Chương 19: Quẻ LÔI ĐỊA DỰ

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Qu%E1%BA%BB 16 L%C3%B4i %C4%90%E1%BB%8Ba D%E1%BB%B1
Quẻ LÔI ĐỊA DỰ

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

:::|:: Lôi Địa Dự (豫 yù)

Quẻ Lôi Địa Dự, đồ hình :::|:: còn gọi là quẻ Dự (豫 yu4), là quẻ thứ 16 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).

* Ngoại quái là ☳ (|:: 震 zhen4) Chấn hay Sấm (雷).

Giải nghĩa: Duyệt dã. Thuận động. Dự bị, dự phòng, canh chừng, sớm, vui vầy. Thượng hạ duyệt dịch chi tượng: tượng trên dưới vui vẻ.

Đã Đại hữu mà lại Khiêm thì tất nhiên là vui vẻ, sung sướng, cho nên sau quẻ Khiêm, tới quẻ Dự (vui, sướng).

Thoán từ:

豫: 利建侯, 行師.

Dự: Lợi kiến hầu, hành sư.

Dịch: vui vẻ: Dựng tước hầu (để trị dân), ra quân thì tốt.

Giảng: Có ba cách giảng ý nghĩa quẻ này.

– Chấn ở trên, Khôn ở dưới, có nghĩa là ở trên thì động, hành động; ở dưới thuận theo, như vậy tất vui vẻ.

– Sấm ở trên đất, nghĩa là khí dương phát động (chấn thuộc dương) mà muôn vật ở trên phát sinh, cũng là cảnh tượng vui vẻ.

– Quẻ này chỉ có một hào dương (hào 4), 5 hào âm đều theo nó, nó làm chủ trong quẻ , như một người tài đức, làm việc gì cũng thuận cả, tất thành công, sẽ vui vẻ, an ổn.

– Thuận với lẽ tự nhiên thì dù trời đất cũng nghe theo, huống hồ là việc dựng tước hầu, ra quân, dân há lại không theo.

– Thoán truyện bàn rộng thêm: Cái đạo thuận lẽ mà hành động đó là đạo trời, cho nên mặt trời mặt trăng thay nhau chiếu sáng ban ngày ban đêm, không bao giờ lầm; bốn mùa thay nhau chẳng bao giờ sai. Thánh nhân thuận lẽ mà hành động thì hình phạt không phiền phức mà dân chúng phục tòng.

Hào từ:

1. 初六: 鳴豫, 凶.

Sơ lục: Minh dự, hung.

Dịch: Hào 1, âm: Khoe mình vui sướng một cách ồn ào, xấu.

Giảng: Chữ Dự, tên quẻ có nghĩa là trên dưới thuận nhu hành động mà cùng vui vẻ; còn chữ dự trong các hào thì có nghĩa là cá nhân vui vẻ.

Như hào âm nhu ở dưới cùng này, bất trung, bất chính, là một tiểu nhân, ỷ có hào 4 cương kiện và có địa vị ở trên ứng viện, lấy làm đắc ý, bộc lộ nỗi sung sướng của mình một cách ồn ào, thế là kiêu mạn, xấu.

2. 六二: 介于石, 不終日, 貞吉.

Lục nhị: giới vu thạch, bất chung nhật, trinh cát.

Dịch: Hào 2, âm: Chí vững như đá, chẳng đợi hết ngày (mà ứng phó ngay), chính đính, bền, tốt.

Khổng tử, theo Hệ từ hạ truyện, Chương V, cho rằng người quân tử biết trước được triệu chứng từ khi mới có dấu hiệu, cho nên ứng phó mau, giao tiếp với kẻ trên thì không nịnh, với kẻ dưới thì không nhờn, biết lúc nào nên nhu, lúc nào nên cương.

3. 六三: 盱豫, 悔遲, 有悔.

Lục tam: Hu dự, hối trì, hữu hối.

