay cách mạng, thì chắc sẽ được như nguyện, chắc là đáng được khen lao vậy (Dĩ nhật cách chi. Hành hữu gia dã).

3. Hào Cửu tam.

九 三 . 征 凶 . 貞 厲 . 革 言 三 就 . 有 孚 .

象 曰 . 革 言 三 就 . 又 何 之 矣 .

Cửu tam. 

Chinh hung. Trinh lệ. Cách ngôn tam tựu. Hữu phu.

Tượng viết:

Cách ngôn tam tựu. Hựu hà chi hỹ.

Dịch.

Tiến lên sẽ chẳng có hay,

Phải theo chính đạo, phải dày đắn đo.

Bao nhiêu kế hoạch, mưu cơ,

Phải cân, phải nhắc, ít là ba phen.

Mưu cơ, kế hoạch chu tuyền,

Thế thời chắc chắn sẽ nên công trình.

Tượng rằng:

Ba phen kế hoạch đắn đo,

Thời thôi thêm thắt vòng vo làm gì ?

Hào Cửu tam là một người cương trực, nên muốn tiến hành gấp công chuyện cách mạng. Tuy nhiên Dịch cho rằng: Làm gấp, làm vội, sẽ gặp tai ương (Cửu tam. Chinh hung). Muốn làm cách mạng, phải luôn theo chính nghĩa, phải biết lo lắng đề phòng.(Trinh lệ). Phàm là cơ mưu của mình, cũng như dư luận quần chúng, cần được duyệt, được khảo cho tường tận, kỹ càng (Cách ngôn tam tựu).  Tức là phải duyệt xét ba lần. Có cẩn trọng như vậy, mới chắc chắn nên công (Hữu phu). Nhưng cẩn trọng, không phải là do dự. Một khi kế hoạch đã được thảo luận kỹ càng rồi, phải được đem ra thi hành, chứ đừng nên do dự, tìm đường lối khác mà chi. Vì thế Tượng Truyện mới nói: Cách ngôn tam tựu. Hựu hà chi hỹ. Hựu hà chi hỹ là: còn đi đâu nữa, còn thêm gì nữa.

4. Hào Cửu tứ.

九 四 . 悔 亡 . 有 孚 . 改 命 . 吉 .

象 曰 . 改 命 之 吉 . 信 志 也 .

Cửu tứ.

Hối vong. Hữu phu. Cải mệnh. Cát.

Tượng viết:  

Cải mệnh chi cát. Tín chí dã.

Dịch.

Hết điều hối hận, phàn nàn,

Mọi người tin tưởng hoàn toàn từ nay.

Cho nên cứ việc đổi thay,

Công trình Cách mệnh hẳn hay, hẳn lành.

Tượng rằng: Cách mệnh là hay,

Là vì trên dưới, đó đây tin lòng.

Hào Cửu tứ ám chỉ một người:

1. Có tài làm cách mạng (Hào Dương).

2. Gặp thời cơ thuận tiện (vượt Hạ quái, lên Thượng quái)

3. Có thế (Ở giữa Thủy và Hỏa, Đoài và Ly).

4. Được tín nhiệm (Kề Hào Cửu ngũ là Quân vương).

5. Có chí lớn, không bị ràng buộc (Hào Cửu tứ không ứng với Sơ).

6. Mình lại thành khẩn, được mọi người tin cậy. (Hữu phu). Như vậy mà ra tay làm cách mạng, chắc là được mọi sự may mắn, tốt lành (Cải mệnh. Cát).

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 . 大 人 虎 變 . 未 占 有 孚 .

象 曰 . 大 人 虎 變 . 其 文 炳 也 .

Cửu ngũ. 

Đại nhân hổ biến. Vị chiếm hữu phu.

Tượng viết:

Đại nhân hổ biến. Kỳ văn bính dã.

Dịch.

Đại nhân như hổ thay lông,

Không cần bói toán, muôn lòng đều tin.

Tượng rằng:  

Đại nhân như hổ thay lông,

Là vì sự nghiệp thành công rỡ ràng.

Hào Cừu ngũ: Đại nhân như hổ thay lông, thực thi được những công trình cải cách vĩ đại nhãn tiền (Đại nhân hổ biến). Vì thế, ảnh hưởng của vị quân vương, sau khi đã hoàn thành được công cuộc cách mạng, thật là lớn lao.

