Phản Ngâm, Phục Ngâm

Trong việc thiết lập các phương tọa, hướng của 1 căn nhà để có được 1 trạch vận tốt thì ngoài những vấn đề như nhà phải thật sự được “Đáo Sơn, Đáo Hướng” (tức là phi tinh phải hợp với hình thế bên ngoài), tránh được cuộc “Thượng Sơn, Hạ Thủy”, nếu thêm được cuộc “Thu Sơn, Xuất Sát” nữa thì như gấm thêm hoa…, người làm Phong thủy Huyền Không còn cần để ý 2 cách cục xấu khác là Phản Ngâm và Phục Ngâm của Sơn tinh và Hướng tinh.

Trường hợp có Phản Ngâm hay Phục Ngâm xảy ra là khi an Vận bàn cho 1 căn nhà, Vận tinh số 5 sẽ tới Hướng hay tọa của căn nhà đó. Nếu đem số 5 đó nhập trung cung xoay nghịch (để thiết lập Sơn bàn hoặc Hướng bàn), thì những số tới 8 cung sẽ đối nghịch với số nguyên thủy của địa bàn (hay cộng với số nguyên thủy của địa bàn thành 10). Trường hợp này được gọi là “PHẢN NGÂM” (Phản: tức là phản đối hoặc xung khắc). Nếu vận tinh số 5 đó nhập trung cung xoay thuận, thì những số tới 8 cung sẽ giống như những số nguyên thủy của địa bàn. Trường hợp này được gọi là “PHỤC NGÂM” (Phục: tức là tăng áp lực lên vì cùng 1 số).

Thí dụ 1: Nhà tọa Mùi hướng SỬU, nhập trạch trong vận 8.

Nếu lập Vận bàn thì sẽ thấy Vận tinh số 5 tới tọa ở Tây Nam. Bây giờ nếu muốn lập Sơn bàn thì phải lấy số 5 nhập trung cung. Vì nhà này hướng SỬU, nên tọa thuộc sơn MÙI. Mà MÙI thuộc âm trong Tam nguyên Long, cho nên lấy 5 nhập trung cung rồi xoay nghịch thì sẽ thấy 4 đến TÂY BẮC, 3 đến TÂY, 2 đến ĐÔNG BẮC, 1 đến NAM, 9 đến BẮC, 8 đến TÂY NAM, 7 đến ĐÔNG, và 6 đến ĐÔNG NAM. Nếu so sánh phương vị cuả những Sơn tinh này với phương vị nguyên thủy của chúng trong Hâu thiên Bát quái (hay Lạc thư) thì sẽ thấy như sau:

•Số 4: vị trí nguyên thủy (tức địa bàn) trong Lạc thư là nằm tại khu vực phía ĐÔNG NAM, nhưng trong trạch vận này lại đổi lên đóng tại khu vực phía TÂY BẮC là khu vực đối nghịch với vị trí nguyên thủy của nó.

•Số 3: vị trí nguyên thủy là ở phía ĐÔNG, nhưng lại tới đóng nơi phía TÂY.

•Số 2: vị trí nguyên thủy là ở TÂY NAM, nhưng lại tới đóng ở ĐÔNG BẮC.

•Số 1: vị trí nguyên thủy là ở BẮC, nhưng lại tới đóng ở phía NAM.

•Số 9: vị trí nguyên thủy là ở NAM, nhưng lại tới đóng ở phía BẮC.

•Số 8: vị trí nguyên thủy là ở ĐÔNG BẮC, nhưng lại tới đóng tại TÂY NAM.

•Số 7: vị trí nguyên thủy là ở TÂY, nhưng lại tới đóng tại phía ĐÔNG.

•Số 6: vị trí nguyên thủy là ở TÂY BẮC, nhưng lại tới đóng ở phía ĐÔNG NAM.

Như vậy, ta thấy tất cả các số (hay sao) của Sơn tinh đều đóng tại những khu vực đối nghịch với địa bàn nguyên thủy của mình, nên đây là trường hợp “PHẢN NGÂM”.