Dịch: Hào 3, âm: Ngửa mặt lên trên (mong được phú quí) mà vui mừng, như vậy thế nào cũng ăn năn, mà sửa đổi chậm, lại càng ăn năn hơn.

Giảng: Hào này cũng bất trung, bất chính, như kẻ tiểu nhân ngó lên trên là hào 4 dương cương, mong được phú quí mà vui mừng; không sớm rút chân ra khỏi cái bẩy quyền thế thì sẽ ân hận lớn.

4. 九四: 由豫, 大有得; 勿疑, 朋盍簪.

Cửu tứ: Do dự, đại hữu đắc; vật nghi, bằng hạp trâm.

Dịch: Hào 4, dương: người khác nhờ mình mà vui, mình có thể thành công lớn được; cứ hết lòng chí thành, đừng nghi ngờ thì các bạn thanh khí sẽ lại giúp mình đông mà chóng.

Giảng: Hào này làm chủ trong quẻ, có tài, có địa vị cao, lại được hào 5 (vua) hết lòng tin, nên tạo hạnh phúc được cho người , thành công lớn được.

Nhưng là hào dương độc nhất trong quẻ một mình đảm đương gánh nặng, có lúc chán nản, nghi ngờ, nên Hào từ khuyên cứ chí thành, thì sẽ có nhiều bạn tới giúp.

5. 六五: 貞疾, 恆, 不死.

Lục ngũ: Trinh tật, hằng, bất tử.

Dịch: hào 5, âm: Bệnh hoài, dai dẳng nhưng không chết.

Giảng: Hào 5, ở địa vị chí tôn, nhưng âm nhu, và có hào 4 được lòng dân, gánh hết việc thiên hạ, chuyên quyền; 5 chẳng phải làm gì cả, chỉ chìm đắm trong cảnh hoan lạc (vì ở thời Dự), nên ví với một người bị bệnh hoài. Nhưng may là có 5 đắc trung mà 4 cũng không áp bức, nên vẫn giữ được hư vị, cũng như bị bệnh dai dẳng mà không chết.

Phan Bội Châu cho hào 5 này đúng là trường hợp các vua Lê nhu nhược bị chúa Trịnh chuyên quyền, nhưng vẫn giữ được hư vị.

6. 上六: 冥豫,成有渝, 无咎.

Thượng lục: Minh dự, thành hữu du, vô cữu.

Dịch: Hào trên cùng, âm: mê tối vì hoan lạc, nhưng nếu biết sửa đổi nết xấu thì không lỗi.

Giảng: hào này âm nhu, bất trung bất chính, lại ở thời cuối quẻ Dự, cho nên ví với người mê tối vì hoan lạc. Nhưng cũng may, hào này ở trong ngoại quái Chấn, Chấn có nghĩa là động, có hy vọng nhúc nhích tự cường được, như vậy sẽ không xấu.

***

Chúng ta nhận thấy tên quẻ là Vui, mà sáu hào chỉ có hai hào (2 và 4) là tốt, còn 4 hào kia xấu nhiều hay ít cả, xấu nhất là hào 1 vì kiêu mạn, khoe khoang ồn ào cái vui bất chính của mình; mà tốt nhất là hào 2, vì không ham vui mà giữ vững chí mình.

Phan Bội Châu dẫn câu “Sinh ư ưu hoạn, nhi tử ư an lạc” của Mạnh tử để kết, là tóm tắt được triết lý của quẻ này. Quốc gia cũng như cá nhân, hễ sống trong cảnh vui sướng, vui vẻ quá thì sẽ mau chết.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

16. 雷 地 豫  Lôi ĐỊA DỰ

Dự Tự Quái豫  
Hữu đại nhi năng Khiêm.有 大 而 能 謙.
Tất Dự.必 豫
Cố thụ chi dĩ Dự.故 受 之 以 豫

Dự Tự Quái

Có, mà khiêm tốn, mới nhiều hân hoan.

Cho nên quẻ Dự tiếp luôn. 