Để bình giải Hào này, Nho gia thường trích dẫn lời sách của Mạnh Tử: Người quân tử đi đến đâu, thì ở đó được cải hoá. Người ở đâu, thì ảnh hưởng như thần. Ảnh hưởng người phổ cập khắp nơi, từ trên chí dưới, lưu thông dung hiệp với trời đất… Như vậy sao có thể nói được rằng: Người chỉ làm lợi ích nhỏ cho xã hội? (Mạnh Tử, Tận Tâm thượng tiết 13). Đại nhân mà cách mạng bản thân thiệt tình, mà gây được một ảnh hưởng mạnh mẽ đối với dân, thì chẳng cần bói toán, cũng biết rằng người ta vẫn tin mình (Vị chiếm hữu phu). Tượng Truyện cho rằng: Công trình và ảnh hưởng của bậc quân vương như hổ thay lông, rỡ ràng, hiển hiện.(Đại nhân hổ biến. Kỳ văn bính dã).

6. Hào Thượng Lục.

上 六 . 君 子 豹 變 . 小 人 革 面 . 征 凶 . 居 貞 吉 .

象 曰 . 君 子 豹 變 . 其 文 蔚 也 . 小 人 革 面 . 順 以 從 君 也 .

Thượng Lục. 

Quân tử báo biến. Tiểu nhân cách diện. Chinh hung. Cư chinh cát.

Tượng viết:

Quân tử báo biến. Kỳ văn úy dã. Tiểu nhân cách diện.

Thuận dĩ tòng quân dã.

Dịch.

Quân tử như báo thay da,

Tiểu nhân sắc diện, nay đà khác xưa.

Đừng nên dở dói quá đa,

Miễn sao minh chính, thế là đã hay.

Tượng rằng:

Quân tử như báo thay da,

Phong quang văn vẻ, mặn mà dễ ưa.

Tiểu nhân sắc diện khác xưa,

Thuận tình vâng lệnh nhà vua từ rầy.

Hào Thượng Lục: Khi cuộc Cách mạng đã thành rồi, thì người quân tử cũng thành khẩn mà thay đổi lề lối sống, như báo thay lông. Còn tiểu nhân thì chỉ thay đổi phía bên ngoài (Quân tử báo biến. Tiểu nhân cách diện). Lúc ấy làm gì thêm nữa cũng chẳng hay, cứ giữ được đường lối cách mạng đã hoạch định là tốt (Chinh hung. Cư trinh cát). Tào Tham được cử làm Thừa tướng thay Tiêu Hà, thời cứ tuân theo pháp độ của Tiêu Hà mà trị, không nhiều chuyện bày vẽ thêm. Vua Huệ Đế hỏi: Khanh làm thừa tướng, là chỗ đại nhiệm trong thiên hạ, sao cả ngày ngồi không, lẳng lặng chẳng thấy trị việc chi hết vậy? Tào Tham tâu rằng: Bệ hạ xét mình thánh minh thần võ, sánh với Cao Đế ai hơn? Vua nói: Trẫm đâu dám sánh với tiên đế. Tào Tham lại hỏi: Bệ hạ xem tài năng tôi và Tiêu Hà ai hơn? Vua nói: Tài khanh có khi chẳng bằng Tiêu Hà. Tào Tham nói: Bệ hạ thánh minh đã chẳng bằng Cao đế, còn tôi cũng chẳng bằng Tiêu Hà. Cao Đế đã định pháp, thì Bệ hạ phải tuân giữ, còn Tiêu Hà đã lập thiện chánh, thì tôi phải vâng theo mà làm. Chúa tôi đồng lòng noi theo mà trị, thì bốn biển thanh bình, muôn dân an nghiệp, thiên hạ thái bình, có phải là bệ hạ đặng ngồi an, chẳng tốt hơn sao, lựa phải canh cải cho sanh ra nhiều việc làm chi ! Vua khen phải (Tây Hán diễn nghĩa, 615). Thế đúng là Chinh hung. Cư trinh cát vậy.

Tượng viết: Quân tử báo biến. Kỳ văn úy dã. Tiểu nhân cách diện. Thuận dĩ tòng quân dã. Người quân tử, lúc này đã biến đổi lề lối cũ, sống theo đường lối mới như báo thay da, chững chàng rực rỡ (Quân tử báo biến. Kỳ văn uý dã). Còn tiểu nhân thì mới có sự thay đổi ngoài mặt, để thuận theo nhà vua. Như vậy cũng không nên đòi hỏi hơn nữa (Tiểu nhân cách diện. Thuận dĩ tòng quân dã).