Thí dụ 2: nhà tọa Cấn hướng KHÔN, nhập trạch trong Vận 8.

Nếu an Vận bàn thì sẽ thấy vận tinh số 5 tới hướng ở Tây Nam. Vì hướng KHÔN là thuộc dương trong Tam nguyên Long, nên nếu muốn an Hướng bàn thì phải lấy số 5 nhập trung cung xoay thuận thì số 6 tới TÂY BẮC, số 7 tới TÂY, số 8 tới ĐÔNG BẮC, số 9 tới NAM, số 1 tới BẮC, số 2 tới TÂY NAM, số 3 tới ĐÔNG, số 4 tới ĐÔNG NAM. Nếu so sánh phương vị của những Hướng tinh này với phương vị nguyên thủy của chúng trong Lạc thư thì sẽ thấy như sau:

•Số 6: vị trí nguyên thủy (tức địa bàn) trong Lạc thư là khu vực phía TÂY BẮC, bây giờ trong trạch vận này lại cũng tới đóng tại khu vực TÂY BẮC

•Số 7: vị trí nguyên thủy ở TÂY, bây giờ cũng tới đóng tại phía TÂY.

•Số 8: vị trí nguyên thủy ở ĐÔNG BẮC, bây giờ cũng tới đóng tại ĐÔNG BẮC.

•Số 9: vị trí nguyên thủy ở NAM, bây giờ cũng tới đóng tại NAM.

•Số 1: vị trí nguyên thủy ở BẮC, bây giờ cũng tới đóng tại BẮC.

•Số 2: vị trí nguyên thủy ở TÂY NAM, bây giờ cũng tới đóng tại TÂY NAM.

•Số 3: vị trí nguyên thủy ở ĐÔNG, bây giờ cũng tới đóng tại ĐÔNG.

•Số 4: vị trí nguyên thủy ở ĐÔNG NAM, bây giờ cũng tới đóng tại ĐÔNG NAM.

Như vậy, ta thấy tất cả những Hướng tinh đó đều đến đóng ngay tại khu vực địa bàn nguyên thủy của chúng, nên đây là trường hợp “PHỤC NGÂM”.

“Phản ngâm, Phục ngâm, tai họa khó đương”, đó là lời của cỗ nhân viết để nói về những trường hợp này. Cho nên trong “Trạch vận Tân án” mới viết:” tai họa do “Phản ngâm, Phục ngâm” gây ra chẳng kém gì “Thượng Sơn, Hạ Thủy”, nếu phạm vào cách đó lập tức người chết, tiền hết”. Cho nên “Phản ngâm, Phục ngâm” là 1 cách cục rất nguy hiểm cho dương trạch và âm trạch, nhưng nó cũng được chia làm 2 loại như sau:

-Sơn tinh phạm “Phản ngâm hay Phục ngâm” (viết tắt là “Phản, Phục ngâm”): chủ gây nguy hại cho nhân đinh trong nhà.

-Hướng tinh phạm “Phản, Phục ngâm” chủ gây nguy hạI cho tài lộc và công việc.

Trong 2 loại Sơn, Hướng tinh phạm “Phản, Phục ngâm” ở trên thì còn phân ra 2 trường hợp như sau:

-Tất cả Sơn tinh (hay tất cả Hướng tinh) đều phạm “Phản ngâm” hay “Phục ngâm”. Như trong thí dụ 1 thì tất cả Sơn tinh đều bị “Phản Ngâm”. Trường hợp này được gọi là “Sơn tinh toàn bàn Phản ngâm”. Còn như trong thí dụ 2 thì tất cả Hướng tinh đều bị “Phục ngâm”, nên được gọi là “Hướng tinh toàn bàn Phục ngâm”.