Quẻ Dự bao quát nhiều vấn đề:

1-Tự Quái đề cập đến sự hòa lạc của dân nước, khi đã đạt tới phong doanh, thái thịnh.

2- Ca tụng công lao của vị trọng thần làm cho dân được thái hòa, an lạc.

3- Hướng ta về công chuyện khảo cứu nhạc lý để áp dụng vào chính trị, dạy người cầm quyền biết cách xử sự, hoạt động đúng theo luật Trời, theo đúng ý dân, để dân được vui thỏa, dạy cho ta biết ý nghĩa sâu xa của chính trị, là đưa dân lên đến tinh hoa, là chau chuốt tâm hồn dân con trở nên thanh lịch, để cùng nhau tấu lên một khúc nhạc thái hòa.

Theo quái đức, ta thấy Dự trên là Lôi, là Động, dưới là Khôn là Thuận. Người xưa đọc thành Thuận dĩ động. Do đó, phát sinh ra hai nguyên tắc chính:

a) Người cầm quyền bất kỳ làm gì, cũng phải thuận tình, thuận lý, như thế mới làm cho dân được vui thuận.

b) Phải làm sao cho dân tự nguyện đóng góp vào công cuộc kiến thiết quốc gia.

Theo quái tượng, Dự trên có Lôi là Sấm, dưới có Khôn là Đất, như Sấm đầu xuân, kích thích lòng muôn vật để cho sinh khí rạt rào, sống một cuộc sống mới, đẹp như ánh xuân. Thánh Vương cai trị cũng muốn làm rung động lòng người, làm sinh khí rào rạt trong tâm hồn mọi người. Vì thế nên chế ra vũ, nhạc, để hướng nghệ thuật cai trị lên tới tuyệt luân, tuyệt đỉnh. Nhạc chính là sự hỗn hợp của trời đất, sự đồng điệu của Âm Dương, và sự vui chung của quân thần, phụ tử và dân chúng nơi nơi.

Chữ Nhạc đây không phải là ca nhạc không, mà gồm cả ca nhạc và nhạc vũ. Nhạc ký viết: Chuông, trống, sáo, khánh, vũ thược, can, qua là những nhạc khí. Co, ruỗi, ưỡn, khom, chụm, tỏa, nhanh, chậm, là nhạc văn.

Nói cách khác, nhạc gồm: Thi, ca, nhạc, vũ. Nhạc là sự phối hợp của thanh âm, mầu sắc, tiết tấu, chuyển động để mà kích thích, di dưỡng tâm thần con người.

-Thời cổ Trung Hoa: Về Nhạc khí, người ta dùng 8 nguyên liệu mà chế ra:

1) Cách = Da súc vật như trâu, bò v v…làm trống.

2) Bầu = Quả bầu để khô làm Sênh, Hoàng, Vu.

3) Trúc, gồm những loại Quản, Sáo như: Trì, Địch, Thược, Tiêu, Quản.

4) Mộc = Gỗ, gồm các loại: Chúc, Ngữ.

5) Ti = Sợi tơ, gồm các loại đàn: Cầm, Sắt, Không hầu, Tỳ bà, Trúc.

5) Thổ = Đất, gồm các loại: Huân, Phữu.

6) Kim = Kim khí, gồm các loại Chuông, Trống, Não bạt.

7) Thạch = Đá, gồm các loại Khánh: Ngọc, Thạch, Đại, Biên, Sanh, Tụng.

Về Vũ khí, có Mao, Vũ, Can, Thích, Múa Văn dùng Mao. Múa Võ dùng Can, Thích.

Như vậy, trong trời đất bất kỳ thứ gì nếu được tinh luyện, chế hoá cũng có thể trở nên thanh kỳ, và góp phần vào khúc đại hòa tấu của vũ trụ. 

I. Thoán.

Thoán Từ

豫:利 建 侯 行 師。

Dự. Lợi kiến hầu hành sư.

Dịch.

Dự là hứng chí, hứng tâm.

Lập hầu cũng tốt, ra quân cũng lời. 