ÁP DỤNG QUẺ CÁCH VÀO THỜI ĐẠI

Ngày nay, thế giới đã Cách mạng hoá, nên đã thay đổi tất cả, từ quốc gia, xã hội, văn hóa, gia đình v.v.. Sự thay đổi, dĩ nhiên là mang lại sự tốt đẹp hơn, nhưng đôi lúc đã đi quá trớn, nên đã mang lại nhiều lỗi lầm tai hại. Ví dụ: Cách mạng đã mang lại chế độ Cộng Sản, tuy đã lật đổ được nền quân chủ độc tài, phong kiến, nhưng vì những người cầm đầu đã đi quá trớn, nên khiến cho dân chúng lầm than, kinh tế kiệt quệ.v.v.

*Ngoài xã hội, người phụ nữ được bình đẳng, bình quyền, nên từ công sở đến học đường, người phụ nữ cũng tham gia đông đảo. Trong gia đình, người vợ có nghề hoặc có công ăn việc làm, thì người chồng cũng bớt được gánh nặng, và đời sống gia đình sẽ thoải mái, vững vàng hơn. Nhưng cũng có những trường hợp, vì có nghề và có thể tự túc được, nhiều khi còn có tài năng, hoặc làm ra nhiều tiền hơn chồng, mà người vợ đâm ra tự kiêu, coi thường chồng, hoặc không còn chịu nhịn nhục như xưa, nên gia đình trở thành địa ngục, rồi mạnh ai nấy tìm người thích hợp với mình hơn, và dễ dàng chia tay nhau, mặc dù lũ con còn nhỏ dại.

 Tóm lại, ta thấy Cách mạng chưa hẳn là hay hoàn toàn, mà là phải tùy ta có biết xử dụng nó hay không? Muốn được như ý, ta phải có một nền giáo dục, một nền đạo đức vững chắc làm căn bản. Những người cầm đầu nước phải biết thương dân, lo lợi ích trường cửu cho dân. Trong gia đình, vợ chồng phải biết lo lắng, cộng tác với nhau, phải có trách nhiệm bảo vệ gia đình, và giáo dục con cái. Vả tự ngàn xưa, ai cũng biết: Gia đình có vững, thì dân mới giầu. Dân có giầu, thì nước mới mạnh vậy.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

49.Trạch hỏa cách

Ðại cương:

Tên quẻ: Cách là Cải (thay đổi mạnh mẽ, thay cũ đổi mới)

Thuộc tháng 2

Lời tượng

Trạch trung hữu hỏa: Cách. Quân tử dĩ trị lịch minh thời.

Lược nghĩa

Giữa đầm có lửa là quẻ Cách (thay đổi do nước và lửa tranh đấu nhau như cũ với mới). Người quân tử lấy đấy mà sửa trị lịch pháp để làm sáng tỏ (sự thay đổi của) bốn mùa.

Hà Lạc giải đoán

Những tuổi Nạp giáp:

Kỷ: Mão, Sửu, Hợi

Đinh: Hợi, Dậu, Mùi

Lại sanh tháng 2 là cách công danh phú quý.

THƠ RẰNG:

Việc đời vốn vất vả

Tuy lo chẳng ngại gì

đổi thay cũ mới phải THÌ

Sao cho hợp lý tùy nghi là làm,

Lợi tìm về phía Đông Nam

Còn phương Tây Bắc đừng nhằm mà nguy

Hào 1:

Củng dụng hoàng ngưu chi cách. Ý HÀO: Không có nhiệm vụ biến cách thì không cách.

MỆNH HỢP CÁCH: Tuy có tài nhưng chức nghiệp bị trở ngại nhiều, an thường thủ Phận đợi thời.

MỆNH KHÔNG HỢP: Phận nhỏ mọn, hay chấp nhất, tuy không tai họa, nhưng cũng bỉ lậu, xấu hổ.

XEM TUẾ VẬN: Quan chức: nên giữ chổ. Giới sĩ: Giữ Phận, chưa nên cầu tiến vội. Người thường: Nên cẩn thủ, đừng làm bừa.

Hào 2:

Dĩ nhật, nãi cách chi, chinh cát, vô cữu. Ý HÀO: Cứ bình tĩnh xem thời, thì biến đổi mới đúng.

MỆNH HỢP CÁCH: Biến cải đúng thời cơ, hợp tình dân, sáng lập, kiến thiết, sửa trị một thời mà gây ảnh hưởng đến muôn đời.

MỆNH KHÔNG HỢP: Cũng trung hậu, xử sự đúng phép, biết cải cách những tục cũ để xây dựng quy mô mới tốt đẹp.