-Trong trạch vận chỉ có 1, 2 Sơn tinh hay Hướng tinh là bị Phản ngân hay Phục ngâm. Lấy thí dụ như nhà hướng TỐN 135 độ, nhập trạch trong vận 8. Khi an Vận bàn thì sẽ thấy Vận tinh số 7 tới hướng. Nếu muốn an Hướng bàn thì phải lấy số 7 nhập trung cung xoay nghịch (vì nhà hướng TỐN là trùng với sơn DẬU của số 7, mà DÂU là âm hướng trong Tam nguyên Long) thì 6 đến TÂY BẮC, 5 đến TÂY, 4 đến ĐÔNG BẮC, 3 đến NAM, 2 đến BẮC, 1 đến TÂY NAM, 9 đến ĐÔNG, 8 đến ĐÔNG NAM. Trong tất cả các Hướng tinh đó thì chỉ có số 6 là nằm tại địa bàn nguyên thủy của mình nên bị “Phục ngâm”, còn những Hướng tinh khác thì không phạm vào trường hợp này.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp “Phản, Phục ngâm” đều gây ra tai họa, mà còn phải phân biệt như sau:

-Trường hợp Sơn tinh phạm “Phản, Phục ngâm”: nếu khu vực có sinh, vượng khí của Sơn tinh có núi hay nhà cao thì nhà đó vẫn phát phúc, vượng nhân đinh, đồng thời có nhân tài xuất hiện. Nếu những khu vực này không có núi mà lại có thủy thì người trong nhà sẽ gặp những tai họa khủng khiếp. Ngược lại, nếu những khu vực có khí suy, tử của Sơn tinh mà lại có núi cao thì cũng là điều cực kỳ nguy hại cho những ai sống trong căn nhà đó. Nhưng nếu những khu vực này lại có thủy thì sát khí của Sơn tinh đã được hóa giải nên vô hại.

-Trường hợp Hướng tinh phạm “Phản, Phục ngâm”: Nếu khu vực có sinh, vượng khí của Hướng tinh lại có thủy của sông, hồ, ao, biển hoặc cửa ra vào… thì nhà đó vẫn phát tài lộc, công việc làm ăn tiến triển tốt đẹp. Nhưng nếu những khu vực này không có thủy mà lại có núi thì sẽ làm cho nhà đó tán gia bại sản, cơ nghiêp lụn bại. Ngược lại, nếu những khu vực có suy, tử khí của Hướng tinh mà lại có thủy thì cũng chủ đại phá tài lộc, còn nếu có núi thì Hướng tinh nơi đó đã được hóa giải nên vô hại.

Cho nên khi đã biết những trường hợp “Phản, Phục ngâm”, cũng như những yếu tố tác động có thể làm cho chúng gây họa hoặc được hóa giải… thì chúng ta có thể tìm cách tránh né, như không cất nhà phạm vào cách cục đó, hoặc có thể lựa chọn địa hình bên ngoài, hay cấu trúc bên trong cho phù hợp để hóa giải hết (hoặc bớt) những điều xấu này.

Thí dụ: nhà tọa Cấn hướng Khôn, nhập trạch trong vận 8.

Nếu lập Hướng bàn thì sẽ thấy Hướng tinh toàn bàn “Phục ngân” (xem lại thí dụ 2 ở trên). Nếu vì lý do gì đó mà vẫn phải xây và vào ở trong nhà này (tức không thể né tránh được) thì có thể tìm những nơi có vượng khí và sinh khí của Hướng tinh, xem địa hình bên ngoài nhà tại những nơi đó có sông, hồ, ao, biển không? Nếu có thì dù nhà này bị phạm “Phục ngâm” như thế nhưng vẫn vượng về tài lộc và có thể sống được. Ngược lại nếu những khu vực đó không có thủy thì phải thiết lập “thủy nhân tạo”, tức là phải mở cửa sau tại phía ĐÔNG BẮC (nơi có vượng khí số 8), xây hồ bơi tại khu vực phía BẮC (nơi có sinh khí số 1), để buồng tắm hay làm cầu thang tại khu vực phía NAM (nơi có sinh khí số 9)… Còn những nơi khác thì có thể làm phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ, hoặc bỏ trống, hoặc chứa đồ… thì tài lộc của căn nhà này vẫn tốt và có thể phát triển lâu dài.