Thoán Truyện.

豫,剛 應 而 志 行,順 以 動,豫。豫,順 以 動,故 天 地 如 之,而 況 建 侯 行 師 乎?天 地 以 順 動,故 日 月 不 過,而 四 時 不 忒﹔ 聖 人 以 順 動,則 刑 罰 清 而 民 服。豫 之 時 義 大 矣 哉!

Thoán viết:  Dự. Cương ứng nhi chí hành. Thuận dĩ động. Dự. Dự thuận dĩ động. Cố thiên địa như chi. Nhi huống kiến hầu hành sư hồ. Thiên địa dĩ thuận động. Cố nhật nguyệt bất quá. Nhi tứ thời bất thắc. Thánh nhân dĩ thuận động. Tắc hình phạt thanh nhi dân phục. Dự chi thời nghĩa đại hĩ tai. 

Dịch.

Dự là hứng chí, hứng tâm,

Cương, Nhu ứng hợp, muôn lòng hòa vui.

Thuận tình, hành động êm xuôi,

Thuận tình hành động, đất trời cũng ưa.

Đất trời còn chẳng phôi pha,

Thời chi dựng nước, với là ra quân.

Đất trời thuận lý xoay vần,

Cho nên nhật nguyệt, hai vầng vững y.

Tứ thời cũng chẳng sai đi,

Thánh nhân hành động, hợp nghì mới nên.

Thuận theo đạo lý, một niềm.

Chẳng cần ráo riết, dưới trên phục tòng.

Dân vui, dân phục thong dong.

Làm dân thuận phục, nên công cao vời. 

Thoán cho rằng: Người trên mỗi khi thi hành phận sự phải thuận lý, thuận thiên, thuận thời, thuận nhân tâm, và thuận cảnh (Thuận dĩ động). Hơn nữa, muốn cho dân thi hành công tác gì cũng phải làm sao cho họ vui thuận mà làm, chứ không phải miễn cưỡng mà làm(Thuận dĩ động).

Người trên muốn dân phục, phải có một đời sống thanh cao, đạo đức, một dạ vì dân, vì nước, xót thương lê thứ, tránh mọi sự hà khắc, nhũng nhiễu dân, mà chỉ muốn dân giàu có, vui sướng, an hòa. Được vậy, dân sẽ phục. Dịch nói vắn tắt: Thiên địa dĩ thuận động… dân phục. Thánh nhân cho rằng: khi dân đã có đủ ăn, đủ mặc , mà nghĩ đến sự giáo hóa, sự tinh luyện tâm thần dân, để đem lạc thú, hạnh phúc cho dân, thì cao siêu biết bao( Dự chi thời nghĩa đại hỹ tai). 

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰. 雷 出 地 奮,豫。 先 王 以 作 樂 崇 德,殷 荐 之 上 帝,以 配 祖 考。

Tượng viết: Lôi xuất địa phấn. Dự. Tiên vương dĩ tác nhạc sùng đức. Ân hiến chi Thượng Đế. Dĩ phối tổ khảo.

Dịch. Tượng rằng:

Dự là đất chuyển, sấm rung,

Tiên vương tác nhạc, tôn sùng đức cao.

Ơn trời, tấu khúc tiêu tao,

Tình thâm tổ khảo, gửi vào nhã ca.

Tượng cho rằng: Trị dân là phải biết cổ võ lòng dân, kích động lòng dân theo chính nghĩa, chính đạo, biết sống một đời sống linh hoạt, vui tượi, dào dạt sinh khí như vạn vật đầu xuân, nhờ sấm động mà bừng tỉnh giấc đông miên.

Trời lấy sấm động, làm rung lòng đất, và rung lòng vạn vật, đem sinh khí lại cho muôn vật, thì Thánh nhân cũng chế nhạc để ca tụng đạo đức, làm rung động lòng thần minh, tiên tổ và lòng muôn dân, để sinh khí rạt rào khắp vũ trụ, hòa khí lan tỏa khắp muôn phương. 