XEM TUẾ VẬN: Quan chức và Giới sĩ: Thay đổi, thành danh. Người thường: Có nhiều việc vui mừng.

Hào 3:

Chinh hung, trinh lệ, cách ngôn tam tựu, hữu phu. Ý HÀO: Cái bệnh của sự biến cách là hay nóng nảy. Phải thẩm sát cho kỹ lưỡng.

MỆNH HỢP CÁCH: Thong dong xem thời liệu biến để canh cải những tệ hại cũ khiến quần chúng hợp sức và đời sau ngưỡng mộ.

MỆNH KHÔNG HỢP: Khinh suất, vọng động, thành ít bại nhiều, trác lập gian truân, dễ bị tan tác.

XEM TUẾ VẬN: Quan chức: Khinh động, mất chính trị, bị giáng truất. Giới sĩ: Phải thi lại đến ba lần. Người thường: phân tâm, khó yên. Xấu thì yểu chiết.

Hào 4:

Hối vong hữu phu, cải mệnh, cát. Ý HÀO: Có dân đồng tâm hiệp lực thì cách mệnh duy tân được.

MỆNH HỢP CÁCH: Mưu cao chí lớn, làm được cuộc cách mệnh hợp lý hợp tình,. Chữ mệnh là triệu chứng thọ mệnh.

MỆNH KHÔNG HỢP: Cũng trung hậu, làm việc có kế hoạch, rời tổ lập nghiệp ở xa, trì chí được, truớc khó sau dễ.

XEM TUẾ VẬN: Quan chức: thăng chuyển lẹ. Giới sĩ: Ðược tiến cử. Người thường: Ðược tăng tiến đẹp đẽ. Nhiều sự đổi mới.

Hào 5:

Ðại nhân hổ biến; vị chiêm hữu phu. Ý HÀO: Cuộc cách mệnh hợp với dân tình.

MỆNH HƠP CÁCH: Tài đức xuất quần, làm được cuộc cách mệnh lớn, lập quy mô cho trăm đời sau noi theo.

MỆNH KHÔNG HỢP: Cũng cao giá trị, thấy việc hồ đồ, không giữ chí hướng.

XEM TUẾ VẬN: Quan chức: Vinh thăng. Giới sĩ: Ðược tiến cử lên cao. Người thường: Biến thông có lợi, duy kẻ sĩ hèn mọn và nữ mạng không hợp.

Hào 6:

Quân tử báo biến, tiểu nhân cách diện, chinh hung, cư trinh cát. Ý HÀO: Cách mệnh đã thành hình,. Giữ chính đạo.

MỆNH HỢP CÁCH: Cậy thông minh, phạm phép, làm xằng, tham lam đến tai họa.

XEM TUẾ VẬN: Quan chức: Nên thoái nhàn, hoặc tham gia văn hóa có tiếng. Giới sĩ: Tiến lên. Người thường: Trọng pháp luật, nên lo về việc miễn cưỡng cải cách, đeo tiếng thị phi.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)


Chủ đề: Chương 52: Quẻ TRẠCH HỎA CÁCH
Biên tập / Tác giả: Hoc.Kabala.vn


Tìm kiếm thêm bài có từ khóa:
Tuyên bố trách nhiệm từ Kabala: 1. Không nên coi những tính toán và nội dung bên trên làm cơ sở duy nhất cho mỗi quyết định. Cuộc đời còn phức tạp hơn nhiều những luận đoán này.
2. Hôm nay là huyền học, ngày mai là vật lí học. Mỗi môn khoa học đều chứa một phần sự thật và đều chứa một phần không chính xác.
3. Một ngày có thể là may, có thể là rủi, kết quả sẽ khác đi phụ thuộc vào việc ta làm gì và hành động như thế nào. Cái rủi dạy cho ta một bài học, cái may khiến ta lười biếng.
4. Sự lựa chọn mạnh hơn cả số phận. Sự lựa chọn chi phối số phận. Quên đi điều đó thật dễ dàng nên chúng ta thường tiếp tục bỏ qua. Đó chính là nguy hiểm và là nguy cơ tiềm ẩn trong các môn mệnh lí.
5. Không nên chờ đợi sự tiên đoán số phận nói với chúng ta điều gì về tương lai, vì tương lai trở thành những trang lịch sử khi chúng ta viết nên chúng. Số phận là sự có thể, lịch sử là cái chúng ta biến sự có thể thành hiện thực.
6. Kabala Huyền học sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)