Riêng với “Phản, Phục ngâm” thì ngoài những trường hợp do Vận tinh số 5 của Tọa hoặc Hướng nhập trung cung xoay chuyển thuận hay nghịch mà tạo ra thì có 1 số trường hợp khác như sau:

-Vân tinh và Hướng tinh trong cùng 1 cung (hay trong tất cả 8 cung) đều cùng 1 số. Đây là trường hợp Hướng tinh Phục ngâm. Thí dụ: nhà tọa TUẤT hướng THÌN kiêm CÀN-TỐN 4 độ, nhập trạch trong vận 2. Nếu an Vận bàn thì lấy số 2 nhập trung cung xoay thuận thì 3 đến TÂY BẮC, 4 đến TÂY, 5 đến ĐÔNG BẮC, 6 đến NAM, 7 đến BẮC, 8 đến TÂY NAM, 9 đến ĐÔNG, và 1 đến ĐÔNG NAM. Tuy Vận tinh số 1 đến hướng, nhưng vì nhà này kiêm nhiều, nên phải dùng số 2 làm Thế quái, nhập trung cung xoay thuận (vì nhà Hướng THÌN thì trùng với sơn NHÂM của số 1, thuộc dương trong Tam nguyên Long) thì 3 đến TÂY BẮC, 4 đến TÂY, 5 đến ĐÔNG BẮC, 6 đến NAM, 7 đến BẮC, 8 đến TÂY NAM, 9 đến ĐÔNG, 1 đến ĐÔNG NAM. Tức là tại mỗi vị trí thì những số của Vận tinh và Hướng tinh đều giống nhau (hay cùng 1 số).

-Vận tinh và Sơn tinh trong cùng 1 cung (hay trong tất cả 8 cung) đều giống nhau (hay cùng 1 số). Đây là trường hợp Sơn tinh Phục ngâm.

-Sơn tinh và Hướng tinh trong cùng 1 cung (hay trong tất cả 8 cung) đều giống nhau (hay cùng 1 số). Đây là trường hợp cả Sơn-Hướng tinh đều bị Phục ngâm.

Chúng ta đã biết mỗi cung hướng đều đi liền với một số của cửu tinh như: 2, 5, 8 là cung khôn, cung cấn. 3, 7 là cung chấn cung đoài. 4, 6 là cung tốn, cung càn. 1, 9 là cung khảm cung ly. Khi lập tinh bàn mà gặp trường hợp phi tinh của sơn hoặc hướng là ngũ hoàng nhập trung cung, nếu bay thuận thì số của phi tinh giống số của địa bàn đó là bị phục ngâm, nếu đi nghịch thì số của phi tinh nằm ở cung đối diện với số của địa bàn đó là bị phản ngâm.

* Phục ngâm: tức là tăng năng lực vì cùng một số, lúc đó năng lực cửa cửu tinh là tốt hay xấu sẽ tăng lên gấp nhiều lần

* Phản ngâm: Tức là lực đối kháng lại, cũng làm năng lực của cửu tinh tăng lên gấp nhiều lần nhưng ở chiều ngược lại

– Nếu hướng tinh là vượng tinh mà lại bị Phản Ngâm hay Phục ngâm: trường hợp này không ngại, chỉ cần có thuỷ ở hướng (tức phương có vượng tinh) là vẫn có thể dùng được. Như trường hợp nhà Khôn hướng Cấn vận 8, nhà có hướng tinh 8 nằm ở phía TÂY NAM (tức phương toạ) tức là bị Phản ngâm. Nhưng trong vận 8, hướng tinh Bát bạch là vượng tinh, nếu đắc thuỷ thì vẫn tốt như thường. Tuy nhiên, nếu đến cuối vận 8 mà không tu sửa nhà hay dời chỗ ở thì lúc đó tai hoạ mới xảy ra. Ngược lại, nếu nhà có vượng tinh bị Phục ngâm, như trường hợp nhà toạ MÙI, hướng SỬU trong vận 8, nếu đầu hướng có cửa hay thuỷ cũng đều tốt như thường, dù biết rằng trong vận 8 mà có thuỷ ở phía ĐÔNG BẮC là bị Linh thần thuỷ, chủ phá tài.