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Lục.

初 六. 鳴 豫,凶。 

象 曰: 初 六 鳴 豫,志 窮 凶 也。

Sơ Lục. Minh Dự. Hung.

Dịch.

Vui mà để lộ ra ngoài,

Khoe vui, khoe sướng với đời hay chi.

Tượng rằng:

Hào Sơ vui lộ ra ngoài,

Vênh vang tự đắc với đời hay chi?

Hào Sơ cho rằng: mới vui, mới sướng, mà đã cuống cuồng, không tự chủ được, toe toét, huyênh hoang, thì thế nào cũng hỏng, vì thế nào cũng nghĩ đến hưởng thụ, cho nên sa đọa.

2. Hào Lục nhị.

六 二. 介 于 石,不 終 日,貞 吉。

象曰: 不 終 日,貞 吉﹔ 以 中 正 也。

Lục nhị. Giới vu thạch. Bất chung nhật. Trinh cát.

Tượng viết:

Bất chung nhật trinh cát. Dĩ trung chính dã.

Dịch.

Vững vàng như đá, há đâu thay,

Chẳng cần suy tính đến trọn ngày,

Cương kiên, thiết thạch thêm sung mãn,

Minh mẫn, Cương kiên, thế mới hay.

Tượng rằng: Chẳng cứ cả ngày,

Chính trung nên tốt, nên hay lâu dài.

Hào hai dạy rằng: Khi đã được thoải mái, không được buông thả tâm thần, phải biết trì chí luyện tâm, theo đường đạo lý, lòng dạ sắt son, không để cho dục tình lôi cuốn, đã định làm điều hay, phải làm cho ngay, cho gấp. Tức là trong hoàn cảnh sung mãn, mà vẫn giữ được chính lý, chính đạo, vẫn Cương kiên, thiết thạch, không ủy mị, kiêu sa. Như vậy mới là hay.

3. Hào Lục tam.

六 三. 盱 豫,悔。 遲 有 悔。

象 曰: 盱 豫 有 悔,位 不 當 也。

Lục tam. Hu dự hối. Trì hữu hối.

Tượng viết:

Hu Dự hữu hối. Vị bất đáng dã.

 Dịch.

Hay chi ngửa mặt, cầu vui,

Ỷ thần, ỷ thế của người hay chi.

Hào ba cho rằng: những kẻ vô tài, vô đức, bất trung, bất chính dựa vào địa vị, cậy quyền, cậy thế người mà dương dương tự đắc, vênh váo, hân hoan, thì cái vui ấy có ra gì. Biết mình sống trong những thú vui giả tạo, trong dật lạc sa đọa, mà lần lữa sống đoạn tháng, qua ngày, không chịu thay đổi nếp sống, như vậy hỏi có ra chi?

4. Hào Cửu tứ.

九 四. 由 豫,大 有 得。勿 疑。 朋 盍 簪。

象 曰: 由 豫,大 有 得 ﹔ 志 大 行 也。

Cửu tứ. Do Dự. Đại hữu đắc. Vật nghi. Bằng hạp trâm.

Tượng viết:

Do Dự đại hữu đắc. Chí đại hành dã.

Dịch.

Do mình thiên hạ được vui,

Khá đem chí lớn, giúp đời, giúp dân.

Đừng nghi chẳng có tay chân,

Bạn bè như tóc, theo trâm hội về.

Tượng rằng:

Nhờ ta thiên hạ được vui,

Càng cao trí cả, vì đời thi vi.

Hào tứ chủ trương như Thoán Từ rằng: nếu mình là trọng thần, mà ngày đêm lo đem lại an vui cho quốc dân, thì thực là một điều đại hạnh, đại bảo, còn gì mà phải nghi nan, phải sợ sệt. Chúng dân sẽ theo về mình, như tóc theo trâm, đó là trường hợp Chu Công, Y Doãn, Phó Duyệt, Đại Vũ, những bậc đại nhân như vậy, sẽ vì sự an lạc cho dân, mà lập những đại công, đại nghiệp, như ta thấy: Vũ trị Hồng Thủy, Y Doãn phạt Kiệt, Chu Công đông chinh.

5.  Hào Lục ngũ.

六 五. 貞 疾,恆 不 死。

象 曰: 六 五 貞 疾,乘 剛 也。 恆 不 死,中 未 亡 也。

Lục ngũ. Trinh tật. Hằng bất tử.

Tượng viết:

Lục ngũ trinh tật. Thừa Cương dã. Hằng bất tử. Trung vị vong dã.

Dịch:

Lục ngũ giống như người có tật,

Ốm lắt leo, mà chẳng chết cho.

Tượng rằng: Lục ngũ ốm lâu,

Vì là đã cưỡi lên đầu Dương Cương,

Dằng dai, vẫn sống vất vương,

Dằng dai, vì vẫn thời thường ngôi trung.

Hào ngũ cho rằng: khi nước đã thái bình, mà vua chuyên hưởng lạc, thì có khác nào một người mắc bệnh kinh niên, nan trị, sống lay, sống lắt đâu. Lúc ấy, còn hay mất, sống hay chết, không còn do vua quyết định. Quyền thần mà trung, thì ngôi vua còn, quyền thần mà phản, thì ngôi vua mất.

6.Hào Thượng Lục.

上 六. 冥 豫,成 有 渝,無 咎。

象 曰:冥 豫 在 上,何 可 長 也。

Thượng Lục. Minh Dự. Thành. Hữu du. Vô cữu.

Tượng viết:

Minh Dự tại thượng. Hà khả trường dã.

Dịch.

Vùi đầu mê hưởng cuộc vui,

Nếu như biết sửa, vậy thời lỗi chi.

Tượng rằng: Mê mải cuộc vui.

Chênh vênh, ngất ngưởng, lâu dài làm sao?

Hào Thượng cho rằng: Một con người đang say đắm trong hoan lạc, mà biết hồi đầu, tu chính, trở về với đạo lý, sống một cuộc đời thanh cao, thì có gì đáng trách đâu. Nhược bằng cứ vùi đầu trong hoan lạc. thì làm sao mà trường cửu được?

ÁP DỤNG QUẺ DỰ VÀO THỜI ĐẠI

Trong Kinh dịch, thì quẻ Lý nói về Lễ, quẻ Dự nói về nhạc. Ta nên biết, Nhạc hết sức quan trọng đối với vua chúa xưa, vì nó kích động và thanh lịch hóa tâm thần, nên các trường đều phải học nhạc. Mỗi triều đại, lại có một khúc nhạc tiêu biểu cho chí hướng, hoài bão và công trình của triều đại.

1.) Thời Hoàng Đế, có nhạc khúc Hàm Trì, ý muốn nói vua đã làm cho đạo đức phát huy, phát triển được khắp nơi.

2.) Nghiêu có nhạc Đại Chương, ý nói lên lòng mong muốn cho nhân nghĩa đại hành, phát độ chương minh.

3.) Đế Khốc có nhạc Lục Anh. Chuyên Húc có nhạc Ngũ Hành.

4.) Thuấn có nhạc Tiêu thiều. Thiều là kế tục, ý nói vua Thuấn muốn tiếp tục con đường của vua Nghiêu.

5.) Đại Võ có nhạc Đại Hạ, ý nói vua Đại Võ nối tiếp về đường lối của hai vua Nghiêu, Thuấn, muốn cho thiên hạ được thái bình.

 6.) Nhà Ân có nhạc Đại Hội, ý nói nhà Ân sẽ cố phục hưng, bảo hộ nền đạo đức của các Thánh Vương xưa.