– Trường hợp hướng tinh là khí suy, tử mà lại bị Phản, Phục ngâm: nếu trong những trường hợp này, hướng tinh bị Phản, Phục ngâm lại nằm chung với vượng tinh của sơn thì có thể dùng cách “dùng sơn để chế ngự thuỷ”, tức là xây nhà cao, đắp đất. trồng cây cao tại nơi đó để “xuất sát” của thuỷ thần bị Phản, Phục ngâm. Ngược lại, nếu cả sơn và hướng tinh đều là khí suy tử thì 1 là tránh làm động chỗ đó. Nếu nơi đó là cửa ra vào thì nên dời cửa đi nơi khác. Nếu nơi đó là 1 khu vực của căn nhà thì tránh dùng làm phòng ăn, phòng ngủ, buồng tắm… chỉ có thể dùng làm nhà kho hoặc bỏ trống là tốt nhất. Nếu là phòng ngủ thì còn cần để ý xem phương vị của cửa phòng có nằm tại phương bị Phản, phục ngâm hay không? Nếu có thì cũng phải tránh. Còn cách thứ 2 là dùng phương pháp hoá giải tức là nếu sao bị Phản, Phục ngâm là hành Thổ thì dùng Kim hoá, nếu là hành Thuỷ thì dùng Mộc hoá… để làm giảm nhẹ mọi tai hoạ đi thôi.

– Nếu sơn tinh là vượng tinh mà lại bị Phản, Phục ngâm thì cũng không ngại. Nơi đó nếu có nhà cao hay cây cối, gò đống thì vẫn tốt cho vận đó, chỉ đến vận sau mới đáng ngại cho nhân đinh.

– Trường hợp Sơn tinh bị Phản, Phục ngâm: nếu sơn tinh nằm chung với vượng tinh của hướng ở cùng 1 cung thì dùng cách “đắc thuỷ để thu sơn” mà hoá giải. Nếu cả sơn tinh lẫn hướng tinh đều là khí suy tử thì cũng theo những cách đã nói ở phần trên mà hoá giải.

– Trường hợp Hướng tinh hoặc Sơn tinh toàn bàn phản hay phục ngâm (đây là trường hợp Ngũ hoàng nhập trung cung). Nếu nơi hướng tinh vượng có thủy và sơn tinh vượng có sơn thì có thể chế ngự được. Chỉ khi qua vận sau nếu không tu sửa lại thì tai họa mới đến.

(Dẫn theo trang kilotuvi.blogspot.com/)


Phản Ngâm, Phục Ngâm (cập nhật 06/05/2024)


Tìm kiếm thêm bài có từ khóa:
Tuyên bố trách nhiệm từ Kabala: 1. Không nên coi những tính toán và nội dung bên trên làm cơ sở duy nhất cho mỗi quyết định. Cuộc đời còn phức tạp hơn nhiều những luận đoán này.
2. Hôm nay là huyền học, ngày mai là vật lí học. Mỗi môn khoa học đều chứa một phần sự thật và đều chứa một phần không chính xác.
3. Một ngày có thể là may, có thể là rủi, kết quả sẽ khác đi phụ thuộc vào việc ta làm gì và hành động như thế nào. Cái rủi dạy cho ta một bài học, cái may khiến ta lười biếng.
4. Sự lựa chọn mạnh hơn cả số phận. Sự lựa chọn chi phối số phận. Quên đi điều đó thật dễ dàng nên chúng ta thường tiếp tục bỏ qua. Đó chính là nguy hiểm và là nguy cơ tiềm ẩn trong các môn mệnh lí.
5. Không nên chờ đợi sự tiên đoán số phận nói với chúng ta điều gì về tương lai, vì tương lai trở thành những trang lịch sử khi chúng ta viết nên chúng. Số phận là sự có thể, lịch sử là cái chúng ta biến sự có thể thành hiện thực.
6. Kabala Huyền học sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)