7.) Nhà Chu có nhạc Đại Chước, cũng gọi là Đại Vũ, ý nói sẽ châm chước để luôn theo đường lối của hai vua Văn, Võ. Thế mới hiểu rằng: Người xưa mượn lời thơ, để nói lên chí hướng và hoài bão của mình, rồi phổ vào ca, nhạc, vũ, để lời thơ trở nên bất diệt, hoài bão mình trở nên quảng thi, quảng diễn, nhờ đó ảnh hưởng sâu xa đến quần chúng. Người xưa cho rằng: xét Thanh thì biết Âm, xét Âm thì biết Nhạc, xét Nhạc thì biết cách trị dân, trị nước.

Nay, trở về với dân tộc ta, ta sẽ nhận thấy tinh thần, ý chí của dân tộc đều có thể nhận thấy trong lời nhạc, ý thơ..

Hồi tiền chiến ( trước năm 1939), dân tộc ta còn sống trong vòng nô lệ của Thực Dân Pháp, lòng người dân, một phần ngơ ngác như con nai vàng lạc trong rừng hoang, một phần tìm được lối đi, nhưng không hẹn ngày trở lại, để vợ con mong mỏi ngày đêm. Tình trạng này, được nhạc sĩ Lưu Trọng Lư diễn tả trong tập thơ Tiếng Thu của ông, và năm 1939 đã phổ thành nhạc, và đã nổi tiếng một thời.

Em không nghe mùa thu,

Dưới trăng mờ thổn thức.

Em không nghe rạo rực,

Hình ảnh kẻ chinh phu,

Trong lòng người cô phụ.

Em không nghe rừng thu,

Lá thu kêu xào sạc.

Con nai vàng ngơ ngác,

Đạp trên lá vàng khô.

Cuối năm 1945, sau khi Việt Minh cướp chính quyền, lòng dân vùng dậy, khí thế hăng say, được thể hiện trong bài Anh hùng ca của nhạc sĩ Phạm Duy:

Ngày bao hùng binh tiến lên,

Bờ cõi vang lừng câu Quyết chiến. . .

 Tóm lại, ta có thể nói: Thơ & Nhạc là linh hồn dân tộc vậy. Ngày nay, ta thấy Thơ & Nhạc đi vào chỗ ủy mị. Thật là không nên vậy!

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

16.Lôi địa dự

Ðại cương:

Tên quẻ: Dự là duyệt (hòa vui)

Thuộc tháng 5.

Lời tượng

Lôi xuất địa phấn: Dự. Tiên vương dĩ tác nhạc sùng đức, ân tiến chi Thượng đế, dĩ phối Tổ Khảo.

Lược nghĩa

Sấm nổ đất vang là quẻ Dự (hòa vui). Đấng Tiên Vương lấy đấy mà làm ra nhạc để (tỏ lòng) sùng Đức, ân cần dâng lên Thượng đế, để Tổ Khảo cùng phối hưởng.

Hà Lạc giải đoán

Những tuổi Nạp Giáp:

Ất: Mùi, Tỵ, Mão

Quý: Sửu, Hợi, Dậu, Mùi, Tỵ, Mão

Canh: Ngọ, Thân, Tuất

Lại sanh tháng 5 là cách công danh phú quý.

Sấm nổ tháng 3, tháng 8 cũng vang lừng, đại phú quý. Những tháng khác, phúc nhỏ.

THƠ RẰNG:

Tiếng sấm vang lừng bao biến hóa,

Núi rừng xanh tốt, vững non sông

Hào 1:

Minh dự hung. Ý hào: Ðược dự, khoe ầm lên, nên lại kém đi.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Ðược dự thế lực, nhưng chỉ thành việc nhỏ.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Lượng hẹp. Mà tham vọng nhiều sợ thất bại.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: thắc mắc đợi ân sủng. Có việc phải trình bày để khỏi lỗi. _Giới sĩ: có cơ hội thành danh. _Người thường: lo sợ, khẩu thiệt, trở ách.

Hào 2:

Giới vu thạch, bất chung nhật, trinh cát. Ý hào: Giữ trung chánh, gặp cơ hội.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Siêng năng đức nghiệp. Mẫn tiệp danh cao.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng giữ vững, không xiểm nịnh, không vẩn đục tri cơ, tốt.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: biết tiến thoái đúng lúc. _Giới sĩ: tiến thủ thành dang. _Người thường: Mưu tính được lợi.

Hào 3:

Hu dự, hối tri, hữu hối. Ý hào: Trông vào người mà vui, hối kịp thì khỏi ăn năn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Tuy có người trên giúp ta, cũng không xong. Dù chức vụ nhỏ, cũng hơi trắc trở.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Lòng dùng dằng, Trí không yên.

XEM – TUẾ – VẬN: Phàm mọi việc không đúng thực tế, tiến thoái vô định. Thị phi khôn lường.

Hào 4:

Do dự, đại hữu đắc, vật nghi, bằng hạp tràm. Ý hào: Có công đem vui đến, lại bảo cho biết cách giữ gìn lấy sự vui mừng.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Tiếng thơm đức hậu, quyền trọng, công cao, làm việc lớn. Giải quyết được việc lớn.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng có phúc đức, được tôn trọng, vợ chồng hòa vui. Nếu vợ mạng âm thì phúc thọ, nhưng không có ngôi chính.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: được hiểu biết. _Giới sĩ: tiến cử. _Người thường: kinh doanh đắc lợi.

Hào 5:

Trinh tật, hằng bất tử. Ý hào: Nếu vui thỏa ý thì bị đắm đuối.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Là quí nhân chánh đáng, nhưng chí khí mềm oặt để quyền binh về người khác, tuy hiển đạt nhưng có tật bệnh mới sống lâu được.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Nhu nhược, thiếu tự lập, nhiều bệnh hoạn.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: phải dựa vào quyền thế người khác. _Giới sĩ: không người giúp, khó gặp cơ hội. _Người thường: nhiều việc lo nghĩ, tai nạn khó tránh. Bệnh tim, bụng.

Hào 6:

Minh dự, thành hữu du, vô cữu. Ý hào: Vui thỏa thích nhưng biết cải biến thì không lỗi.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Biết nghe cản ngăn, cải lỗi lầm, nên có ít nhiều danh lợi.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Vui quá hóa buồn.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: bị triệt vì tham nhũng. _Giới sĩ: hôn mê, sai ngoa. _Người thường: kiêu ngạo, tranh tụng, nên sửa đổi mới khỏi lỗi.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)


Chủ đề: Chương 19: Quẻ LÔI ĐỊA DỰ
Biên tập / Tác giả: Hoc.Kabala.vn


Tìm kiếm thêm bài có từ khóa:
Tuyên bố trách nhiệm từ Kabala: 1. Không nên coi những tính toán và nội dung bên trên làm cơ sở duy nhất cho mỗi quyết định. Cuộc đời còn phức tạp hơn nhiều những luận đoán này.
2. Hôm nay là huyền học, ngày mai là vật lí học. Mỗi môn khoa học đều chứa một phần sự thật và đều chứa một phần không chính xác.
3. Một ngày có thể là may, có thể là rủi, kết quả sẽ khác đi phụ thuộc vào việc ta làm gì và hành động như thế nào. Cái rủi dạy cho ta một bài học, cái may khiến ta lười biếng.
4. Sự lựa chọn mạnh hơn cả số phận. Sự lựa chọn chi phối số phận. Quên đi điều đó thật dễ dàng nên chúng ta thường tiếp tục bỏ qua. Đó chính là nguy hiểm và là nguy cơ tiềm ẩn trong các môn mệnh lí.
5. Không nên chờ đợi sự tiên đoán số phận nói với chúng ta điều gì về tương lai, vì tương lai trở thành những trang lịch sử khi chúng ta viết nên chúng. Số phận là sự có thể, lịch sử là cái chúng ta biến sự có thể thành hiện thực.
6. Kabala Huyền học sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC MIỄN PHÍ

Nhập thông tin của bạn để xem Thần số học miễn phí từ Kabala: Đường đời, sự nghiệp, sứ mệnh...

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)